Sunday 13 July 2014

Cướp biển ở Nam Ấn Độ Dương



Brasil : 0 - Hoà Lan : 3
Việt Luận ::

Cuối tháng Sáu vừa qua, hai chiếc tàu chở thuyền nhân từ Sri Lanka và Ấn Độ trót lọt bến bãi rồi ra tới biển rộng. Như tất cả tàu vượt biên khác, khi thấy tàu lớn hai chiếc thuyền này mừng rỡ cầu cứu.


Cả hai được tàu Úc “vớt”. Khác với những lần trước, tàu Úc không đưa thuyền nhân vào đảo Christmas để làm thủ tục mà cầm giữ và làm thủ tục ngay trên biển khơi. Hơn nữa, sau khi chận bắt thuyền nhân, Úc đã làm cho số người tìm tự do này... “biến mất” bằng cách giấu biệt không cho báo chí hay biết mà còn âm thầm trả họ về nơi xuất phát.

41 thuyền nhận đã bị trả về Sri Lanka. Trong số này có 37 người Shinhalee và bốn người Tamils. Chính phủ Úc ngả giá với chính phủ Sri Lanka bằng hai cách. Một là đích thân thủ tướng Tony Abbott ca ngợi Sri Lanka là nước quá xá cỡ tôn trọng nhân quyền. Hai là đòi Colombo không ngược đãi thuyền nhân bị Úc trả về. Sri Lanka có tôn trọng nhân quyền hay không thì không cần ông Tony Abbott phải ca tụng... vì ai mà chả biết. Và 41 thuyền nhân bị Úc trả về đã bị chính phủ Sri Lanka bắt nhốt và lôi cổ ra toà.

Hay tin này Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc Đặc Trách Tị Nạn đã chỉ trích Úc vi phạm công ước tị nạn khi phỏng vấn chớp nhoáng người tị nạn ở ngoài khơi và đuổi họ về chốn cũ. Thiệt tình, chính phủ Tony Abbott không muốn đưa thuyền nhân vào đảo Christmas nữa vì đã trót khoe trong sáu tháng qua...không một thuyền chở người vượt biên nào đến Úc. Đang lúc Úc bí mật làm 41 thuyền nhân “biến mất” ở biển khơi thì, lại thêm thuyền thứ nhì chở 153 người vượt biên kêu cứu Úc. Úc đã cứu; nhưng một lần nữa giấu nhẹm và giàn xếp trả họ trở lại Sri Lanka. Đích thân tổng trưởng Scott Morrison vội vã đi Colombo không ngoài mục đích ấy.


Bé Febrina, 3 tuổi, vận áo như thêm thần
 ... chiếm được cảm tình của người Úc
(Hình Smh.com.au)
Khi 153 thuyền nhân còn bồng bềnh ngoài khơi thì cộng đồng người Tamils tại Úc đã dùng số phận của em bé Febrina, 3 tuổi, để thử lửa với hệ thống pháp lý và đánh động tình thương của Úc. Bé Febrina là một trong 153 thuyền nhân kia.

Cha của em xin chính phủ Úc cho biết con của mình đang ở đâu. Ông viết thơ gởi tổng trưởng di trú Úc và xin các tổ chức bênh vực người tầm trú giúp đỡ. Nghe tiếng kêu cứu, Ủy Ban Bảo Vệ Nhân Quyền Tại Úc (Australian Human Rights Commission) mở cuộc điều tra về số phận của 37 trẻ em (trong số 153 thuyền nhân) vừa được tàu Úc vớt.

Ngoài ra, hơn 50 luật gia từ 17 trường đại học Úc lên tiếng: Úc vớt thuyền nhân rồi trả trở về chốn cũ là vi phạm luật quốc tế. Cộng đồng người Tamils tại Úc còn thuê luật sư xịn đưa nội vụ ra toà. Cuối cùng, tối cao pháp viện Úc đã ra lệnh không cho chính phủ Úc trả nhóm 153 thuyền nhân về chốn cũ.
Úc là nước pháp trị. Chính phủ cai trị theo luật nên chính phủ phải tuân theo luật pháp. Úc còn là nước ăp ắp tình thương. Ai chiếm được cảm tình của người Úc thì có thể xoay chuyển thái độ cứng rắn của chính phủ.

Cần phải dùng cả hai con đường này khi người ta tranh đấu cho bất cứ chuyện gì.


Một bé gái Việt Nam, 12 tuổi, từ trại cầm giữ Darwin viết thơ cho ông tổng trưởng di trú Úc ...
(Hình dassan.weebly.com)
Hiện nay không cứ gì người Sri Lanka, Afghanistan, Iraq hay Somalia kẹt trong các trại cầm giữ tại Úc mà hàng trăm người Việt Nam vượt biển phải sống vô vọng khi đã đặt một chân lên đất nước này.

Một số người mình tiếp tục than thở đời sống khó khăn tại Việt Nam và xin người Úc mở lòng thương mà quên rằng Úc là nước pháp trị. Cần phải đưa trường hợp bị giam giữ của mình ra ánh sáng luật pháp -- như người Tamils đưa sự việc của họ lên tận tối cao pháp viện Úc.

Được biết, đang có một luật sư người Việt tại Úc lo giấy tờ cho người Việt tầm trú bị giam giữ. Giá mà luật sư này đưa trường hợp của người Việt tầm trú qua các cấp toà án chí đến tối cao pháp viện...
Kế tiếp, khi tranh đấu người ta còn phải chiếm được cảm tình của công luận Úc. Người Tamils đã làm công luận Úc mủi lòng với tấm hình bé Febrina, 3 tuổi, mặc áo như thiên thần. Không rõ vì tấm hình này mà luật sư Julian Burnside ví việc Úc làm hại người xin cấp cứu ở biển khơi như là “hành động cướp biển”? Em Febrina đang chiếm được cảm tình của người Úc.

Vào năm 2012, một bé gái Việt Nam 12 tuổi bị giam lâu năm tại trại Darwin đã viết thơ cho ông tổng trưởng di trú Úc. Em viết “cuộc sống của chúng con ở đây rất chán nản, đau khổ và không biết sẽ như thế nào và không biết ai sẽ giúp chúng con...”. Em đã được người Úc cảm tình. Nhưng tiếc thay lại bị chính phủ Úc làm “biến mất”.

Em này là ai? Tên gì? Bây giờ đã có ai “giúp” em chưa?

Việt Luận tin rằng: nhiều bạn đọc muốn biết câu trả lời.

Việt Luận
Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.




0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.