Sunday 28 April 2013

Như mới hôm qua!

Dxt. ::
30
tháng 4 năm 1975
30 tháng tư năm 2013.
Đã gần bốn mươi năm rồi đó nhưng ta cứ tưởng như mới hôm qua ngày định mệnh.Ta soi gương. Hình ta đã già hơn năm trước. Tóc bạc thêm. Vầng trán nhăn nheo, những vết nhăn, buồn theo năm tháng!
Ngày 30 tháng 4 năm nay cũng như mọi năm, ta sẽ nghỉ cày một ngày, sẽ ở nhà, rót ly rượu đắng cay, ngồi một mình, nhắm nháp nỗi buồn của một người thất trận và nghĩ suy.
'Rồi có một ngày chinh chiến tàn.'
Câu hát cũ gợi đầy nỗi nhớ. Nhưng chinh chiến vẫn chưa tàn trong ta dù gần bốn mươi năm đã trôi qua?
Melbourne, thành phố nơi ta phiêu dạt, thường cháy trong cơn hạn. Melbourne cần nước. Không có nước, thành phố sẽ hấp hối, sẽ chết. Ta mất ‘nước’, ta sẽ hấp hối, sẽ chết.
***
Đêm qua trời đổ trận mưa to. Mưa như người đi xa trở về quê cũ. Những giọt mưa ồn ã gõ vào khung cửa kính, như nói người rằng: Mưa đã trở về. Nước đã trở về! Ta nửa tỉnh, nửa mơ trong tiếng mưa rơi. Và trong cơn mơ, ta trở về quê cũ.
Ta thấy quê ta mênh mông trong buổi chiều thơm rơm đốt đồng khói tỏa. Ta thấy cánh cò xoải bay về đâu trong buổi chiều ráng đỏ.
'Chim bay về núi tối rồi. Chị em sắm sửa lấy nồi nấu cơm!’
Hòa bình! Ta thấy nhà ta buổi tối quây quần bên ngọn đèn huê kỳ vặn tỏ. Ba ta ngồi đọc báo; má ta ngồi may vá; anh, em ta đang ngồi tập đọc cuốn vần con gà nó gáy ó o. Rồi ai làm bom, đạn nổ?
Chiến tranh! Ta thấy lại những người không còn ai thấy nữa. Những người đã chết. Người chết là bé thơ còn ngậm bầu vú mẹ. Xác mẹ và con, cả hai, đều lạnh giá trong ngày mồng một tết Mậu Thân tám nẻo đường thành.
Người chết là thiếu nữ, mới chớm tuổi xuân thì, mà buổi đầu hôm còn trò chuyện với ta về tương lai, về hạnh phúc… để nửa đêm về sáng, một mảnh đạn pháo xuyên vào tim em, chấm dứt ngày em mơ mộng cũ! Ta vẫn còn thấy em nằm sóng soài trên chiếc ghế bố, ai đó dùng thay thế chiếc băng ca để ta tiếp khiêng em vào bệnh viện. Nhưng không còn kịp nữa rồi! Em chết mà không biết vì tội gì mình phải chết?
Người chết là người lính trẻ, tử trận chiều qua mà ta đã gặp trong Nhà Quàn Liên đội chung sự Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa khi ta lên để nhận xác của anh ta đã bỏ mình trong trận Ba Hô, Quảng Trị ngày 15 tháng 8 năm 1971.
Người chết là em thơ, mà cây AK 47 em mang, còn dài hơn cả thân em, khi ta thấy em nằm hấp hối bên vệ đường thành phố mà ai đã đưa em vào giải phóng trong tổng công kích Tết Mậu Thân. Em chết ngơ ngác, chết bàng hoàng như thể chưa nhận ra được kết cuộc bi thảm của một chuyến đi đầu năm mà em cứ tưởng là một chuyến rong chơi.
Ta vẫn còn nghe tiếng ông Chín Đờn Cò và bà Năm Trầu nói chuyện. Ta yêu cái giọng miền Tây Nam Bộ chơn chất ấy. Ta nghe tiếng gà vịt trong chuồng đòi ăn, tiếng nghé ngọ của bầy trâu rời chuồng trong chương trình phát thanh Hương Quê mỗi sớm bình minh năm cũ. Ta vẫn còn nghe tiếng ai đó hò, vòng vọng, lan tỏa trên đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi.
Ta vẫn còn nghe tiếng hò reo xung trận, tiếng súng nổ, đạn bay, tiếng rên la của người bị thương, tiếng than khóc của những người ở lại, đau đớn tiễn người đi.
Ta vẫn còn nghe tiếng lựu đạn M67 nổ khô khốc trước sân cờ đài phát thanh Cần Thơ 11 giờ 30 sáng ngày 30 tháng 4 năm ấy. Tiếng nổ chấm dứt cuộc đời của một người chiến sĩ địa phương quân thuộc lực lượng cơ hữu phòng thủ đài phát thanh Cần Thơ. Thà chết chứ không chịu sống để chứng kiến cảnh đất nước, nhân dân rơi vào tay giặc!
***
Ta vẫn còn nghe lời nói của một người lính, trích từ kinh thánh:
‘We, the soldiers who have returned from battles stained with blood, say to you with a loud and clear voice: Enough of blood and tear. Enough!’
‘Chúng ta, những người lính từ mặt trận trở về, mình còn đẫm đầy những máu, dõng dạc nói với các ngươi rằng: Đã đủ rồi máu và nước mắt. Đã đủ rồi!’

Đó là những điều ta và bao nhiêu người lính cùng thế hệ với ta đã thấy, đã nghe, đã cùng nghĩ suy trong ngày 30 tháng 4 định mệnh đó. Chúng ta đã buông súng vì nghĩ rằng máu và nước mắt đã đủ rồi.

‘Enough of blood and tear. Enough!’
Ta, những người lính trẻ năm ấy, không hề nghĩ rằng: Mẹ ơi! nuôi con lớn để con làm tù binh! Ta không hề nghĩ rằng: ta sẽ bị trả thù, sẽ bị bắt đi học tập cải tạo, sẽ bị di chuyển từ trại tù nầy sang trại tù khác, từ Nam chí Bắc. Ta không hề nghĩ rằng ta buông súng để thân tù áo mỏng giữa cơn gió Hoàng Liên Sơn mùa đông khắc nghiệt, lạnh căm căm. Có bao nhiêu người cùng thế hệ với ta đã đi, chẳng thể trở về? Làm sao biết được chính xác con số nhưng cái chắc là nhiều… nhiều lắm!
***
30 tháng 4 năm 1975.
Ta còn trẻ, mắt còn sáng, tóc còn xanh, nhìn đời vẫn còn nhiều cao vọng pha lẫn chút ngây thơ.
Tuổi trẻ nào không thế! Ta đã từng ngây thơ tin rằng: hết chiến tranh rồi mọi sự đâu sẽ vào đấy. Sẽ hòa giải. Sẽ hàn gắn. Sẽ không còn bắn nhau, không còn đặt mìn, phục kích, pháo kích, bỏ bom. Người Việt Nam sẽ không còn giết nhau bằng súng Nga, bom Mỹ nữa. Người Việt Nam sẽ không còn chết nữa. Ta đã lầm!
Người Việt Nam vẫn chết, mà chết còn nhiều hơn trước. Chết bi thảm hơn. Chết khắp nơi: chết trong trại tù từ Nam chí Bắc; chết trên biển Đông trên đường vượt biển; chết trong rừng sâu vượt bộ Cao Miên!
Rồi có một ngày chinh chiến tàn. Ta trở về quê.”
Không! Ta không còn quê nữa để trở về. Ta lưu lạc, ta tha hương!
***
Melbourne đang chớm thu, lá rụng. Lá rụng trước sân vườn, lá rụng trên những con đường thanh bình yên tĩnh. Quê người ôi đẹp biết bao! Nhưng quê người dẫu đẹp vẫn không phải quê ta. Quê ta là con đò, bến nước, là mái lá có lu nước nước mưa trước hiên nhà dành cho khách bộ hành giải khát bước đường xa.
Ta cũng đang vào thu, sắp rụng như chiếc lá thu thôi. Bây giờ cứ đêm đêm ta lại mơ về thành phố cũ: Cần Thơ. Con Bắc Cần Thơ! Người nghệ sĩ mù và câu hát 'Dẫu sao đi nữa thì chị cũng về với em'.
Có thể là quá trễ để ‘Dẫu sao đi nữa thì chị cũng về với em’. Ta đã già rồi, sức tàn lực kiệt, đèn khô dầu, lụi bấc. Ta sẽ không còn dịp gặp lại ông Chín Đờn Cò và bà Năm Trầu nữa đâu. Hỡi ơi! những người nghệ sĩ thân thương ngày đó còn sống hay đã chết? Nếu sống thì phiêu bạt ở phương nào? Có đêm mơ về quê cũ như ta? Ta tin rằng Ông Chín Đờn Cò và Bà Năm Trầu đã chết cùng với người lính địa phương quân phòng thủ Đài Phát Thanh Cần Thơ năm ấy.
Trước hay sau gì chăng nữa, nếu đất nước ta vẫn còn trong tay giặc, ta vẫn chưa về. Ngày ta nằm xuống ở đất lạ quê người, hãy đưa ta vào lò thiêu. Thân xác ta! Cát bụi sẽ trở về cát bụi. Xin hãy giữ dùm ta những những tro than ngày cũ chờ đợi một ngày thôi bóng quân thù.
Hãy mang ta về quê cũ, vùi những tro than đó xuống lòng đất quê hương. Ta sẽ thực hiện được lời ước nguyện của người nghệ sĩ mù trên bến bắc Cần Thơ với câu hát tiên tri: ‘Dẫu sao đi nữa thì chị cũng về với em’.
Lúc đó cuộc chiến mới thực sự tàn hẳn trong ta. Hãy để bụi thời gian năm tháng phủ mờ bia mộ đường quên!
đoàn xuân thu.
Melbourne

Từ "Made in America" đến "No China Shop"


N
ước Mỹ đang rộ lên phong trào vận động dùng hàng nội, từ năm 2011 Đài ABC News (của Hoa kỳ) đã mở chuyên mục "Made in America" do nữ phóng viên trụ cột Diane Sawyer chủ trì. Chương trình này nhằm cổ vũ dân Mỹ đừng dùng hàng ngoại nhập mà chỉ dùng hàng làm tại Mỹ. Lý do chính được đưa ra là tiêu dùng hàng trong nước sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân và thúc đẩy nền kinh tế. Diane tính rằng nếu mỗi người Mỹ chịu bỏ thêm 1% chi phí, tức là khoảng 18 xu một ngày, thì sẽ tạo được 200 000 việc làm. Vâng hai trăm ngàn công việc cho dân Mỹ.

Thứ Bảy 26.4.1975

C ộng Sản tấn công vào trường Thiết Giáp và căn cứ Nước Trong, Long Thành. Đường 15 nối Sài gòn với Vũng Tàu bị cắt đứt. Sau ba ngày không dứt được điểm, Cộng Sản bỏ căn cứ này mà tiến về Sài gòn.
Cùng ngày, Cộng Sản Bắc Việt tiến quân đến gần sát Thành Tuy Hạ là kho đạn của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Tình hình tại Sài gòn trở nên nguy kịch.

Cẩu xực xí quách!

dxt. :: 
'Cẩu xực xí quách'
nguyên nghĩa là con chó ăn xương hầm. Nhưng theo bà con dân gian mình khi ‘quánh’ không lại chẳng hạn, kẻ yếu hơn dùng toàn lực để tổng tấn công địch thủ; mà võ khí rất hữu hiệu trong trường hợp này là hàm răng, làm địch thủ đau thấy bà tiên tổ, còn cho mình đỡ phải ngứa răng đó là: chiêu ‘cắn’ hay gọi kiểu kiếm hiệp giang hồ Kim Dung tiền bối là ‘cẩu xực xí quách!’

Vẽ bậy (Graffiti)

Ben Trần :: 
K
hông biết các bạn có cảm thấy bực bội không khi nhìn thấy các bức tường hay những công trình đẹp đẽ tự nhiên bị xịt sơn hay bị vẽ bậy. Khi tôi thấy những vết vẽ bậy đâu đó làm tôi liên tưởng đến những người quậy phá hay phản kháng xuất hiện đâu đây.