Saturday 17 May 2014

Đóng góp cho một nước Úc phú cường


Cổ Nhuế::

Tối thứ Ba 13.5.14, tổng trưởng kinh tế Joe Hockey đã đệ trình dự luật ngân sách đầu tiên cho chính phủ Tony Abbott. Ông dõng dạc tuyên bố “The age of entitlement is over. It has to be replaced... with an age of opportunity, Đã qua rồi thời ngồi đó mà hưởng. Bây giờ là thời nắm bắt cơ hội”.

Chính phủ này mở ra đầy dẫy cơ hội để cho người dân được “đóng góp” xây dựng một nước Úc phú cường cho con cháu mai sau.

Trái với những lần chính phủ đệ trình ngân sách trước, ông Joe Hockey khuyên đừng ai hỏi mình được lợi gì. Sau đêm 13.5, Abc.net.au chia nước Úc thành 20 nhóm và thấy có 4 nhóm được lợi (quốc phòng, xây dựng tiện nghi công cộng, khai mỏ và nghiên cứu y học), 2 nhóm không bị suy xuyển (người giàu và công ty tư nhân), dư lại 26 nhóm khác đều bị thua thua thiệt. Dẫu không được rủng rỉnh tiền đút túi, dân Úc vẫn được khuyên hớn hở vì đây là cơ hội mình được “đóng góp” để xây dựng nước Úc.


Ai ai cũng được đóng góp



Tổng trưởng kinh tế Joe Hockey 
trình dự luật ngân sách tại quốc hội Úc (Hình ABC.net.au )


Ai ai cũng được đóng góp. Ông Joe Hockey nói thế và trong nửa tiếng đồng hồ ông nhắc đi nhắc lại 18 lần chữ “đóng góp”. Nhưng không phải ai ai cũng đóng góp như nhau.

Được đóng góp nhiều nhất là thành phần ở dưới đáy xã hội: nghèo, thất nghiệp, sinh viên, đông con, bệnh tật, bác tài và già nua. Hai triệu gia đình nghèo và đông con bị siết chặt điều kiện lãnh Family Tax Benefit Part A và Part B. 
Đại học Canberra tính toán: một gia đình lãnh lương $65,000 / năm sẽ thiệt thòi (Úi quên! sẽ được cơ hội đóng góp) $122 mỗi tuần lễ vì trợ cấp an sinh xã hội được giữ lại trong kho nhà nước.
Trẻ dưới 30 tuổi mà thất nghiệp được cơ hội nghỉ ăn uống tiêu xài 6 tháng để tìm việc. Sau 6 tháng mà chưa tìm ra việc thì được làm việc để lãnh trợ cấp (work for the dole).

Sinh viên được đóng học phí cao ngất để vào đại học xịn. Cô cậu đang học lớp 11 năm nay khi vào đại học sẽ đóng học phí cao ngất. $100,000, $120,000 hay $200,000 là vài con số đã được nhắc tới. Nhưng nhờ có nhiều tiền đại học Úc sẽ lọt vào số 20 hàng đầu thế giới.

Từ ngày 1.7.2015, bệnh nhân góp thêm $7 cho bác sỹ khi khám bệnh, thêm $5 khi mua thuốc tây và chưa biết bao nhiêu Đô La khi rủi phải chở vào cho phòng cấp cứu của bệnh viện.

Bác tài đóng góp thêm tiền để xây xa lộ vì mỗi năm hai lần chính phủ điều chỉnh thuế xăng. “Điều chỉnh” là mỹ từ có nghĩa là “tăng lên”.

Hôm nay, ai chưa được 50 tuổi thì sẽ được cày cho đến 70 tuổi mới về hưu. Hôm nay ai đã hưởng tiền già thì từ năm 2017 không còn thấy tiền già tăng mạnh như hiện nay. Hiện nay, mỗi năm tiền già tăng lên theo mức lương của dân cày. Ba năm nữa, tiền già chỉ tăng lên theo tỷ lệ lạm phát.

Không ngạc nhiên...


Xin trả lời: không ai ngạc nhiên vì chính phủ nào mà chả thất hứa!

Với vài điều kể trên. Bạn đọc hỏi: chính phủ này từng hứa nhiều và đặc biệt hứa “không thất hứa và không làm ai ngạc nhiên”, vậy thì ngân sách này có thất hứa và có làm ai ngạc nhiên không?” Xin trả lời: không ai ngạc nhiên vì chính phủ nào mà chả thất hứa!
Thật vậy, ứng cử viên Tony Abbott hứa “không đánh thuế mới”. Ngân sách chỉ lập ra “phụ thu tạm thời, tenporary levy” 2% cho người lãnh lương trên $180,000. Ứng cử viên Tony Abbott hứa không “cắt giảm tài trợ cho y tế, giáo dục và dân bản địa”, ngân sách này chỉ bớt $80 tỷ để tạo cơ hội cho tiểu bang tự xoay sở...
Ông Joe Hockey nói: Ai cũng được đóng góp, kể cả chính trị gia. Này nhé! ông bà lớn trong chính phủ không tăng lương trong 12 tháng để đóng góp. Sao lại chỉ có 12 tháng -- trong khi ông bà cụ lụ khụ bị thay đổi cách tăng tiền già.... cho đến chết? Câu trả lời là: chính trị gia thường hy sinh cơ hội cho người dân được đóng góp. Ông Joe Hockey ra vẻ thích thú khi tạo cơ hội cho mọi người -- all of us – có cơ hội đóng góp. Người giàu lương hơn $180,000 được đóng thêm 2% thuế; nghèo thì góp $7 khi khám bệnh và thêm $5 nữa khi mua thuốc để cho bác học tìm thuốc chữa... bá bệnh. Nhưng giàu chỉ được đóng góp trong ba năm. Còn nghèo thì đóng góp suốt đời.

Nếu ai nghĩ $7 là quá to lớn thì ông Joe Hockey nhắc nhở số tiền này chỉ bằng hai ly bia bé tí teo bán trong pub. Tổng trưởng y tế Peter Dutton còn cho biết Úc lớn mà chỉ phải trả $7 khi khám bệnh; còn New Zealand bé tí đang trả $17 lận kìa. Chính phủ nói bệnh nhận “cùng trả tiền” không phải để chận bớt bệnh nhân đi khám bệnh mà là tạo cơ hội cho dân đóng góp vào công cuộc nghiên cứu y hoc. Ông Joe Hockey nói rõ “một đồng đóng cho bác sỹ là một đồng chạy thẳng vào phòng nghiên cứu tìm thuốc chữa bệnh lú, bệnh run tay chân và cả ung thư nữa”. Chính phủ được hoan hô khi dành ra $20 tỷ để nghiên cứu y học. Nhưng ai chắc: với $20 tỷ Úc chắc chắc tìm ra thuốc trị bá bệnh?



Chính phủ có nhiều thước đo


Thủ tướng Úc, ông Tony Abbott
(Hình Dailytelegraph.com.au)

Ngoài ra, khi ban phát thì chính phủ này dùng thước đo chi ly; ngược lại khi thu về thì cây thước có những nấc dài dải dài dai. Lấy thí dụ: khi hàng năm tăng tiền già và trợ cấp cho người khuyết tật thì chính phủ tăng theo tỷ lệ lạm phát; còn chặt phân lời tiền sinh viên vay mượn để học đại học thì tính theo tiền lời của trái phiếu. Lạm phát hiện nay: 2.5%. Tiền lời của trái phiếu: 6%.
Người ta chê chính phủ này không có lòng thương xót người nghèo và kẻ bị thua thiệt trong xã hội. Thật ra, cặp bài Abbott-Hockey muốn tạo cơ hội đó thôi. Cơ hội cho người dưới 30 tuổi được 6 tháng thấm thía thế nào nào không tiền, không nhà, không việc... có đói thì đầu gối mới bò. Nhưng 100,000 người trẻ vẫn có những kẽ hở khác để thoát khỏi khắc nghiệt này (con số từ báo The Australian, 16.5.14). Cơ hội cho người trẻ được chọn đại học mình muốn học, miễn là đại học chặt bao nhiêu thì trả bấy nhiêu. Cơ hội cho bác tài chi thêm tiền khi đổ xăng để xe phóng như bay qua East West Link ở Melbourne hay WestConnex ở Sydney. Xe sẽ phóng như bay, nhưng muốn vào đó thì vẫn phải trả “toll” trước. Lý do là xa lộ do công ty tư nhân xây dựng !

Sau cùng, ngân sách này còn tạo cơ hội cho các tiểu bang tăng thuế GST lên. Tăng thuế GST là điều ông Joe Hockey rất muốn như ông nhường cơ hội này cho tiểu bang bằng cách bớt tài trợ cho giáo dục và y tế. Ổng nói: không bớt tài trợ mà cắt bỏ phần trùng lắp giữa liên bang với tiểu bang mà thôi. Trùng lắp này lên đến $80 tỷ! Hãy để cho tiểu bang tự lo phần giáo dục và y tế. Rủi có thiếu tiền thì tăng thuế GST lên.

Thủ tướng Abbott chỉ là... chính trị gia

Quả tình chính phủ Tony Abbott thắt đầu này bóp đầu kia để lấp đầy kho nhà nước. Ông nói hôm nay người dân ca thán nhưng mai rày sẽ cám ơn ông.

Người ta trích dẫn hàng trăm lời ông Tony Abbott hứa khi vận động tổng tuyển cử để cho rằng chính phủ này thất hứa. Thất hứa hay không? Câu trả lời tuỳ theo bạn đọc đeo cà vạt xanh hay cà vạt đỏ. Nhưng có một diều cử tri Úc không tin tưởng nhiều vào chính trị gia nữa. Tại sao vậy? Chính ông Tony Abbott trả lời trên đài phát thanh Newcastle ngày 13.6.2013: “Well, I can understand why just at the moment politicians aren’t much trusted because we’ve had too many politicians who say one thing before an election to win votes and then do the opposite after the election… À, tôi có thể hiểu tại sao bây giờ người ta ít tin tưởng chính trị gia vì chúng ta có quá nhiều chính trị gia trước bầu cử thì nói một điều để hốt phiếu và sau bầu cử thì làm ngược lại....”

Tiếc thay, thủ tướng Tony Abbott chỉ là một trong quá nhiều chính trị gia ấy.

Cổ Nhuế
Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.



0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.