Wednesday 5 February 2014

Cựu lãnh sự Việt Nam tại Thụy Sĩ xin tị nạn chính trị



Người Việt: Monday, February 03, 2014 6:31:56 PM


Ông Đặng Xương Hùng,cựu lãnh sự Việt Nam tại Thụy Sĩ xác nhận đã xin tị nạn chính trị ở nước này.(Hình: Internet)


GENEVA 3-2 (NV) .- Đúng vào thời điểm nhà cầm quyền CSVN phải báo cáo nhân quyền định kỳ tại Liên Hiệp Quốc, một viên chức ngoại giao cao cấp của chế độ loan báo là đã xin tị nạn chính trị tại Thụy Sĩ.

Theo AFP hôm Thứ Hai 3 tháng 2, 2014, ông Đặng Xương Hùng, nguyên là lãnh sự của nhà cầm quyền CSVN tại Thụy Sĩ từ năm 2008 đến 2012 đã chính thức nộp đơn xin tị nạn chính trị ở nước này từ Tháng 10 năm ngoái, nhưng ông giữ kín cho đến bây giờ mới nói ra trong cuộc phỏng vấn của đài truyền hình Leman Blue ở Geneva tối Chủ Nhật.
“Bức tường Bá Linh đã sụp đổ 25 năm trước nhưng Việt Nam vẫn còn nằm dưới sự cai trị của chế độ Cộng Sản.” Ông nói với Đài truyền hình. “Đảng CSVN tồn tại chỉ với mục đích tiếp tục độc tài và tiếp diễn với chế độ độc đảng.”

Ông Đặng Xương Hùng, 53 tuổi, đã gia nhập ngành ngoại giao của CSVN từ năm 1983 khi ông mới 22 tuổi, cáo buộc cái hệ thống chính trị độc đảng hiện nay là đầu mối của “cuộc khủng hoảng toàn diện” của đất nước Việt Nam trên tất cả mọi lãnh vực.

“Việt Nam bị khủng hoảng cả về kinh tế, chính trị, giáo dục và y tế”, ông Hùng nói vậy và cho hay thêm là ông hy vọng sự đào thoát của ông có thể dẫn đến sự bỏ chạy của nhiều viên chức ngoại giao khác mà ông tin hiện nay họ còn đang chần chừ.

Ngày Thứ Tư 5/2/2014 sẽ diễn ra buổi báo cáo về nhân quyền của nhà cầm quyền CSVN, theo thông lệ 4 năm một lần, của Liên Hiệp Quốc. Tin ông xin tị nạn chính trị vào lúc này chẳng có gì tồi tệ hơn cho chế độ. Hiện nhà cầm quyền Hà Nội đang đối diện với những áp lực chưa từng có của người dân Việt Nam trong và ngoài nước muốn thấy nhân quyền được tôn trọng thật sự.

Vào dịp ông Lê Hiếu Đằng loan báo bỏ đảng trước khi qua đời cuối năm ngoái, cũng ngày 5/12/2013, ông Đặng Xương Hùng gửi một lá thư đến Văn phòng đản Ủy Bộ Ngoại Giao CSVN thông báo “ra khỏi đảng”.

Lý do được ông nêu ra trong lá thư như sau 
“Tôi tên là Đặng Xương Hùng, sinh ngày 13/9/1961, vào đảng ngày 28/2/1986. Tôi viết thư này để thông báo tôi từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam.
“Tôi đã từng hy vọng cùng với những diễn biến mới đây, đảng Cộng sản Việt Nam sẽ chấp nhận bỏ điều 4 trong Hiến pháp, chấp nhận một sự cởi mở dù là nhỏ trong chính trị, để đưa đất nước ra khỏi vòng luẩn quẩn. Áp dụng một chế độ như Ông Lý Quang Diệu đã làm ở Singapore.
“Đấy cũng là hy vọng chung của đông đảo người dân Việt Nam. Nhưng bất chấp, đảng vẫn tiếp tục sao chép – hoặc bị ép buộc tuân theo láng giềng tàn ác phương Bắc: chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.'
“Gần đây những bí mật của ông Hồ Chí Minh đã bị phơi bày. Chúng tôi, hầu hết là đảng viên, vẫn thường vui vẻ đùa cợt có những bài vè chế giễu, nhưng rất đúng về nhân vật này. Ông Hồ Chí Minh đã bị nghi ngờ là một người Trung Quốc, có tên là Hồ Tập Chương, do Quốc tế cộng sản dựng lên, thay thế cho Nguyễn Ái Quốc, người đã chết năm 1932.
“Mọi niềm tin đã bị đánh cắp. Tôi tuyên bố ra khỏi đảng.”

Nhân dịp sắp có buổi báo cáo định kỳ của Việt Nam về nhân quyền, ngày 19/1/2014, ông gửi một lá thư cho các bạn đồng nghiệp ngành ngoại giao của ông, kêu gọi họ thức tỉnh lương tri, không giúp nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục lừa gạt thế giới với bản báo cáo viết hoàn toàn ngược lại sự thật.

“Tôi quan tâm không nhiều đến nội dung các bạn trình bày trong Phiên báo cáo kiểm điểm định kỳ toàn cầu lần này. Tôi biết các bạn là những người Việt Nam giỏi nhất trong việc viết báo cáo loại này và các bạn đã được cấp trên phê duyệt tỉ mỉ trước khi các bạn lên đường. Các bạn không thể nói khác được.'

'Những bằng chứng về vi phạm nhân quyền ở Việt Nam luôn luôn thừa thãi, mà chính các bạn là người nắm đầy đủ nhất. Điều mọi người quan tâm nhất là thái độ của các bạn tại Phiên họp lần này.” Ông Hùng viết.
 “Cái tâm nằm trong con tim và khối óc nhưng muốn có được cái tâm trong sáng, cần được thể hiện ra ngoài bằng thái độ và hành động. Các bạn đã có tấm lòng thương yêu nhân dân và dân tộc Việt Nam, các bạn nên biểu hiện bằng hành động. Đó là các bạn nên chăm chú lắng nghe, ghi chép đầy đủ và báo cáo trung thực tất cả những gì mà bên ngoài nói về nhân quyền ở Việt Nam. Các bạn nên làm những điều này với sự chân thành và cầu thị nhất”.

Ông nhắc nhở các đồng nghiệp là
“Chúng ta là công dân Việt Nam, đồng thời cũng là công dân toàn cầu. Vai trò của các bạn là rất lớn cho tương lai của dân tộc Việt Nam. Nhất là khi Việt Nam được bầu là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc. Một lần nói thật, ta sẽ không còn phải mất công bao bọc sự giả dối.”

Trong khi chờ đợi cuộc điều trần của nhà cầm quyền Hà Nội tại Ủy Ban Nhân Quyền LHQ, một số cuộc hội thảo về tình hình nhân quyền tại Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế phối hợp với các tổ chức của người Việt Nam, diễn ra ngay tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva. Nhiều người là nhân chứng sống cho tình đàn áp trạng nhân quyền ở Việt Nam có mặt trong các buổi hội thảo cũng như thăm viếng các phái đoàn trong Hội Đồng Nhân Quyền LHQ.

Ông Phạm Chí Dũng, một tiến sĩ kinh tế và là nhà báo tự do ở Sài Gòn, được tổ chức UN Watch mời sang Geneva tham dự điều trần, đã bị Công an chặn lại ở phi trường Tân Sơn Nhất, tịch thu hộ chiếu và cầm xuất cảnh. Chuyện này xảy ra buổi chiều tối Thứ Bảy 1 tháng 2 được nhiều bloggers và Facebookers loan báo nhanh chóng.

“Chúng tôi được báo động là nhà cầm quyền Hà Nội muốn bịt miệng ông Phạm Chí Dũng”, Hillel Neuer, chủ tịch tổ chức UN Watch viết như thế trong một bản tuyên bố.

Vẫn theo AFP, tổ chức UN Watch và Việt Tân đã mời ông Phạm Chí Dũng sang đọc tham luận tại buổi hội thảo về nhân quyền Việt Nam diễn ra ở trụ sở LHQ một ngày trước cuộc điều trần của nhà cầm quyền CSVN. Ông Phạm Chí Dũng cũng đã loan báo từ bỏ đảng CSVN từ cuối năm ngoái. (TN)

(Đăng lại từ http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=182033&zoneid=1#.UvFCTWKSx8E )


Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.



1 comment :

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.