Tuesday 22 July 2014

Đôi giòng tưởng niệm


Tố Liên::

Hai mươi tám tháng bảy dương lịch là ngày giỗ của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy. Tôi hoài niệm trong nỗi tiếc thương người quá cố đã ngủ một giấc ngàn thu dưới mộ sâu cách nay hơn 20 năm (1991). Sao cổ họng tôi cứ nghèn nghẹn, con tim cứ thổn thức xót xa, dòng lệ từ tận đáy lòng cứ cuồn cuộn dâng lên khóe mắt. Tôi phải ngừng đọc ở mỗi bài viết của gần 100 tác giả trong quyển “Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, Nhà Chí Sĩ Thời Đại” mà tôi mới vừa xem xong.


Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy
(Hình TanDaiViet.org)
Toàn thể các tác giả là chính khách cao cấp, trí thức lỗi lạc ngoại quốc cũng như Việt nam từ khắp nơi trên thế giới, đều tỏ lòng tiếc thương đớn đau cho sự từ biệt cõi đời của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, một người tài đức vẹn toàn, đầy lòng bao dung và nhân ái đối với dân tộc, đất nước Việt Nam.

“Cây thước đo của nhân thể xác định tầm vóc con người của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy” về nhân cách và cuộc đời hoạt động của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy từ tuổi thanh niên 19-20 cho đến phút lâm chung. Tất cả những nhận xét đều thực, tinh tế và chính xác. Có một điều tôi chưa tìm thấy tác giả nào nêu lên thời thơ ấu và thời niên thiếu của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy.

Tôi đã đề nghị anh em trong gia đình Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là những người đã từng cầm bút viết sách, nên ghi lại cho trọn cuộc đời của Giáo Sư, nhưng anh em đều bảo rằng “Hữu xạ tự nhiên hương”, không khéo đôi khi một vài ngoại nhân nghĩ rằng anh em thêu dệt, đánh bóng theo lối tôn vinh lãnh tụ của đảng Cộng Sản.

... không thể bỏ qua những cá biệt của cậu bé Ngọc Huy đối với những thiếu niên khác,
nên tôi xin được phép chia sẻ cùng bạn đọc.

Nhận thấy không thể bỏ qua những cá biệt của cậu bé Ngọc Huy đối với những thiếu niên khác, nên tôi xin được phép chia sẻ cùng bạn đọc.
Cá nhân tôi không có bà con ruột thịt gì với Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, nhưng tôi có mối quan hệ gia đình, vì thân mẫu của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là chị Hai của mẹ chồng tôi (em út, thứ chín).
Năm 1971, tôi về làm dâu, ngày ngày nấu ăn dưới bếp với bà, lúc đó bà đã 70 nhưng còn minh mẫn sáng suốt lắm. Có lẽ vì thấy tôi là dâu mới chưa biết nhiều về gia tộc, nên bà kể rất rộng. Nhất là bà tâm đắc kể về gia đình và cá nhân của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy. Bà kể rất tự nhiên không một lời khen ngợi hay đề cao đứa cháu đang nổi danh của bà.
- Con biết không, hồi trước Ông Ngoại con tên là Trần Minh Đức. Ông là người thông chữ Hán, Nôm, là người thầy đồ cuối cùng ở vùng Biên Hòa. Khi chữ Nho suy tàn Ông đi học chữ Quốc Ngữ rồi về dạy lại ở địa phương đầu tiên đó con. Ông còn sáng tác tuồng cổ, nghiên cứu y học cổ truyền, bốc thuốc chữa trị miễn phí. Ông đảm nhiệm thầy lễ, lo việc cúng tế tại miếu đình trong làng với nhiều chỗ khác nữa con. Nhà Ông Ngoại có một kho sách rất quý gồm chữ Hán, chữ Pháp. chữ Nôm và chữ Quốc Ngữ. Ông giữ kỹ lắm con. Thằng Huy còn nhỏ thường hay lén lấy sách của Ông đọc. Ông Ngoại biết được rầy nó hoài. Khoảng đâu mười mấy tuổi nó đã thuộc làu bộ Tam Quốc Chí viết bằng chữ Hán. Ông Ngoại tuy la rầy nhưng cũng muốn thử tài đứa cháu ngoại ra sao nên nói:
- Đâu con nói cá tánh của Quan Công, Lưu Bị, tào Tháo cho ông nghe. Nếu con nói đúng ông cho con đọc.
Không ngờ nó phân tích từng nhận vật rất giống như sự nhận xét của Ông Ngoại. Thấy vậy, Ông ngoại dẫn nó đến thầy học thêm chữ Hán. Càng không ngờ hơn, ông thầy hỏi tới đâu nó trả lời rành rọt đến nỗi ông thầy bảo: 
- Thôi thằng nầy khỏi học, hỏi cái gì nó cũng biết hết trọi
Dì Hai dượng Hai, ba má thằng Huy, ở bên kia sông Mỹ Lộc (cách nhà Ông Ngoại 5,6 cây số thuộc Huyện Công Thanh). Dượng Hai dạy tiểu học, sau lập am ở sau nhà tu tại gia. Dì Hai ép dầu phộng bán. Nhà dì dượng ở xã Mỹ Lộc, Tân Hòa, quận Tân Uyên (nay Cộng sản Việt Nam đổi tên là Tân Mỹ, thuộc tỉnh Bình Dương).
 
Hồi trước dì Hai sanh ba đứa con trai đầu, không nuôi được đứa nào. Tới chừng dì hai sanh trai thứ chín, thấy đứa trẻ kháu khỉnh lạ thường nên Ông Ngoại và dượng Hai đặt nó tên Ngọc Huy, là viên ngọc sáng đó con. Còn dì Hai thì lo sợ khó nuôi như ba đứa kia. Trong khi cậu Sáu có hai trai được hết, dì Hai mới làm giấy cho cậu Sáu, đặt tên con gái, đeo bông giả gái. Mỗi tuần phải đưa nó đến thăm cha vài ba ngày. 
Cậu Sáu ở với Ông Ngoại, tên Trần văn Giáo, làm thầy giá tiểu học, sau làm Huyện. 
Khi thằng Huy bết chạy giỏi, ngày ngày nó đến trường làng Mỹ Lộc, đu cửa sổ lớp, thầy dạy gì bên trong, nó thuộc hết trơn.. Nó siêng năng, cần mẫn lắm, và đậu bằng Thành Chung hạng Tối Ưu được toàn quyền Pháp thưởng 300 đồng bạc Đông Dương, có giá trị rất lớn lúc bấy giờ. Dì dượng Hai và nó đi du lịch giáp vòng Đông Dương.
Sau khi đi du lịch về có một bữa nọ, nó đạp xe đạp từ Sài Gòn về Biên Hòa, ghé má đâu khoảng 3,4 giờ chiều. Nó hỏi mượn ba cái bàn máy đánh chữ để về nhà tập đánh. Má biểu nó ở lại ăn cơm. Nó không chịu, lo hối hả đạp xe về Mỹ Lộc, sợ trễ đò không vô nhà được. Mỹ Lộc cách chợ Biên Hòa khoảng 17, 18 cây số. Cái thằng thiệt là chịu khó!
Tới năm 1945, trong lúc toán quân Anh có cả lính Ấn độ da đen đi lung trong làng để tước khí giới Nhật Bổn thì có một thằng du kích Việt Minh núp ở đằng xa, sau hàng rào bông bụp của nhà Ông Ngoại, liệng lựu đạn tụi lính quân Anh Ấn. nhà Ông Ngoại lớn lắm, gần đó là nhà của dì Tám. Tụi lính Anh trả đủa bằng cách phóng hỏa đốt nhà xóm đó, khiến cho nhà Ông Ngoại và Dì Tám bị cháy ra tro. Thiêu rụi cả kho sách của Ông Ngoại và Giáo Sư Huy.
Đó là thời thơ ấu của cố giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, còn chuyện đối nhân xử thế, thì Anh Chín (Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy) quả là người khuôn phép, chuẩn mực: Năm 1973… Dì Hai mất. Má ruột tôi có đến chia buồn rồi quỳ lạy trước linh cửu Dì Hai. Anh liền ngăn không để má tôi lạy và nói rằng:
- Thưa bác, Cháu xin Bác miễn lạy, vì tuổi má cháu nhỏ hơn tuổi bác. Cháu cám ơn bác đã đến đây chia buồn cùng gia đình cháu.
Anh rời khỏi Việt Nam (1975), thì năm 1976 con của chị Năm , cháu gọi anh bằng cậu, là giáo sư dạy toán tại trường trung học Biên Hòa, bị Cộng Sản bắt giam và tra tấn vì biết nó là cháu ruột của Anh. Ít tháng sau đó, họ gọi chị Năm lãnh xác cháu về chôn cất, với lý do tự tử. Vào phòng giam, chị Năm nhìn thấy con nằm bất động với chiếc đũa còn cắm sâu vào lỗ mũi cháu. Ôi đau lòng thay nỗi thống khổ của người mẹ hiền. Chị Năm lặng người trước cảnh lá vàng thương khóc lá xanh rơi. Anh trôi giạt ly hương nơi phương trời Âu Mỹ có hay tin này cũng chỉ biết buồn chớ biết làm sao chia sẻ.


Đảng kỳ của Tân Đại Việt
(Hình TanDaiViet.org)
Năm 1993, em du lịch Mỹ, ngụ tại nhà chị Năm Hương (con dì Tám). Chiều tối đó, tình cờ em đọc báo Việt Ngữ thấy hình Anh nhận bằng khen của Tổng thống Mỹ, đọc những bài viết ca ngợi Anh. Em liền điện thoại lên tòa soạn báo đó ở San José cách nơi ở khoảng 6, 7 trăm cây số hỏi mua một tờ mang về Úc cho 2 chú Năm và Sáu xem. Không ngờ chỉ đúng một giờ sau, tức khoảng 8 giờ tối, có hai anh không rõ chiến hữu hay đệ tử của anh mang báo đến tận nhà, tặng cho em, không những một tờ mà tới 2,3 tờ khác nữa. Hai anh ấy rất lịch sự, nhã nhặn, khiêm tốn và tỏ vẽ hết sức kính nễ Anh, lúc nào cũng gọi Anh bằng Thầy.

Qua câu chuyện trao đổi với 2 anh ấy, được biết Anh tiên liệu chế độ Đông Âu sẽ sụp đổ sau này. Rất tiếc Anh không còn trên cõi đời để mãn nguyện với viễn kiến của Anh về Cộng sản Nga.

Trước năm 75 ở Việt Nam cũng như sau năm 75 ở Hải ngoại, anh chưa bao giờ kêu gọi anh em hay con cháu trong gia đình hổ trợ Anh điều gì. An là kẻ độc hành, miệt mài xã thân vì đại cuộc và quên đi bản thân mình. Anh không tu như dượng Hai mà lòng Anh đầy Phật tánh.

Anh đã mở trường trồng người, trồng nhân tài, trồng Quân Tử, trồng hiếu tử, trồng trái ngọt… trong khi Cộng sản trồng nô tài, trồng tiểu nhân, trồng nghịch tử, trồng trái đắng.

Hơn hai mươi năm từ biệt dương thế, nhưng mọi người luôn tin tưởng rằng hồn thiêng Anh vẫn phảng phất đâu đây. Anh vẫn độ trì, vẫn sống bên đệ tử, thân hữu, chiện hữu của Anh. Anh vẫn tiếp sức lèo lái con thuyền Việt Nam vượt bao thác ghềnh để sớm tới bến bờ TỰ DO DÂN CHỦ mà trọn đời Anh ước nguyện.

Xin ghi lại đôi giòng tưởng niệm cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy trong ngày giỗ thứ 23 năm 2014.

Tố Liên
Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.



0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.