Sunday 30 March 2014

Chỉ còn nước mắt cho chuyến bay 370



Og3t::

16ngày sau khi máy bay Boeing 777-200ER của Malaysia Airlines mất tích trước khi bay vào không phận Việt Nam, thủ tướng Mã Lai Najib Razak âu sầu đọc cáo phó: “Theo dữ kiện thu thập từ vệ tinh, không nghi ngờ gì nữa: chuyến bay MH370 đã kết thúc tại Nam Ấn Độ Dương và...không tìm ra người sống sót”.


Bám lấy hy vọng mong manh


Khóc thương, giận dữ, rên la... tận cùng nỗi khổ
(Hình ABC.net.au)
Thế là những tiếng khóc ấm ức của ngàn ngàn người thân đồng loạt rú lên thảm thiết. Thật ra, từ ngày 8.3.13 đến nay, 239 người trên chuyến bay MH370 của Mã Lai biệt tăm nhưng vẫn còn để lại mong manh hy vọng trong lòng ngàn ngàn người thân. Vết dầu loang trong vịnh Thái Lan cộng thêm người này nói mình thấy tia loé sáng rực hay tiếng nổ long trời gần đảo Thổ Chu của Việt Nam hay Pulau Kapas, ngoài khơi tỉnh Terengganu, Mã Lai. Thế là, Mã Lai phải tìm kiếm luôn cả bên trong biển Anmadan của Miến Điện. Ngay đến hai người Iran dùng thông hành bị mất cắp cũng khiến cho người thân “hy vọng” máy bay chỉ bị cướp và đang đậu ở một phi trường xa xăm nào đó. Tiếp theo, vệ tinh của Trung Quốc chụp hình mảnh vỡ trôi dạt ở biển Đông làm ánh mắt người thân tưởng chừng thấy ánh sáng....
Cuối cùng, cái tin ai cũng chờ mà không ai muốn nhận đã đến: người thân của mình đã vắn số ở một vùng biển hoang vu nhất, cuồng cuộn sóng dữ nhất. Nơi đây gần sát Nam Cực, cách thành phố Perth của Úc khoảng 2,500 cây số, sóng biển cao từ 4 đến 6 mét, gió thổi hơn 80 cây số / giờ và lòng biển sâu từ 6,000 cho đến 7,000 mét. Ấy là chưa kể, nơi đây trùng trùng những miệng núi lửa ngầm dưới mặt biển. Úc đổ nhiều máy bay, tàu chiến vào nơi đây và thốt lên “máy bay Mã Lai đã gãy cánh ở một nơi hiểm hóc nhất thế giới”.

Như chai nước ngọt bị xóc xồng xộc

Khi tin máy bay Mã Lai bị gãy cánh, chúng ta đã nhìn thấy hình ảnh bà mẹ khóc con, vợ khóc chồng, con cái khóc cha mẹ, bạn hữu khóc người thân... Nhiều bạn đọc ngấn lệ trước cảnh khổ bất ưng. Khổ này âm ỉ khi tin buồn không lộ mặt ra. Nó oan khuất đâu đó.
Nỗi khổ của người thân chuyến bay MH370 như là chất ga trong chai nước ngọt. Trong ba tuần lễ, các nguồn tin vịt tin gà liên tục xóc chai nước ngọt xồng xộc. Hơi ga căng bùng. Đến ngày thứ 16 thì cáo phó của thủ tướng Mã Lai bỗng mở cái nắp chai nước ngọt. Hơn ga bùng ra. Tiếng khóc vang lên dữ dội.


Đứng trước cảnh này, ai tìm được lời an ủi? Thôi đành để yên cho tang quyến có một khoảng trống mà than khóc.

Khi ta mất người thân: tự nhiên trào nước mắt. Méo xệch miệng. Rú lên khóc. Đời ta dừng lại. Trái tim bám dính với người đã khuất. Đóng khung chỉ với người thân ấy mà thôi. Người thân ấy là lẽ sống cho ta... 
Đứng trước cảnh này, ai tìm được lời an ủi? Thôi đành để yên cho tang quyến có một khoảng trống mà than khóc. Có than khóc thì mới vơi cõi lòng.

Nhưng khoảng trống này không có với tang quyến của hành khách mất tích trên chuyến chuyến bay MH370. Sau khi máy bay Boeing 777-200ER mất tích, Malaysia Airlines thuê khách sạn tại Kuala Lumpur và Bắc kinh để người thân tá túc mà theo dõi tin tức. Trăm người ở gần nhau: ai ai cũng buồn. Ai ai cũng chờ đợi cái tin không ai không muốn nhận. Và khi tin dữ loan ra. Tất cả rú lên. Cảnh tượng này quá thê thảm. Nỗi buồn của người này lây sang nỗi buồn của người khác. Và cứ thế buồn nhân thêm buồn.

Họ được quyền khóc than và thương tiếc người thân vắn số. Tuy nhiên, dường như vài người hơi quá đáng. Sau khi Mã Lai kết luận “không còn nghi ngờ máy bay đã lâm nạn tại Ấn Độ Dương” quan chức Cộng Sản Trung Quốc đòi bằng chứng và than phiền công cuộc tìm kiếm diễn ra chậm chạp. Bộ trưởng giao thông Mã Lai phải nhắc “Tôi xin nhắc quý vị rằng: chúng tôi đã nhận hình ảnh từ vệ tinh của Trung Quốc cho rằng thấy vật thể ở biến Nam Trung Hoa. Chính Trung Quốc làm chúng tôi phải trở lại tìm kiếm trong vùng mình đã tìm kiếm rồi”. 

Rõ ràng phần lớn hành khách vắn số là người Trung Hoa, nhưng 13 nước khác như Úc, Pháp, Hoa Kỳ, Iran, Indonesia và Mã Lai... cũng mất người thân. Một người bị mất đã là quá nhiều. Mình buồn thế nào thì người khác cũng buồn như vậy.

Dường như Trung Quốc hơi quá đáng khi cho rằng Mã Lai giấu giếm sự thật hay không hết lòng tìm kiếm máy bay mất tích. Vào mỗi ngày vào lúc 5 giờ rưỡi chiều, ông Datuk Seri Hishammuddin Hussein, tổng trưởng quốc phòng kiêm xử lý thường vụ tổng trưởng giao thông Mã Lai mở họp báo. Người ta đòi Mã Lai phải báo tin ngay tức khắc. Nhưng Mã Lai làm gì có tin tức mà báo. Họ cũng rối bù như mọi người khác. Thế là có người quăng chai nước hay chửi bới vào nhân viên Mã Lai. Một nhóm thân nhân Trung Hoa khác còn đòi điều không ai làm được. Đó là “trả lại vợ, chồng, cha, mẹ, con, cháu” cho mình.

Tướng Angus Houston,
cựu chỉ huy trưởng quân đội Úc
được chỉ định chỉ huy công cuộc tìm kiếm
tại Nam Ấn Độ Dương
(Hình Fairfax.com.au)
Khi xảy ra tai nạn này, giới chức trong cuộc gặp nhiều lúng túng và có thể phạm sai lầm nhưng không ai không ghi nhận thiện chí của 26 quốc gia xích gần bên nhau khi hoạn nạn. Đón nhận thiện chí của người khác sẽ góp phần làm vơi buồn phiền – ví như nhận lời chia buồn, an ủi từ người khác cũng giúp ta nguôi ngoa.

 Vẫn còn tìm kiếm 

Sẽ giúp cho nỗi buồn nguôi ngoa hơn nếu tìm được thi hài của người trên chuyến bay MH37. Ít là họ có một chốn yên nghỉ và người thân dễ dàng thăm viếng. Tuy nhiên, điều này rất khó vì ngay đến xác chiếc Boeing 777-200ER có sãi cánh dài hơn 60 mét cũng chưa biết nằm nơi đâu. Malaysia Airlines hứa đưa người thân đến chốn máy bay Boeing 777-200ER lâm nạn và Úc chuẩn bị đón ngàn người âu sầu đến thành phố Perth khóc thương người thân của mình.

 Thế là, mặc dầu cáo phó cho 239 người trên chuyến bay MH370 đã lên trang nhất báo chí thế giới, Úc và năm quốc gia khác vẫn tiếp tục tìm kiếm. Trong khi chờ đợi tìm ra những gì mình không muốn chấp nhận, ta chỉ biết đổ nước mắt.


Og3t
Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.

0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.