Monday 29 October 2012

Đánh dấu chữ Việt




Khi chơi ‘3 bà 4 chuyện’ với bà con bạn đọc Việt Luận, OG nhận ra một số bạn đọc dùng computer khá lâu nhưng cho đến nay vẫn không đánh dấu chữ Việt.

Khi mở ‘quán blog’ này – như chữ bạn đọc Charlie gọi -- OG được vài bạn đọc gởi bài thiệt hay nhưng không đánh dấu. Thế là OG ra tay đánh dấu....
Thiệt là buồn cười, OG đánh dấu quá bậy bạ. 
Thơ của người ta như thế này:

Em di mot sang troi Thu dep
Thon ngheo vang bong ke dau song
Mau Mua tim tim cang them tim
The gian nay hoi ! co con DONG?

OG phang bậy thành:

Em đi một sáng trời Thu đẹp
Thôn nghèo vắng bóng kẻ đầu sông
Mau Mua tìm tím càng thêm tim
Thế gian này hỏi ! có con DONG 

Sang khổ thơ thứ nhì thiệt là bùi ngùi:

Chanh long qua cho Chieu tan som
Doi mat cung noi de kiem tim
Nho hoai cam thao noi nha YEN...
Loi ai? bui ngot buot buong tim

Thì OG hết biết. Đành đánh dấu như dùi đục:

Chạnh lòng qua cho Chiều tần sớm
Đôi mắt cũng nơi để kiếm tìm
Nhớ hoài cam thảo nói nhà YÊN …
Lời ai? bùi ngọt buot buồng tim

Đến đây thì thi sỹ của chúng ta hiển nhiên khóc thét lên vì cái tài … đánh đấm của OG.

***

Thiệt tình mà nói, đánh dấu chữ Việt khi dùng computer là chuyện dễ ợt với điều kiện chính tác giả tự đánh dấu.
Với bạn đọc từng cưỡi máy computer tung hoành ngang dọc trên mạng, OG xin chỉ một nơi chốn để ghé vào đó nhờ họ bỏ dấu giúp. (OG đã làm thế khi đánh dấu giúp bạn đọc làm thơ ở trên).

1.  Bạn đọc cứ thoải mái đánh chữ Việt không dấu.

2. Ghé vào địa chỉ http://www.easyvn.com/tiengviet/index.php 
(bạn đọc bấm mouse vào đây là tới nơi đó liền) 

3. Màn ảnh hiện lên như thế này.


4. Cọp-bi bài văn chữ Việt không dấu vào khung trống.
5. Bấm mouse vào chữ “Thêm dấu” trên màn ảnh.
   Voilà!
   Trang web này tự động đánh dấu cho các bạn.

Việc sau cùng là cọp-bi bài văn đã đánh dấu về trở lại máy computer và.... gởi cho OG.

OG3T

PS. Hiện tại, trong kho comments của blog Việt Luận  còn hai comments không được đánh dấu chữ Việt.  Xin bạn đọc đã gởi hai comments đó dùng thử easyvn.com và gởi lại lên blog Việt luận nghen.

Nơi tôi ở



Blog Việt Luận do bạn đọc Việt Luận chung sức xây đắp
và mong muốn thành một nơi mang nét đăc thù của người Việt định cư tại đất phương Nam.

Blog có thể có vài ba giới hạn
nhưng khi xông pha vào mạng lưới thông tin toàn cầu
thì blog hòa mình vào chốn “không biên cương”.

Nhờ “không biên cương”
blog Việt Luận đã đến một phố núi có cô “má đỏ môi hồng”.
Phố núi đó ở đâu? Cô ‘má đõ môi hồng” là ai?
Bài thơ sau đây trả lời hai câu hỏi đó.
OG3T

Nơi tôi ở - một miền rừng núi
Qui tụ dân khắp bốn phương trời
Đến nơi đây mưu cầu sự sống
Chốn rừng thiêng chướng khí hoang sơ
Quanh năm chỉ hai mùa mưa nắng
Mưa bết bùn dẻo quánh vào nhau
Nắng tung bụi mịt mù phố xá
Đỏ quạch người phủ khắp toàn thân
Có núi cao tên gọi Hàm Rồng
Sương sớm phủ dày không thấy đỉnh
Có Biển Hồ mệnh danh ngọc bích
Nước gương trong xanh suốt quanh năm
Có thủy điện YaLy hùng vĩ
Đưa điện về thắp sáng thôn làng
Vùng cao nguyên đất đỏ bazan
Rất phù hợp loại cây công nghiệp
Vương tầm mắt đồi nương xanh thẳm
Bạt ngàn hương ngào ngạt cà phê
Những đồi chè dọc theo triền dốc
Rừng cao su trùng điệp hàng hàng
Phủ núi đồi những rặng thông xanh
Mùa se lạnh dã quỳ vàng rực rỡ
Hòa nhập với trời xanh mây trắng
Là bức tranh sơn thủy hữu tình
Dù không phải nơi chôn nhau cắt rốn
Song trong tôi tràn ngập yêu thương
Là quê hương một đời yêu dấu
Chưa đi xa mà vẫn nhớ từng ngày
Kỳ diệu thay! Tình phố núi Pleiku !!!
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở.
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” (*)

Thiên Thu

* Thơ Chế lan Viên

Sunday 28 October 2012

Melbourne Cup



OG3T loan báo: mục “3 bà 4 chuyện” của báo Việt Luận ngày thứ Ba sẽ chấm dứt vào ngày Melbourne Cup. Không hiểu tại sao OG lại chọn ngày nầy để kết thúc ? Chắc OG có duyên gì với ngày Melbourne Cup chăng? Năm ngoái, OG cho tôi biết vào ngày Melbourne Cup ông thắng được $5. Các bạn chung sở đòi đãi đằng. Ông đãi một chầu cà phê tốn $20!  Thế mà có được 1 ngày vui ….Riêng tôi ngày Melbourne Cup gợi nhớ những ngày xáo trộn nhiều trong cuộc sống.

Nơi tôi làm việc có cả nam lẫn nữ. Khoảng phân nửa các ông nầy lại có cái thú tiêu khiển là chơi cá ngựa. Hễ đến giờ ăn trưa là các tay nầy tụ lại bàn bạc chuyện cá cuộc... Mỗi tay có một “kinh nghiệm“ riêng: ông thì giỏi về đặc tính các con ngựa, ông thì nhớ nhiều về các chú ngựa đã từng về nhất trong các giải lớn....Tôi thường ngồi ăn chung bàn dài gồm năm sáu ông. Có lần tôi được một ông trong nhóm cố vấn: “...Mầy coi nè, đánh cá ngựa dễ hơn đánh lô-tô nhiều lần...Lô-tô mầy phải chọn trong số 45 con; chơi cá ngựa mầy chỉ chọn  trong số 24 con, đôi khi chỉ có 20 con trong 1 cuộc đua...”. Hết ngày nầy qua ngày khác,“gần mực thì đen". Tôi bắt đầu tham gia cuộc chơi từ ngày Melbourne cup khoảng 10 năm về trước.

Lần đầu thắng được $15. Máu đỏ đen dần phát triển.Tiếp tục chơi...không biết bao nhiêu lần nữa khi thắng khi thua...những lần thắng rất ít những lần thua càng tăng lên. Mỗi lần thua mình cứ tự an ủi: "lần sau đánh cách khác cơ hội thắng nhiều hơn"...Có nhiều lần chọn đúng con ngựa về nhất nhưng vẫn lỗ tiền túi. Mình cứ nghĩ chọn nhiều con, xác suất trúng cao hơn. Cái lý thì đúng, kết quả thì sai. Thí dụ bạn chọn ra ba con ngựa. Cho dù có một trong ba con  bạn đã chọn về nhất, bạn đã mất tiền vì hai con kia...và cứ thế thắng một thua hai...hay là thắng hai thua ba....
Chơi lâu, tôi cũng bắt chước những thằng trong sở làm: ghi vào sổ tay các con ngựa đã từng về nhất. Con ngựa nầy từng về nhất ở Sydney 2,400m, con kia từng về nhất ở cuộc đua tại Brisbane 3,000m...Cứ thế danh sách  dài ra. Mình cứ nghĩ mình đang học khôn trong nghề nầy mà quên đi lời khuyên của nhà thơ Nguyễn Khuyến ngày xưa:
            “Khôn nghề cờ bạc là khôn dại,
              Dại chốn văn chương, ấy dại khôn”

Xã hội càng tân tiến thì kỷ nghệ cờ bạc càng phát triển tinh vi. Cứ việc mở một trương mục với một tổ chức bán vé đua ngựa nào đó, để vào đó một số tiền . Bạn đang làm gì với công việc của bạn...Bạn cũng có thể nhín ra năm ba phút dùng điện thoại hay vào mạng mà đánh cá...thua thì tiền trong trương mục giảm đi; nếu thắng thì tự động họ trả tiền vào trương mục của mình. Hết tiền thì tiếp tục vô mạng chuyển ngân vào trương mục nầy.
Không cần tới trường đua, không cần tới TAB chi tiền ra hay lãnh tiền trúng...
Mà dư thì giờ tới trường đua ngựa còn mê mẫn hơn nữa. Bạn nghe radio, xem tivi về các cuộc đua: mình có nhiều cảm giác hồi hộp, tức giận,nôn nóng....về con ngựa mình chọn đã không phóng như ý mình muốn. Đến tận trường đua chứng kiến tận mắt, các cảm xúc nầy cao gấp bội. Cảm giác mạnh, cảm giác bực tức hay vui mừng dâng tràn kéo dài theo từng bước ngựa phi...Có lần trên màn ảnh tivi tôi thấy cựu thủ tướng Bob Hawke đã vung tay, há miệng hô hào cổ võ cho con ngựa mình chọn đang phóng nước rút...
Cảm xúc không thể kềm chế được! Không màng gì về “diplomacy” cả, cho dù có vị quốc khách đang ngồi kế bên là Nữ hoàng Anh. Bà Nữ hoàng ngồi kế bên chỉ nhìn im lìm sượng sùng... Bởi vậy mới có nhiều người thua cháy túi nơi trường đua, rồi tự an ủi mình đi chơi cho vui.... Just for fun!!!!

Ba tháng đỏ đen, cuộc sống có hơi lung lay. 
Tinh thần cũng có phần chao đảo vì có ngày thua đậm...
Kinh tế gia đình cũng đang suy giảm. 

Bà xã tôi  lo lắng lắm. Thỉnh thoảng bắt gặp tôi còn giữ các biên nhận mua cá ngựa trong túi quần. Vẻ mặt buồn buồn, nhưng bà không làm ầm ỉ. Không trách móc. Tôi cũng có phần ngượng ngùng và lương tâm cảm thấy mình có lỗi . Bà vợ lo xách từng thùng nước mưa hứng được để tưới rau. Chỉ vài cây cà, vài bụi xà lách để vừa tiết kiệm tiền nước vừa tiết kiệm tiền rau. Ông chồng lại phung phí từng ngày...có ngày vài chục có ngày vài trăm. Tôi ngầm tự hỏi, tôi có hạnh phúc không với cuộc sống hai mặt thế nầy...Sự im lặng của bà xã tôi làm tôi phân vân chắc bà ta lo nghĩ về kế sách “giết chó khuyên chồng ”. 
Cái tài của các bà là không nóng giận mà âm thầm lo đối phó. Bởi những con tim nguội lạnh và đầu óc nóng nảy không giải quyết được gì cả. Thú thật trong ba tháng mê muội vào cờ bạc của tôi, vợ chồng không hề có một tiếng cãi lộn.

Tôi không biết kế hoạch “giết chó khuyên chồng” của vợ như thế nào hay đã đi đến đâu. Mẹ tôi  biết , em gái tôi cũng biết. Dĩ nhiên do vợ tôi rỉ tai. Mẹ tôi tặng cho tôi những lời khuyên răn nhẹ nhàng...

Rồi một hôm sự việc quan trọng khác xảy đến...Ông giám đốc thông báo, trung tâm phân phối thư tại Newcastle có một chỗ trống. Ông bà nào muốn về đó cứ việc điền form.
Hai tuần sau, tôi được chọn cho về đây. Tới nơi làm việc mới tôi quen được một ông. Lão nầy để râu xồm xoàm, quần áo không khi nào ủi, thích chơi mô tô phân khối lớn...Tới bữa ăn trưa tôi ngỡ ngàng hơn nữa, lão ta dùng đũa còn rành rọt hơn cả các con tôi. Nói chuyện lâu tôi được biết ông ta đi du lịch Nhật Bản nhiều lần. Ông ta là tay chơi Bonsai có hạng. Mười chín năm chơi Bonsai.Thỉnh thoảng ông làm thuyết trình về chủ đề nầy cho các cuộc triển lãm Bonsai. Hiện là chủ tịch của Bonsai Club nơi thành phố tôi ở.

Bonsai
 (hình do tác giả chụp và gởi)
Những ngày sau đó tôi bị lôi cuốn vô việc chơi Bonsai...Thỉnh thoảng tôi bưng về những cây Bonsai nhỏ tí teo trị giá $9 hay $10. Bà xã tôi rất là vui vẻ dùm tưới nước không quên một ngày! Có lần tôi nhờ ông bạn già mua dùm tôi bộ đồ nghề cắt tỉa Bonsai từ Nhật. Cầm lên thấy giá tiền $270, tôi đang chờ những câu nhăn nhó của vợ mình. Nhưng không, vợ tôi tủm tỉm cười... “Em biết mà, chồng của em xài tiền có mặt có mũi mà....”. Tôi hiểu ngay, vì những ngày trước tiền thua cá ngựa, được giải thích bằng những hóa đơn không thấy mặt thấy mũi !!!!
Trương mục bí mật để tôi đánh cá ngựa qua điện thoại, qua mạng.... đã bị tôi bỏ quên và bị xóa sổ từ hơn chín năm nay. Hú hồn tôi chưa phải bán nhà vì cá ngựa.
Có một bí quyết để thắng được cờ bạc mà một tỷ phú bên Mỹ đã khuyên. Rất tiếc tôi đã quên mất tên ông. Chả sao! Tôi quên tên ông nhưng lời khuyên của ông tôi nhớ cho tới khi xuống mồ: “Bí quyết để thắng cờ bạc là đừng bao giờ cờ bạc”.

BEN TRẦN
27/10/2012

Thursday 25 October 2012

THUẾ và THUỐC



Ai trong chúng ta cũng đều biết tác hại của thuốc lá. Thuốc lá tác hại nặng nề đến lá phổi. Người hút thuốc có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp nhiều lần người không hút thuốc. Chúng ta biết điều đó, giới y tế lo lắng về điều đó, nhưng chỉ có chính phủ có thẩm quyền xen vào điều đó.

Hơn 1 thế kỷ nay kỷ nghệ thuốc lá phát triển mạnh. Các công ty sản xuất thuốc lá làm giàu to và phát triển liên lục địa. Kỷ nghệ thuốc lá phát triển, con số tử vong vì thuốc lá cũng tăng theo. Chính phủ biết điều đó. Nhưng ở xứ tự do như Úc đây, họ không thể đột nhiên đóng cửa các cơ sở sản xuất thuốc lá được. Chỉ có cách “chặt tay chặt chân” các cơ sở nầy. Hơn mấy chục năm rồi, các câu lạc bộ thể thao đã không được phép nhận sự tài trợ tài chánh từ các công ty thuốc lá. Hợp lý thôi, chẳng lẽ thể thao để rèn luyện cơ thể, lại đi quảng bá cho sản phẩm làm hại sức khỏe? Kế đến thuốc lá không còn được quảng cáo trên tivi, radio và báo chí. Mặt khác chánh phủ tăng tài trợ cho tổ chức Quitline, một tổ chức giúp những người nghiện thuốc ra khỏi khổ ải nầy. Chính phủ còn đặt ra nhiều đạo luật cấm hút thuốc nơi công cộng.

Chưa dừng lại ở đây, chính phủ còn dùng đến chính sách thuế khóa. Một viên đạn giết hai con chim. Thuế làm sản phẩm nầy đắt hơn, hy vọng làm ít người tiêu thụ hơn. Và lấy tiền thuế phụ thu từ thuốc lá tài trợ cho bệnh viện và chi phí y tế. Vì khi người hút thuốc bị bệnh là phải mò vô bệnh viện chữa trị....làm chi phí y tế tăng lên. Từ nhiều năm nay, một gói thuốc từ nơi sản xuất giá khoảng 9 Dollars, chánh phủ đập thêm 9 Dollars nữa ! Khi gói thuốc đến tay người tiêu thụ, họ phải trả khoảng $ 21 hay $ 22 . Và thứ Ba tuần nầy (23/10/12 ) trong dự thảo ngân sách mới, chánh phủ sẽ tăng thuế thuốc lá lên thêm 25 % nữa …..Nếu xét về số lượng bạn thấy tiền thuế vào tay chính phủ thật là to tát. Chính phủ làm thế cho cháy túi mà không cháy phổi dân hút thuốc.
Thế mà các hãng thuốc lá vẫn còn hoạt động như bình thường, giới trẻ vẫn còn lao đầu vào thuốc lá. Bây giờ chính phủ tiến tới việc kiểm soát in ấn của bao thuốc lá, không được in hình màu mè quyến rủ. Chỉ để trơn trụi (plain packaging). Đến giai đoạn nầy các công ty thuốc lá không còn ngồi yên nữa. Họ so găng...Họ nêu ra một điều không công bằng rõ rệt: rượu và thuốc lá đều là các sản phẩm mang những chất không tốt cho sức khỏe. Rượu bia còn được phép quảng cáo, bao bì của rượu bia còn in ấn rất ư là lôi cuốn! Thế mà chỉ riêng thuốc lá bị đưa lên bàn mổ. Sự việc đã được đăng đường tại tòa án tối cao Úc . Chính phủ đã thắng và tháng 12 sắp tới, Úc sẽ là nước đầu tiên trên thế giới không cho phép in màu mè trên gói thuốc là nữa.

Riêng ở Mỹ, mấy chục tiểu bang ở Mỹ họp nhau lại kiện các công ty thuốc lá. Các luật sư của chánh phủ Mỷ đã chứng minh trong thuốc lá có nhiều hóa chất gây nghiện và gây ung thư. Những công ty thuốc lá thua kiện và chấp nhận trả chính phủ Mỷ mấy chục tỷ đôla chia ra trong mười năm.

Câu nói của ông Michael Bloomberg, thị trưởng New York, rất ư là chí lý: “Business is a dog-eat-dog world, and government is just the opposite.” Những công ty thuốc lá cũng làm business, cũng tạo ra công ăn việc làm, cũng đóng thuế.Và chính phủ cũng làm business của họ. Mà business của chính phủ không phải ở trong  dog-eat-dog world, mà đặt trọng tâm ở việc bảo vệ sức khỏe của người dân.

Ý kiến bạn như thế nào?
Các bạn đang ghiền thuốc lá nghĩ gì?

BEN TRẦN
25/10/2012

Ráng chiều!




Xin gởi đến blog Việt Luận bài viết về tuổi già.

Bài văn là bài viết cũ của tôi vì đã đăng trên blog Cao Thoại Châu
(là nhà thơ và cũng là thầy dạy tôi thời trung học mấy chục năm về trước)

Bài thơ thì tôi vừa viết "lăng nhăng" tối nay,
(dù tôi chưa 70 tuổi đâu nha,
 nhưng biết được tâm trạng của một số người quen!)



* Diệu Thảo



Ngày Nhớ ơn Mẹ đã trôi qua, nhưng dư âm và cả dư vị, dư hương đằm thắm vẫn còn đó. Khi nhìn những món quà và tấm thiệp chúc mừng các con gửi với những lời chúc chân tình, hình dung ra đằng sau những ngôn từ đó là một tình cảm tràn đầy, lòng bồi hồi xúc động nên tôi quyết định ghé thăm viện dưỡng lão Burnside Nursing Home tại thành phố Melbourne, nơi Ba tôi đã ở trong những năm cuối cuộc đời ông.


Đa số các cụ sống ở đây đều chỉ còn “một nửa”, “được” hay “bị” con cái gửi vào vì hàng trăm lý do mà trong đó thường là không đủ thời gian trong cuộc sống công nghiệp luôn hối hả tại những nước phương Tây, hoặc không đủ phương tiện hay kiến thức về người già để chăm sóc cho cha mẹ.


Tôi đến vào giờ ăn trưa một ngày cuối tuần, phòng ăn vẫn trang hoàng rực rỡ với những bình hoa tươi thắm, những tranh ảnh đầy màu sắc, tiếng nhạc rộn ràng vang lên khắp phòng, tạo một không gian thân mật và ấm cúng như thuở nào!
Chỗ thường ngồi ăn của Ba tôi, nay đã có người thế chỗ, dù biết thế nhưng lòng sao vẫn nhói lên? Các nhân viên phục vụ chạy lăng xăng, người dìu các cụ ra phòng ăn, người bận rộn phân phối, dọn thức ăn ra, người ngồi đút, bón cho những cụ không tự mình lo được... Đưa mắt nhìn quanh, cả phòng ăn có khoảng 20 người, đa số đều ngồi lặng lẽ chờ thức ăn đưa đến, hầu như đó là những khuôn mặt buồn hoặc vô cảm, chẳng biểu lộ cảm xúc gì với những trò chuyện bông đùa của các nhân viên dành cho họ.

"cảm động nhất là tối nào bà cũng ngồi cạnh giường nắm tay,thủ thỉ với chồng thì ông mới ngủ được. Tình nghĩa đó đâu phải chỉ có ở phương Đông?"
Đến gần một cụ đang lim dim - quả là đáng buồn, giờ ăn mà không có một chút hứng thú - tôi gợi chuyện và biếu cụ hộp chocolate nhỏ. Việc làm bé mọn của tôi khiến ánh mắt cụ sinh động lên, nắm lấy hộp kẹo và luôn miệng hỏi "Của tôi hả, tôi có thể giữ nó luôn chứ?". Dường như con người sau bao nhiêu năm tháng vật lộn với cuộc sống này hiện đang tơi tả vì những mất mát có thể đã xảy ra cho mình, đến nỗi không còn dám chắc là mình còn quyền sở hữu một cái gì, quyền được người khác quan tâm. Một nhân viên cho tôi biết, đã từ lâu không có con cái, thân nhân nào đến thăm viếng bà cụ nữa. Thì ra người phụ nữ già nua này đã trắng tay! Một cụ khác là vị vong nhân bật khóc khi nhớ đến “một nửa” của mình vừa rời cụ vài tháng trước, bây giờ "con số lẻ" một mình nhìn món ăn ưa thích của người xưa mà lòng đau đớn, nghẹn ngào nhớ lại những chăm sóc dành cho nhau. Nhìn một cụ cũng đã già yếu, nhưng vẫn chậm rãi, kiên nhẫn đút từng muỗng súp cho chồng, tôi tiến lại hỏi thì được biết cụ vẫn sống ở nhà riêng, hằng ngày vào với chồng đã bị bệnh mất trí nhớ của người già. Mất trí nhớ nhưng người đàn ông này vẫn còn trong góc tâm tư ký ức mình hình ảnh người bạn đời. Cụ ông vẫn cần đến bà, ngày nào bà bận hay mệt mỏi không vào thăm ông được thì ngày đó ông không chịu ăn, và cảm động nhất là tối nào bà cũng ngồi cạnh giường nắm tay, thủ thỉ với chồng thì ông mới ngủ được. Tình nghĩa đó đâu phải chỉ có ở phương Đông?
Một cụ bà ngồi ôm con búp bê, thỉnh thoảng lại thầm thì với nó, tôi gợi chuyện, cụ cho biết được con đưa vào với lời hứa hẹn dọn nhà xong sẽ đưa cụ về ở chung, nhưng "bóng chim tăm cá", cụ chỉ còn biết tâm sự với búp bê "bởi nó chỉ biết nghe mà không lừa dối mình!". Nghe thật não lòng !
Đưa mắt nhìn quanh, hầu như các cụ chỉ lặng lẽ ngồi chờ thức ăn dọn đến, như các nhà “hiền triết” đang suy gẫm chuyện đời chăng?Vài cụ may mắn có con cháu đến thăm, nét mặt rạng rỡ hơn, nụ cười hóm hém với hàm răng lưa thưa vài cái, một chút nắng chiều rực lên trong buổi hoàng hôn chập choạng trông thật đẹp! Trò chuyện với nhân viên phục vụ tại đó, tôi được biết hầu hết con cái sau khi đưa cha mẹ vào rồi thì thường hiếm khi quay trở lại chốn này, họ như để mặc cho “trời sinh, trời dưỡng”. Cuộc sống cô độc, lặng lẽ cam chịu được nhìn thấy qua gương mặt, qua cách sống của các cụ.
Ba tôi cũng từng ở đây vài năm, chúng tôi đã từng thay phiên nhau vào chăm sóc, thăm viếng mỗi ngày nhưng thử hỏi có nơi đâu bằng nhà mình? Dù ở bên này những nhà dưỡng lão được trang bị thật hiện đại, ấm cúng, đầy đủ phương tiện và nhân viên được đào tạo chu đáo và rất có lương tâm như một bổn phận của xã hội dành cho những con người đã cống hiến suốt đời họ. Điều làm tôi không ngạc nhiên là tấm lòng cha mẹ, nơi đâu cũng thế, do “nước mắt chảy xuôi” nên dường như các cụ ít mở miệng than trách sự lơ là của những đứa con bội bạc.
Rời viện, lặng lẽ lái xe về, lòng chùng xuống, vẫn biết cuộc sống nơi xứ người bận rộn, lo toan, nhưng dành vài ba phút thăm hỏi với “núi Thái Sơn”, với “nước trong nguồn” có bất khả thi chăng? Có người cho rằng vì Tây phương sống theo chủ nghĩa cá nhân nên tình cảm gia đình mới hời hợt như thế, nhưng hình như lời biện hộ này cũng lung linh như ngọn đèn trước gió, bởi tôi cũng đã chứng kiến không ít những giọt nước mắt buồn tủi của các bậc cha mẹ người Việt Nam trên đất này và ở trong nhà dưỡng lão đây. "Thân cò...vàng" có khác chi "Ráng chiều...trắng" mà tôi vừa vào thăm? Tình cha mẹ thương con thì ở gầm trời nào cũng là một tặng phẩm thiêng liêng cao quý Thượng đế ban cho con người. Và nỗi đau bội bạc của con cái thì Tây hay Ta cũng nào có khác khi chúng là những mũi kim làm tê buốt hồn người?

Buổi chiều viếng thăm khép lại. Trên đường về tôi cứ bâng khuâng câu hỏi và mong có được câu trả lời ấm lòng hơn: "Không biết bên nhà mình những "ráng chiều" thời nay ra sao? Tam, tứ đại đồng đường còn hơn cả một nét đẹp, dễ nơi nào có được?".

Tuesday 23 October 2012

Tiếng lóng của dân đảo



OG3T vừa nhận được email của một bạn đọc cho biết... ‘cũng muốn tỏ chút... tấm lòng'. Nhưng bạn này ngần ngại vì trải qua vài ba chục năm bể dâu, chữ nghĩa đã cuốn theo chiều gió... kể từ khi rời ‘Buồn đâu bi đát’ đến nay.

A ha! ‘Buồn đâu bi đát’ nghe hay quá ta. ‘Buồn đâu bi đát’ là tiếng lóng chỉ Bidong.
OG không được cái phước ‘buồn đâu bi đát’ mà chỉ mỏi gối tại Galang ‘tình xù’ mà thôi. Nên OG xin bạn đọc ghi vào phần comments tiếng lóng khác tại đảo mình đã qua. OG sẽ gom góp rồi làm thành một danh sách tiếng lóng tại đảo cũng là điều hay. Gởi cho OG nghen.

***

Xin trở lại  chuyện ‘tỏ tấm lòng’.
OG biết rất nhiều bạn đọc muốn tỏ tấm lòng với trang blog này nhưng ngần ngại vì... chữ nghĩa theo gió cuốn mây trôi rồi.
Chả cần ngần ngại gì đâu, à nghen.

Đọc blog Việt Luận đã là tỏ tấm lòng. Đọc tới cuối bài thì bấm mouse và chỗ: Ý Kiến: mà phê... rất hay, hay, cũng được, dở, rất dỡ. Đó là tỏ tấm lòng.
Khi đọc, thấy hay thì phê rằng hay. Thấy chướng tai thì phê rằng... không ngữi được vào chỗ Comments. Đó là tỏ tấm lòng.
Đọc Comments, thấy hợp ‎ ý thì reply ‘vỗ tay tán đồng’. Thấy không hạp nhãn, thì ‘cự’ lại (trong phần reply). Đó là tỏ tấm lòng.
Hiển nhiên, khi nào viết bài gởi lên blog Việt Luận thì vẫn là... tỏ tấm lòng.

Xin bà con tỏ tấm lòng với blog Việt Luận nghen.

OG3T

Monday 22 October 2012

Phép lạ (1)



Tôi xin chia xẻ câu chuyện có thật của gia đình tôicho mọi người trên blog được đọc, mong rằng sẽ giúp được ít nhiều cho những ai đang đi vào tuyệt vọng.
Tôi gởi kèm hai tấm ảnh của con tôi để mọi người biết tình trạng hiện giờ của con tôi.
Cảm ơn mọi người.
Kim Nguyễn

***

Có ai trong chúng ta tin tưởng 
những điều thiêng liêng huyền bí? 
Hoặc có ai đã một vài lần trong đời 
rơi vào cực cùng tuyệt vọng 
nhưng rồi một phép lạ nhiệm mầu 
đã nâng đỡ và đưa bạn ra khỏi nỗi tuyệt vọng đó không?


Hôm nay tôi xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện có thật đã xảy ra cho chính gia đình và bản thân tôi.

Gia đình tôi là đạo Phật chính gốc, mẹ và Nội tôi rất siêng năng đi Chùa lễ Phật, nhưng bản thân tôi thì không tin ở những điều huyền bí, tôi luôn tâm niệm "Phật ở Tâm",con người sống ngay thẳng, không làm điều trái với lương tâm,ấy là đã đi đúng đường Phật dạy. Sau này khi lập gia đình thì chồng tôi lại là người Công Giáo, tôi không theo đạo chồng và đạo ai nấy giữ, tôi không đi Chùa mà cũng không đi nhà thờ.

Trong đời tôi cũng có nhiều lần rơi vào khốn khó nhưng đều vượt qua và tôi cho rằng mình gặp may mắn. Mãi cho đến tháng 7 năm 2011, một chuyện đau lòng xảy ra cho tôi, và sau khi vượt qua tôi mới tin rằng có Phép Lạ.

Cậu con trai út của tôi năm 2011 vừa tròn 17 tuổi, cháu rất thông minh, học giỏi, cháu lấy được học bổng của một trường tư nổi tiếng ở Melbourne. Ngày 9/7/2011 cháu được nghỉ 3 tuần holidays, cháu xin phép đến nhà bạn ở biển Venus Bay chơi một tuần. Sau đó sẽ bắt đầu miệt mài ôn thi cho kỳ thi tốt nghiệp lớp 12.


Ngày đi, tôi chuẩn bị cho cháu đầy đủ, và như mọi lần tôi dặn dò cháu: 
"Đi chơi nhớ cẩn thận nha con."
 Cháu hôn tôi vừa cười vừa đáp:
 "Con biết rồi mẹ, con lớn rồi mà".

" Lên đến nơi nhớ gọi cho mẹ".

" Dạ, con biết rồi"

Vừa lên đến là cháu gọi cho tôi báo bình yên như lời đã hứa.

Ngày thứ hai, khoảng 3 giờ chiều, tôi có ý trông ngóng cháu sẽ gọi, thì chuông điện thoại reo vang:

- Có phải bác là Kim không? Cháu là Daniel bạn của Steven, xin báo cho bác biết Steven gặp tai nạn rồi. (Daniel là người Úc).

Tôi rụng rời tay chân, đứng không vững:

-Tai nạn gì? Nó có sao không?

-Tai nạn xe. Hiện nay đang bất tỉnh. Có đội cấp cứu ở đây và đang chờ máy bay trực thăng chở Steven về Melbourne.

Người tôi lạnh toát. Nước mắt chảy dài, tôi báo cho chồng tôi biết, đồng thời gọi thẳng cho nhân viên cấp cứu để biết rõ tình trạng của cháu. Tôi được biết cháu đang chơi skate board với bạn thì một chiếc xe hơi chạy lạc tay lái tông vào cháu. Đầu cháu đập mạnh xuống đất bất tỉnh. Trong lúc máy bay chở cháu về Melbourne thì vợ chồng tôi đã có mặt tại bịnh viện Alfred, một bịnh viện chuyên về não số một ở Melbourne.

Trực thăng vừa đáp xuống là cháu được đưa vào phòng mổ ngay lập tức. Sáu tiếng đồng hồ như ngồi trên đống lửa, tôi đã khóc không ngừng. Rất may cho cháu ngày hôm ấy vị bác sĩ mổ cho cháu là Professor, ông ấy cho biết vì máu tràn đầy trong não nên chèn ép não. Họ bắt buộc phải cưa nửa sọ đầu của cháu ra để tránh tình trạng máu đè ép não.

Nhìn đứa con yêu dấu nằm mê man trong phòng ICU tôi thực sự đứng không vững. Chồng tôi phải ôm xốc tôi lên. Tôi hỏi khi nào thì cháu có thể tỉnh lại? Bác sĩ cho biết họ không thể biết được. Trường hợp của cháu có thể 3 tháng, 6 tháng, một năm, hai năm.... 

Steven được bạn bè thăm khi  nằm bệnh viện

Đọc tiếp Phép Lạ (2)

Phép lạ (2)


Tôi xin chia xẻ câu chuyện có thật cùa gia đình tôi cho mọi người trên blog, 
mong rằng sẽ giúp được ít nhiều cho những ai đang đi vào tuyệt vọng.
Tôi gởi kèm hai tấm ảnh của con tôi
 để mọi người biết tình trạng hiện giờ của con tôi.
Cảm ơn mọi người.
Kim Nguyễn



***

Chúng tôi rơi xuống tận cùng của sự tuyệt vọng. 
Các bạn cháu đến đầy trong bịnh viện. 
Tất cả đều không cầm được nước mắt khi thấy cháu như vậy. 
Ngày thứ hai từ Principal đến thầy cô giáo, Pastor: tất cả đến thăm chia buồn và cầu nguyện cho cháu. Trường của cháu tổ chức một đêm cầu nguyện. Cha mẹ học sinh và những học sinh không đi xa nghỉ hè đều đến dự đêm cầu nguyện đó.
Một đêm đầy nước mắt, 
tôi quỳ xuống chân Chúa, 
hôn chân Ngài 
và xin Ngài 
hãy đem đứa con yêu dấu của tôi trở về.

Cả họ hàng xa gần đều hốt hoảng, mấy người cháu bên chồng ở Mỹ lái xe hàng mấy tiếng đồng hồ để lên một ngôi chùa nghe nói rất linh thiêng, quỳ mọp giữa trưa nắng để cầu xin an bình cho cháu.Tất cả cô, dì đều nguyện ăn chay không sát sinh cho cháu.

Ai theo đạo công giáo thì xin Chúa. 
Ai theo đạo Phật thì xin Phật.

Bạn bè của cháu lên Facebook thông báo tinh trạng của cháu. Cả ngàn người khắp nơi đều cầu nguyện. Một số bạn của cháu email cho nhà thờ gần bịnh viện. họ đã đến phòng bịnh, cầm tay cháu và đọc kinh. 
Cháu hôn mê đã 6 ngày... Khoảng 6 giờ chiều ngày thứ sáu, một cô bé khoảng 25 tuổi đến gặp tôi và cho biết là có xem trên FB biết Steven gặp tai nạn và xin phép được vào gặp cháu và đọc kinh cho cháu. Cô bé quỳ gối bên giường bịnh, đọc kinh một cách thành khẩn, sau đó ra về. 

Trong lúc tôi về nhà để thay quần áo và đem thêm những thứ cần thiết vào bịnh viện, đến 8 giờ tối thì đứa cháu gái của tôi gọi phone:
- Má hai con thấy tay của Steven nhúc nhích.
Tôi vui mừng tột độ chạy vào bịnh viện. 
Tại đây bác sĩ cũng đang có mặt và cho biết cháu có dấu hiệu hồi sinh. Vui mừng khôn xiết chúng tôi chỉ biết tiếp tục cầu nguyện. Ngày hôm sau cháu mở mắt. Hai ngày sau cháu được đưa ra khỏi phòng ICU.
Một điều kỳ diệu không thể nói được đó là toàn bộ cơ thể, trí nhớ của cháu đều hoàn toàn lành lặn. Mặc dù cháu không hề có hộp sọ và phải mang helmet cho một tháng. Sau một tháng, cháu phải chịu cuộc giải phẫu thứ hai để gắn hộp sọ lại. Cháu phải nằm bịnh viện tổng cộng là 3 tháng. Sau đó thêm 3 tháng làm vật lý trị liệu tại bịnh viện Epworth. 
Bây giờ cháu hoàn toàn bình phục và đến tháng 11 này cháu sẽ bước vào cuôc thi tốt nghiệp lớp 12 mà năm ngoái vì tai nạn cháu phải ngừng lại. Sau chuyện này, bạn của cháu đã xâm hai chữ "Phép Lạ" bằng tiếng Việt trên tay vì cháu ấy là người Úc.
Tất cả đều nhờ vào sự tối tân tại nước Úc, sự may mắn, và phép lạ. Khi cháu đập đầu xuống đất, cái đau khủng khiếp ấy đã khiến quả tim nhỏ bé ngừng đập. Vì bạn của cháu làm life saver có mặt tại đó đã làm hô hấp nhân tạo cho cháu, và trạm cứu thương chỉ cách đó 5 phút lái xe. Bác sĩ có cho biết: chỉ chậm năm phút là cháu có thể không qua khỏi hoặc là sẽ tàn tật suốt đời.

Sunday 21 October 2012

Ráng chiều thời nay



70 chưa phải là già
Tuổi này vẫn cứ tà tà đi chơi
Mỗi tuần xe buýt tới nơi
Đón đưa gặp bạn, chào mời vui ghê!
Ráng chiều chưa lặn bờ đê
Thì ta tận hưởng, đừng chê tuổi già
Một mai gối mỏi, chân tà
Thì viện dưỡng lão chờ ta bước vào
Cầu mong ngày ấy còn xa
Để ta vẫn cứ tà tà vui say
Ráng chiều bên Úc thời nay
Biết sống, biết đủ, ngày mai vui chờ!

Diệu Thảo

(Đây là bài thơ viết sau bài văn xuôi  "Ráng Chiều" thật buồn
 do chính tác giả gởi 
và blog Việt Luận sẽ đăng nay mai. Mời bạn đọc đón xem)