Saturday 6 July 2013

Ngọn Đèn ‘Qunu’ Cháy Mãi Chẳng Lụi Tàn!


đoàn xuân thu :: 


  Nói tới Nelson Mandela  là phải nói tới Apartheid!
Nhưng Apartheid là gì? Apartheid, tiếng Hòa Lan, có nghĩa là phân biệt chủng tộc. Chính quyền thiểu số da trắng nước Nam Phi đã phân biệt, tách dân tộc nước mình ra thành nhiều nhóm khác nhau: nhóm dân da trắng, nhóm dân da đen, nhóm dân châu Á và nhóm dân da màu (dân lai). Phân biệt chủng tộc để nhằm mục đích xác lập và củng cố quyền uy của người da trắng đối với các chủng tộc khác.


Quốc hội chỉ dành riêng cho người da trắng. Người dân da đen không có quyền bầu cử, ứng cử.



Phân biệt chủng tộc tại Nam Phi:
Bảng ghi rõ: nơi đây chỉ dành riêng cho người da trắng...

(Hình http://www.myhero.com)

Người dân da đen và người lai phải sống riêng, không được ở chung hoặc lai vãng đến những nơi có người da trắng. Hôn nhân giữa người da trắng và người da đen bị cấm.

Người dân da đen phải học riêng. Các trường học của người da trắng không nhận người da đen, da màu.

Có công việc chỉ đặc biệt dành riêng cho người da trắng, những nhóm khác không được làm. Người dân da đen không được quyền đình công.

Năm 1910, nhóm dân da trắng thiểu số chiếm tới 80% đất đai. Nhóm dân da đen chiếm 75% dân số mà chỉ có 13% đất đai.

Năm 1912, Đại Hội Dân Tộc Châu Phi (ANC) được thành lập nhằm chống lại chính sách phân biệt chủng tộc hà khắc đó với tuyên ngôn là: “Nam Phi thuộc về tất cả những người sống trên mảnh đất này, cả người da đen và người da trắng”.

ANC tiến hành cuộc đấu tranh trường kỳ đòi bãi bỏ luật Apartheid.

Từ năm 1960 đến giữa những năm 1970, chính phủ còn đưa người da đen tới những vùng kinh tế mới, tạo nên những làng quê bị bần cùng hóa - những khu vực “hạng hai”.

Dĩ nhiên không thể cam chịu những bất công khắc nghiệt đó, những người bị áp bức đã vùng lên chống lại: bằng biểu tình, bằng đình công, bằng bãi thị…


C ác nhà văn có lương tâm, cho dù là da trắng như Gerald Gordon cũng tham gia vào.

Nhà văn, Chủ Tịch Văn Bút Nam Phi, Gerald Gordon sinh ngày 19.01.1909, tại Kimberley, Cộng hòa Nam Phi. Ông cũng là luật sư, từng bào chữa thành công nhiều vụ án, giành quyền bình đẳng cho người da đen. Ông mất năm 1998, thọ 89 tuổi.

Và để lại cho đời một trong những tác phẩm được cho là hay nhất, vẽ ra toàn bộ thảm trạng của đất nước Nam Phi dưới chánh sách phân biệt chủng tộc tàn bạo, vô luân là tiểu thuyết: “Hãy để cho ngày ấy lụi tàn” (Let the day perish).


Bìa
cuốn tiểu thuyết
“Let the day perish”
(hình http://images.bidorbuy.co.za/)

Chuyện rằng: Mary, da màu, yêu và lấy chồng da trắng. Mary có hai người con. Con đầu là Anthony, da trắng giống cha, thông minh, tuấn tú, được học ở trường của người da trắng. Em là Steve, da đen giống mẹ.

Lớn lên, Anthony trở thành một luật sư nổi tiếng trong xã hội da trắng. Anh chối bỏ cội nguồn, xa lánh tất cả cha mẹ, em ruột và họ hàng.

Mary tự tử khi có thai lần thứ ba vì sợ đẻ con ra, nó lại phải chịu số phận cay nghiệt như hai đứa anh mình. Vì chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, gia đình Mary tan nát: vợ chết, chồng tìm quên trong men rượu rồi chết trong cơn say, để lại hai đứa con bất hạnh.

Biến cố xảy ra khi một người da trắng đến nhà Anthony để đánh ghen. Lúc ấy, em trai Steve đang ở trong nhà. Vì không muốn lộ nguồn gốc, Anthony đã ngộ sát người luật sư da trắng nầy.

Ra Tòa, vì để chứng minh mình vô tội, Anthony phải tiết lộ mình là dân da màu, cha trắng, mẹ đen. Rồi đau đớn nhận ra lâu nay mình chỉ là kẻ giả dối, sống nơm nớp như cá nằm trên thớt, sợ những người da trắng biết được mình có mẹ là da đen.

Cuộc sống như vậy có còn ý nghĩa gì? Anthoney hiểu ra mình quá hèn yếu; trong khi Steve, em mình, lại sống bất khuất, tích cực làm báo chống phân biệt chủng tộc.

Anthony nói: “Chúng tôi đã bị đem ra xử án từ lâu. Phiên toàn đó đã diễn ra từ trước khi chúng tôi ra đời. Chúng tôi bị xử án vì những hành động của tổ tiên chúng tôi, bị kết tội và bị kết án phải sống trong một thế giới đầy thiên kiến về màu da. Cho dù giờ đây các ngài có tha bổng cho tôi, bản án đó vẫn còn hiệu lực. Nó vẫn còn hiệu lực cho đến khi cuộc sống dưới trần thế của chúng tôi chấm dứt".

Đất nước Nam Phi mà tệ nạn phân biệt chủng tộc đã ngấm vào tâm can, vào máu của biết bao thế hệ! Không chỉ người da trắng khinh miệt người da đen, mà chính người da đen cũng tự ghê tởm, chối bỏ nguồn cội của mình. Đó là bi kịch do chánh sách phân biệt chủng tộc tạo ra kéo dài hằng thế kỷ!


C òn Nelson Rolihlahla Mandela thì khác. Ông không hề muốn chối bỏ nguồn cội của mình. Ông chào đời ở một làng quê, Qunu, thuộc Mveso, Transkei của đất nước Nam Phi vào ngày 18 tháng 7 năm 1918.

Cái làng nhỏ Qunu nằm trong một thung lũng đồng cỏ dọc theo dòng sông Mbashe. Không có đường xá chỉ có lối mòn. Dân làng sống trong những túp lều tồi tàn. Thực phẩm thì thiếu thốn! Chỉ có ngô, lúa miến, bí và đậu. Nhưng gia đình ráng sức cho ông đi học và là người con duy nhứt trong gia đình được đi học. Thầy giáo đặt tên ông là Nelson cho dễ gọi.

Thời thơ ấu, Mandela được ông bà kể lại là: trước khi người da trắng đến, những người da đen sống trong hòa bình, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Nhưng người da trắng đến, đã chia rẽ họ, làm tan vỡ nghĩa đồng bào để cướp đất đai của họ, cướp đi tất cả, kể cả không khí làm cho họ ngợp thở, sống thoi thóp trong hoàn cảnh đọa đày!

Lớn lên, Mandela theo học trường Đại Học Fort Hare và Witwatersrand rồi tốt nghiệp ngành luật năm 1942. Năm 1944, ông gia nhập Quốc Dân Đại Hội Châu Phi (the African National Congress) gọi tắt là ANC.

Suốt hai mươi năm đầu, Mandela tranh đấu một cách hòa bình, không bạo động để chống lại tệ phân biệt chủng tộc, đòi hỏi mọi người dân Nam Phi phải được có đầy đủ quyền công dân, đòi phân chia lại đất đai một cách công bằng, đòi quyền thành lập nghiệp đoàn, đòi quyền được hưởng một nền giáo dục cưỡng bách và miễn phí cho tất cả trẻ em bằng cách dùng những biện pháp như tẩy chay, đình công, bất tuân dân sự (civil disobedience) và bất hợp tác.

Ông cũng lập ra công ty luật bào chữa miễn phí cho những người da đen.

Sau khi ANC bị cấm hoạt động vào năm 1960. Năm 1961, ông nhận thấy phương pháp bất bạo động không mang lại kết quả, ông nghiêng về biện pháp vũ trang, dùng vũ lực!

Năm 1962, ông bị bắt, bị kết án 5 năm tù lao động khổ sai. Năm 1963, cùng với nhiều lãnh tụ khác của ANC, Mandela bị truy tố về tội âm mưu dùng vũ lực để lật đổ chính quyền. Lời biện hộ trước Tòa của ông đã được công luận toàn thế giới quan tâm đến.

Ngày 12 tháng 6 năm 1964, ông bị xử chung thân, bị nhốt và phải lao động khổ sai ở một mỏ vôi thuộc nhà tù đảo Robben ngoài khơi Cape Town.



Ông Nelson Mandala trong nhà tù khổ sai
(Hình http://www.bewajah.com/)
Ở nhà tù nầy, tù chính trị bị giam giữ riêng biệt với tù thường phạm. Tù chính trị bị đối xử khắc nghiệt hơn. Ông thuộc tù nhân da đen, nhóm D (hạng thấp nhất). Sáu tháng mới được thăm nuôi một lần và nhận phần ăn ít nhất. Ăn uống kham khổ, làm việc khổ sai đã làm ông mắc bệnh lao nhưng vẫn ráng học hàm thụ, qua thơ tín, để lấy được Cử Nhân Luật của trường Đại Học Luân Đôn.

Năm 1969, chính phủ Nam Phi đã âm mưu tổ chức cho Mandela một cuộc vượt ngục để có cớ mà bắn ông. Nhưng kế hoạch bỉ ổi đó không thành!


Mười tám năm sau, tháng 3 năm 1982, ông bị giải tới nhà tù Pollsmoor trên đất liền, để tách rời ảnh hưởng của ông đối với những tù nhân chính trị khác. Vì nhà tù Robben này được những nhà tranh đấu gọi là‘Trường Đại Học Mandela!’.
Năm 1985, Tổng Thống P.W. Botha, chiêu dụ, hứa phóng thích với điều kiện Mandela từ bỏ đấu tranh vũ trang nhưng ông thẳng thừng từ chối.

Trong những năm tù ngục, tiếng tăm Nelson dần dần vang dội ra khỏi nước. Nhân loại xem ông là một lãnh tụ da đen của Nam Phi và là biểu tượng của phong trào chống lại chánh sách phân biệt chủng tộc do ông từ chối thỏa hiệp với nhà cầm quyền là ngừng tranh đấu để đổi lấy tự do cho chính bản thân mình.


N gày 11 tháng 2 năm 1990, sau 27 năm tù, ông được phóng thích, ra khỏi nhà tù Victor Verster ở Paarl vào ngày 11 tháng 2 năm 1990. Sự kiện này được phát hình trực tiếp trên toàn thế giới.

Ông vẫn tiếp tục theo con đường đấu tranh chống chánh sách phân biệt chủng tộc mà ông đã từng theo đuổi suốt 40 năm dài.

Năm 1991, ANC được phép hoạt động trở lại và Mandela được bầu là Chủ Tịch Đảng. Năm 1993 ông đoạt giải Nobel Hòa Bình.

Năm 1994, Nelson Mandela được bầu làm tổng thống nước Cộng Hòa Nam Phi lúc đã 77 tuổi. Tất cả các luật lệ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi đều được hủy bỏ.

Không tham quyền cố vị, Mandela chỉ làm tổng thống một nhiệm kỳ.

Ông từng chỉ trích Robert Mugabe, Tổng Thống Zimbabwe, cũng hoạt động vì tự do quốc gia; nhưng sau khi thành công thì lại bám chặt vào quyền lực để trở thành độc tài và tham nhũng!

Barack Obama, vị Tổng Thống da màu đầu tiên của Mỹ, so sánh Mandela với George Washington. “ Vị Tổng Thống đầu tiên của nước Mỹ, được khâm phục vì ông chỉ phục vụ hai nhiệm kỳ dù lúc đó không hề có giới hạn. Ông trở lại đời thường. Đến lúc dành cho người khác và đó mới là dân chủ!”.

Ông Obama xưng tụng Mandela là anh hùng của cả thế giới. Và Mandela cũng được so sánh với Abraham Lincoln, Tổng Thống thứ 16 của Hoa Kỳ, vì đã giải phóng người da đen khỏi ách nô lệ!

Trong quyển tự truyện xuất bản năm 1994, bí mật viết trong tù: ‘ A long walk to freedom’- ‘Con đường dài mới tới tự do’, Mandela viết:

“Tôi chiến đấu chống tệ phân biệt chủng tộc suốt cả đời tôi. Tôi không muốn người da trắng hoặc người da đen thống trị. Tôi chỉ muốn xây dựng một đất nước Nam Phi mà tất cả người dân bất luận đen hay trắng đều có quyền sống bình đẳng như nhau. Và tôi sẵn sàng hy sinh cả mạng sống của mình vì lý tưởng đó!”.

“Để thực hiện được điều nầy thì giáo dục là vũ khí hiệu lực nhứt để chúng ta thay đổi toàn thế giới. Một cái đầu thông minh, một trái tim nhân hậu cộng với sự quyết tâm là chúng ta làm được tất cả ngay những điều tưởng chừng không thể!”

“Chúng ta phải can đảm. Can đảm không phải là không sợ hãi mà là chiến thắng sự sợ hãi. Và khi đã đạt được tự do, tự do không chỉ đơn giản là bứt tung xiềng xích mà còn phải tôn trọng tự do của người khác nữa!”

“Vì con người sinh ra là để yêu thương nhau chớ không phải để căm thù người khác vì màu da, vì giai cấp xã hội hay vì tôn giáo khác nhau!”


Cha già của Nam Phi
(Hình www.FreakingNews.com)
Và khi được trả tự do, Mandela nói: “Bước ra khỏi nhà tù nầy để được tự do, tôi đã bỏ lại sự căm thù, cay đắng mà tôi phải chịu ở lại sau lưng!”.

Lên cầm quyền, ông kêu gọi các nước giàu hãy giúp đỡ nước nghèo. Người giàu hãy giúp đỡ người nghèo. Vì theo ông hành động giúp kẻ khốn cùng vượt qua đói khát không phải là làm từ thiện mà là một hành động công bằng. Vì chính nhân loại đã tạo ra sự nghèo khổ nên chính nhân loại phải cùng nhau giải quyết vấn đề!


Tháng 6 năm 2004, chánh thức về hưu, tóc ông bạc trắng, phải chống gậy đi từng bước một; và dù bị chứng mất trí nhớ của người già, nụ cười vẫn luôn nở trên môi! Ông trở về làng quê cũ ‘Qunu’, tỉnh Eastern Cape, cách Pretoria khoảng 1.000km.

Và trong di chúc viết vào tháng giêng năm 1996 lúc còn làm Tổng Thống, Mandela ước nguyện khi mất sẽ được chôn cất ở quê nhà gần ba người con đã mất của ông; mà Makgatho, một trong những người con, năm 2005, đã chết vì bệnh liệt kháng, làm ông hối hận là mình đã không làm đủ để chống lại cơn đại dịch nầy trên đất nước Nam Phi yêu dấu của ông cũng như trên toàn thế giới.

Ngày 8 tháng 6 năm 2013, ông được đưa tới một bệnh viện ở Pretoria vì nhiễm trùng phổi. Ông đang ở trong tình trạng nguy kịch!

Ông Mandela 94 tuổi rồi thì trước sau gì, dù muốn hay không, chúng ta cũng phải vĩnh biệt ông! Dù phải vĩnh biệt Nelson Mandela đi nữa thì ngọn đèn ‘Qunu’ sẽ cháy mãi chẳng lụi tàn!

đoàn xuân thu
melbourne


0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.