Friday 13 June 2014

Hít không khí trong lành cho đầy buồng phổi




Việt Luận ::


Tổng thống Obama lắng nghe thủ tướng Abbott diễn giảng
(Hình abc.net,au)

Trong tuần này, thủ tướng Úc Tony Abbott công du bốn nước: Indonesia, Pháp, Canada và Hoa Kỳ. Tại Indonesia, thủ tướng Úc nối lại liên lạc ngoại giao với Jakarta. Nhớ lại vào tháng 11 năm ngoái, Indonesia rút đại sứ từ Canberra về nước vì Úc nghe lén điện thoại. Tuy nhiên, không cần ông Tony Abbott lặn lội sang Jakarta liên lạc ngoại giao Úc - Indonesia vẫn được hàn gắn. Thật vậy, trước khi thủ tướng Úc lên đường, đại sứ Indonesia đã âm thầm trở lại nhiệm sở. Tại Pháp, thủ tướng Úc sát cánh với thế giới tự do kỷ niệm 70 năm D-Day khi đồng minh đổ bộ lên biển Normandie giải phóng châu Âu khỏi gồng cùm Đức Quốc Xã.
Rời Pháp, thủ tướng Úc đi Canada và Hoa Kỳ.

Then chốt trong chuyến công du này là diện kiến tổng thống Barack Obama. Có thể nói các trạm dừng chân tại Ottawa và New York nhằm chuẩn bị cho lúc ngồi bên tổng thống Hoa Kỳ tại Washington.

Thông thường, hai bên bàn về an ninh thế giới, hợp tác làm ăn buôn bán và nhắc lại tình nghĩa keo sơn Úc-Mỹ. Về buôn bán, thủ tướng Úc chuyền trái banh qua chân Mỹ bằng cách ca tụng Hoa Kỳ là quốc gia vĩ đại và nhắc tới mối giao thương trị giá $1 ngàn tỷ Mỹ Kim giữa hai nước. Tuy nhiên, ông Tony Abbott nhắc khéo dân chúng Hoa Kỳ không còn là khách tiêu dùng duy nhất trên thế giới. Úc còn buôn bán với láng giềng của mình. Trong đó, nổi bật là Trung Quốc. Bổn cũ soạn lại lời đã nói ở Bắc Kinh và Tokyo trong tháng Tư, tại New York ông Tony Abbott nhấn mạnh: Trung Quốc và châu Á trỗi dậy không đe đọa mà là dịp may cho thế giới.

Bất ngờ, khi sắp đến Washington, ông Tony Abbott đụng phải vấn đề gai góc. Đó là “thời tiết thay đổi”. Với ông Tony Abbott, ai nói “thời tiết thay đổi” là nói chuyện dỏm như c...t (crap). Chính phủ của ông nhất quyết bỏ thuế Carbon mà dùng mỹ từ “Direct Action, Trực tiếp hành động” để khuyến khích công ty lớn tự ý giảm bớt khí thải.

Trong lúc ông Tony Abbott tìm cách chối bỏ chuyện thời tiết thay đổi thì chỉ vài ngày trước khi đón thủ tướng Úc, tổng thống Barack Obama đưa ra luật buộc công ty sản xuất năng lượng Mỹ cho đến năm 2030 phải giảm bớt khí thải 30%. Thế là cuộc gặp gỡ Obama-Abbott biến thành đụng độ giữa người chối bỏ thời tiết thay đổi với người lo lắng bảo vệ bầu khí quyển.

Biết trước xung đột này, ông Tony Abbott chuẩn bị rất kỹ. Tại Ottawa, ông Tony Abbott song ca với thủ tướng bảo thủ Stephen Harper: “Không để cho quan tâm đến thời tiết thay đổi gây hại cho nền kinh tế”. Nhờ lại thủ tướng Stephen Harper bị coi là bản sao của cựu thủ tướng John Howard (ông thầy của ông Tony Abbott). Hồi tranh cử, ông Stephen Harper đã ăn cắp diễn văn của ông John Howard. Hiện nay, hai học trò của ông John Howard luôn luôn nói đến những chữ giống nhau: "open for business, mở cửa làm ăn", "a tax on everything, đánh thuế mọi chuyện" và "strong and stable government, một chính phủ mạnh và vững bền". Hơn nữa, ông Tony Abbott còn muốn lập ra một liên minh bảo thủ gồm có năm nước: Canadia (như ông Tony Abbott nói lộn), Anh, Ấn Độ, New Zealand và Úc để bao vây quyết định mới đây của tổng thống Barack Obama.

Rời Ottawa, ông Tony Abbott biết mình trên đường vào hang cọp.
Xưa nay, ông Tony Abbott luôn luôn so sánh chính sách “Direct Action, Trực tiếp hành động” của mình trái ngược với thuế Carbon. Rủi cho ông Abbott, lập trường của tổng thống Obama lại trái với “Direct Action” như trắng với đen.

Không muốn mình trái ngược với chủ Nhà Trắng, ông Tony Abbott thay trắng đổi đen bằng cách cho rằng “Direct Action” không khác gì với luật cưỡng bách giảm bớt khí thải của tổng thống Obama! Nhưng dân biểu Henry Waxman (Dân Chủ, Californina) lật tẩy ông Tony Abbott mà rằng: Rút lui thuế Carbon là sai lầm lớn của Úc. Úc từng đứng hàng đầu trong công cuộc làm sạch bầu khí quyển, nay lại lùi lẹt đẹt phía sau.

Trùng hợp, vào lúc dân biểu Mỹ Henry Waxman lên tiếng thì gần như chắc chính phủ này thành công trong kế hoạch bỏ thuế Carbon. Tài phiệt nhảy qua làm chính trị Clive Palmer loan báo đảng ông sẽ bỏ phiếu thuận tại thượng viện. Được biết: bắt đầu ngày 1.7 đảng Palmer nắm cán cân quyền lực tại thượng viện Úc. Nếu Palmer này gật đầu thì luật Úc qua phà...

Chen Guangbiao đã bán được 8 triệu lon không khí trong lành với giá 80 xu mỗi lon cho dân Bắc Kinh thở.
(Hình Daylymail.co.uk)

Lý do khiến cho chính phủ này thụt lùi trong công cuộc giữ gìn bầu khí quyển trong sạch là đẩy mạnh kinh tế lên. Xin cám ơn chính phủ đẩy mạnh kinh tế cho dân giàu nước mạnh. Nhưng đẩy mạnh kinh tế bằng mọi giá có thể làm cho dân chúng lãnh hậu quả không ngờ.

Nhìn qua Bắc Kinh và Hà Nội: kinh tế phát triển nhưng dân chúng lúc phải đeo khẩu trang vì không chịu nổi khí bẩn. Ở Bắc Kinh đã có người bán những lon không khí cho người dân thở.
Nhiều người du lịch Bắc Kinh hay Hà Nội về Úc, họ hít cho đầy một buồng phổi không khí trong lành. Nay mai, Úc cũng không còn khí trong lành nữa...

Việt Luận

Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.



0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.