Friday 11 April 2014

MH370: cơ hội cho Úc làm anh lớn tại châu Á



Việt Luận::





Xưa rày  chúng ta thấy các thủ tướng Úc lợi dụng tai hoạ xảy ra ở ngoại quốc. Có lẽ hai chữ “lợi dụng” không làm nhiều bạn đọc Việt Luận hài lòng. Xin sửa lại thành “sử dụng”. Úc chỉ là cường quốc bậc trung trong khu vực nên ảnh hưởng khá giới hạn. Khi xảy ra tai hoạ, Úc sử dụng uy tín, thế lực và tài lực để gây ảnh hưởng trong vùng.

Nhớ lại vào năm 2004, khi sóng thần càn quét tỉnh Aced của Indonesia, thủ tướng John Howard bắt ngay cơ hội để nói chuyện trở lại với giới chức Jakarta. Jakarta và Canberra thôi nói chuyện với nhau từ khi Úc đem quân can thiệp vào “tỉnh” Đông Timor của Indonesia vào năm 1999. Kết quả là Đông Timor thành độc lập và rơi vào quỹ đạo của Úc. Khi tỉnh cực Tây của Indonesia bị nạn, thủ tướng John Howard chi bạc tỷ Đô La để cúu giúp. Indonesia phải vuốt hận để nhận quà.
Năm 2011, khi Nhật Bản bị cùng một lúc ba tai hoạ: động đất, sóng thần và chảy phóng xạ khỏi lò phản ứng nguyên tử, thủ tướng Julia Gillard hâm nóng “hữu nghị” Nhật-Úc bằng cách gởi máy bay C-17 cứu nạn. Sau đó, đích thân bà Julia Gillard còn sang thăm nơi bị nạn tại Nhật Bản.


Úc nhập cuộc như một “anh lớn” nắm quyền điều động tìm kiếm từ eo biển Malacca cho đến phía Nam Ấn Độ Dương.

Hiển nhiên, Úc cứu giúp người bị nạn vì lòng nhân đạo. Nhưng không phải không tính toán. Khi máy bay của Malaysia Airlines mất tích vào sáng sớm ngày 8.4 vừa qua, Úc cũng cân nhắc vị trí cường quốc của mình. Trong những ngày đầu tiên, Úc khoanh tay cho Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan và Mã Lai mò mẫm và hô hoán loạn xị. Mãi đến chín ngày sau khi bốn nước kể trên rối bòng bong, ngày 17.3 Úc mới thực sự xông mình vào công cuộc tìm kiếm. Úc nhập cuộc như một “anh lớn” nắm quyền điều động tìm kiếm từ eo biển Malacca cho đến phía Nam Ấn Độ Dương. Khi Úc nhập cuộc thì Hoa Kỳ và New Zealand cũng tiếp tay và các nước khác phải quy về một trướng.

Ba ngày sau khi Úc lãnh trách nhiệm, thủ tướng Tony Abbott làm thế giới loé lên hy vọng khi tuyên bố: “Vệ tinh đã thấy hai mảnh vỡ trôi ở Nam Ấn Độ Dương... Một mảnh dài đến 24 mét”. Ông Tony Abbott cho đây là ‘tin tức mới và khả tín”. Tuyên bố này đã làm thay đổi địa điểm và kế hoạch tìm kiếm hành khách chuyến bay MH370.

Từ nay, mấy người từng tuyên bố loạn xạ tại phía Nam mũi Cà Mau, trong eo biển Malacca cho đến biển Andaman tại Miến Điện phải nín khe. Thành phố Perth của Úc nghiễm nhiên thành trung tâm điều hợp và tướng không quân hồi hưu Úc Angus Houston nắm quyền chỉ huy. Tối thứ Tư tuần này, thủ tướng Mã Lai Najib Razak đã đến Perth như một lời cám ơn nước Úc và nhằm xoa dịu ngàn lời chỉ trích Mã Lai lúng túng quá lâu.

Riêng với thủ tướng Tony Abbott, đón ông Najib Razak tại Perth còn là cơ hội ngàn vàng để lấp hố sâu Úc-Mã do chính ông Tony Abbott đào xới. Nhớ lại vào năm 2012, thủ tướng Julia Gillard phát minh ra kế hoạch đổi thuyển nhân lấy tị nạn. Theo đó, Úc chở trở lại Mã Lai 800 thuyền nhân và nhận 4,000 tị nạn từ Mã Lai vào Úc. Báo chí gọi là “giải pháp Mã Lai”. Hiển nhiên, cánh đối lập của ông Tony Abbott chống lại. Một trong nhiều lý do ông Tony Abbott nên ra là: Mã Lai vi phạm nhân quyền tồi tệ. Nào là thiếu tự do báo chí. Nào là bỏ tù thủ lãnh đối lập. Nào là khinh phụ nữ. Nào là dùng roi đánh người phạm pháp...

Bây giờ, nương theo tử khí của 239 người trên chuyến bay MH370, ông Tony Abbott chiếm lại thế thượng phong khi bắt tay “kẻ thù” Najib Razak. Vì lâm nạn, thủ tướng Mã Lai vuốt hận mở lời cám ơn. Không những cám ơn ông Tony Abbott mà còn khuất phục tướng Angus Houston. Nhớ lại chính ông Angus Houston được thủ tướng Julia Gillard chỉ định làm chủ tịch một ủy ban tìm kiếm giải pháp khác cho thuyền nhân sau khi Tối Cao Pháp Viện Úc không cho phép thi hành giải pháp Mã Lai. Thật tội nghiệp cho ông Najib Razak!

Hơn nữa, MH370 còn thành cơ hội ngàn vàng cho Úc chứng tỏ vị trí cường quốc trong khu vực. Trước khi Úc lãnh nhiệm vụ điều động công cuộc tìm kiếm, đã có nhiều quốc gia gởi máy bay và tàu chiến vào vùng lâm nạn. Nhưng mỗi nước làm theo ý mình và với những hậu ý khó biết. Việt Nam huyênh hoang. Trung Quốc nghênh ngang. Indonesia lặng thinh. Thái Lan dè dặt. Nay thì tất cả phải tựu về Perth và dưới quyền chỉ huy của một tướng hồi hưu Úc.

Có thể Úc không phải là nước tìm thấy xác máy bay Mã Lai (và cũng có thể xác máy này không nằm tại Nam Ấn Độ Dương) nhưng Úc đang quy tụ 8 quốc gia dưới trướng. Đó chính là vị trí Úc muốn chiếm giữ tại châu Á.

Việt Luận

Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.



3 comments :

  1. 24.4.14: Một mảnh vụn bị nghi từ máy bay Malaysia Airlines trôi giạt vào gần bờ biển phiá Tây nước Úc . Mảnh vỡ này bằng kim loại dài 2.43 mét . Cảnh sát Úc đã vớt mảnh vỡ này và gởi hình cho giới chức tại Mã Lai. Cùng một lúc, công cuộc tìm kiếm bị ngưng trệ vì bão lớn tại Nam Ấn Độ Dương .

    ReplyDelete
  2. 25.4.14: Cảnh sát Tây Úc xem xét mảnh vỡ kim loại trôi vào bờ biển Augusta, phía Nam Perth và xác nhận không phải từ xác máy bay Boeing 777-200ER. ( Sem thêm hình cập nhật ở đầu bài)

    ReplyDelete
  3. 30.4.14: Công ty GeoResonance của Úc cho rằng mình có thể tìm thấy xác máy bay Boeing 777-200ER của Malaysia Airlines. Dùng hình ảnh chụp từ vệ tinh, GeoResonance cho biết đã thấy nhiều hóa chất như nhôm, titanium, đồng, thép và nhiều kim loại khác nằm sâu tai biển Bengal, cách nơi Úc đang tìm kiếm lên đến 5,000 cây số. Mặc dầu nói thế, công ty GeoResonance vẫn không quả quyết đống kim loại ấy là xác máy bay.

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.