Wednesday 27 November 2013

Indonesia làm dữ với Úc



Việt Luận ::
Mấy ngày qua, xì tin Úc nghe lén điện thoại Indonesia. Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono làm dữ: rút đại sứ về, ngưng tập trận chung với Úc, viết thơ gởi thẳng cho thủ tướng Úc, vân vân.

Trong số báo này, Việt Luận đưa nhiều tin liên quan. Đọc tin, có thể bạn đọc thắc mắc: tại sao Indonesia làm dữ vậy? Để trả lời, thư tòa soạn hôm nay xin dịch bình luận của Meidyatama Suryodiningrat đăng trên báo The Jakarta Post số ra ngày 19.11.2010.
Kính mời bạn đọc nghe tiếng nói từ phía bên kia.






Khẩu hiệu của Defence Signals Directorate (nay đổi tên thành Australian Signals Directorate) là “ Reveal their secrets -- protect our own, Khui ra bí mật của chúng nó -- giữ kỹ bí mật của chúng ta”. Khẩu hiệu này hiện ra rành rành bên dưới tài liệu trình bày chương trình nghe lén điện thoại giữa tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono với giới thân cận.

Sau khi báo chí Úc xì ra tin này, người ta thấy: mặc dầu hết thủ tướng Úc này sang thủ tướng Úc khác huyênh hoang tuyên bố tình thân với Indonesia, Indonesia vẫn nằm trong số “chúng nó” chứ chưa thuộc về “chúng ta”. Báo The Guardian còn đưa thêm tin: Úc và Hoa Kỳ dám dùng cả hội nghị về thay đổi khí hậu năm 2007 tại Bali để rình mò.

Khi tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono
Nhấc điện thoại lên thì .... Úc nghe!
(Hình abc.net.au )
Từ mấy tuần qua, bang giao giữa hai nước đã tồi tệ. Tin này xì ra càng làm tồi tệ hơn. Bắt đầu là rắc rối về thuyền nhân, sau đó là chi tiết liên quan đến hoạt động gián điệp của Úc do Edward Snowden tiết lộ. Bây giờ chúng ta còn biết điện thoại của tổng thống Yudhoyono và viên chức hàng đầu kể cả của đệ nhất phu nhân đều bị nghe lén.

Vậy là chạm đến đời sống riêng tư của tổng thống rồi!

Ai đó trả lời nghe lén là thường tình. Trả lời như thế chỉ tổ chạy tội chứ không thuyết phục được ai. Lý do cố hữu dẫn đến nghe lén là Úc vẫn giữ đầu óc ngờ vực nước láng giềng phương Bắc của mình.
Thiệt ra, chuyện này không đến nỗi cạn tàu ráo máng nhưng đến lúc phải chấn chỉnh trước khi sinh thêm tai hại.
Nhìn chung, nước nào cũng thu thập tin tình báo. Ai ai mà chẳng thường xuyên rút tỉa từ các tin tức đó để đoán ra ý định của đối thủ.

Úc nằm trong liên minh “ Five eyes, ngũ nhãn” gồm có Hoa Kỳ, Anh Quốc, Canada và New Zealand. Liên minh này ra đời vào thủa nhem nhúm Chiến Tranh Lạnh để cùng nhau thu thập tin tức và cùng nhau dùng chung hệ thống phân tích tin tình báo có tên là Echelon. Được biết mỗi nước trong liên minh chịu làm “tai mắt” cho bốn nước kia để thu thập tin tình báo từ các nước khác trong vùng. Trong liên minh này, Úc lãnh phần theo dõi phần lớn châu Á; trong khi New Zealand để ý đến vùng phía Tây Thái Bình Dương. Nhưng vào thập niên 1990, nguyên thủ tướng Paul Keating từng tuyên bố nhiệm vụ của Úc mở rộng ra toàn cầu. Chính ông này tuyên bố “ Với Úc, không có quốc gia nào quan trọng hơn Indonesia”. Các thủ tướng tiếp theo đều xác nhận như trên.

Indonesia bị hố vì quá ngây thơ. Có lẽ người Indonesia tưởng rằng người Úc không còn làm gián điệp cho Mỹ khi thế giới bước vào giai đoạn cộng tác.

Thật ra, từ năm 1991 cơ quan giải mã của Indonesia (Indonesia's National Encryption Agency) đã nhiều lần cảnh cáo Úc đừng quấy nhiễu và ghi âm hệ thống viễn thông của toà đại sứ Indo tại Canberra. Úc trả lời bằng cách cam kết các tin tức ấy được mã hoá và giữ kín suốt 20 năm bằng những mật mã chằng chịt. Các mật mã này được thay đổi mỗi hai tuần một lần.

Các điều trên cho thấy: trong khi thế giới đổi khác thì đầu óc của nước Úc vẫn như trước.
Ghê tởm khi chuyện nghe lén điện thoại bị khui ra là: ngoài việc ngay đến điện thoại của đệ nhất phu nhân bị dò xét -- Úc vẫn còn tiếp tục nghe lén ngay cả sau khi ký kết hiệp ước Lombok với Indonesia. Hiệp ước năm 2006 nhằm đặt nền cho hai nước cộng tác về các vấn đề an ninh.

Thứ Hai tuần qua, ngoại trưởng Marty Natalegawa lên tiếng đòi hỏi: “Tôi nhất định muốn (Úc) giải thích tại sao lời nói của tổng thống nước Cộng Hoà Indonesia, của đệ nhất phu nhân nước Cộng Hoà Indonesia ở chốn riêng tư lại có dính dáng – ngay cả chỉ dính dáng tí xíu – với nền an ninh của nước Úc”. Cựu đại sứ Indonesia tại Úc, ông Sabam Siagian, đang giữ một trong nhiều ghế chủ biên cao cấp cho báo The Jakarta Post, nói lên ý nghĩ của nhiều người trong giới ngoại giao: “ Úc đã đi quá trớn!”
Ông cựu đại sứ nói thêm: “Chẳng ai lại nghe lén đồng minh”. Theo ông: nghe lén gây hại cho công trình ngoại giao và thiện chí hai nước từng dày công xây dựng bấy lâu.

Abbott đang đối mặt với chuyện bị mất hết tin tưởng.
Ông ta còn phải hết lòng chứng tỏ Úc đang xét lại cái nhìn của mình đối với Indonesia và Đông Nam Á.
Khi công du Indonesia vào năm 1996, Keating đã bốn lần hỏi “ Tại sao chúng ta không thể làm bạn với nhau? Tại sao chúng ta không thể làm bạn với nhau? Tại sao chúng ta không thể làm bạn với nhau? Tại sao chúng ta không thể làm bạn với nhau?

Chắc là, bây giờ ông ấy nhận được trả lời.
Indonesia có thể làm bạn với Hoa Kỳ chứ không làm đồng minh. Cũng thế, Indonesia đang thấy mình là láng giềng với Úc nhưng càng ngày càng khó làm bạn với Úc.

Meidyatama Suryodiningrat






Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.




1 comment :

  1. Hello Ông Già Ba Tri!
    Ông Già Ba Tri thêm các links nối vô nhiều trang web khác nói cùng đề tài là hay lắm đó. Người đọc blog ông đỡ mất công. Nhưng ông không sợ người ta thấy mấy chỗ này hay hơn blog ông rồi chạy luôn sao?
    Tiến

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.