Friday 18 July 2014

Biểu tình của những người kẹt một chân tại xứ sở tự do



Đây là bản tin phát đi từ đài RFA:
Thứ bảy, ngày 21 tháng 6, khoảng hơn 600 thuyền nhân tầm trú tại Úc gồm nhiều sắc tộc khác nhau như Việt Nam, Pakistan, Afghanistan, Sri Lanka, Myanmar… đã tổ chức một cuộc biểu tình trong khuôn viên khu thể thao của trại Yongah Hill, một trại tạm giam nằm ở phía Tây nước Úc và gần thành phố Perth.
Phóng viên Tường An đã phỏng vấn nhiều người trong cuộc và tường trình đầy đủ về cuộc biểu tình này. Blog Việt Luận cám ơn cô Tường An đã gởi bản tin và blog Việt Luận đã đăng tại đây.

Hôm nay, bog Việt Luận xin cám ơn anh Paul Trần – người trong cuộc và ở trong trại giam Yongah Hill -- kể lại chuyện xảy ra hôm 21.6.14. Lời văn của người tị nạn bình dị. Anh đã nhìn chuyện xảy ra thật bình tĩnh. Anh đã đưa nhận xét thật đáng cho chúng ta suy nghĩ sau khi “bị làm việc” và sau cuộc biểu tình “ở xứ sở tự do”.

Blog Việt Luận cám ơn anh và cùng với nhiều người còn kẹt “một chân” trong trại cầm giữ. Đồng thời xin gởi lời cám ơn đến bạn bè tìm cách giúp cho ước mơ của người tầm trú có một tương lai trên “xứ sở tự do”.

Xin anh em kẹt ở trỏng nhớ cho : anh em không cô độc trên xứ sở ăp ắp tình người này.

Og3t


Sinh viên Tây Úc dùng đèn làm biểu ngữ
ở bên ngoài trại giam Yongah Hill

(Hình rran.org)

Paul Trần::

Khimùa đông đã bao phủ khắp vùng Tây Úc và có vài cơn mưa dầm như kéo nhiệt độ xuống thấp hơn, và đặc biệt về đêm nhiệt đọ chỉ còn lại 4 đến 5 độ C. Mọi cảnh vật như thu mình lại vì mùa đông giá rét. Các sinh vật về đêm cũng không thèm cất tiếng gọi nhau í ới như những ngày nắng ấm khác. Khi mọi thư đi ngủ để tránh những đêm đông giá rét ấy thì những con người đang bị tạm giam trong trại Yongah Hill IDC thì đi ngược lại với quy luật tự nhiên này. Cuộc sống của những con người tội nghiệp này lại là cuộc sống về đêm, họ thức trắng đêm và ngủ nguyên ngày như nhũng động vật ăn đêm vậy. Họ gieo mình vào các trò giải trí dân gian để đốt cháy thời gian chờ đợi dài đằng đẳng và không có mức án cụ thể mà họ phải gánh chịu. Trong trại giam Yongah Hill có rất nhiều người đến từ nhiều sắc tộc khác nhau, và họ bị giam vì đã nhập cư vào đất nước Úc bất hợp pháp và chính phủ Úc chưa có một chính sách nào cụ thể dành cho những con người đau khổ này.


Bảng hiệu trại Yongah Hill, Tây Úc
(Hình WAtoday.com.au )
Khi mặt trời vừa hừng sáng, mọi sinh vật thức giấc vươn mình chào ngày mới tươi đẹp thì cũng là lúc những con người trong trại giam kéo nhau đi ngủ để né tránh một ngày dài đang tới. Đến 9 giờ sáng thì bên ngoài phòng của Trần nghe gõ cửa.

- Cốc. Cốc. Cốc
Làm Trần tỉnh giấc, mắt nhắm mắt mở Trần hỏi:
- Who is that? Come in, please!
Vì ở trong trại giam này tiếng Anh là ngôn ngữ dùng chung giữa con người với con người đến từ nhiều quốc gia khác nhau.

Một nhân viên Serco mở cửa ra và hỏi:
- Anh có phải là Trần không?
- Vâng, tôi đây, có việc gì thế? Trần mệt mỏi hỏi lại.
- Anh có một cuộc phỏng vấn với nhân viên quản lý Serco và nhân viên của bộ di trú tại phòng 1a dãy nhà dành cho phỏng vấn vào 9:30.
- Vâng, tôi cảm ơn, tôi sẽ đi ngay.
Sau khi vệ sinh cá nhân xong Trần cầm một quyển sổ tay và đi theo nhân viên đó và đi tới dãy nhà dành riêng cho phỏng vấn. Khi vừa tới nơi thì ông Bill một nhân viên quản lý Serco niềm nở ra mời Trần vào.

Trong phòng có một nhân viên của bộ di trú đang ngồi chờ ở đó.

Ông Bill mời trần ngồi xuống và bắt đầy giới thiệu:
- Tôi là Bill nhân viên quản lý Serco trong trại giam giữ này và đây là ông Darvid nhân viên của bộ di trú.
- Vâng, xin chào ông, rất vui được gặp ông.
Sau mấy câu chào hỏi thì ông Bill mắt đầu nói:
- Hôm nay chúng tôi mời anh tới đây để gặp gỡ và nói về một vài chuyện xảy ra trong trại này. Vấn đề chúng ta trao đổi hôm nay không liên quan gì đến hồ sơ của anh nên anh đừng lo lắng gì cả. Trước khi nói về các vấn đề xảy ra thì tôi muốn hỏi anh có cần một thông ngôn không?
- Vâng, tôi cần ạ.
Ông Bill lấy điện thoại ra và gọi cho thông dịch viên. Sau khi gọi xong thì ông nói với Trần.
- Xin anh đợi một chút và đừng lo lắng gì cả, thông dịch viên sẽ tới trong 10 phút nữa.
- Vâng.

Có lẽ vì tối hôm qua thức trắng đêm nên hôm nay trông mặt Trần có vẻ nhợt nhạt nên ông Bill mới an ủi như vậy. Vì ban đầu thì Trần cũng có đôi chút phân vân về cuộc phỏng vấn, nhưng đến giờ thì Trần đã lấy lại được bình tĩnh.

Sau gần 10 phút thì ông thông dịch viên người Việt Nam xuất hiện và cuộc phỏng vấn bắt đầu:
- Anh có biết tại sao hôm nay chúng tôi gọi anh lên đây không? Ông Bill hỏi.
- Dạ, không.
- Chúng tôi gọi anh lên đây là vì hôm qua nhân viên của chúng tôi xét phòng của anh và có thu giữ một số băng rôn với nhiều nội dung khác nhau.
- Vâng. Thế những cái đó giờ ở đâu ạ?
- Chúng tôi đang giữ những thứ đó. Anh làm các băng rôn đó để làm gì?
- Không phải tôi làm, mà nhiều người làm trong đó có tôi, chúng tôi làm ra các băng rôn để tổ chức một cuộc biểu tình phản đối sự giam giữ quá thời hạn mà bộ di trú đã áp đặt lên chúng tôi.
- Khi nào thì các anh tổ chức, và tổ chức ở đâu?
- Tôi không biết thời gian cụ thể là khi nào và ở đâu.
Trần nói như thế để tránh sự ngăn cản của các nhân viên an ninh vì Trần là người đứng ra tổ chức và sắp xếp lịch và ông Bill cũng thừa biết là Trần đã biết thời gian xảy ra cuộc và xảy ra chỗ nào nên ông nói:
- Chúng tôi biết anh đã biết khi nào xảy ra cuộc biểu tình sẽ diễn ra và được tổ chức ở đâu. Bởi vì các sự việc xảy ra trong trại này là do một tay anh điều khiển và các thông tin trong trại này do anh cung cấp cho các nhà báo bên ngoài. Hơn nữa anh cũng đã viết nhiều bài để đăng báo về tình trạng cuộc sống trong trại này. Anh là người có tầm ảnh hưởng lớn trong trại này nên chúng tôi mới mời anh lên đây và nói chuyện. Tôi biết cuộc biểu tình sẽ diễn ra lúc 4 giờ chiều đúng không?
- Ông đã biết rồi còn hỏi tôi làm gì nữa.
- Chúng tôi gọi anh xuống đây để nhờ anh nói với mọi người là ở đây các anh có quyền được biểu tình ôn hòa, không được bạo động. Nếu ai đó cố tình gây ra bạo động thì sẽ ảnh hưởng đến hồ sơ của chính người đó.
- Tôi đảm bảo với các ông là sẽ không có chuyện bạo động trong quá trình cuộc biểu tình diễn ra.
- Thế những ai sẽ tham gia cuộc biểu tình do anh tổ chức?
- Không phải tôi tổ chức, mà mọi người cùng nhau tổ chức, hơn nữa tôi không có danh sách những người tham gia. Nhưng tôi tin là tất cả các thuyền nhân trong trại này đều tham gia cuộc biều tình này.
- Tại sao anh lại dám chắc như thế?
- Bởi đây là dịp để họ cùng nhau nói lên tiếng nói chung.
- Chúc anh có một cuộc biểu tình thành công. Nhưng tôi xin nhắc lại là tuyệt đối không được bạo động.
- Vâng. Thế các băng rôn của tôi ở đâu? Các ông có thể trả lại cho tôi được không?
- Không được. Chúng tôi phải giữ lại để làm báo cáo lên cấp trên.
- Khi chúng tôi biểu tình, các ông có thể ghi lại cho chúng tôi một số hình ảnh được không? Để chúng tôi đem lên truyền thông.
- Chúng tôi phải hói ý kiến cấp trên đã rồi mới trả lời anh được. Chúng tôi cảm ơn anh đã đến gặp chúng tôi.
- Tôi cũng rất cảm ơn và rất hài lòng về các ông.

Ông Bill ngạc nhiên hỏi lại:
- Sao anh lại nói thế?
- Nếu ở Việt Nam chúng tôi khi lên gặp chính quyền để làm một việc tương tự như thế này thì không phải là những cái bắt tay để bắt đầu mà thay vào đó bằng những cái bạt tai mà Công An Cộng Sản dành cho người dân.
Nói xong Trần cười khúc khích.
Ông Bill cũng cười và nói:
- Ở đây là đất nước nhân quyền mà.
Sau đó mọi người chào nhau và cuộc phỏng vấn kết thúc. Vừa ra khỏi phòng thì Trần liền nói với người thông dịch viên:
- Cảm ơn chú nhiều ạ.
- Không sao, công việc của chú mà. Chúc cháu tổ chức thành công. Đừng lo lắng gì cả, ở đây là xứ sở tự do, không như Cộng Sản ở Việt Nam mình đâu cháu ạ.
- Vâng, cháu cảm ơn chú.
Khi Trần vừa về tới phòng thì có mấy người xúm lại hỏi:
- Sao rồi, hắn có cho mình tổ chức không? Tổ chức có bị bắt nhốt riêng không?
- Họ nói mình có quyền tổ chức, nhưng không được bạo động thôi. Ai bạo động thì sẽ ảnh hưởng đến hồ sơ. Giờ chúng ta phải làm lại các băng rôn, họ không trả lại băng rôn cho mình nữa.

Thế là mọi người lại bắt đầu làm các băng rôn mới.

Ngày hôm nay là ngày diễn ra cuộc biểu tình như lịch đã lên từ trước. Mới khoảng 9 giờ sáng đã thấy tấp nập lực lượng bảo vệ và công an xuất hiện trong khu vực trại giam. Họ chia ra nhiều tốp và rảo khắp các khu vục trong trại. Họ hùng hổ đi ngó ngàng tất cả các ngóc ngách trong trại như là uy hiếp tinh thần của các thuyền nhân trong trại vậy. Vì họ biết những con người khốn khổ này đã bị đàn áp dã man tại quê hương mình nên khi thấy sắc phục công an và bảo vệ thì làm cho mọi người hoảng loạn và sợ hại. Khi thấy lực lượng công an và bảo vệ đông đúc như thế thì có một số người xầm xì với nhau:
- Chiều nay mình đừng có đi biểu tình, họ bắt nhốt riêng đó, rồi ảnh hưởng tới hồ sơ thì chết.

- Freedom! Freedom for us!- Tự do cho chúng tôi.- Chúng tôi là con người (We are the people)....


Quả là cách làm của họ có hiệu quả túc thì đối với một số thuyền nhân gan chuột, nhưng đối với những người đã từng bị Cộng Sản gây khó dễ nhiều lần thì họ không hề để ý đến sự xuất hiện của lực lượng công an và bảo vệ, họ nói:
- Lo gì, họ không thể bắt được tất cả mọi người. Phòng đâu mà nhốt cho hết.
- " Dại bầy hơn không lõi" mà! Có người còn nhếch mép nói thêm.

Đến 3:30 pm trời vẫn đang mưa tí tách. Mưa không đến nỗi to nhưng cũng đủ để làm cho người ta ướt đãm như chuột mắc lụt. Nhưng khi thấy các sinh viên thiện nguyện xuất hiện bên ngoài trại để cùng biểu tình với anh em thuyền nhân thì Trần cùng một số anh em khac bắt đầu hô hào mọi người tập trung để bắt đầu cuộc biểu tình. Khi tập trung được khoảng 40 người thì thấy anh Hàn Mười Lạng đi ra (anh này là trưởng ban đại diện cho người Việt trong trại Yongah Hill này, tính rất thích oai phong nhưng lại nhát gan như cáy, vì anh đã được nạp đơn xin tị nan nên anh rất sợ bị ảnh hưởng đến hồ sơ khi tham gia cuộc biểu tình, nhưng khi thấy mọi người tập trung thì cảm thấy không ra không được nên cũng đành chấp nhận ra với mọi người.) Khi anh Hàn Mười Lạng vừa ra tới nơi thì có người liền hỏi anh:
- Giờ tổ chức thế nào đây xếp?
- Mình không liên quan gì trong vụ này cả. Anh ta liền chối vì sợ ảnh hưởng đến hồ sơ.
- Nhưng anh là đại diện cơ mà? Khi nghe hỏi đến câu này thì anh liền cúi mặt bỏ đi chỗ khác.

Mưa có vẻ như giảm bớt nên mọi người bắt đầu tập trung theo con đường đi xung quanh khu vực thể thao để bắt đầu cuộc biểu tình. Mọi người tung băng rôn đưa lên cao, khi thấy mọi người nhiệt tình nên những người còn lại cũng lần lượt kéo ra để tham gia chỉ còn lại một it người vì ngại trời mưa và sợ bị ảnh hưởng tới hồ sơ của họ nên chẳng dám ló mặt ra ngoài. Khi tập trung gần hết hết mọi người lại với nhau thì họ hô lớn khẩu hiệu:
- Freedom! Freedom for us!
- Tự do cho chúng tôi.
- Chúng tôi là con người (We are the people)....
Tiếng hô hào của họ rền vang cả một góc trời, mọi người vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu. Khi mọi người đi gần được một vòng trại mà anh em Hàn Mười Lạng và Hàn Quý vẫn đi theo dòng người biểu tình, nhưng hai anh em như không hay biết đây là đi biểu tình. Họ nói chuyện với nhau ríu rít như hai mụ đàn bà lắm chuyện lâu ngày mới được gặp nhau: hết chuyện gia đình rồi sang chuyện lối xóm rồi đến chuyện xã hội. Họ đi trong đoàn người biểu tình nhưng họ chẳng liên quan gì đến người biểu tình. Anh Nam Nguyên thấy thể thì tức quá liền vò một cục giấy thấm nước ném thật mạnh vào người anh Hàn Quý, làm cho Hàn quý giật bắn người - Tức lắm ngoảnh mặ lại lừ mắt nhìn những người đằng sau nhưng tiếc là anh chẳng biết là ai làm. Hàn Quý nhìn trợn ngược mắt như có thể ăn tươi nuốt sống người ta được ấy. Sau đó hai anh em họ Hàn sực tỉnh là mình đang đi đâu nên đã bắt đầu tham gia cùng dòng người biểu tình.

Đến hơn 5 giờ chiều thì mưa càng lúc càng nặng hạt hơn. Tiếng hô hào của dòng người biểu tình như bị nước mưa hòa tan và làm giảm công suất. Mọi người đi dưới mưa nên chân tay đều bủn rủn nhưng tinh thân của họ vẫn dồi dào, càng mưa thì họ lại càng hô to hơn:
- Tự do, Tự do cho chúng tôi!

Đến hơn 6:00 tối thì sức lực của mọi người như bị nước cuốn trôi hết. Mặt mui ai nấy đều tái mét. Chân tay run lập cập. Cuộc biểu tình diễn ra dưới cơn mưa kéo dài của mùa đông nên làm cho mọi người giờ phải đứng co ro vì lạnh. Cuộc biểu tình kéo dài đến gần 7:00 giờ tối thì phải kết thúc vì không ai chịu nỗi cái lạnh về đêm khi phải đứng dưới mưa mùa đông trong thời gian dài như thế.

Cuộc biểu tình diễn ra dưới sự chứng kiến của đông đảo công an và bảo vệ. Nhưng họ chỉ đi vòng ngoài để bảo vệ dòng người biểu tình. Họ không đánh người và bắt giam như công an của chế độ Cộng Sản. Sau khi cuộc biểu tình kết thúc thì Hàn Quý thốt ra rằng:
- Đúng là xứ sở tự do. Lần đầu tiên mình được tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa và tự do như thế này. Chứ ở Việt Nam, mình đã tham gia vài lần nhưng không lần nào không bị công an đánh đập và bắt bớ cả. Biểu tình ở Việt Nam khi thấy công an xuất hiện thì sau khi cuộc biểu tình sẽ có một số bị bầm dập thân thể vì phần thì bị công an, côn đồ đánh, phần thì bị bắt giam...
- Tôi cũng vậy, đây là lần đầu tiên được tự do như thế này. Có người xía vào.

Người nữa trầm trồ:
- Đúng là tuyệt thật, lần này thành công tốt đẹp đó.

Đến 7:00 giờ tối thì các băng rôn kết bằng bóng đèn của các sinh viên thiện nguyện mới phát huy được sức mạnh của nó. Các băng rôn đó đã chiếu sáng cả một vùng trời. Đứng trong trại giam nhìn ra thấy rất bắt mắt. Mọi người trầm trồ khen ngợi và thầm cảm ơn lòng nhiệt thành chịu hy sinh của các sinh viên thiện nguyện: họ cũng đứng dưới trời mưa để biểu tình cho các thuyền nhân. Đến khoảng 7:30 thì cuộc biểu tình kết thúc, nhưng đã được giới truyền thông biết đến và đã giúp các thuyền nhân gửi những tâm tình cũng như những tiếng nói lên tới chính phủ Úc.

Paul Trần





Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.



2 comments :

  1. Bài ông hay, hấp dẩn lắm ông Paul Tran . Tiếp tục viết ,tiếp tục đấu tranh...sẽ có ngày các ông toại nguyện thôi...

    ReplyDelete
  2. Thiệt hay khi người tỵ nạn Việt Nam mình thấy khác biệt giữa "làm việc" với Công An và nói chuyện với nhân viên an ninh trong trại... Hy vọng anh em trong trại nhận ra Úc là nước pháp trị nên có tranh đấu thì phải theo con đường luật pháp như người Sri Lanka đang làm tại tối cao pháo viện Úc .
    Người mình có đầy dẫy sollicitors & baristers xịn dư sức cãi trước tối cao pháp viện Úc nên tui nghĩ anh em trong trại phải liên lạc với luật sư Việt Nam . Thế gì cũng được giúp đỡ.

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.