Wednesday 30 July 2014

Junk food và Junk mail



Ben Trần::
Nhân Og3t viết bài “Tôi yêu chàng phát thư” có nhiều chi tiết và hình ảnh hay về dịch vụ và cái vui cái buồn của các ông phát thư ở Úc; tui xin tản mạn thêm vài hàng về chuyện THƯ ở Úc…(B.T.)
N
ếu tìm trong tự điển Oxford, chữ “Junk” có 2 định nghĩa:
a/ Những đồ vật phế thải, rác.
b/ Những vật xem như không lợi ích gì, hoặc có giá trị rất nhỏ.

Có bốn danh từ kép: junk food, junk mail, junk shop và junk jewellery. Junk shop (tiệm bán những đồ đã dùng, rẻ tiền) và junk jewellery (đồ trang sức giả, rẻ tiền), hai từ kép nầy ta ít gặp hơn là junk food và junk mail.


Một quảng cáo giúp học sinh hiểu biết thêm về 'junk food'
(Hình superchargehomeschooling.com )
Junk food thường ám chỉ những thức ăn nhanh, thường không chứa nhiều chất bổ dưởng và phần lớn là có hại cho sức khỏe.

Vài năm về trước đài truyền hình số 7 có làm một phóng sự về junk food. Các phóng viên có nêu ra trên một con đường chính của vùng Blacktown (Tây Sydney) tập trung rất nhiều cửa hàng thức ăn nhanh như: Mc Donald, Hungry Jack, Burgers King, KFC, Domino Pizza …

Vì thế vùng nầy vốn đã nghèo nàn lại càng thêm tỷ lệ người bệnh béo phì tăng cao. Họ lại đổ lỗi sự mập mạp quá độ của con người từ “Junk food”.

Còn junk mail, bản thân những lá thư là vô hại, sao lại bị ghép là junk mail? Thông thường ở Úc, Mỹ hay ở Châu Âu người dân có thùng thư đặt trước nhà để nhận thư hàng ngày, các tay quảng cáo lợi dụng thùng thư nầy mà nhét các giấy quảng cáo vô thùng thư.


Xin chàng phát thơ đọc kỹ "No Junk Male" à nhe!
(Hình zazzle.com)
Kỹ nghệ bỏ giấy quảng cáo vào thùng thơ cũng làm ăn khá lắm, và giúp nhiều người kiếm được tiền lẻ.

Thứ nhất giúp người buôn bán quảng cáo hàng, giúp nhà in có việc làm, giúp các người tạm thời thất nghiệp kiếm bạc cắc nhờ đi bỏ vào thùng thư các quảng cáo nầy.

Từ đó người ta gọi các giấy quảng cáo nầy là “Junk mail”. Thỉnh thoảng bạn đi ngang các thùng thư có nhà họ dán cái sticker “No Junk Mail”, các bảng hiệu nhỏ nầy cho người ta biết rằng khổ chủ không thích những “Thư rác” kiểu nầy.
Ta tạm gọi “Junk mail” là “thư rác” nhe. Các bạn có thể không thích các giấy quảng cáo nhét đầy thùng thơ mình, các bạn gọi chúng là thư rác. Nhưng những người trong ngành bưu điện không gọi họ là thư rác, không gọi nó là Junk mail. Các người trong ngành bưu điện gọi chúng là Unaddressed Mail (UM) – Những bức thư không địa chỉ. Ở Mỹ, Anh, Úc hay Châu Âu gì cũng thế, ngành bưu điện đang đi xuống vì sự phát triển của Email, điện thư (Fax) và các trang mạng xã hội…Nên ngành bưu điện các nước thường phát kèm theo các giấy quảng cáo để kiếm thêm một phần lợi tức.

Mà ăn tiền ngon nhất là các quảng cáo cho các chánh trị gia. Mỗi mùa bầu cử là các nhân viên phát thư bận bù đầu với các loại quảng cáo của các đảng chánh trị khác nhau…Mà các tờ rơi (flyer) của các chánh trị gia họ KHÔNG kể là Junk mail. Thế nên cho dù bạn thích hay không, dù bạn có dán khẩu hiệu “No Junk Mail” trên thùng thư, những tờ quảng cáo của các chánh trị gia vẫn vào nằm trong thùng thơ của bạn.
Mà tại sao có nhiều người không thích những quảng cáo của các chánh trị gia, hay họ thờ ơ với những vấn đề chánh trị…Thích hay không các ông bà đại diện dân nầy vẫn in và gởi vào thùng thơ của bạn, mà chi phí in ấn, vận chuyển đều từ tiền thuế của dân; vì mỗi năm các vị dân cử được hưởng cả chục ngàn cho tiền in ấn để gởi các thông tin đến các người dân vùng họ đại diện.

Như vậy xét cho cùng, cho dù có nhóm người không thích junk food, junk mail nhưng có nhóm lại rất thích vì họ được hưởng lợi từ nó. Có người lên án junk food gây bệnh béo phì, nhưng các đại công ty bán fast food vẫn phát triển mạnh và giải quyết một phần nạn thất nghiệp trong nước.

Có nhiều người ghét “thư rác” nhưng kỹ nghệ của “thư rác” cũng giúp cho sự sống còn của hãng làm giấy, nhà in, của nhân công bưu điện…Rõ là nghịch lý phải không các bạn?

Ben Trần
(Sydney)
Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.



0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.