Tuesday 15 April 2014

Úc thành vườn cây trái cho thế giới

Việt Luận ::

Thủ tướng Úc Tony Abbott đang công du một lúc ba nước Nhật Bản, Nam Hàn và Trung Quốc. Cùng đi với thủ tướng Úc là phái đoàn lên đến 600 giám đốc điều hành công ty và ngân hàng lớn của Úc. Cho đến nay, chuyến đi được coi thuận buồn xuôi gió, ngoại trừ máy bay chở phái đoàn tháp tùng đã hư máy nằm ụ tại phi trường Tokyo.


Ông Tony Abbott đã ký Thoả Thuận Tự Do Giao Thương (chữ Anh gọi là “Free Trade Agreement”, và thường gọi tắt thành FTA) với Nhật Bản và Nam Hàn. Tại Bắc Kinh, thủ tướng Úc cũng mang Thoả Thuận Tự Do Giao Thương bàn với chóp bu Cộng Sản Trung Hoa và hy vọng sẽ đạt thỏa thuận vào cuối năm.

Thủ tướng Úc và tổng thống Nam Hàn
(Hình abc.net.au)
Mỗi lần ký kết Thoả Thuận Tự Do Giao Thương thì không những Úc mà từng nước Nhật Bản và Nam Hàn đều hết lời ca tụng thỏa thuận này như là trang sử mới giữa hai nước. Ở Tokyto, thủ tướng Úc nói “Úc khai phá một nền móng mới cho ngành xuất cảng nông phẩm”. Còn thủ tướng Nhật Bản ca tụng Úc như “bạn chiến lược” và nhấn mạnh Nhật Bản và Úc cùng chia sẻ ‘nhiều giá trị”. Ở Seoul, ông Tony Abbott nắm tay nữ tổng thống Park Geun-hye chứng kiến Thoả Thuận Tự Do Giao Thương Úc – Nam Hàn được k‎‎ý kết và nói “đây là giây phút rất đặc biệt”.

Theo mô hình kinh tế do hai kinh tế gia Philippa Dee và Kenichi Kawasaki lập: nhờ Thoả Thuận Tự Do Giao Thương với Nhật Bản, đến năm 2020 kinh tế Úc sẽ hưởng lợi thêm 1.8%. Điều này xảy ra nhờ Úc tăng thêm xuất cảng sang Nhật Bản gấp rưỡi lần và Nhật Bản cũng tăng thêm hàng hóa bán cho Úc 24%. Vậy là người ta hiểu tại sao giới làm ăn buôn bán của cả hai nước đều vỗ tay ăn mừng.


Với dân quèn, chỉ cần nghe thủ tướng Úc nói xe Nhật sẽ rẽ $1,500 mỗi chiếc là thấy... đã rồi.


Với dân quèn, chỉ cần nghe thủ tướng Úc nói xe Nhật sẽ rẽ $1,500 mỗi chiếc là thấy... đã rồi. Kế tiếp nghe đâu máy móc điện tử Nhật Bản cũng được bớt 5% thuế. Những Sony, Toshiba, Panasonic, Fujitsu, Epson, Sharp, Olympus và Hitachi sẽ ào ạt vào Úc. Ngoài ra, công ty Nhật Bản và Nam Hàn dễ dàng hơn khi đầu tư vào Úc. Trước đây bỏ tiền $248 triệu thì phải xin phép Foreign Investment Review Board của Úc chấp thuận. Nay nâng lên thành $1 tỷ Đô La. Trung Quốc thấy vậy cũng muốn Úc mở cửa cho họ nhảy vào.
Tuy tên là Thoả Thuận Tự Do Giao Thương nhưng trong thực tế thỏa thuận này chỉ bớt một số rào cản. Với Nhật Bản, không phải mua bán gì cũng tự do. Đúng ra, trong vòng 7 năm sắp tới hai nước Úc và Nhật Bản hạ thấp rào cản thuế quan xuống. Úc giảm món hàng này thì Nhật giảm món hàng kia: hai bên đổi chác để tìm lợi cho mình. Thực phẩm Úc chở vào Nhật Bản cho 127 triệu miệng ăn sẽ nhiều hơn nhờ bị đóng thuế thấp hơn. Ngược lại hàng hoá Nhật Bản và Nam Hàn cũng ào ạt đổ vào Úc nhiều hơn và rẻ hơn.

Trở ngại cuối cùng cho FTA giữa Úc với Nhật Bản và Nam Hàn là thịt bò. Thịt bò Úc vào Nhật Bản phải chịu thuế 38.5% và 40% thuế khi vào Nam Hàn. Hai rào cản này sẽ sụt xuống. Nhật Bản đồng ý sang năm giảm bớt 6% và tiếp tục giảm cho đến khi thuế chỉ còn 23.5%. Trong khi đó, Nam Hàn đồng ý trong 15 năm sắp tới -- mỗi năm một giảm thuế thịt bò Úc cho đến khi không còn một cắc! Ngoài thịt bò, các món ăn như sửa, đường, thức ăn đóng hộp, rượu, hải sản và trái cây.... của Úc sẽ ào ạt qua Nhật Bản và Nam Hàn. Nhưng nông dân trồng lúa lại than trời vì gạo Úc không được ghi vào FTA.

Thoả Thuận Tự Do Giao Thương với Nhật Bản và Nam Hàn có nghĩa là: dân chúng hai nước nằm về phía Đông Bắc châu Á sẽ ăn thực phẩn Úc với giá rẻ và bạn đọc Việt Luận sẽ bớt hao địa khi mua máy móc, xe cộ... Ai ai cũng hả hê. Nhưng xin nhớ: theo mô hình Dee-Kawasaki, Úc được lợi không phải vì Úc bán nhiều thực phẩm hơn mà do Nhật Bản bán hàng hoá và đầu tư nhiều hơn vào nước Úc.

Úc trở về là anh nông dân miệt dưới:
"Riding on the sheep's back"
(hình http://dl.nfsa.gov.au/)
Từ tình trạng này sẽ xảy ra cho nước Úc điều không ai dám nói thẳng. Đó là hãng xưởng Úc đang èo uột, rồi còn èo uột hơn nếu không muốn nói là... “dẹp tiệm”. Trong tương lai không xa hoặc là Úc phải du nhập kỹ thuật mới vào ngành chế biến hoặc trở lui “sống trên lưng con trừu”. Tức là trở về làm anh nông dân miệt dưới: nuôi bò nuôi trừu, trồng cam trồng táo mà sống qua ngày.

Ở một phương diện nào đó, làm anh nông dân vui thú điền viên ở miệt dưới xem chừng khoẻ hơn cày ngày cày đêm trong hãng xưởng mà không đi tới đâu. Úc thành vườn cây trái cho thế giới. Còn thế giới phải cày trong hãng xưởng để đổi lấy miếng ăn. Tương lai miệt dưới là vậy.

Việt Luận ::
Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.




0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.