Tuesday 25 February 2014

Hạm đội Trung Quốc tập trận sát nách Úc





(Hình The Sydney Morning Herald, February 15, 2014)

Việt Luận ::

Vùng biển phía Tây Bắc nước Úc là nơi tiếp giáp. Tiếp giáp Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Tiếp giáp Indonesia với Úc. Tiếp giáp trùng trùng lều tạm trú lụp xụp của dân tị nạn dọc theo đảo Java và đất hứa Chirstmas Island. Nơi đây, hải quân Úc đang mở cuộc hành quân lớn lao mang tên Border Protection. Cuộc hành quân này quan trọng với nước Úc đến độ nội các dành ra một tổng trưởng gạo cội trông coi. Ông Scott Morrison ngồi ghế tổng trưởng bộ di trú và bảo vệ biên giới (Department of Immigration and Border Protection). Nơi đây ngày ngày hải quân Úc chận bắt người không mời mà đến. Tuần vừa rồi, Úc còn phải đón ba người khách không mời mà cũng lù lù xuất hiện.

Khách là hạm đội Nanhai trong quân đội nhân dân Trung Quốc. Hạm đội có hai khu trục hạm Wuhan, Haikou và tàu đổ bộ Changbaishan chở theo một trung đoàn thuỷ quân lục chiến. Hạm đội xuất phát từ đảo Hải Nam, trong vịnh Bắc Bộ Việt Nam, đi dọc theo Biển Đông song song với quần đảo Hoàng Sa. Khi đến Nam Dương, hạm đội xin phép chủ nhà cho vượt qua eo biển Sunda nằm giữa hai đảo Sumatra và Java. Báo Jakarta Post ấm ớ ám chỉ Indonesia làm thế để "dằn mặt" Úc. Qua eo biển Sunda, hạm đội tiến vào Ấn Độ Dương và nhắm thẳng Christmas Island của Úc. Đến gần đảo Christmas, chiến hạm cờ đỏ bẻ qua hướng Đông để quay trở ngược lên, chui tọt qua eo biển Lombok gần đảo Bali rồi về lại nơi xuất phát.

Báo chí Úc la hoảng “chưa bao giờ hạm đội Trung Quốc đến gần bờ biển Úc như lần này”. Rồi so sánh: “...cứ như anh chàng xách súng lửng thững xuống phố”. Xách súng xuống phố lần này, hải quân Trung Quốc không thèm báo trước cho thủ đô ‘Áo Dà Lị Á” biết. Canberra chỉ biết nhờ anh lớn Hoa Kỳ báo động. Thế là Canberra vội vàng phái chiếc máy bay thám thính P-3 Orion bay vào hiện trường.

Tuần du phương Nam, hải quân Trung Quốc thay đổi bàn cờ quân sự ở phía Bắc nước Úc. Trước đây, Úc dàn quân từ Port Hedland (WA) đến Townville, Qld. như một vòng cung chận người Indonesia. Nay thì ngay của ngõ của Úc không những chờ sẵn 200 triệu người Indonesia treo cờ nửa đỏ nửa trắng mà còn hơn 1 tỷ người Trung Hoa Cộng Sản cờ đỏ lòm. Giám đốc chương trình an ninh quốc tế thuộc Lowy Institute của Úc - ông Rory Medcalf - lên tiếng: từ nay Úc phải biết Trung Quốc đã có khả năng mang quân tung hoàng tại vùng biển kề sát Úc. Không phải chỉ riêng Úc mà từ Singapore cho đến New Dehli đều choáng váng: Trung Quốc không còn tuần tiễu ven biển mà còn hùng hổ xông ra "biển lớn" .

Thật vậy, Trung Quốc tham vọng không những thành cường quốc quân sự ngang ngửa với Hoa Kỳ mà còn thay thế vị trí của Hoa Kỳ. Ngân sách quân sự của Trung Quốc ở mức $200 tỷ/năm. Con số này không thấm vào đâu so với $700 tỷ của Hoa Kỳ. Nhưng trong lúc Hoa Kỳ mỗi năm một giảm chi về quân sự thì Trung Quốc làm ngược lại.

Năm 1974, tổng thống Nixon đi Bắc Kinh mở cửa cho Cộng Sản bước vào thế giới. Ý của Hoa Kỳ biến tỷ người da vàng đói rách thành nô lệ thời đại mới: đẩy hết công việc tay chân từ Mỹ sang Tàu! 40 năm học nghề của Mỹ, Ba Tàu không những trở thành chủ nợ mà còn bành trướng sức mạnh ra sang các nước lân bang. Nước nào tiếp giáp với Trung Quốc - dầu ở Đông, Tây, Nam, Bắc - đều có "tranh chấp lãnh thổ". Việt Nam là một. Kế tiếp sẽ là Indonesia và... Úc.

Úc vững mạnh về kinh tế nhưng lệ thuộc vào Hoa Kỳ về quân sự. Từ thế chiến thứ nhất cho đến nay, không có cuộc chiến nào do Mỹ dẫn đầu mà không có Úc tham gia. Úc nhanh nhẹn gởi quân đi tứ xứ vì thà đánh giặc phương xa hơn là phải bảo vệ lãnh thổ của mình. Đó là chiến lược của Úc trước ngày 19.2.2014. Sau ngày này, Úc nhận ra cuộc hành quân "bảo vệ biên giới" không phải chỉ chận thuyền tỵ nạn mong manh mà có thể đụng độ những khu trục hạm kèm theo tàu đổ bộ nữa.


Bà ngoại trưởng Úc Julie Bishop dường như nhận ra thông điệp này. Bà nói: Trung Quốc là cường quốc đang lên và thế giới cần nhìn nhận như vậy. Bà nói tiếp: “Từ lâu châu Á và Thái Bình Dương chỉ biết tới một quyền lực vững mạnh là Hoa Kỳ. Ngày nay chúng ta phải nhìn nhận còn có thêm nhiều quốc gia khác đang lớn lên về kinh tế cũng có thêm nhiều quốc gia khác đang tăng cường sức mạnh quân sự.”
Giáo sư Hugh White, thuộc đại học ANU, Canberra cho rằng: bạch thư sắp tới về quân sự của Úc có thể chọn thêm Ấn Độ làm đồng minh để Úc thêm vây cánh ngăn làn sóng từ Thái Bình Dương tràn qua Ấn Độ Dương. Rủi ro chiến lược này thất bại, Việt Luận e rằng trong vài chục cuốn bạch thư nữa, Úc dám phải chọn lá cờ Ngũ Tinh làm đồng minh.

Việt Luận
Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.




0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.