Wednesday 26 March 2014

Anh đưa em sang… suối



đoàn xuân thu ::

Sông Nam Khan   bắt nguồn từ cao nguyên Xiengkhuang, Lào. Vào đất Việt, nó có tên là sông Lam; là một trong 2 con sông lớn nhất Bắc Trung Bộ Việt Nam. Khi vào Nghệ An lại tên là sông Cả, chảy qua huyện Kì Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Nam Đàn, giữa các huyện Thanh Chương, Hưng Nguyên, thành phố Vinh, Nghi Lộc của tỉnh Nghệ An rồi vào Đức Thọ, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh của tỉnh Hà Tĩnh trước khi đổ ra biển tại cửa Hội, vịnh Bắc Bộ.


(‘Nhớ núi Hồng Lĩnh nhớ dòng sông La’ Sông La là phụ lưu sông Lam, sông Cả đó! Lời ca của ông Nguyễn Văn Tý, nhạc sĩ, sinh ra ở Nghệ An! Ông nầy có cái tài rất hay là tới đâu, địa phương nào trả tiền nhuận bút hậu hĩ là ông sáng tác ngay bài ra rít! Chẳng hạn như ‘Dáng đứng Bến Tre’ cho quê hương đồng khởi!? ‘Ai đứng như bóng dừa; tóc dài bay trong gió!’ Tui tự hỏi: Không biết địa phương có lo lắng cho ông đầy đủ hay không mà ông chê con gái người ta đứng như bóng dừa! Con gái Bến Tre ‘ngộ’ như vậy, da trắng như trứng gà bóc mà nỡ lòng nào ông nói họ lưng ‘tôm’ như bóng dừa hết hay sao? Thiệt là mích lòng nhau lắm lắm nha ông!)

Xin trở lại chuyện dòng sông Cả chảy qua Vinh, nơi chôn nhau cắt rún của ông nhạc sĩ nói trên, như vầy: Vào lúc 6g30 sáng ngày 7 tháng 10 năm 2006, trên sông Cả, bến đò Chôm Lôm, xã Lạng Khê, huyện miền núi Con Cuông, đã xảy ra vụ chìm đò thương tâm làm 19 học sinh bị chết trôi.

Dòng sông Cả hôm đó nước lũ vì chịu ảnh hưởng của Bão Xangsane (theo tiếng Lào có nghĩa là "Con voi lớn") vào cuối tháng 9 năm 2006. Trong số 19 em bị thiệt mạng và mất tích, có 3 cặp là anh chị em ruột.

Một bài thơ của anh bạn viết, rất đau lòng như vầy:

“Xangsane: cơn bão dữ, đập vào dãy Trường Sơn.
Trời làm cơn mưa lũ xuống miền Trung tai ương.
Em ngây thơ xuôi dòng!
Qua trường, bên kia bến!
Chuyến đò em, định mệnh!
Thuyền lật úp, giữa sông.
Cuồng nộ dòng sông Cả, cuồn cuộn cuốn em đi.
Ba mạ vật vã tìm, giọt đầm đìa, lã chã.
Sông cả trời tóc bạc!
Rờn rợn nước sông sâu.
Lòng tôi đau xót lắm!
Mười chín xác xanh xao, chìm trong dòng nước bạc; giờ dạt tận phương nào?
Em học trò dấu yêu!
Tôi một thời phấn bảng.
Dòng sông tuổi thơ tôi, cuồn cuộn cuốn tôi đi.
Dòng sông tuổi thơ em, cuồn cuộn cuốn em đi.
Quê người xa ngàn dặm, tôi nghe tiếng em kêu!
Lệ đầm đầm ướt má.
Xin gởi dòng sông Cả; giọt lệ tôi khóc em!
Cứ tưởng cái bi kịch nầy vốn làm lay động nhà thơ cũng làm lay động luôn cái lương tâm của các quan Giao Thông Vận Tải để bớt ăn cắp của công mà dành tiền dân để xây dựng đường xá cầu cống cho đám học trò nhỏ đi học chớ! Nào ngờ ‘vũ như cẩn’ là vẫn như cũ. Cất trường xong, có thầy cô; còn việc đến trường phải đeo dây ròng rọc, làm diễn viên xiếc, hay ôm can nhựa, ôm cây chuối bơi giữa mùa nước lũ qua sông để đi học thì thây kệ tụi bây?!

Như học trò làng Nông Nội, xã Đăk Nông, khi qua sông Pô Kô phải đu mình trên dây thép để qua sông (giống hồi xưa mấy sinh viên sĩ quan trường bộ binh Thủ Đức gọi là đi dây tử thần).


Qua suối, qua sông bằng túi ni lông
(Hình http://us.24h.com.vn/)
Rồi mấy hôm nay lại rộ lên tin cô giáo, học trò bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đến trường bằng cách phải chui vào túi ni lông, ngồi lọt thỏm trong đó để các thanh niên túm gọn miệng bao, kéo, bơi qua suối mùa nước lũ. Nằm gọn trong chiếc túi, qua bên kia suối vẫn khô ráo áo quần.

Bây giờ mới cuối tháng 3, lũ chưa nhiều. Lòng suối rộng khoảng 5m, sâu khoảng 1m đến 1m 5… cô giáo, học trò còn chui vô túi qua suối. Đến giữa tháng 5 là mùa mưa; lũ sẽ về bất chợt, dòng suối sẽ rộng ra khoảng 80 m, sâu hơn và hung hãn hơn. 
Mùa khô lòng suối trơ cạn, nhưng mùa mưa lũ thì như bao con suối trên những địa hình chia cắt bởi nhiều đồi núi dốc, chỉ một trận mưa nguồn là dòng suối trở nên mênh mông, cuồn cuộn nước. Nếu vì trường, vì lớp, vì đàn em thân yêu mà liều mạng như vậy… e rằng sanh mạng thầy trò khó mà được bảo toàn?!

Đúng ra dân không biết chuyện kinh hoàng nầy cho đến một hôm anh phóng viên nhà báo về bản làng em chơi, cô giáo mới cho anh coi cái ‘clip’ xem em vượt sông bám trường, bám lớp!

Anh phóng viên coi xong, mặt xanh ngắt như tàu là chuối vì sợ! Trời lạnh run mà anh đổ mồ hôi hột như đang xem phim kinh dị của Hít Cốc!

Con suối trong đoạn phim ‘rùng rợn’ do cô Tòng thị Minh kiêm đạo diễn quay là suối Nậm Pồ, đoạn giáp ranh giữa hai bản Lai Khoang và Sam Lang, trên trục đường từ trung tâm xã vào tận đường biên giới Việt - Lào.

Cô giáo mẫu giáo kiêm nhà đạo diễn phim hiện thực xã hội chủ nghĩa kể rằng: “Hồi tháng 9 năm 2013 em bắt đầu chuyển từ Nà Bủng về điểm trường này. Lần đầu gặp lũ không biết làm thế nào để đi qua thì thấy dân bản đều “vượt lũ” bằng cách này nên cũng liều mình làm theo”. Đây là chuyện thường ngày ở bản. Còn anh phóng viên nầy ở vùng xuôi lên; lại cho đó là ‘kinh’ quá nên bèn ‘bắn’ cái ‘clip’ nầy về tòa báo tận ‘Sè Gòn’ nơi anh đang cộng tác, cho bà con cô bác cả nước coi mà kinh… hoàng!

Anh còn phụ đề Việt ngữ như vầy: “Clip cảnh vượt suối đến trường vào mùa lũ mà tôi tin chắc chưa ở đâu trên thế giới này có kiểu qua suối kỳ lạ như thế, ngoài tất cả sự tưởng tượng của chúng tôi!”

Anh phóng viên nầy nói vậy chắc muốn cho vào kỷ lục Guiness về những trò quái đản trên thế giới hay sao? Nếu vậy thì ông thua rồi. Cái vụ chui vô bao ni lông rồi kéo qua suối cho khỏi ướt quần đâu có rùng rợn bằng đem em nhỏ bỏ vô bao ni lông rồi đem trấn nước!

Ba Đô trong Cánh đồng hoang
(Hình film.rolo.vn/)
Thưa tui hỏng có nói dóc đâu! Bà con mình chắc còn nhớ, dù đã 36 năm trời rồi, từ năm 1978 tới nay, phim Cánh Đồng Hoang chớ!

Trong phim có cảnh đưa thằng nhỏ vô bọc ni lông rồi trấn nước! Ha ha! Nó cũng giống mấy em học trò vùng cao, vùng sâu, vùng xa nói trên chui vô bọc ni lông để qua suối mà thôi.

Mà trước khi xem cảnh nầy mời bà con lược lại chuyện phim như vầy: vùng Đồng Tháp Mười, có vợ chồng Ba Đô và đứa con trong một căn chòi nhỏ giữa đồng nước bao la. 

Ngoài việc trồng lúa, bắt trăn, bắt cá, nuôi vợ, nuôi con… còn dẫn đường cho VC, gọi là giao liên… Nên mới có cái vụ xen kẽ vào đó là những cảnh trực thăng của quân đội Mỹ quần thảo khu vực đồng nước này nhằm phát hiện đội du kích đang hoạt động. (Cha! Mấy thằng Mỹ nầy rảnh, ở không và xài sang ghê! Dùng trực thăng để đi bắt giao liên và du kích?!).

Kết quả cuối cùng của phim là “Địch chết ba! Ta chết ráo!” Khi Ba Đô bị trực thăng Mỹ bắn trúng, để trả thù chồng (như Trưng Trắc rượt Tô Định để trả thù cho Thi Sách), vợ Ba Đô đã bắn cháy chiếc trực thăng!

Phim tuyên truyền lảng nhách nầy do ba ông ‘Sờ’ trí ‘tệ’ làm. Ông ‘Sờ’ một là ông Sáng, (Nguyễn Quang Sáng), viết kịch bản. Ông ‘Sờ’ hai là ông Sến (Hồng Sến), đạo diễn. Và ông ‘Sờ’ ba là ông Sơn (Trịnh Công Sơn) âm nhạc.

Tới nay ba ông ‘Sờ’ nầy đều đã rửa cẳng lên bàn thờ hết ráo! Sến trước tới Sơn rồi tới Sáng! Nhưng cái trò nhốt con nít vào bao ni lông nầy vẫn còn được ‘copy and paste’.
Tài tử nhí, mới 16 tháng tuổi, bị mấy cha lớn đầu mà chơi dại, cho đóng cảnh kinh dị nầy vào tháng 11 năm 1978 tại ấp Bắc Chang, xã Tuyên Thạnh (Mộc Hóa), quê hương của ông ‘Sờ’ hai. Ông nội nó thấy đem thằng nhỏ bỏ vô bọc ni lông… rồi trấn nước để quay phim… nhiều phen nhảy xuống nước, ráng giựt thằng nhỏ từ tay hai diễn viên Lâm Tới và Thúy An… Ổng cự nự quá trời! Ổng nói: tưởng ba ông ‘Sờ’ nầy khôn; ai dè chơi kiểu gì mà ngu hết biết!

Đóng phim xong, hỏng có một cắc tiền ‘cát xê’ mà tối về thằng nhỏ lại cảm sốt, mất ngủ, hoảng hốt, la khóc nhiều đêm liền. Làm ông nội thằng nhỏ cũng ngủ mớ, la làng chói lói. Ác chi mà ác dữ vậy không biết!

Vì ba ông ‘Sờ’ nầy lên bàn thờ hết ráo sau khi đặt ra câu chuyện ba xạo nầy thiệt là tiếc hùi hụi! Phải chi ba ông ‘Sờ’ nầy còn sống tới giờ, thấy cảnh ‘người thật, việc thật’ khỏi cần viết kịch bản chi cho lâu lắc, cứ vác máy ra mà quay như cô giáo mẫu giáo vùng cao Tòng thị Minh đã làm… thì đâu có ai dám chê mình xạo; chừa chỗ cho tui xạo với chớ!

Cảnh thật bây giờ thiếu gì: như học trò đu dây, ôm can nhựa, ôm thân chuối bơi qua sông... chui vô bọc nylon qua suối, trong nước xiết cuồn cuộn chảy. Đó mới chính là hiện thực xã hội chủ nghĩa đó nha mấy ‘cha’!

Xem  cái đoạn phim kinh dị nầy, một ông Bộ Trưởng Giáo Dục già, về hưu, giả nai, nói:
“Dân ta khổ quá! Ở thời bình như vậy mà giáo viên, học sinh qua suối bằng túi ni lông! Thật khó tưởng tượng được”

Nhân câu chuyện này, ông khoe thời kỳ còn làm Bộ trưởng, ông từng “vi hành”, mà ngồi xe gắn máy (hi hi!) trên đường hiểm trở, bùn lầy nước đọng, đến các vùng sâu, vùng xa, động viên ‘mồm’ giáo viên “bám trường bám lớp” thì mấy cô giáo bật khóc, òa lên nức nở hu hu… (Chắc mấy cô nói: Bộ Trưởng ơi! Tháng nầy chưa phát gạo cho tui?!)

‘Ca’ mình xong, ông rầy quan chức kế tục ông rằng: “Hội hè, tiệc tùng lãng phí! Vậy tại sao cây cầu cho học sinh mình lại không có kinh phí, không làm được? Tui thực sự đau xót!”
Cha! Lại nước mắt cá sấu nữa rồi! Thôi ông ơi! Hồi đương chức, đương quyền mà ông còn chả làm được gì! Giờ về hưu, hết thời rồi nói ai nghe, nói chi cho chúng ghét! Nó nói trâu buộc ghét trâu ăn!

Và cũng không nghe ông Bộ Trưởng Giáo Dục đương nhiệm nói cái giống gì mà chỉ nghe ông Bộ Trưởng GTVT ‘la’ rùm thôi. Dù đang bận theo ‘phái đoàn’ chánh phủ, đi mượn vốn ODA của thằng Nhựt Bổn, ông cũng ráng chứng tỏ mình năng nổ sảng, bằng gởi cái ‘méc xịt’ cho cô giáo như vầy: “Cảm ơn em, anh sẽ cho anh em nghiên cứu để làm sớm 1 cây cầu treo".

Thế kỷ 21 rồi ông thần! Cô giáo mẫu giáo Tòng thị Minh nói chuyện với ông Bộ Trưởng là dân nói chuyện với công bộc của dân. Chuyện nầy của ông… là ông phải làm. Chớ có chuyện của gia đình riêng; hay bà con dòng họ gì đâu mà anh anh em em ngọt xớt vậy cha nội? Hay là anh xem hình em chụp với học trò trên bản, trước căn nhà tranh vách đất, gọi là trường nầy, anh thấy em hơi ‘bị’ đẹp?! Con gái người dân tộc mà! Phải biết! Như một đóa lan rừng đương độ he he!
Rồi anh Bộ Trưởng hứa cho 3 tỉ 5 làm cầu treo. Làm liền! Vừa vẽ, vừa cất, hai tháng phải xong trước mùa mưa lũ để em qua suối mà dạy học!

Thiệt nước sông công lính mà! Vinh quang lại thuộc về tui! Tiền ngân sách của dân, tiền tỉ, mà ông ‘phán’ một cái là nó lòi ra liền. Bản của em là vậy còn mấy bản khác thì tiền đâu mà xây cầu cho họ nữa?

Thôi làm cái mảng kéo dây qua suối tốn chừng chục triệu như trước giờ bà con mình vẫn thường làm là được rồi! Quan anh cho làm cầu treo! Thiệt nghe sợ quá anh Bộ Trưởng ơi! Bởi xây cầu treo mà nó đứt ốc neo…văng dây cáp; nó hất thầy trò em xuống lòng suối… chết hết… như cái vụ sập cầu treo tại bản Chu Va 8, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (Lai Châu), làm chết 8 người, bị thương cả 36 người lúc họ đi đưa tang mới đây.

Dân cả nước xem hình trên báo thấy phía dưới dòng suối lởm chởm đá nhuốm máu của các nạn nhân? Nạn nhân của cái ‘ốc neo’ hay của mấy ‘quan’ anh không biết nữa? Hỏng thấy ai trả lời trả vốn gì hết trơn? Nên: “Xin cho tụi em sống… chờ lên chủ nghĩa xã hội với! Để mấy anh lên mình ‘ên’ lại sợ mấy anh buồn!”

Nghe tấm lòng đại bác của ‘quan anh’, bản làng em ghi lòng tạc dạ… nhưng nhận… Thiệt “Tía ai mà dám chớ!?!”

đoàn xuân thu.
Melbourne
Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.



0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.