Wednesday 26 June 2013

Những Kẻ Khốn Cùng!


đoàn xuân thu :: 

1. Bangladesh! 
Bức hình nầy làm chúng ta nhỏ lệ!
Trong cái đổ nát, tan tành là hình ảnh một thanh niên ôm một thiếu nữ trong vòng tay. Cả hai đều đã chết. Có vệt máu từ tuyến lệ chảy ra, in hằn trên khuôn mặt thống khổ của hai kẻ khốn cùng đẫm đầy bụi cát. Trước khi chết, chắc nạn nhân đã phải chịu đựng một thời gian dài hấp hối, đớn đau?

Hình ảnh nầy được một phóng viên nhiếp ảnh ghi lại trong thảm kịch kinh hoàng nhất của nền công nghiệp may quần áo ở Bangladesh, Đông Hồi.


Nguồn: http://www.usatoday.com
Xưởng may Rana Plaza ngoại ô thủ đô Dhaka của Bangladesh đổ sập tan tành thành đống gạch vụn vào ngày 1 tháng 4 năm 2013. Hơn 1.129 người chết, nhiều công nhân khác, tuy còn sống sót, nhưng lại phải chịu cụt tay hoặc cụt chân!
Khi tòa nhà cao 8 tầng sụp đổ, những người cứu hộ vội vã đến để đào bới đống gạch vụn, hy vọng còn tìm được người sống sót. Nhưng những nhân viên cứu cấp nầy không hề có kỹ năng nào về phẫu thuật, về cưa chân, cắt tay và không có cả thuốc mê! Đành phải dùng dao chặt thịt hay ngay cả cưa sắt để xẻ thịt, cắt xương hầu đem những người bị thương còn mắc kẹt ra ngoài cấp cứu.
Cô Rikta, 27 tuổi, đang làm việc ở tầng 3, bị cưa tay phải. Cô Noor, 25 tuổi, đang làm ở tầng 6, thì bị cưa chân phải. Cô Laboni, 21 tuổi, đang làm ở tầng 4, cánh tay trái bị cắt rời mới đem được cô ra khỏi đống gạch vụn 36 tiếng đồng sau khi tòa nhà sụp đổ.
Chủ nghĩa tư bản hoang dã rừng rú, chủ nhân bóc lột tận xương tủy công nhân mà không hề tỏ ra một chút gì thương tiếc vẫn đã, đang và sẽ còn tiếp tục hoành hành trên đất nước Đông Hồi nghèo khổ nầy. Một đất nước chìm trong tham nhũng và bất công. Tiền là tất cả, là mục đích cuối cùng phải đạt đến bằng bất cứ giá nào cho dù phải mất đi hàng ngàn sinh mạng những người cùng khốn.

Tình cảnh công nhân Bangladesh cũng giống hệt, giống y chang như ở Trung Quốc hay ở Việt Nam hiện nay!


2. Sudan!  
Còn bức hình thứ hai đưa chúng ta về lại đất nước đói nghèo, một thời chìm trong nội chiến vì cái tội có quá nhiều dầu hỏa?
Đàn ông, người lớn đi bắn nhau để kiếm cơm. Còn trẻ con và đàn bà thì ở nhà mà chết đói!



Nguồn: http://www.jokeroo.com/
Trong khi chúng ta, những người may mắn ở Úc, ở Mỹ thừa dinh dưỡng, hằng năm quẳng vào thùng rác cả hàng tỷ mỹ kim tiền thực phẩm! Có cái còn chưa khui, chưa hề được đụng tới. Thì ở đất nước Châu Phi đó người ta, dẫu không cùng màu da chủng tộc với chúng ta nhưng cũng là nhân loại, lại đang chết dần, chết mòn vì đói khổ?!
Chúng ta chạy vòng vòng vì chúng ta sợ mập! Em nhỏ Sudan lết đi tìm một miếng ăn! Còn cái con kên kên, loài quái điểu thích ăn xác chết, đang kiên nhẫn chờ em…gục chết. Nhà nhiếp ảnh nhìn em…tay bấm máy…Thế giới gì tàn nhẫn vậy Chúa ơi?

Bức hình Kevin Carter chụp là một em bé không biết gái hay trai, kiệt sức vì đói, đang cố gắng bò, lết đến nơi phân phối thực phẩm cứu trợ. Sau lưng em là một con kên kên đang đứng đợi. Kên kên là loài chim ăn thịt và ăn xác chết. Kên kên ít khi tấn công một con thú khỏe mạnh nhưng có thể giết chết những con bị thương hay bị bệnh. Chắc nó đánh hơi được mùi tử khí quanh đây?

Tấm hình nầy nhanh chóng trở thành một biểu tượng thống khổ khôn cùng và vô cùng tuyệt vọng của Lục Địa Châu Phi. Nó làm cho cả thế giới phải sụt sùi rơi lệ!
Kevin Carter sanh ngày 13 tháng 9 năm 1960 tại Johannesburg trong một gia đình trung lưu da trắng thời đất nước Nam Phi yêu dấu của ông vẫn còn chìm đắm trong tệ ‘phân biệt chủng tộc’, ‘chủ nghĩa Apartheid’.

Hồi niên thiếu, thỉnh thoảng Kevin nhìn thấy các cuộc tấn công của cảnh sát để bắt giữ người da đen bất hợp pháp, những người đã sống trong khu vực.
Tốt nghiệp trung học, bỏ dở đại học Dược Khoa, ông gia nhập không quân. Năm 1980, chứng kiến một người bồi bàn da đen bị sỉ nhục, Kevin Carter đã đứng lên bảo vệ nạn nhân. Kết quả là ông bị các bạn đồng ngũ da trắng đập cho một trận tơi bời!
Rời quân đội và sau khi chứng kiến các vụ đánh bom ở Church Street, Pretoria, ông quyết định trở thành phóng viên nhiếp ảnh cho tờ The Star năm 1983. Những bức ảnh đăng báo của ông hướng vào việc phơi bày sự tàn bạo của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trên đất nước Nam Phi.

Kevin Carter đoạt nhiều giải thưởng của Nam Phi và là thành viên của Bang Bang Club. Sau đó, Kevin làm cho tờ The Sunday Tribune, The Daily Mail 1990, rồi làm việc toàn thời cho hãng thông tấn Reuters.

Vào tháng Ba năm 1993, trong một chuyến đi đến Sudan, Kevin Carter đã chụp được tấm ảnh nầy. Tấm ảnh được bán cho tờ New York Times và xuất hiện lần đầu tiên vào ngày 26 tháng 3 năm 1993. Sau đó nó được nhiều tờ báo khác trên thế giới đăng lại.
Thư độc giả tới tấp về tòa soạn hỏi về số phận của em bé đó ra sao? Độc giả còn hỏi là Kevin Carter có làm gì để giúp đỡ em không?
Tòa soạn trả lời là không biết em bé khốn cùng đó có bò, có lết đến được Trung Tâm cứu trợ thực phẩm hay không nữa?

Năm 1994, bức ảnh đoạt giải Pulitzer. Giải Pulitzer là một giải thưởng của Mỹ, trao cho nhiều lĩnh vực, trong đó quan trọng hơn cả là về báo chí và văn học. Đặc biệt về báo chí, Pulitzer được xem như một trong những giải danh giá nhất.
Phóng viên nhiếp ảnh Kevin Carter đã đạt tới đỉnh vinh quang!

Sau nầy, trong một cuộc phỏng vấn của giới truyền thông, Kevin thuật lại là: Ông thấy một con kên kên hạ cánh phía sau em bé. Kevin bò đến rất chậm để không làm con kên kên sợ hãi bay đi! Và ảnh được chụp từ khoảng cách độ10 mét. Chụp xong thì Kevin đuổi con kên kên bay đi. Sau đó ông làm gì? Kevin ngồi xuống dưới một tàng cây, châm một điếu thuốc rồi khóc nức nở!

Hình ảnh bi thảm đó ghim vào tâm trí ông. Bức ảnh đó đưa ông tới vinh quang nhưng nó cũng đưa ông chìm sâu trong trầm cảm và tuyệt vọng.
Ông trở về dòng sông thuở nhỏ thời thơ ấu. Dòng sông chảy xuyên qua khu ngoại ô phía bắc Johannesburg. Mặc chiếc quần jean lâu ngày không giặt và chiếc áo T- shirt. Kevin đã dùng một vòi nước tưới cây, nối nó vào ống xả khói của xe hơi, rồi đề máy, nằm ngã đầu trên ghế xe, nghe nhạc bằng cái Walkman và không bao giờ dậy nữa.
Trong bức thơ tuyệt mệnh:
“Tôi chìm trong tuyệt vọng. Không điện thoại! Tiền nhà, tiền nuôi con… Tôi chìm trong những hình ảnh kinh hoàng năm cũ. Sát nhân, xác người! Cuồng nộ, đau đớn! Trẻ con bị thương, chết đói! Những thằng điên lấy chuyện giết người để được làm vui! Cảnh sát, những tên đao phủ!”
“Thôi! Tôi đi gặp Ken đây!”
Ken Oosterbroek (1963-1994) người bạn cũ, phóng viên nhiếp ảnh, đã bị bắn chết ngày 18 tháng 4 năm 1994!)
Kevin Carter mất ngày 27 tháng 7 năm 1994 ở tuổi 33, bỏ lại con gái vừa lên sáu, cha mẹ già và hai chị em gái.
Câu chuyện đời ông được dựng thành phim năm 2010, The Bang-Bang Club và tài tử Taylor Kitsch đã thủ vai Kevin Carter.


3. Việt Nam!  
Một phóng viên nhiếp ảnh trong nước, chưa được nổi danh lắm, đã chụp được tấm hình nầy; dù vậy tác phẩm cũng đủ làm chúng ta tuôn rơi nước mắt! Vì đồng bào của mình đây mà!
Hình ảnh bi thảm đó và câu chuyện: Chó và người!



Khoảng 5 giờ sáng, ngày 10 tháng 6 năm 2013, một số người dân ở xóm 3, xã Tân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An thấy hai tên trộm đang ôm một con chó bỏ chạy. Thấy vậy, mọi người hô hoán lên, cùng đuổi bắt hai người này. Chạy được một đoạn, cả hai bị ngã xe. Dân làng quây đến đánh! Nguyễn Trọng Hóa đã bị đánh đến chết. Nguyễn Trọng Minh, người em ruột của Hóa, thì bị thương nặng! Chiếc xe gắn máy cũng bị đốt ngay sau đó!
Không còn từ nào khác hơn để diễn tả chuyện nầy là: “man rợ”

Trong ảnh là một thiếu phụ còn rất trẻ. Mặc chiếc áo màu, bông nhỏ, đang ôm người chồng, mình ở trần, nằm úp mặt xuống, bị thương nặng sau khi bị cả làng ùa ra đánh hội đồng một cách dã man vì ăn trộm chó.

Khuôn mặt, ánh mắt người thiếu phụ đó ám ảnh tôi, để có bài viết nầy. Xung quanh người con gái đó là những bàn chân của cả ngàn dân làng mà trước đây chẳng bao lâu đã bằng gậy gộc, đập túi bụi cho hai người ngã xuống rồi giẫm đạp một cách điên cuồng và giết chết người anh mà xác đẫm đầy những máu vẫn còn nằm sóng soài trên mặt đất trong sự hả hê của một đám đông cuồng loạn. Những tay thủ ác đó còn ngăn, cản không cho xe chở người em đi cấp cứu.
Ánh mắt đó nói gì? Ánh mắt đó nói rằng: “Chồng con có ăn trộm chó nhưng ảnh cũng là đồng bào của mình mà! Làng nước ơi! Sao đến nông nỗi nầy?”

Tình làng nghĩa xóm. Lòng nhân hậu đã biến mất đi đâu để cả một bọn người, bầy đàn xúm vào ‘hành hình’ một người nghèo đi ăn trộm chó. Có phải dân tộc mình đang ở thế kỷ 21 hay vẫn còn chìm đắm trong hỗn mang thời trung cổ? Vậy mà có rất đông người nhẫn tâm bình luận: “Chết như vậy là đáng đời rồi! Ai biểu đi ăn trộm chó làm chi?”

Thì thôi! Chắc không còn gì để nói nữa? Một đất nước đang trên hồi tan rã phải không? Khóc lên đi ôi quê hương yêu dấu!

đoàn xuân thu
melbourne

1 comment :

  1. Cô Năm Melbourne28 June 2013 at 09:59

    Thiển nghĩ: trong xã hội có sự phân công. Ai làm nghề nào thì làm việc nấy. Ta không nên trách phóng viên lặng lẽ chụp tấm hình em bé Sudan đang chết đói. Nếu ông phóng viên này vất máy mà cứu em thì thế giới không 'được' xúc động nhờ có tấm hình này.
    Biết đâu nhờ xúc động này mà ngàn em bé khác được cứu.

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.