Saturday 26 July 2014

Xin hãy tha thứ cho em!



đoàn xuân thu. Melbourne::



Gởi má thằng ‘cu’!
Bài viết nầy không phản ảnh quan điểm chính thức của ‘anh yêu’!
(Né trước cho chắc ăn bà con ơi!)


Trộm nghe nhà văn Khiêm Cung, Sydney, viết một bài tán dương nồng nhiệt nhà văn Tràm Cà Mau là người có phước; vì cưới được vợ hiền! Đọc xong, nghĩ phận mình, tui muốn khóc ‘hu hu’ quá xá bà con ơi!


Tui cũng tin ‘làm phước được phước’. Còn kiếp trước mình lỡ… chưa hề và chưa từng muốn làm phước… thì kiếp nầy trời cho con vợ như thế nào mình cũng đành chịu trả hết kiếp. trả cho xong cái quả báo luân hồi nầy cho nó ‘phẻ’, bởi kiếp nầy không trả; kiếp sau cũng phải trả, chạy trời không khỏi nắng, nên hỏng có tính giựt chạy đi đâu nhá ‘em yêu’!

Ông Tràm Cà Mau chắc có ‘căn tu’ nên cưới được một người vợ rất dịu hiền như lời ông thuật lại:

Trong nhiều năm chung sống, chưa bao giờ nàng nặng lời với tôi ...


“Vợ tôi chỉ là một người đàn bà trung bình trên tất cả mọi mặt. Với một vóc dáng tầm thường bên ngoài, không vêu vao xấu xí khó nhìn. Bên trong nàng mang một tấm lòng hiền hậu, bao dung, biết hành xử khôn ngoan khéo léo, để đem lại cho gia đình hạnh phúc êm ấm lâu bền mà tôi vô cùng biết ơn mỗi khi nghĩ đến. Trong nhiều năm chung sống, chưa bao giờ nàng nặng lời với tôi, chưa bao giờ có cử chỉ hay ngôn ngữ thiếu lịch sự, cũng chưa lần khóc lóc giận hờn đòi hỏi điều này điều kia, hoặc đặt điều kiện làm khó, hay so đo chuyện nhà với gia đình người khác”

Rồi nhà văn Khiêm Cung cũng kể một câu chuyện thiệt và tui cũng tin là thiệt:
Vợ chồng chị đã có mấy mặt con. Chị thường hay nhìn toàn là khuyết điểm của chồng rồi cằn nhằn cửi nhửi, chồng chị nhức xương lắm, thường tâm sự với tôi. Bất ngờ chồng chị lâm trọng bịnh rồi mất. Chị rất can cường, trong đám tang chồng, chị không khóc. Sau đám tang chừng mươi ngày, vợ chồng tôi đến thăm để an ủi chị. Trong lúc nói chuyện, chị rưng rưng nước mắt: Có đêm tôi thức giấc, nhìn đồng hồ thấy quá 12 giờ khuya, không thấy anh ấy ngủ bên cạnh, tôi thầm hỏi “đi đâu mà tới giờ này chưa về?”. Rồi tôi liền nhớ ra là anh ấy đã chết!”

Hối hận hình như hơi muộn màng rồi đó nha! Cách đây hơn một trăm năm, có bà vợ người Nga cũng hối hận muộn màng y hệt như vậy.


Lev Tolstoy : “chiến tranh và hòa bình”
(Hình biography.com)
Lev Tolstoy, văn hào Nga, tác giả tuyệt tác ‘Chiến Tranh và Hòa Bình’, đồ sộ cả về nội dung lẫn nghệ thuật trong lịch sử văn học Nga. (Nói thiệt! Tui chưa có đọc mà chỉ nghe người ta khen) nửa đêm bỏ nhà ra đi. Hành động can đảm, vượt thoát đó, dầu muộn vì ông đã 82 tuổi rồi, đã đưa đến cái chết của một trong những nhà văn vĩ đại nhất của nước Nga, làm chấn động thế giới! Bi kịch về cái chết của nhà văn lừng lẫy nầy được sánh với bi kịch chìm tàu Titanic hay sự khởi đầu của Đệ nhứt thế chiến hoặc cuộc Cách mạng tháng 10 Nga xảy ra một thời gian không lâu sau đó.

Chuyến đi của Tolstoy từ Yasnaya Polyana đến nhà ga Satapovo rồi quay trở về chỗ ra đi mười ngày sau đó trong chiếc quan tài bằng gỗ sồi đơn giản.
Lúc 3 giờ sáng ngày 28 tháng 10 năm 1910, Tolstoy mặc áo ngủ, chân trần không vớ, mang dép; khuôn mặt đầy nỗi thống khổ, xúc động nhưng cương quyết bỏ ra đi. Nửa đêm về sáng, cái giá lạnh khắc nghiệt của mùa đông nước Nga làm ông sưng phổi. Trên giường bệnh, gần hấp hối, bác sĩ chích cho ông một mũi morphine, ông trăn trối: ‘Tôi muốn đi đến nơi nào đó mà không một ai có thể làm phiền tôi! Tôi muốn trốn ra đi...’

Lúc ông sắp chìm vào hôn mê, vợ ông, Sofya Andreyevna, mới được bác sĩ cho phép vào, nhìn mặt chồng lần cuối. Mới đầu bà đứng cách xa chỉ giương mắt ra nhìn, sau, bước tới hôn vào trán chồng; rồi quỵ gối xuống, nói: ‘Xin hãy tha thứ cho em’ ‘Forgive me’. Sáu giờ năm phút sáng hôm đó (20 tháng 11 năm 1910), Tolstoy từ trần!

Một số người cho rằng ông không thể chịu đựng nổi nữa cuộc sống chung với người vợ đã gắn bó với ông trong 48 năm. Sóng gió phủ lên những năm tháng tuổi già, mâu thuẫn giữa ông và vợ ngày càng sâu sắc. Lỗi hoàn toàn ở vợ? Cũng chưa chắc! Vì thời trai trẻ, Tolstoy từng là kẻ ăn chơi… gái gú… từng phải bán nhà vì cờ bạc?!

Còn người viết, thú thực sống dưới sự kềm kẹp của CS cũng khá lâu, nên biết cách cư xử với em yêu, một con người toàn trị, nắm trong tay toàn quyền sinh sát trong nhà; nên luôn luôn tâm niệm năm điều là: ‘Đừng nghĩ xấu về em yêu. Còn có nghĩ thì đừng dại dột nói thiệt ra cho em yêu nghe. Mà lỡ có nói thiệt ra thì đừng có ghi lại. Mà lỡ có ghi lại thì đừng có ký tên mà lỡ có ký tên khi vợ hỏi thì bảo là anh không nhớ’; nghĩa là mình phải trơn lùi như con lươn, con chạch; ‘em yêu’ mới không bắt được thóp, nắm đầu mình được. Áp dụng cái chủ thuyết 5 không đó, nên giờ mình vẫn sống hạnh phúc với ‘em yêu’ đó thấy hông?! Đâu có đau khổ quá cỡ thợ mộc như ông Lev Tolstoy, giận vợ, bèn trốn đi trong đêm Đông lạnh lẽo đến nỗi chết ngoẻo cù từ!
Nói vậy nhưng đôi khi buồn tình cho một kiếp đời nô lệ gác tía lầu son, đem so với ông Tô Hoài, cũng vừa mới qua đời, thì mình cũng phải công nhận rằng: ổng ‘anh hùng’ hơn, ‘ngon’ hơn mình nhiều!


Tô Hoài và ... Tố Hoài
(Hình vietq.vn)
Ông Xuân Sách trong quyển ‘Chân dung các nhà văn’, vẽ ông Tô Hoài như thế nầy: ‘Dế Mèn lưu lạc mười năm. Để O Chuột phải ôm cầm thuyền ai. Miền Tây sen đã tàn phai.Trăng Thề một mảnh lạnh ngoài Đảo Hoang.’ (Chữ in đậm là tên những tác phẩm nổi tiếng của Tô Hoài)

Một giai thoại về Tô Hoài do nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn (không ai ‘quánh’ mà khai tùm lum) như vầy:

(Khi Tô Hoài nói về vợ thì tên ông…(xin lỗi)… thêm dấu sắc thành ‘Tố (khổ) Hoài’)

‘Bà vợ tôi chả hiểu gì về nghề của tôi, bà ấy chỉ biết tôi đưa tiền về nhà thì là được. Ở nhà, tôi sống một mình trên cái gác xép, đến quần áo cũng phải giặt lấy vá lấy. Ấy, vợ tôi cũng thế, toàn cho ăn mồng tơi rau đay. Tôi mà đi vắng thì ở nhà mâm dọn ra toàn xoong cả, để khỏi phải rửa bát mà!’
‘Xì nẹt’ vợ như vậy; trong đám nhà văn phải nói là Tô Hoài đúng là một tay hảo hán giang hồ. Mà thực sự ổng có đứng đắn, đàng hoàng gì cho cam. Theo nhà thơ Hoàng Cầm cho biết: ‘Về khoản gái, Tô Hoài ghê lắm, hơn bất cứ ai, chỉ có điều tâm ngẩm tầm ngầm như thế, nên chết voi, mà chả làm sao cả. Đến vợ cũng không ghen thì thôi chứ gì?’

Ông Lê Đạt cũng thuật lại một giai thoại là: ‘Có lần, hồi kháng chiến, phải họp để phê bình Tô Hoài đánh vợ. Tô Hoài cho một câu gọn lỏn, các cậu không biết chứ đánh vợ xong, vợ nó chiều lắm!’ Hi hi!
Sống ngon lành như vậy hèn chi khi ông mất, theo mấy tay viết báo trong nước cho biết: Hà Nội mưa như trút nước tiễn đưa nhà văn Tô Hoài’. Làm nhà văn mà dám ‘dọng vô mặt vợ’ như vậy xưa rày hiếm! Hà Nội khóc là phải?!

‘Rồi vợ ông cũng tiễn đưa người bạn đời nhạt nhòa trong nước mắt. Bà từng day dứt, không được gặp ông trước giây phút nhắm mắt xuôi tay...?’

Sao vậy hả? Lev Tolstoy của Nga không sợ vợ. Tô Hoài của Việt Nam cũng không sợ vợ; còn ‘dợt’ vợ lên bờ xuống ruộng! Cuối cùng hai ông chết mà hai bà vợ không ai gặp mặt. Trùng hợp quá nên xin xếp ngồi chung một chiếu!

Còn những nhà văn sợ vợ, nể vợ nhứt vợ nhì trời; xin cho ngồi một chiếu khác. Kẻo cho mấy ổng ngồi chung lại hạch họe lẩn nhau; chê nhau sao ông chết nhát quá vậy thì thêm phiền…

Người viết có anh bạn là nhà văn khá nổi tiếng! Anh có quan niệm sống rất đáng học tập; nhưng những người khác xấu miệng, lại nói là ảnh sợ vợ thầy chạy luôn?!

Người viết có lần hỏi: ‘Người ta đồn rằng anh sợ vợ lắm phải không?’ Ảnh tỉnh bơ mà trả lời rằng: ‘Sợ chớ! Hỏng sợ sao được? Con nó nó đẻ ra nó còn dám đánh… Huống hồ chi tui là người dưng!’

Người viết có thằng bạn Úc làm chung sở, vợ nó là ‘senior’, nghĩa là làm ‘boss’ của nó. Một hôm, người viết hỏi để học tập kinh nghiệm sợ vợ của người nước ngoài: ‘Lúc vợ giận thì bồ làm sao cho nó hết giận?’ Nó cười he he trả lời: ‘Tui mở tủ lạnh, xách một ‘pack beer’ sáu chai, trốn xuống ‘garage’ uống hết! Ngủ một giấc, thức dậy, rồi bò lên nhà. Dễ ợt! Vợ mình giận thì mình ‘biến’ là xong!’

Anh bạn văn cũng gật đầu tấm tắc khen thằng Úc nầy khôn! Vì có câu rằng phải hai người mới nhẩy được bản tango. Vợ chồng cãi lộn cũng y như vậy. Ông bỏ bom; bà bắn pháo mới có chiến tranh chớ! Còn bà pháo kích; ông chui xuống tản xê thì làm sao mà dính miểng cho được!
Một hôm, người viết lơn tơn tới, rủ ảnh đi nhậu. Lâu quá không uống cũng chua miệng. Bước vô cổng, thấy ảnh đang lúi húi làm vườn. Ảnh khoát tay nói nhỏ: ‘Ông đợi tui ở ngoài kia; gọi vô điện thoại nhà, nhớ nói tiếng Anh cho con vợ tui hỏng biết, để tui viện cớ mà ‘dzọt’ nha.’ ‘Nhưng tui có biết tiếng Anh tiếng u gì đâu!’ Thì cứ nói đại ‘hi, hu’ gì đó một tràng cũng được!’ Nghe lời ảnh, tui né qua một bên, rồi gọi vào. Ảnh dịch tiếng Anh ba rọi của tui cho chị nhà nghe rồi ‘dzọt’. Hai đứa vù ra pub Úc ở cuối đường, gọi một chai rượu đỏ, rót ra ly, nhấm nháp với với hột điều rang muối. Vui hết biết! Bỗng tiếng mobile phone reo. Vợ hỏi: ‘Anh đang ở đâu vậy?’ ‘Em yêu! Chu choa! Công việc sở bữa nay nhiều quá nên thằng boss mới gọi anh vô làm giờ phụ trội đó cưng!’ ‘Còn em, em ở đâu?’ ‘À! Em ngồi ngay ở sau lưng anh nè!’

Thiệt là quê xệ! Đành dắt con vợ đến ngồi cùng bàn, nhậu chung một chút cho đỡ quê vì bị bể mánh; bị bắt ngay tại trận; hết chối. Chị nhà cầm ly rượu đỏ lên nhắm môi rồi nhăn mặt la: ‘Trời đất ơi! Sao anh lại uống cái quái quỷ gì mà đắng nghét vậy nè!’ Ảnh cười hè hè trả lời: ‘Em thấy chưa? Vậy mà em cứ rầy anh khoái nhậu cho lắm. Nó đắng thấy mồ tổ đi chớ phải không cưng?’

Ôi! Miệng lưỡi sợ vợ của nhà văn sao mà giống như con lăng quăng quá vậy!

Còn vợ nhà văn mà yêu chồng kiểu ‘toàn trị’ như vầy chắc chắn sẽ có ngày quỵ hai đầu gối xuống mà: ‘Xin hãy tha thứ cho em!’

đoàn xuân thu.
melbourne
Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.




0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.