Wednesday 6 August 2014

Người liệm xác ở Dải Gaza



Ý chính:
  • Năm 1948, Liên Hợp Quốc chia Palestine làm hai phần, một cho dân Do Thái; một cho dân Hồi giáo Palestine.
  • Năm 1967, Do Thái chiếm luôn Dải Gaza, Bờ Tây, phần phía Đông Jerusalem
  • Năm 2005, Do Thái rút quân, kết thúc 38 năm kiểm soát Dải Gaza...
  • Năm 2014,  Do Thái tấn công dữ dội vào phe Hamas nhằm ngăn chặn việc Hamas bắn pháo vào đất Do Thái...
đoàn xuân thu. Melbourne::
D


ải Gaza là phần cực Tây của các lãnh thổ Palestine, Trung Đông, có biên giới trên bộ với Ai Cập dài 11km ở phía Tây Nam và với Do Thái dài 51km ở phía Bắc và phía Đông, về phía Tây, nó giáp với Địa Trung Hải.


Đó là một vùng đất nhỏ hẹp, chen chúc khoảng 1triệu 816 ngàn người. Mật độ dân số còn dày đặc hơn cả thủ đô Bangkok của Thái Lan.

Từ xưa, Palestine là một vùng đất rộng lớn nằm ở phía Tây bán đảo Ả Rập, là nơi sinh sống của hàng trăm bộ lạc Ả Rập và cũng là nơi vương quốc cổ Do Thái thành lập từ 3000 năm về trước.

Người Do Thái mất nước đã lâu, phải xiêu tán trên toàn thế giới, chỉ còn một số ít ở lại! Khoảng 3% dân số của toàn vùng Palestine.

Năm 1897, một phóng viên gốc Do Thái, người Áo-Hung, tên là Theodor Herzl dấy lên phong trào kêu gọi phục hưng nhà nước Do Thái tên là Zionism (bắt nguồn từ chữ Zion, chỉ Jerusalem). Sau thảm họa diệt chủng Đức Quốc Xã, Hitler giết 5 triệu rưỡi dân Do Thái, người Do Thái từ Châu Âu ồ ạt tìm về, mua lại đất đai ở Palestine khiến người Ả Rập vô cùng tức giận.

Liên Hợp Quốc bèn chia vùng Palestine làm hai phần, một cho dân Do Thái; một cho dân Hồi giáo Palestine. Riêng Jerusalem thì trở thành đặc khu quốc tế do LHQ kiểm soát.


Dải Gaza
(Bảo đồ từ Wikipedia.com)
Dân Do Thái đồng ý và thành lập nhà nước Do Thái ngay lập tức. Dân Hồi Giáo Palestine kịch liệt phản đối. Chỉ một ngày sau, khi nhà nước Do Thái tuyên bố thành lập năm 1948, Liên minh 5 nước khổng lồ quanh đó gồm Ai Cập, Jordan, Syria, Iraq và Li Băng đồng loạt nổ súng tấn công Do Thái.
Do Thái mới đầu chỉ là tự vệ, sau một mình đánh tan tác Liên quân Hồi giáo, rồi trên đà thắng thế, Do Thái chiếm luôn Dải Gaza, Bờ Tây, phần phía Đông Jerusalem vào năm 1967, đẩy hàng chục ngàn dân Hồi Giáo Palestine phải đi tị nạn, không còn chỗ quay về…!

Năm 1993, sau Thỏa thuận hòa bình Oslo giữa Palestine và Do Thái, đa phần Dải Gaza nằm dưới quyền kiểm soát giới hạn của Chính quyền Palestine.

Ngày 15 tháng 8 năm 2005, Do Thái rút quân, kết thúc 38 năm kiểm soát Dải Gaza. Tuy nhiên vẫn giữ quyền kiểm soát lãnh hải và không phận.

Rồi hai cuộc nổi dậy của người Palestine vào năm 1987 và năm 2000. Phe Hamas cai trị Dải Gaza vào năm 2007, kiên quyết không công nhận nhà nước Do Thái và ba lượt đánh nhau giữa hai phe vào năm 2008, 2009 và 2012.


Máy bay Do thái thả bom xuống một trường học ở Rafah, phía Nam dải Gaza
(Hình AFP)
Và bây giờ, vào ngày 8 tháng 7, chiến tranh giữa hai bên bùng nổ ác liệt hơn những lần trước. Do Thái ném bom 50 điểm ở Gaza và chính thức đổ bộ qua biên giới. Phía Palestine có 1 ngàn 360 người chết và hơn 6 ngàn 500 người bị thương đa số là thường dân; trong đó có rất nhiều trẻ em mà hình ảnh đẫm máu, thân xác tả tơi… chiếm đầy trên trang báo. Phía Do Thái mất 56 người lính và 3 thường dân.

Do Thái nói: ‘Họ tấn công vào Dải Gaza nhằm chấm dứt việc dân quân Hamas bắn hỏa tiễn ngang qua biên giới vào miền Nam Do Thái. Bắn hỏa tiễn vào khu dân cư là một hành động gây chiến nên việc Do Thái ném bom trả đũa là một hành động có thể biện minh!’
Hamas lại nói: ‘Họ bắn hỏa tiễn vì Do Thái phong tỏa kinh tế. Phong tỏa kinh tế Dải Gaza là hành động gây chiến nên việc pháo kích nầy có thể biện minh!’
Hamas tuyên bố tất cả công dân Do Thái đều là kẻ thù và cần phải tiêu diệt. ‘Này tín đồ Hồi giáo, có một kẻ Do Thái đang nấp sau ta đây. Hãy đến mà giết hắn đi’.

Với sức mạnh quân sự đứng hàng thứ 6 trên thế giới, Do Thái lần nầy tấn công dữ dội vào phe Hamas nhằm ngăn chặn việc Hamas bắn pháo vào đất Do Thái hay gởi các chiến binh xâm nhập vào đất Do Thái qua những đường hầm.

Thủ Tướng Do Thái, Benjamin Netanyahu, nói: ‘Những kẻ khủng bố như Hamas dùng thường dân để làm mộc che chở cho mình. Họ chứa vũ khí và đạn dược trong các khu dân cư và trường học khiến quân đội Do Thái không thể tiêu diệt đối thủ mà không sát hại đến dân thường!’
Theo Liên Hiệp Quốc thì cả hai phe đã phạm vào tội ác chiến tranh (war crime)!

Vậy mà lãnh tụ đôi bên vẫn tiếp tục đổ thừa nhau, và cuộc tàn sát vẫn tiếp tục xảy ra ở Dải Gaza làm dân chúng ở đó cực kỳ thống khổ. Số người chết tăng lên từng phút từng giờ. Hàng chục người bị giết mỗi ngày, khoảng 3600 căn nhà đã bị phá hủy. Không điện, không nước vì nhà máy điện duy nhứt đã bị trúng hỏa tiễn và bốc cháy!

Trường học Abu Hussein nằm phía Bắc Dải Gaza vừa trúng phi đạn làm 20 người chết và 126 bị thương. Do Thái nói rằng họ chỉ phản pháo mà thôi!

Thế giới kêu gọi ngừng bắn! Tuy nhiên 86.5 % người Do Thái không chấp nhận vì phe Hamas vẫn tiếp tục bắn phi đạn vào đất Do Thái. Tất cả các đường hầm bí mật của phe Hamas chưa được tìm ra hết để phá hủy và phe Hamas vẫn chưa chịu đầu hàng! Phe Hamas thì muốn Do Thái ngừng phong tỏa kinh tế Dải Gaza; trong khi Do Thái không đồng ý; vì làm như vậy mới ngăn được việc đem võ khí vào Dải Gaza! Do Thái vừa động viên thêm 16 ngàn lính trừ bị và mua thêm súng đạn lên tới hàng tỷ đô la!

Vậy là trận chiến vẫn tiếp diễn đẫm máu và đau lòng nhứt là trẻ em ngày nào cũng bị giết chết! Có khi chết toàn bộ một gia đình gồm ông bà, cha mẹ và con cái lên tới gần 20 người!


Ông Ahmed Jadallah, 75 tuổi, quá bận rộn với công viêc tẩm liệm thi hài người Palestine
(Hình Kansascity.com)
Suốt 30 năm qua, ông Ahmed Jadallah, 75 tuổi, đã tẩn liệm hàng trăm xác ‘liệt sĩ’ của Palestine đã bỏ mình trong các cuộc xung đột với người Do Thái. Ông tin rằng: Hành động tự nguyện nầy theo điều luật Hồi Giáo, sẽ giúp ông khi chết được lên thiên đàng.

Khi còi báo động về các cuộc không kích của người Do Thái đã lịm tiếng, tiếng rền rĩ đau đớn của những người sống sót lại vang lên, khóc thương thân nhân đã chết; và ở một nhà xác của một bịnh viện nhỏ, Kamal Adwan, vùng Beit Lahiya, miền Bắc Dải Gaza, trên cái bàn bằng gỗ, ông Ahmed Jadallad bắt đầu công việc tẩn liệm từng xác một. Ông nhẹ nhàng bọc xác một trẻ thơ trong tấm vải liệm màu tang trắng.

Cuộc đời của Ahmed Jadalla là tấm gương phản chiếu toàn bộ những biến động trong lịch sử vùng đất dải Gaza nầy.
Jadallah sanh năm 1939 tại làng Isdud, thuộc Palestine, bây giờ thì nơi nầy đã trở thành một phần của thành phố Cảng Ashdod thuộc Do Thái.
Sau cuộc chiến năm 1949, cả gia đình ông đào thoát đến Dải Gaza, sống trong trại tị nạn Jebaliya gần bịnh viện Kamal Adwan. Suốt nhiều năm liền, ông kiếm sống vất vả bằng cách bán rau quả mua từ đất Do Thái và sản xuất những tấm xi măng dùng cho xây dựng.

Thập niên 80, ông tự nguyện làm người liệm xác! Theo giáo luật Hồi Giáo, những người chết vì nguyên nhân tự nhiên sẽ được tắm rửa trước khi liệm; riêng những người bỏ mình trong cuộc ‘thánh chiến’ thì khi liệm, chỉ cần lau rửa khuôn mặt rồi được đem chôn cất ngay; thân xác họ đã sẵn sàng để trở về với Thượng Đế!

Công việc của Jadalla là lau rửa khuôn mặt tử thi, bọc những xác nầy trong những tấm vải liệm theo truyền thống, cột xác bằng những sợi dây vải theo những luật lệ đặc biệt!

Phòng lạnh của bịnh viện đang giữ 8 xác của những người bị quân Do Thái không kích giết chết hồi hôm. Gia đình Abu Aitas, từ trại tị nạn Jebaliya, chết 5 người: Ibrahim 66, vợ ông ấy, Jamila 55, các con trai Ahmed 31, Mohammed 40. Và con của Ahmed chỉ mới lên 4 tuổi. Gia đình Ajamis là hàng xóm, bị quân đội Do Thái cảnh báo là căn nhà 4 tầng của họ sẽ bị không kích vào sáng thứ Năm, họ chỉ còn vài phút để đào thoát nên không kịp báo cho gia đình Abu Aitas.

Những thân nhân người bị giết ùa đến nhà xác chật hẹp, đủ chỗ cho một chiếc bàn bằng gỗ dùng cho việc liệm xác và 3 cái ngăn lạnh để chứa các tử thi.

Một người vợ mà chồng vừa bị giết trong một cuộc không kích khác… khóc điên loạn trong phòng chờ của bịnh viện, xô đẩy các người bà con khác đang ngăn bà ấy vào nhìn mặt xác chồng. Cuối cùng, người vợ đau khổ đó được toại nguyện nhưng khi nhìn được mặt chồng trong ngăn lạnh, người phụ nữ đáng thương đó ngất xỉu.
Hai cảnh sát viên của phe Hamas đứng gác tại cái cổng sắt dẫn vào nhà xác cố gắng ngăn chận thân nhân muốn tràn vào… để Jadallah tiếp tục công việc tẩn liệm.

Ông kéo xác ra khỏi ngăn lạnh, đặt nó lên một mâm bằng kim loại trên bàn. Một cảnh sát viên kêu to tên người chết và thân nhân gần nhất được cho vào.

Sau một hồi hỗn loạn, than khóc những thân nhân dần hồi tỉnh, nhìn chăm chú Jadallah làm việc. Từ một mảnh vải trắng, ông xé toạc ra những sợi dây vải nhỏ, để cột quanh tử thi như những sợi dây nịt để giữ tấm khăn liệm. Tùy theo xác lớn nhỏ, ông dùng 3 hay 5 sợi dây vải để cột và phải luôn luôn là số lẻ.

Ông băng lại đầu người chết nếu sọ bị bắn vỡ. Dùng gạc có thấm nước lau sạch những vết máu trên mặt. Mặc dù lớn tuổi rồi nhưng ông vẫn tự mình khiêng tấm kim loại nặng nề đựng xác hay đẩy tới đẩy lui cái bàn dùng khâm liệm.

Khi xác đã sẵn sàng, thân nhân được gọi vào, đặt xác lên chiếc băng ca màu cam! Vài người hô to ‘Takbir’ và mọi người đưa tang khác đáp lại ‘Allahu akbar’ có nghĩa là: “Thượng Đế vĩ đại’ trên đường đem đi chôn cất.

Jadallah, có 6 người con, nói: ‘Ông chia sẻ niềm đau mất mát với những kẻ quanh ông! Sau khi liệm biết bao nhiêu người suốt từng ấy năm, ông cảm thấy rất khó tha thứ cho người Do Thái nhưng cũng cầu mong là cuối cùng hòa bình sẽ đến!’
‘Máu đổ không phải là chuyện nhỏ, dĩ nhiên, cuộc chiến nầy chúng tôi phải gánh lấy cho dù người Do Thái giết nhiều người chúng tôi hơn nữa; chúng tôi vẫn không sợ và nhứt quyết chiến đấu để trở về quê cha đất tổ!’

Cuối cùng thì hai bên vẫn tiếp tục giết nhau và trẻ thơ tiếp tục chết. Thật là đau lòng khi người lớn vì căm thù lẫn nhau mà không cho các em cơ hội nào được sống!

Cuộc chiến bùng nổ ở Dải Gaza chứng tỏ sự bất lực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và ngay cả Hoa Kỳ?! Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc, Ban Ki Moon, Tổng Thống Hoa Kỳ, Barack Obama, liên tục kêu gọi ngừng bắn không điều kiện nhưng cả hai phe không ai chịu nghe.
Súng vẫn nổ; người vẫn chết; nhứt là những trẻ thơ vô tội! Thế nên người liệm xác ở Dải Gaza nầy chắc lòng ông buồn biết mấy bởi hòa bình ông mong ước vẫn còn xa vời vợi! Chiến tranh dù bất cứ lý do gì là một điều không thể biện minh!

đoàn xuân thu.
melbourne.

Lượm lặt trên mạng



Tượng Chúa Cứu Thế tại Rio...

(Hình huffingtonpost.com)
Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.




0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.