Sunday 3 August 2014

Chính phủ tuyên chiến với người thất nghiệp


Việt Luận::

“Chính phủ tuyên chiến với người thất nghiệp”: đó là nhan đề của một bài báo đăng tại trang web chuyên về kinh tế & tài chính Macrobusiness.

Khi cuộc chiến này bắt đầu vào ngày 1.7 sang năm, mỗi ngày người thất nghiệp phải làm hai lá đơn xin việc: một vào buổi sáng và một vào buổi chiều, như lệnh của ông tổng trưởng nhân dụng Eric Abetz.


Tổng trưởng nhân dụng Eric Abetz
(Hình https://abetz.com.au/)

Ở Úc có chừng 750 ngàn người thất nghiệp. Mỗi ngày đạo quân thất nghiệp này bắn đi một triệu rưỡi lá đơn.

Việc đâu mà xin? Có xin thì chắc gì chủ đã đọc đơn!

Thế là người thất nghiệp trở thành gánh nặng không phải cho ngân sách quốc gia mà còn cho chủ. Nghe tin này không những người thất nghiệp ngán mà ngay đến giới làm chủ cũng sợ.

Chủ nào quảng cáo một việc làm nho nhỏ mà thôi, có thể sẽ nhận vài ba chục hay vài ba trăm đơn. Khi có quá nhiều lá đơn chủ khó đọc hết. Thế là tội nghiệp cho người đủ khả năng và thực tâm muốn xin việc.
Người thất nghiệp sẽ xin đủ thứ việc mặc dầu không thích làm hay không có khả năng làm. Cô Dawn Budgel nhanh nhẹn tung lên YouTube lá thơ xin việc đáng làm kiểu mẫu sắp bay tới bàn giấy của ngàn ngàn chủ nhân tại Úc và khắp thế giới.

Mặc dầu tôi không biết nói tiếng Nhật, tôi sẵn sàng học....”


Mặc dầu tôi không biết nói tiếng Tây Ban Nha, tôi có bằng cử nhân kỹ sư hàng hải...”

Mặc dầu tôi không biết ...


Mặc dầu tôi không biết ...


Mặc dầu tôi không biết ....


Thư viết:
“Dear Sirs: I recently saw your advertisement in The Globe and Mail for a research assistant. Although I do not speak Japanese I am willing to learn... Thưa các ngài: Tôi vừa thấy báo The Globe and Mail quảng cáo tuyển phụ tá nghiên cứu. Mặc dầu tôi không biết nói tiếng Nhật, tôi sẵn sàng học....”

Cô viết tứ tung:
''Dear Sirs, I am writing in response to your ad for a Spanish-speaking clerk. Although I do not speak Spanish I have a B. E. in Maritime Traffic Engineering... Thưa các ngài, Tôi viết đơn xin làm thư ký nói tiếng Tây Ban Nha do các ngài quảng cáo. Mặc dầu tôi không biết nói tiếng Tây Ban Nha, tôi có bằng cử nhân kỹ sư hàng hải...”

Và cứ thế, cứ thế... cô Dawn Budgel, 26 tuổi, có bằng đại học, bạ đâu xin việc đó để ngài tổng trưởng nhân dụng hài lòng và phát trợ cấp Newstart mỗi tuần $255.25 cho cô sống cầm hơi. Cô cần sống để mỗi ngày tiếp tục viết hai lá đơn xin việc.
Ngoài chuyện bắt người thất nghiệp viết 40 lá đơn mỗi tháng, chính phủ còn ra nhiều điều kiện ngặt nghèo khác cho người xin trợ cấp thất nghiệp. Nếu dưới 30 tuổi mà không có việc làm thì phải chờ sáu tháng mới được trợ cấp. Trong sáu tháng “nhịn ăn nhịn uống” này, người thất nghiệp vẫn phải làm 240 lá đơn xin việc. Ông David Thompson, giám đốc điều hành tổ chức xin việc Jobs Australia, kinh ngạc vì nếu người trẻ không có gia đình thân thuộc giúp đỡ thì lấy gì mà sống. Nhiều tổ chức xã hội lo ngại: rủi người trẻ này thiếu ăn thiếu mặc, họ có thể sa vào vòng phạm pháp như trộm cắp, lường gạt, buôn ma tuý hay “bán trôn nuôi miệng”.

CAPTION
(Hình Triplem.com.au)
Cùng với viết mỗi ngày hai lá đơn xin việc, đạo quân thất nghiệp còn phải xâm mình vào chương trình ‘Work for the Dole, có làm mới có lãnh”. Người “có làm mới có lãnh” sẽ làm nhiều công việc từ lượm rác, trồng cây, đào mương cho đến các công việc trong tổ chức bác ái xã hội như thư ký, tiếp viên hay bán hàng, vân vân. Bà phát ngôn viên cho phụ tá tổng trưởng nhân dụng Luke Hartsuyker nói thêm: sẽ có một người “có làm mới có lãnh” bán hàng cho Salvation Army mà cũng có một nhóm năm hay sáu người “có làm mới có lãnh” sơn lại hội quán ở địa phương. 
Hiện nay, chừng 13% người trong độ tuổi lao động tại Úc hoặc là thất nghiệp hoặc là chưa được làm đủ sức. Work for the Dole không có sức lo việc cho hơn một triệu người này. Rút từ kinh nghiệm cũ – thủa ông Tony Abbott làm tổng trưởng nhân dụng trong nội các John Howard - chương trình Work for the Dole chỉ thêm phí phạm tiền bạc và thời giờ vì không huấn luyện người thất nghiệp đủ kỹ năng để thực sự làm việc.


 Người thất nghiệp ở Ấn Độ xếp hàng rồng rắn trước xưởng để xin việc làm
(Hình blogs.wsg.com)
Hiển nhiên, mọi người phải “tuyên chiến với nạn thất nghiệp” nhưng không gì bằng công ty lớn mở ra chương trình huấn nghệ và trực tiếp tuyển dụng người thất nghiệp. Thí dụ khi WestConnex bắt đầu đắp đường tại phía Tây Sydney thì treo bảng “Vacancy” cho dân thất nghiệp bước vào, học nghề và làm việc. Ở phía Tây Nam Sydney cũng thế, khi đào móng phi trường Badgerys Creek, giá mà công ty lớn cũng làm thế thì bà con thất nghiệp đỡ khổ chừng nào.

Muốn thế, chính phủ phải tạo đủ điều kiện cho hãng xưởng trở lại cái thời mỗi hãng đều dựng cái bảng “Vacancy” ở cổng. Ai tìm việc, chỉ cần bước vào là trở thành công nhân ngay. Đó là thủa khi người mình bắt đầu đến đây.

Nhưng thủa ấy đã thành... cổ tích.

Việt Luận
Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.



0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.