Sunday 3 August 2014

Chai đỏ Shiraz


Hồng Lĩnh::

Trong bài khai vị Hồng Lĩnh đã mời tửu hữu “dế mèn phiêu lưu ký” vào tiệm rượu. Vào bất kỳ tiệm nào cũng được. Tửu hữu tất thấy tiệm rượu Úc bao giờ cũng chia làm hai cánh tả và hữu như đội bóng tròn ra sân cỏ. Hai cánh này chia ra rõ ràng: một bên là rượu đỏ, bên kia là rượu trắng.
Bài này mời tửu hữu điểm mặt một vài chai rượu nằm ở một hai cánh tả hữu kể trên.



Trong cánh rượu đỏ phải nhìn nhận Shiraz được coi là chủ xị

Shiraz chủ xị rượu đỏ

Khi tửu hữu vào cánh rượu đỏ sẽ gặp những chai: Shiraz, Shiraz Cabernet, Pinot Noir, Cabernet Sauvignon, Cabernet Merlot, Grenace, Viognier, vân vân. Khi bước qua cánh của những chai rượu trắng thì gặp Chardonnay, Sauvignon Blanc, Verdelho, Semillon, Pinot Grigio, Riesling, vân vân.
Phải nói: chai nào cũng ngon. Tuy nhiên, trong cánh rượu đỏ phải nhìn nhận Shiraz được coi là chủ xị; còn cánh rượu trắng không loại nho nào phổ biến hơn Chardonnay. Bài này xin được phép nói riêng về chủ xị Shiraz bên cánh đỏ.






Chai rượu đỏ làm bay chức thử hiến NSW Barry O'Farrell.
(Hình www.top100arena.com)

Shiraz tiêu biểu cho rượu nho Úc

Shiraz là giống nho được trồng nhiều nhất tại Úc. 40% diện tích vườn nho Úc trồng Shiraz. Nếu tính sổ, ít nhất có 164 vườn nho tại Úc chuyên trồng Shiraz. Vì thế, cứ năm trái nho được hái về ép rượu thì có một là Shiraz.

Rượu Shiraz đang được người Úc ưa chuộng nên bán rất mạnh ở trong nước; đồng thời khi thế giới nói tới rượu Úc thì thường ngầm chỉ đó là rượu Shiraz. Chữ Anh là Shiraz. Còn người rành chữ Pháp (và chữ... New Zealand) lại thích viết là Syrah hơn. Syrah được trồng nhiều nhất tại Côte-Rôtie và Hermitage, Pháp. Còn Shyraz trồng nhiều nhất tại... “khắp nơi” của nước Úc. Vì lẽ này, có khi người Úc sính chữ Pháp còn gọi rượu Shiraz là... Hermitage. Thí dụ chai Shiraz mới đây làm ông Barry O'Farrell bay chức thủ hiến NSW có tên là Penfolds Grange Hermitage ép từ nho Shiraz mùa 1959.
Mãi tới giữa thập niên 1990, tửu hữu Úc mới ái mộ những chai rượu vang Shiraz đỏ. Trước đó, người Úc chỉ dùng nho Shiraz để chế rượu đậm đặc (Fortified) mà thôi. Lý do là trái nho Shiraz có thể để chín tới ngấu và mang mùi rất đậm đà. Gần đây, Shiraz Úc được tâng bốc vì thị trường thế giới càng ngày càng đặt mua nhiều Shiraz hơn. Thế là Shraz Úc một sớm một chiều trở thành thứ rượu tiêu biểu cho Miệt Dưới.

Chính vì lẽ này khi đón thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Canberra vào đầu tháng Bảy vừa qua, Úc đã đãi “bạn hiền” từ xứ mặt trời mọc bằng cách khui những chai Shiraz. Đầu bếp của thủ tướng Tony Abbott đánh xe một vòng Canberra tìm mua chai rượu đặc sản hạng nhất của Úc. Cuối cùng, đầu bếp đã ghé vào vườn nho của ông Nick O'Leary nằm bên ngoài Lãnh Thổ Thủ Đô trên đường đi Sydney. Đầu bếp đã rinh những chai Shiraz năm 2013 ép từ thứ nho trồng tại vùng đất lạnh để đãi khách phương xa. Người ta nói Shiraz Úc đi với trừu Úc nướng thì đưa người thưởng thức lên tận chín tầng mây xanh. Tửu hữu muốn uống chung một thứ rượu tại quốc yến -- bữa đó báo chí tố cáo thủ tướng Tony Abbott quá chén và... xỉn – có thể rinh chai Nick O'Leary Shiraz: giá bán dưới $35. Quả là rất mềm. Nhưng xin tửu hữu nhớ cho: không phải rượu mắc mới ngon, à nghe.


Đặc điểm của Shiraz Úc
vị nhẹ nhàng và thanh,
mang sắc tím thẫm,
vị chát nồng nàn,
hương đậm đà của trái mận chín ngấu.


Đặc điểm của Shiraz Úc được ghi nhận như sau: trái nho chín ngấu, vị nhẹ nhàng và thanh, hương phấn tannins êm và đậm hương từ thùng sồi. Khi ép thành rượu thì những chai Shiraz Úc mang sắc tím thẫm, vị chát nồng nàn, hương đậm đà của trái mận chín ngấu. Ngậm một ngụm Shiraz Úc, tửu hữu nghe vị chát của hóa chất tannin bốc lên từ cuống họng cho đến hốc mũi. Nuốt ngụm Shiraz đó, tửu hữu thấy ngay hương chocolat toả ra và quyện lấy mùi thơm của những trái cây – tuỳ theo nho Shiraz này trồng tại vùng đất ấm hay đất lạnh tại Úc.

Thật vậy, nho Shiraz được trồng từ South Burnett, thuộc về Sunshine Coast, phía Bắc thành phố Brisbane, tiểu bang nắng ấm Queensland cho đến tuốt Margaret River cực Tây Nam giáp ranh Ấn Độ Dương trong tiểu bang Tây Úc. Tuy nhiên, chai Shiraz Úc ngon thường xuất thân từ bốn vùng Barossa Valley, Clare Valley và McLaren Vale thuộc về Nam Úc và Hunter Valley nằm trong tiểu bang NSW. Tửu hữu rinh đại một hai chai Shiraz có in một trong bốn địa danh ấy là tạm yên tâm nhâm nhi.

Rượu vùng đất lạnh và vùng đất ấm

Vì trồng tại nhiều vùng khác nhau nên nho Shiraz Úc mang đặc điểm khác nhau. Shiraz nào cũng có nước rượu màu chocolat và hương trái mận hầm.

Tuy nhiên, nho Shiraz xuất thân từ vùng đất lạnh vì cần nhiều thời gian để chín tới nên trái nho nặng chất acid mà nhẹ độ cồn. Khi ép thành rượu, rượu Shiraz từ vùng đất lạnh thường mang vị cay của hạt tiêu, hương thoang thoảng của trái dâu hay các thứ trái cây khác. Đây là những chai có ghi chữ “cool-climate” trên nhãn hoặc xuất thân từ Grampians, Yarra Valley, Mornington Peninsula (Vic) hay Barossa Valley, the Clare Valley and McLaren Vale (Nam Úc).

Ngược lại, khi nho Shiraz trồng từ vườn nho ấp áp hơn thì chai rượu nặng hương của những trái cây chín ngấu và vị ngọt lịm của chocolat. Ngoài ra, rượu ép từ những trái nho trong vùng càng ấm áp thì càng có nồng độ rượu nặng. Những chai này gọi là “full-bodies, đậm đà”. Nghĩa là hơn 14 độ cồn. Chai Loaded Barrels ‘Special Reserve’ Clare and McLaren Vale Shiraz 2012 được coi là tiêu biểu cho Shiraz “full-bodied, đậm đà” vì có 14.4 độ cồn và ép từ nho Shiraz trồng tại hai vùng nổi tiếng Clare Valeey và McLaren Valley, Nam Úc. Chỉ tiếc giá quảng cáo trên mức $100 và thầy bàn khuyên ngâm cho tới năm 2019 mới khui.
Tuy nhiên, nếu chai Shiraz dán nhãn từ Central Victoria, Coonawarra và Padthaway thì hương của chúng mang mùi trái dâu đen, vị của hạt tiêu và những thứ gia vị đậm đà. Khui những chai Shiraz này uống kèm với món ăn ướp nhiều gia vị thì không gì hợp bằng. Hồng Lĩnh thích chai Wynns Coonawarra Shiraz. Thử rinh Wynns Coonawarra Shiraz 2012 khi ăn thịt steak hay các thứ thịt nướng, tửu hữu thấy sắc đậm gần như ly xây chừng bán trong quán cóc ở Việt Nam, hương đậm đà của trái cây đã chín cộng thêm vị chát khác dữ dằn. Cái sắc ấy, cái hương ấy, cái vị ấy khống chế gần hết chất béo của mỡ.

Thích vì rượu ngon mà càng thích hơn giá bán của Wynns Coonawarra Shiraz 2012 rất vừa với túi tiền dân cày. Nơi nào cô bán rượu rộng miệng cười thì cao lắm cũng chỉ “một tờ đỏ”. Bằng không, nếu ông chịu khó săn lùng thì giá chai Wynns Coonawarra Shiraz 2012 chỉ bán dưới $12. Hay rẻ hơn.

Hồng Lĩnh

Lần sau: Shiraz mặn và Shiraz ngọt
Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.





8 comments :

  1. Mỗi ngày tôi đều uống một hai ly rượu đỏ Úc nhưng lại chuộng loại Cabernet Merlot vì vị ngọt, còn Shiraz thì đậm đà nhưng vị chát hơn.
    Bài viết này của Hồng Lĩnh công phu và thú vị lắm nên mai mốt có dịp tôi cũng sẽ thử rinh chai Wynns Coonawarra Shiraz 2012 mà HL giới thiệu vì mê lời quảng cáo "khi ăn thịt steak hay các thứ thịt nướng, tửu hữu thấy sắc đậm gần như ly xây chừng bán trong quán cóc ở Việt Nam, hương đậm đà của trái cây đã chín cộng thêm vị chát khác dữ dằn". :-))

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hi tửu hữu TTB,
      Bạn thích chai Merlot cũng hay à nghen. Merlot , đúng hơn Cabernet Merlot không chát như Shiraz mà cũng không “nhạt” như Chardonnay nên người uống Merlot thuộc về loại “trung dung quân tử”. Nhờ vị ngọt , Merlot rất thích hợp với khẩu vị của người Việt mình. Tửu hữu khoái chai hiệu nào cho bà con và Hồng Lĩnh biết tên nghen. HL

      Delete
  2. Tôi uống mỗi ngày một hai ly rượu đỏ nên thường mua loại giá trung bình khoảng 8, 9 đô Úc. Chai tôi thường mua là của nhà sản xuất Mc Guigan, Tên chai rượu có hiệu "BLACK Label" (Merlot).
    Chỉ thỉnh thoảng có dịp uống cùng bạn bè thì mới rinh chai đắc tiền hơn chút chút và lúc ấy mới dịp thử các chai của các công ty khác. Mỗi dịp là một hiệu khác nhau nên cũng không nhớ chính xác tên hiệu chai nào hợp khẩu vị với mình có giá trên dưới 20 đô :-)

    ReplyDelete
    Replies
    1. McGuigan là lò ủ rượu được nhiều huy chương nhất tại Hunter Valley, NSW: rủng rỉnh 39 huy chương và là Winemaker of the Year Award - 2009, 2011, 2013.
      Rượu của McGuigan thường giá dưới “tờ đỏ”. Mà ngon. Các chai McGuigan ngon thường là Semillon hay Riesling... Nhưng Merlot của McGuigan – như tửu hữu nhận xét – không chát như Shiraz . Mà ngọt ngào. Nên không phá hương thơm của bà xã. (Úi quên! hương thơm từ món ăn do bà nhà bỏ công xào nấu) ..

      Delete
    2. Rượu vùng Hunter Valley nổi tiếng vậy sao ông HL ? Tôi sống vùng nầy vậy mà tui chẳng biết tí nào... Chắc tại mình ít uống rượu nên không lưu tâm mấy ; chỉ lưu tâm các loại Bia mà thôi.

      Đọc xong các bài về rượu của ông ,tui khoái nhất chữ TỬU HỮU. Hồi xưa giờ chỉ nghe: chiến hữu, đạo hữu, ái hữu... bây giờ học thêm 1 chữ nữa: Tửu hữu, nghe hay nghe thanh cao quá hở ông HL ?

      Delete
    3. Tôi cũng rất đồng tình với nhận xét của Ben Tran về chữ TỬU HỮU mà anh HL dùng, "nghe hay nghe thanh cao quá", nghe nhẹ nhàng hơn chữ "bạn nhậu" nhiều.

      Delete
  3. Hunter Valley là một trong mấy vùng trồng nhiều nho nổi tiếng của Úc. Tửu hữu Ben Trần được phước làm người Novocastrian thì chỉ cần theo đường B82 làm một vòng từ Cessnock đi Broke hay Singleton là thấy bát ngát vườn nho. Ở mỗi vườn là vài ngụm cũng đủ ngất ngư. Mùa Đông, HL uốn rượu. Mùa hè thì uống bia. Hy vọng có dịp cụng ly với tửu hữu.
    HL

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ồ ông HL ạ mình đã "cụng ly" từ từ trên Blog VL nầy rồi ; nếu có cụng ly thật sự tui phải núp sau lưng Ông già Ba Tri mới chịu nổi . Og3t mới là là tửu hữu thứ thiệt !!

      Delete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.