Monday 8 April 2013

Ngày trở về

Ben Trần
(Thân tặng anh Tư Điên)

“Ngày trở về anh bước lê… 
trên quãng đường đê đến bên lũy tre…
Nắng vàng hoe vườn rau trước hè… 
người đón người về…
Mẹ lần mò ra trước ao nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ…”




(Hình http://i49.tinypic.com/ilhs11.jpg)

K
hông khi nào anh thấy thấm thía tận tâm can bài ca nầy của nhạc sĩ Phạm Duy.
Trong cuộc đời anh có nhiều ngày trở về đáng nhớ. Ngày trở về sau ngày mãn khóa sĩ quan Thủ Đức mẹ mừng lắm. Mẹ hãnh diện: không học nữa thì đi lính lo giữ nước, giữ quê hương, giữ mảnh đất tự do còn lại của miền Nam. Đi lính xa nhà mà lại là lính tác chiến “cừ khôi” nên mẹ lo lắm, nhưng mẹ không khi nào thố lộ. Mẹ thầm nghĩ: thôi đời người sống chết đều có số.

Ngày 30/4 con trở về trong áo trắng dân sự, không phải trong bộ quân phục rằn ri ngày nào. Hai mẹ con ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Mẹ không khóc nổi, con không khóc nổi. “Gặp thời thế, thế thời phải thế”. Lỗi không phải tại riêng chúng con. Con đã ráng hết sức mình, ráng đến giây phút cuối, rồi tuân lệnh tổng thống buông súng đầu hàng. Về gặp mẹ, ăn cơm chung với mẹ, không được trọn 4 bữa cơm. Chỉ ba bữa mà toàn là cơm chan nước mắt. Con phải nghe lệnh chánh quyền mới khăn gói đi học tập “10 ngày”. Mẹ cũng hy vọng 10 ngày gặp lại con… Nhưng không, 10 ngày biến thành 5 năm rưỡi…

Sau hơn 5 năm học tập trở về, “mẹ lần mò ra trước ao nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ” lần nầy mẹ không cầm được nước mắt. Mẹ khóc thật nhiều, không phải là giấc mơ mẹ ơi… con trở về thật sự… cho dù trở về với một thân xác da bọc xương… Ngày về của nhạc sĩ Phạm Duy năm nào còn có tương lai hơn nhiều, đất nước còn nghèo nhưng còn cơ hội hồi sinh; không phải là một đất nước tan hoang như ngày nay. Ngày về của anh ở thập niên đầu 80 là hình ảnh của một XHCN “xuống hố cả nước”! Chính mẹ đã rỉ tai anh nên ra đi, vì ở lại sống cũng như chết thôi. Rời nhà tù nhỏ lại phải sống trong nhà tù lớn… Một lần nữa mẹ phải khóc trong đêm khuya để tiễn con ra đi.

Năm 2012 anh về thăm mẹ lần nữa. Mẹ bây giờ đã 98 tuổi, bắt đầu đi đứng khó khăn, nhưng đầu óc vẫn còn nhớ nhiều. Bà lấy ra các tấm hình cũ hỏi cậu nầy, cậu kia giờ ra sao? Sống ở đâu?? Mẹ đã gợi cho anh nhớ về những kỷ niệm cũ… Ngày xưa khi được một hay hai ngày phép là phóng về thăm mẹ; mà đâu phải về một mình, thường kéo theo vài thằng bạn và hai ba thằng đệ tử ruột. Những lúc như thế nầy mẹ lo nấu ăn cho cả bọn. Mấy cậu đệ tử của anh còn ngại ngùng, còn nể nang không dám ăn nhiều. Mẹ phải ép ăn thêm, ăn nhiều, ăn cho hết mẹ mới vui. Nghỉ ở nhà anh hai ngày bằng dưỡng quân hai tuần lễ !! Đúng là bà mẹ chiến sĩ thứ thiệt ! Chính các cậu đệ tử nầy thường ghé thăm và an ủi mẹ trong thời gian anh còn trong trại cải tạo, làm cho mẹ thêm tinh thần mà sống tiếp trong tháng ngày chờ đợi.
Đầu năm 2013 anh về thăm mẹ lần nữa. Mẹ rất siêng, dùng cây bút để đánh dấu trên tờ lịch chỉ để xem còn mấy tháng, mấy ngày nữa thằng Tư nó về… đó là niềm vui của mẹ… Cũng dịp nầy anh mua chiếc xe lăn để mẹ có cơ hội đi vòng quanh nhà và sân sau, nhưng mẹ đã không dùng nó được lâu…

Đầu tháng Tư 2013 anh về thăm mẹ và lần nầy mẹ ra đi vĩnh viễn. Nỗi buồn trĩu nặng lại thêm chồng chất vào tháng Tư đen. Anh Tâm sự với bạn bè gần xa… “Trên đời Tư mỗ có ba nỗi đau lớn nhất: thứ nhất là mất Nước, thứ nhì mất cha và thứ ba mất mẹ. Từ nay về sau có lẽ không có nỗi đau nào làm Tư tui đau được nữa.” 
Anh Tư ơi, anh dùng chữ “mất Nước” đúng lắm, độc đáo lắm đại huynh ơi. 
Mất Nước chứ không phải là “giải phóng”. Mất từ ngày 30/4/75. Không cần phải đợi đến kế hoạch Bauxit Tây nguyên để cắt đôi mảnh đất hình chữ S hay vồ cướp biển Đông để bao vây; triệt dòng Cửu Long để đất nước điêu đứng hay đẩy thực phẩm nhiễm độc vào cho dân Việt chết dần chết mòn… mới kể là ta “Mất Nước”.

Và thêm nữa, gần một triệu người dân miền Nam đã bỏ mình trong cuộc chiến bảo vệ tự do; gần một triệu thanh niên, thiếu nữ sinh Bắc tử Nam để “ giải phóng” đất nước, bây giờ kết quả ra sao? Nhân dân đứng lên biểu tình đòi hỏi chủ quyền là bị bắt. Việt Khang sáng tác nhạc để thức tỉnh quần chúng về hiểm họa vong quốc cũng bị bắt … 
Sao lại bắt? Câu trả lời thật dễ: bởi họ không cần chủ quyền!!

Đâu có chữ nào đúng hơn chữ “Mất Nước”!?

Ben Trần

4 comments :

  1. Anh Ben viết ra nỗi đau của anh Tư mà cũng là nỗi đau của hàng triệu triệu con người đã bỏ quê hương đi tìm tự do, đã có người vùi thây trên biển cả,đã có người bỏ mẹ già cha yếu lại quê nhà , cũng chỉ vì lo sợ một sự "trả thù ", bởi họ đã từng sống trong ngục tù CS, họ đã hiểu thế nào là tự do.Còn nỗi mất mát nào to lớn hơn ngày 30/4 hả bạn ?

    ReplyDelete
  2. Cám ơn Ben đệ, đã nói lời muốn nói từ đáy lòng Tư mỗ tui,Còn nhớ ngày buông súng ,Mới ngày nào khi ra phố quận hay vào xã ấp gặp gỡ đồng bào, anh em chúng tôi lấy làm hãnh diện với dân chúng vì công cuộc bình định lãnh thổ được tốt đẹp. Nhờ những sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ TQLC và công lao nhọc nhằn của các binh lính trong các binh chủng bạn, nên đồng bào được vui hưởng cảnh thanh bình trong nhiều năm qua.
    Nhưng sáng hôm ấy, khi chúng tôi đi ngang qua khu phố chợ đông đảo dân chúng ngậm ngùi đứng nhìn chúng tôi đi qua, tôi cảm thấy xấu hổ mà muốn độn thổ vì nay mình là lính bại trận. Thoáng nhìn nét mặt u buồn của đồng bào tôi biết là họ đang âm thầm, lặng lẻ tiễn đưa và từ giã chúng tôi ra đi trong sự nghẹn ngào và thương tiếc! Anh em chiến sĩ chúng tôi buồn lắm ! vì phải bỏ họ lại trong tình thương và nỗi nhớ, nỗi đau, nỗi nhục.Chúng tôi đã buông súng , bỏ rơi dân tộc vào tay cộng sản, tròng vào cổ chính những đồng bào yêu thương một cái ách tàn bạo của cộng nô, lỗi của chứng tôi đã không chiến đấu đến giây phut cuối cùng , xin dân tộc một lời tha thứ

    ReplyDelete
  3. Anh Tư ạ, không biết anh còn nhớ không, có lần tướng Lê Minh Đảo-người hùng của SĐ18 BB- sang thăm Úc châu ông ta phát biểu với các binh lính và đồng đội cũ..."Các anh phải ngẩng mặt lên, chúng ta thua vì bị làm cho thua, vì bị cưởng ép cho thua..." Thôi đừng buồn nhe huynh...Tổng thống Dương Văn Minh còn bị lừa nữa mà huống chi là mình.!

    ReplyDelete
  4. anh Tư ơi, anh hãy nghe Hà Lan Phương than thở trong bài "Bão Nổi"
    Xong!! Đã hết rồi, đã xong rồi. Khi ông Tổng Thống cao nhất trong quân đội đã “QUY HÀNG VÔ DIỀU KIỆN” Thì ….. bọn đàn em thấp cổ bé miệng làm gì, nói gì được nữa ????

    Với những người hiểu biết về chính trị, theo dõi chính trường hàng ngày, thì từ lúc ông Trần Văn Hương ” nhường ngôi ” cho phe Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu …. là người ta đã biết, sớm muộn gì VNCH cũng rơi vào tay Cộng Sản . Vì phe ông Dương Văn Minh thuộc thành phần thứ ba, trung lập, …..bên nào cũng chơi cũng bắt tay Quốc gia hay Cộng Sản chẳng có gì quan trọng
    Vậy thì anh thấy đó, bàn cờ đã được chóp bu định sẵn thắng thua, các anh chỉ là những người lính yêu quê hương yêu đống bào của mình bằng con tim, bằng bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, nhưng rồi Ngài Tổng Thống đã đem bầu nhiệt huyết đó vùi chôn với triệu triệu đồng bào của mình, anh hãy ngẩng mặt mà vui sống những tháng ngày còn lại , dân tộc nói chung và anh em trên blog nói riêng ai ai cũng mang ơn các anh đã hy sinh tuổi trẻ của mình cho những tháng ngày hạnh phúc đã qua anh ạ

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.