Saturday 24 May 2014

Hết thời ngồi đó mà hưởng, sang thời nắm lấy cơ hội



Việt Luận::

Tối thứ Ba 13.5.14, tổng trưởng kinh tế Joe Hockey đã đệ trình dự luật ngân sách đầu tiên cho chính phủ Tony Abbott. Ông khuyên người ta đừng hỏi mình được lợi gì mà hãy hăm hở chào đón nhiều cơ hội “đóng góp” xây dựng một nước Úc phú cường cho con cháu.


Nghe lời khuyên từ bậc cha mẹ dân, thư tòa soạn hôm nay không dám kể ra chính phủ này chia miếng đỉnh chung cho từng người như thế nào mà chỉ nói về các cơ hội người dân được đóng góp cho nước Úc.

Ai ai cũng được đóng góp. Ông Joe Hockey nói thế và nói nhiều lần. Nhưng không phải ai ai cũng đóng góp như nhau.



Tổng trưởng kinh tế Joe Hockey
(Hình smh.com.au)


Được đóng góp nhiều nhất là thành phần ở dưới đáy xã hội: nghèo, thất nghiệp, sinh viên, đông con, bệnh tật, bác tài và già nua. 2 triệu gia đình nghèo và đông con hết sống dưới thời “ngồi đó mà hưởng” vì trợ cấp bị cắt xén. Trẻ dưới 30 tuổi mà thất nghiệp được nghỉ ăn uống tiêu xài 6 tháng để tìm việc. Sinh viên được đóng học phí để vào đại học xịn. Nghe đâu đại học sẽ chặt học phí sinh viên nội địa bằng sinh viên du học. Bệnh nhân góp thêm $7 cho bác sỹ, thêm $5 cho nhà thuốc tây và $$$ cho phòng cấp cứu để mai rày không ai mắc bệnh nữa. Bác tài móc tiền đổ xăng để xây xa lộ. Cụ già được cơ hội cày cho đến 70 tuổi và hưởng ít tiền già để kho nhà nước đầy ắp.
Với vài điều kể trên, bạn đọc hỏi: chính phủ này từng hứa nhiều và đặc biệt hứa “không thất hứa và không làm ai ngạc nhiên”, vậy thì ngân sách này có thất hứa và có làm ai ngạc nhiên không?” Xin trả lời: không ai ngạc nhiên vì chính phủ nào mà chả thất hứa!

Thật vậy, ứng cử viên Tony Abbott hứa “không đánh thuế mới”. Ngân sách chỉ lập ra “phụ thu tạm thời, temporary levy” 2% cho người lãnh lương trên $180,000. Ứng cử viên Tony Abbott hứa không “cắt giảm tài trợ cho y tế, giáo dục và dân bản địa”, ngân sách này chỉ bớt $80 tỷ để tạo cơ hội cho tiểu bang tự mình xoay sở...

Ông Joe Hockey nói: Ai cũng được đóng góp, kể cả chính trị gia. Này nhé! ông bà lớn trong chính phủ không tăng lương trong 12 tháng để đóng góp. Sao lại chỉ có 12 tháng -- trong khi ông bà cụ lụ khụ bị thay đổi cách tăng tiền già.... cho đến chết? Câu trả lời là: chính trị gia thường hy sinh cơ hội cho người dân được đóng góp. Ông Joe Hockey ra vẻ thích thú khi tạo cơ hội cho mọi người -- all of us – có cơ hội đóng góp. Người giàu lương hơn $180,000 được đóng thêm 2% thuế; nghèo thì góp $7, $5 cho cho bác học nghiên cứu chữa bệnh và kỹ sư xây đường sá. Nhưng giàu chỉ được đóng góp trong ba năm. Còn nghèo thì đóng góp suốt đời.



Đóng cửa vì hết tiền
(Hình blog.id.com.au)


Ngoài ra, khi ban phát thì chính phủ này dùng thước đo chi ly; ngược lại khi thu về thì cây thước có những nấc dài dải dài dai.

Lấy thí dụ: khi hàng năm tăng tiền già và trợ cấp cho người khuyết tật thì chính phủ tăng theo tỷ lệ lạm phát; còn chặt phân lời tiền sinh viên vay mượn để học đại học thì tính theo tiền lời của trái phiếu. Lạm phát hiện nay: 2.5%. Tiền lời của trái phiếu: 6%.

Người ta chê chính phủ này không có lòng thương xót người nghèo và kẻ bị thua thiệt trong xã hội. Thật ra, cặp bài Abbott-Hockey muốn tạo cơ hội đó thôi. 
Cơ hội cho người dưới 30 tuổi được 6 tháng thấm thía thế nào nào không tiền, không nhà, không việc... có đói thì đầu gối mới bò. Cơ hội cho người trẻ được chọn đại học mình muốn học, miễn là chịu đóng học phí chừng $200,000. Cơ hội cho bác tài phóng xe như bay qua East West Link ở Melbourne hay WestConnex ở Sydney...

Sau cùng, ngân sách này còn tạo cơ hội cho các tiểu bang tăng thuế GST lên. Tăng thuế GST là điều ông Joe Hockey rất muốn như ông nhường cho tiểu bang bằng cách bớt tài trợ cho giáo dục và y tế. Nghe đâu đến $80 tỷ? Ổng nói: không bớt tài trợ mà cắt bỏ phần trùng lắp giữa liên bang với tiểu bang mà thôi. Hãy để cho tiểu bang tự lo phần giáo dục và y tế. Rủi có thiếu tiền thì tăng thuế GST lên.

Chính phủ Tony Abbott thắt đầu này bóp đầu kia để lấp đầy kho nhà nước. Ông nói hôm nay người dân ca thán nhưng mai rày sẽ cám ơn ông. Ông đành làm người dân mất lòng tin vào chính phủ hơn là thiếu tiền trong kho. Không biết mất lòng tin hay thiếu tiền trong kho: điều nào tệ hơn? Hồi trước, chính ông Tony Abbott trả lời: "The worst deficit is not the budget deficit, but the trust deficit, Thiếu tiền không phải là tệ nhất, mà là thiếu tin tưởng." Bây giờ ông đang làm điều tệ nhất.

Việt Luận

Ghi chú: “The age of entitlement is over. It has to be replaced...with an age of opportunity.” Joe Hockey, diễn văn trình dự luật ngân sách.

Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.




0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.