Saturday 24 May 2014

“Nghỉ vài bữa đi chống Trung Quốc rồi tính sau!"



đoàn xuân thu.melbourne ::


Khi giàn khoan dầu khủng (hoảng) Hải Dương-981 của Trung Quốc, trị giá cả tỉ đô la, ngang nhiên tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chuẩn bị khoan thăm dò trong vòng ba tháng thì những cuộc biểu tình chống Trung Quốc (trong nước dân không dám kêu là Trung Cộng vì nó là đại ca của VC sợ phạm húy?!) đã nổ ra ở Sài Gòn, Hà Nội, cùng các thành phố lớn khác như Đà Nẵng, Cần Thơ…

“Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!”

“Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam”...




Biểu tình chống Trung Cộng 
tại Sài gòn

(Hình Danchimviet.info)



Những cuộc biểu tình ôn hòa ở trung tâm các thành phố lớn đa phần là do giới trí thức, nhà văn, nhà báo lề trái và những nhà bất đồng chánh kiến tổ chức. Lòng dân ai cũng sôi sục! Nhưng các cuộc biểu tình của giới trí thức nầy êm đềm, suông sẻ… so với cuộc biểu tình của công nhân cả nước sôi bỏng hơn nhiều. Tin tức mấy bữa nay tràn ngập trên truyền thông từ trong nước tràn ra tới ngoại quốc.

Như đã biết, suốt từ Bắc tới Nam, bây giờ, có khoảng 190 khu công nghiệp, là xương sống của nền kinh tế Việt Nam trị giá 128 tỉ đô, tạo việc làm cho 2,1 triệu công nhân và xuất khẩu số hàng hóa năm rồi trị giá 38 tỉ chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu.

Vào thứ Ba ngày 13 tháng 5 năm 2014 một cuộc biểu tình lớn lao, lên cả chục ngàn người xảy ra ở Bình Dương rồi lan xuống Đồng Nai.

Hàng ngàn nam, nữ công nhân, đình công, ùa ra đường. Tiếng hô: "Đả đảo Trung Quốc". Rồi cuộc biểu tình từ phấn khích đến bạo loạn. Chỉ riêng tỉnh Bình Dương, có khoảng 460 công ty xí nghiệp ngoại quốc hoạt động sản xuất ở các khu công nghệ đã bị thiệt hại từ nhẹ đến nặng, hư hại vì đập phá hoặc bị đốt cháy vào hôm thứ Ba và cuộc biểu tình vẫn còn tiếp tục qua ngày thứ Tư.

Ngày 14 tháng 5, tất cả các công ty có mặt ở khu công nghiệp và của cả tỉnh Bình Dương đều nghỉ việc, cửa đóng then gài như có chiến tranh.

Hơn 40 công an bị thương vì bị chọi gạch đá lỗ đầu. Hậu quả là các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Đài Loan, Trung Quốc ra thông báo cho công nhân là "tạm thời nghỉ làm". Những công ty nào thuộc chủ đầu tư Trung Quốc đều được cảnh sát chống bạo động bảo vệ nghiêm ngặt. Hầu hết các công ty đầu tư đa quốc gia khác đều không bị đoàn biểu tình xâm phạm. Nhưng để cẩn thận, những công ty này đều treo cờ quốc gia mình "Chúng tôi là công ty Nhật, chúng tôi là công ty Ấn Độ, chúng tôi ủng hộ chủ quyền Việt Nam..."

Rồi biểu tình chống Trung Quốc từ Bình Dương, Đồng Nai phía Nam lan như lửa cháy, phừng ra tới Hà Tĩnh, Trung Phần.



Formosa Plastic Group
 của Đài Loan bị đập phá
(Hình BBC.co.uk)



Từ Đài Bắc, phát ngôn viên báo chí của Tập đoàn Formosa Plastics, nhà đầu tư lớn nhứt của Đài Loan cho biết nhà máy gang thép đang xây dựng tại khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã bị đốt phá sau cuộc đụng độ giữa công nhân người Trung Quốc và người Việt Nam. Những thiệt hại do hỏa hoạn và tài chính vẫn chưa được kiểm kê.

Tập đoàn Formosa Plastic Group của Đài Loan có một số dự án đầu tư đến 20 tỉ USD, trở thành nhà đầu tư ngoại quốc lớn nhất tại Việt Nam khi các dự án của họ hoàn tất vào năm 2020. Trong đó họ đầu tư xây dựng cả một hải cảng và một nhà máy nhiệt điện công suất 2,150 MW, một nhà máy sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á.

Trong số hơn 10,000 người làm các loại việc khác nhau tại công ty Formosa ở Vũng Áng, tin tức nói rằng có khoảng 2,000 người Trung Quốc. Mấy tháng trước, từng có xô xát giữa người Việt Nam và người Trung Quốc tại đây.

Cũng từng có những kêu ca về số lượng công nhân Trung Quốc làm không có giấy phép lao động mà nhà cầm quyền địa phương cố ý làm ngơ… không có biện pháp đối phó.

Đây là công ty Đài Loan nhưng những người biểu tình bạo loạn nầy nhầm lẫn (?) là công ty thuộc Trung Quốc vì Đài Loan là chủ công ty… nhưng công nhân Trung Quốc lại lên tới hàng ngàn người (?!) trong khi những công ăn việc làm nầy đúng ra phải dành cho dân địa phương theo lời mấy ‘quan’ hứa hẹn khi lấy đất của dân mà đưa cho chủ đầu tư nước ngoài xây dựng nhà máy (?!)

Biểu tình biến thành bạo loạn xảy ra chiều và tối ngày Thứ Tư 14/5/2014

Hãng thông tấn Reuters thuật lời một bác sĩ ở bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho hay như vậy và nói rằng có 5 công nhân người Việt và 16 người khác được mô tả là người Trung Quốc đã thiệt mạng. Đây là vụ bạo động chết người có thể kể là nghiêm trọng nhất kể từ khi có cuộc chiến tranh biên giới giữa hai nước hồi năm 1979.

Nhưng Công An lại nói khác: “Một người Trung Quốc thiệt mạng. Nhiều người khác bị thương gồm cả người Việt và người Trung Quốc, trong số này có cả công an đang làm nhiệm vụ. Cho tới khoảng 22 giờ đến 23 giờ đêm cùng ngày mới vãn hồi được trật tự, sau khi một số lớn công an, bộ đội, biên phòng được huy động!

Không cảm thấy an toàn trước tình hình nầy, hàng trăm người Trung Quốc đã hối hả rời Việt Nam bằng đường hàng không hoặc đi bằng đường bộ.

Hơn 600 người Trung Quốc đã qua cửa khẩu quốc tế Bà Vet để vào Cam Bốt, (Việt Nam gọi là cửa khẩu Mộc Bài thuộc tỉnh Tây Ninh), nằm trên xa lộ nối liền Sài Gòn đến Nam Vang, thủ đô Cam Bốt.

Tại phi trường Tân Sơn Nhứt, hàng đoàn người Trung Quốc mua vé một chiều để bay đi Mã Lai, Thái Lan, Cam Bốt, Singapore hay trở về Đại Lục.

Trung Quốc bắt đầu lo sợ về tình trạng bạo lực đang xảy ra tại Việt Nam, thúc giục ‘đàn em, đồng chí’ phải trừng phạt những tên ‘tội phạm’; phải bồi thường cho các nạn nhân. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, còn nói thêm rằng: “Hà Nội giả bộ đui trước những kẻ biểu tình bạo loạn nầy?!”

Mặc dù là hai nước láng giềng, hai đảng Cộng Sản có quan hệ mật thiết về chính trị cũng như kinh tế …về bốn tốt và mười sáu chữ vàng… cũng không ngăn được lòng dân căm phẫn, bài Trung Cộng, xuất phát từ lòng tự hào dân tộc về cuộc tranh đấu giành độc lập sau 1000 năm đô hộ của giặc Tàu.

Tranh chấp ở Biển Đông đã ròng rã hằng mấy chục năm nay. Lần nầy, Trung Cộng ỷ mình nước lớn làm quá, ‘tấn’ đồng chí đàn em tới chân tường.

Thế nên hàng chục tàu của hai nước đang giáp mặt nhau ở giàn khoan và liên tục tố cáo nhau, nó đâm tàu tui… rồi dùng vòi rồng xịt nước vào nhau… Giống như con nít đánh trận giả vào mùa hè nóng nực?!

Đàn em yếu ớt la làng đại ca ‘vi phạm’ lãnh hải của em?! Vi phạm là lỡ hay cố ý chạy vào lãnh hải của nước khác rồi lẹ lẹ… chạy ra kẻo bị chúng bắt. Còn cái nầy mang giàn khoan khổng lồ vô vùng biển của người ta thì không thể gọi là vi phạm lãnh hải được mà phải gọi cho chính xác là xâm lược hay xâm lăng chiếm đóng vùng biển của người ta mới đúng chớ!

Dã tâm của Trung Quốc rất rõ trong khi quan hệ mậu dịch của hai bên! Hàng năm kim ngạch lên tới hơn 50 tỉ đô la, vậy mà các công ty Trung Quốc chỉ đầu tư 2.3 tỉ đô vào Việt Nam… chỉ nhằm mục đích bóc lột tài nguyên. Tương tự như đã làm với các nước Phi Châu. Xuất khẩu từ Phi Châu đi Trung Quốc đa số là nguyên liệu thô như dầu hỏa và khoáng sản. Trung Quốc cố ý không tạo ra việc làm hay thương mại gì ở các nước đó cả? Chỉ đến đó ‘hủ hóa’ quan quyền địa phương để được khai thác tài nguyên với giá rẻ mạt rồi chở đem về nước mình!

Phát Ngôn viên Tòa Bạch Ốc, Jay Carney, phát biểu rằng những tranh chấp nầy nên được giải quyết thông qua đối thoại chớ không phải đối đầu.

Bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết đang theo dõi sát tình hình thúc giục đôi bên kiềm chế và thêm rằng họ ủng hộ quyền biểu tình bất bạo động.

Khủng hoảng xảy ra chỉ một tuần sau khi Tổng Thống Hoa Kỳ viếng Châu Á vào cuối tháng 4. Nơi mà ông tuyên bố Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ các đồng minh trong vùng (ám chỉ Nhựt Bản và Phi Luật Tân) đang có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc.

Nhìn lại các cuộc biểu tình biến thành bạo động nầy, một người dân Bình Dương "Tôi cũng không ngờ công nhân mình dữ như vậy. Ở đây chưa thấm gì đâu, dưới Đại Nam (thuôc Khu Công nghiệp Sóng Thần 3) hôm qua, đập phá mới banh chành." Đó là đối với công ty do Trung Quốc làm chủ mà thôi!

Còn chuyện cướp phá hôi của là do bọn xã hội đen chung quanh khu công nghiệp lợi dụng chuyện biểu tình. Đổ thừa hết cho công nhân đi biểu tình gây ra là không đúng! "Hôm qua có hàng chục ngàn công nhân biểu tình nếu họ xấu hết thì bình địa chớ chẳng chơi."

Biểu tình chống Trung Cộng là nguyên do chánh, ngoài ra còn áp bức bóc lột do chủ công ty người Trung Quốc gây ra nữa chớ!

Một nhà máy ô nhiễm đầy khói bụi, ngày nào cũng tăng ca, phải làm thêm giờ! Mà trong giờ làm mắc đi tiểu, đi tiêu, chủ Trung Quốc cũng không cho... 21 giờ đêm mới trở về phòng trọ, nhỏ như cái ‘hốc bà tó’. Vợ cũng cày như trâu. Con thì gởi nhà trẻ tư nhân lâu lâu cũng bị người giữ trẻ cũng bức bối vì cuộc sống, giận cá chém thớt, ‘dần’ đến tối tăm mặt mũi. Ăn uống thì thiếu thốn, sức lao động bỏ ra mà không được bù đắp lại, thân thể cứ héo mòn dần... Lâu lâu lại bị ngộ độc thức ăn do nhà máy cung cấp… phải đi nằm bịnh viện đến cả trăm người! Lương tháng ba, bốn triệu, trễ lên, trễ xuống. Ngắt đầu nầy, chận đầu nọ mà chẳng biết phải kêu ai? Công đoàn thay vì binh công nhân thì về hùa với chủ. Tết nhứt thưởng 20 ngàn không đủ tiền mua ‘thèo lèo cứt chuột’. Cày còn vậy mà lỡ bịnh hoạn chỉ còn nước chết! Ba năm rồi không về được để thăm quê, thăm cha thăm mẹ!

Cùng khốn đến thế trong chủ nghĩa tư bản hoang dã, rừng rú nầy như thế là hết mức chịu đựng nổi. Làm ăn cái gì cũng vậy! Chủ có cơm, người làm có cháo… Còn quan chức và chủ nhân hè nhau bất chấp luật pháp, bất chấp đạo đức mà bắt công nhân sống một đời nô lệ như vậy thử hỏi ai mà không căm phẩn?!

Đời sống thống khổ! Nông dân thì bị lấy mất đất, xiêu tán ra thành làm công nhân tiếp tục bị bóc lột tàn tệ đến tận xương tủy. Sống bữa nay mà không thấy ngày mai thì bùng nổ khi có dịp cũng là chuyện tất nhiên. Ông bà mình thường hay nói: Cùi đâu sợ lở. Quẫn bách đến nước nầy mà không nhân cơ hội nầy ‘dợt’ cho bè lũ tụi nó một trận thì chờ tới lúc nào?

Trung Cộng ngoài biển tính cướp dầu; trên đất liền thì cướp mồ hôi nước mắt của dân mình. Chơi ‘cha’ như vậy hoài! Sao được?!

Vậy mà các ‘quan’ trên ngồi trong phòng có máy lạnh giữa Sài Gòn, Hà Nội lên mặt thầy đời, bàn chuyện đại sự rằng vì công nhân ít học, nên mới manh động đến thế khi tự tay đập bể nồi cơm của mình?!

Coi chừng tới phiên ông đó ông ơi! Ở đó mà bốc phét!

Công nhân không khờ dại vậy đâu. Chủ Trung Quốc đã dựa vào quan chức nhà nước địa phương đối xử họ như thế nào họ mới phản ứng quyết liệt đến thế chớ!

Viết tới đây người viết lại nhớ tới bài Quốc tế ca (tiếng Pháp: L'Internationale) là bài ca tranh đấu nổi tiếng nhất, được nhiều người biết đến nhất trên thế giới.

Nguyên bản tiếng Pháp được Eugène Pottier (1816–1887) sáng tác năm 1870 bởi, sau này là Pierre Degeyter (1848–1932) phổ thơ thành nhạc năm 1888.

Bài hát nầy được Cộng Sản quốc tế ‘chôm’ về làm đảng ca cho mình.

‘Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian! Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn! Sục sôi nhiệt huyết trong tâm đầy chứa rồi. Quyết phen này sống chết mà thôi…’

Một người nữ công nhân Việt Nam ở Bình Dương không thèm biết tới Quốc Tế ca là cái thá gì hết mà lời em nói cũng hào hùng không kém!

“Dù đang làm cho một công ty Hàn Quốc, nhưng tụi em cũng đình công, đi biểu tình!” Nghỉ thế này thì ai trả tiền công, không sợ bị đuổi, thất nghiệp sao?

"Bất cần, nghèo sẵn rồi đâu sợ nghèo thêm! Nghỉ vài bữa đi chống Trung Quốc rồi tính sau!"

Thiệt đúng là anh thư liệt nữ!

đoàn xuân thu.
melbourne.
Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.




0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.