Friday 7 February 2014



Thanh Phương ::

Nhớ lại:   thủa xưa khi tập làm văn, thầy giáo có dạy: muốn cho văn nhẹ nhàng thì có ba chữ nên bỏ. Đó là: thì, là, mà. Nói là bỏ nhưng thỉnh thoảng người ta cũng phải dùng đến ba chữ đó. Hôm nay tôi học về chữ thứ ba “mà”.



Học trò học chữ Anh ngày thường rồi thứ Bảy học Việt Ngữ thường dùng “mà” để thế cho chữ who, whom, which. Thí dụ:
Cái nhà mà cha tôi xây thì đẹp.
Đứa con mà cha mẹ nuông chiều thì hay hư hỏng.
Quyển sách mà ở trên bàn thì màu xanh
Tôi cũng hay viết như vậy. Và bị thầy chê.
Thầy nói bỏ quách chữ “mà” này giúp cho câu văn nhẹ nhàng. Tôi thử bỏ:
Cái nhà cha tôi xây thì đẹp.
Đứa con cha mẹ nuông chiều thì hay hư hỏng.
Quyển sách ở trên bàn thì màu xanh.


Nhẹ thiệt. Đúng là “không thấy đố mày làm nên”.
Vì hiểu lầm “mà” tương đương pronoun mà tôi đã viết nhiều câu văn nặng nề.

Bạn đọc có thể ngắt tôi ở đây vì thấy tôi vừa dùng chữ “mà”.
Vì hiểu lầm “mà” tương đương với Pronoun mà tôi đã viết nhiều câu văn nặng nề.

A ha!
Cám ơn bạn nghen. Tôi xin sửa lại bằng cách bỏ quách “mà” cho nhẹ gánh.
Vì hiểu lầm “mà” tương đương với pronoun tôi đã viết nhiều câu văn nặng nề.

Nghe cụt ngủn sao ấy. Vậy thì tôi xin sửa thêm một lần nữa:
Vì hiểu lầm “mà” tương đương với pronoun relative nên tôi đã viết nhiều câu văn nặng nề. Lần này này thấy có lý hơn. Vậy thì “mà” trong chữ Việt chắc là tương đương với “nên”. Chắc là tôi đã vội vàng quyết đáp rồi! Biết nhiều bạn của tôi không đồng ý. Xin cho tôi thêm thời gian kiểm chứng điều vừa đoán mò ấy nghen.

Trước khi kiểm chứng, tôi ghi xuống tờ giấy những chữ “mà” tôi gặp khi đọc sách báo.
Tôi đang đọc cuốn “Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư” của Trần Văn Chi, tái bản lần thứ nhứt, 2006, do nhà xuất bản Xưa và Nay, California ấn hành. Tôi gặp may vì ngay trong trang đầu đã thấy vài ba chữ “mà”.

Trước mục lục, trong trang không đánh số chắc là lời nói đầu của tác giả có câu như thế này:

“Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư” nội dung lương thiện, đầy ắp tình người, nói lên đạo lý của con người Việt Nam nên ai đọc cũng ưa cũng thích, đọc như đọc “chuyện đời xưa”. Đọc chơi mà thấm về lâu về dài. Đọc đi đọc lại mà không thấy chán.

Bởi “Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư” làm sống lại những gì mà bộ sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư của Ông Trần Trọng Kim chủ biên, ra đời cách nay gần một thế kỷ mà giá trị còn gần như nguyên vẹn.

Tôi gặp may vì được đến bốn chữ “mà”. Trong đó chữ “mà” thứ ba chắc là pronoun nên tôi nghe lời thấy giáo làng năm xưa mà gạch bỏ.
Bởi “Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư” làm sống lại những gì mà bộ sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư của Ông Trần Trọng Kim chủ biên...
Ba chữ “mà” còn lại xem chừng chúng đứng giữ hai vế:
Đọc chơi mà thấm về lâu về dài.
Đọc đi đọc lại mà không thấy chán.
... ra đời cách nay gần một thế kỷ mà giá trị còn gần như nguyên vẹn.
Hai vế này có hai ý đối nghịch nhau. Đó là:
Chơi thấm
Đọc nhiều không chán
còn giá trị
Học lối dùng chữ “mà” này tôi tập làm văn:
Anh Ba làm chơi “mà” ăn thiệt.
Phim tập này coi hoài “mà” không chán
Bộ máy này cũ “mà” xài tốt.
Vậy là “mà” gần như là “nhưng, ngược lại”. Chúng ta đã chẳng dùng “nhưng mà” hay sao? Thí dụ: Tôi rất thích cô ấy nhưng mà cô ấy không thích tôi. Hu hu.

“Mà” còn có nghĩa gì khác không?

Mong bạn cho thêm thí dụ.

Thanh Phương
(Hình tramhuong.com)













Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.




22 comments :

  1. Chỉ một chữ "Mà" - Chị viết đơn giản mà rất hay.
    Chị viết ngắn mà rất đầy đủ ý nghĩa.

    Các em sinh ra và lớn lên ở đây thường viết một cách nặng nề vì cố dịch từng chữ một từ Anh ngữ qua Việt ngữ nên có nhiều chữ "mà" và ta cảm thấy dư thừa.

    ReplyDelete
  2. Cám ơn ông Ben Trần,
    Thanh Phương nghĩ hoài không ra chữ "mà" trong câu này:
    Mẹ hỏi bé Tí Sún hoài câu này: "Con có thương mẹ không?"
    Lần nào Tí Sún cũng trả lời: "Con thương mẹ mà."
    Giải thích làm sao? Ông Ben Trần .
    Thanh Phương

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị T.Phương hỏi câu nầy khó à nhe, Tui trả lời lớ ngớ ,lỡ sai thiên hạ cười cho.
      Ta nên hỏi các sư phụ cở như Og3t hay là ông Đoàn Xuân Thu kìa may ra có câu trả lời thỏa đáng....
      Mong chị Thanh Phương viết bài khác nữa cho bà con đọc cho vui hihi...

      Delete
    2. Tôi xin mạn phép trả lời thử câu hỏi của chị T. Phương coi sao nhe, nếu không đúng thì nhờ chị cho ý kiến để học hỏi thêm . Tôi xin tiếp theo câu trả lời của Tí Sún :" Con thương mẹ mà mẹ " có nghĩa là chuyện đương nhiên sao mẹ còn hỏi nữa, chữ Mà ở đây có nghĩa như một cách nhấn mạnh cho rõ nghĩa hơn

      Delete
  3. Cán ơn ông Ben Trần chỉ hai ông Đoàn Xuân Thu và Ộng Gìa Ba Tri để hỏi, Thanh Phương đã gởi meo hỏi Ông Già Ba Tri mà chưa thấy ổng trả lời thì may quá được chị Kim Nguyễn giúp .
    Thanh Phương cũng nghĩ như chị Kim. có nghĩa là nhấn mạnh. Chắc Tí Sún bực mình vì mẹ hỏi hoài nên trả lời : "Mẹ biết con thương mẹ rồi". Con đã trả lời "thương mẹ nhiều lần rồi".
    Thỉnh thoảng mình cùng nhau học lại tiếng Việt. Tthú vị thật phải không hai anh chi?
    Thanh Phương

    ReplyDelete
  4. Rất đồng ý với Kim Nguyễn là chữ "Mà" có nghĩa là nhấn mạnh ở ví dụ "Con thương mẹ mà mẹ". Tựa như một ví dụ khác: "Tôi mà như anh thì tôi sẽ tiếp tục công việc đó". Nếu câu này bỏ đi chữ "mà" thì vẫn đủ nghĩa nhưng hình như chưa đủ sự nhấn mạnh thì phải?

    ReplyDelete
  5. Thế nhưng có những chữ " Mà " rất tối nghĩa , như câu nói sau đây ; Một ông Mà có hai bà, cửa nhà tan nát có Mà thê lương. Xin nhờ các vị phân tích hộ

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hi cô Kim,
      Cô hỏi câu gì mà khó quá vậy?
      Og3t

      Delete
    2. Hi OG3T anh vắng mặt khá lâu, chỉ những câu hỏi thế này mới khiến anh xuất hiện, vậy anh giải thích hộ xem sao nhá.

      Delete
  6. Thưa cô Kim,
    Bí tỉ rồi. Bí tỉ rồi. Og3t bí tỉ. Mong các bạn khác. Thí dụ anh dxt.Melbourne ra tay giúp.
    Og3t

    ReplyDelete
  7. "Một ông mà có hai bà! Cửa nhà tan nát có mà thê lương!"
    Câu thơ lục bát nầy hay quá xá là hay!
    Mà hay nhứt là trong câu 6, "mà có" Rồi trong câu 8 "có mà".
    Chỉ thay đổi vị trí trước sau mà ý nghĩa hoàn toàn khác! Tiếng Việt mình hay ở chỗ nầy đây!
    Theo ngu ý của tui thì 'Một ông mà có hai bà, chữ 'mà có' ở đây dùng để làm rõ hơn về ông 'dịch vật' đèo bồng nầy, văn phạm tiếng Anh cũng có cách dùng tương tự là chữ who: "an eight-year-old boy who attempted to rob a sweet shop" Thằng nhóc mới 8 tuổi mà đã tính chôm kẹo trong tiệm rồi!
    Chữ 'có mà' trong câu 8 lại có nghĩa là khi chàng có hai em cùng một lúc thì chỉ có một, duy nhứt con đường tình ta đi... là thê lương thôi ạ! Chữ tương đương trong tiếng Anh trường hợp nầy là chữ 'only'
    Cắt nghĩa đại như vậy mà hỏng biết có trúng hông! He he!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Dạ thưa anh Mel. Nếu diễn giải hai câu " Mà " này theo nghĩa tiếng Anh , thì câu Mà trong câu 6 có nghĩa là " IF" và câu "Mà " trong câu 8 có nghĩa là " will" . Có thể tạm thay bằng
      Một ông nếu có hai bà
      Cửa nhà tan nát có ngày thê lương
      Hai chứ Mà này đồng nghĩa như chuyện chưa xảy ra, chỉ cho thấy một tương lai ảm đạm nếu như không an phận mà lại đèo bòng. Tiếng Việt rất rất là phong phú, dù có học , học mãi mãi cũng thấy mình vô cùng ấu trĩ, mong sao chúng ta tiếp tục đàm luận về tiếng Việt cho lớp trẻ học hỏi thêm đôi điều vô cùng tuyệt vời của tiếng nước tôi

      Delete
    2. Ồ quá hay, quá rõ. Cám ơn ông DXT

      Delete

  8. Lâu lắm rồi CN không vào thăm blog Việt Luận
    Đầu năm kính chúc ban biên tập và tất cả các anh chị của blog
    Sức khoẻ dồi dào
    Vạn sự như ý
    An khang thịnh vượng
    Hôm nay dạo chơi trên blog thấy bài viết MÀ của chị Thanh Phuơng thật hấp dẫn,có nhiều comment độc đáo ,thu hút CN liền
    Hai câu thơ lục bát của KN hỏi
    Một ông mà có hai bà
    Cửa nhà tan nát có mà thê lương
    CN Cũng xin góp ý chút xíu nha,nếu chưa đúng thì xin quý vị cho thêm ý kiến để được học hỏi
    Một ông chỉ có một bà
    Gia đình hạnh phúc nhà nhà yên vui
    Vậy chữ mà ở đây có mục đích nhấn mạnh mà thôi
    Này nhé mấy ông mà đèo bồng là đời tàn đó nha

    ReplyDelete
  9. Thưa mấy nữ bloggers!
    "Một ông mà có hai bà! Cửa nhà tan nát có mà thê lương!"
    Câu thơ lục bát nầy… ý thì xưa như trái đất, hay chỉ có ở hai chữ mà có rồi có mà! Mà quý vị nữ bloggers nỡ lòng nào mà bỏ đi cho đành lòng vậy?!
    Còn ý nghĩa thì cánh đàn ông tụi tui biết hết trơn hết trọi rồi, từ đời tám hoảnh lận!
    Nhưng vẫn còn có ‘cha’ xâm mình, hỏng sợ… cứ tiếp tục ‘lạng quạng’ như thường; vì mấy ‘giả’ nói rằng: “Ăn vụng ngon thấu trời đi!” He he!
    Bà xã của tui cũng hăm he…dài dài là:
    “Một vợ thì nằm giường Lèo!
    Hai vợ thì nằm chèo queo!”
    (Chữ 'thì' ở đây cũng hay quá xá đó! Vậy mà cô Thanh Phương biểu viết đừng có 'thì, mà, là…!' Sao được?)
    Tui cười ruồi, còn cắt cớ hỏi lại 'em' rằng: “Ba vợ thì nằm ở đâu?
    Giả bộ hỏi vậy nhưng tui biết câu trả lời rồi! Hỏng dám nói ra vì ‘e’ má vợ tui bả chửi! He he!
    Bà con cô bác nào có câu trả lời… xin cho tui hay với nha! Để coi ‘chí lớn’ mình có gặp nhau hông?!

    ReplyDelete
  10. Thưa quý vị Ms bloggers!

    Quý vị cương quyết cự nự mấy ‘ông” mèo mèo chuột chuột!
    Thưa!
    Quý anh em bloggers chúng tôi ở Úc không bao giờ dám ‘một dạ hai lòng’ đâu ạ!
    Còn nếu có là cái ‘thằng cha, nhà thơ VC nầy’ ở trong nước đây!
    (Xin xem hình ở cuối bài "Mà")
    Xin hãy cho nó một bài học để biết thế nào là lễ độ! Ha ha!

    Mel.

    ReplyDelete
  11. Cám ơn anh Mel. Khi làm hai câu thơ lục bát chọc ghẹo các anh, thật tình mà nói Kim Nguyễn chỉ cố ý đảo ngược mà có với có mà để nhồi nhét chữ Mà vào cả hai câu chứ không có nghĩ là tuyệt vời như anh nghĩ,nhưng anh khen thì đành nhận thôi, Có đôi khi sáo ngữ, nói tới nói lui vậy mà thành một câu hai ý hay lắm anh ạ , có dịp sẽ cùng nhau thảo luận về thơ xuôi và ngược cùng một chữ nhưng hai nghĩa cho vui

    ReplyDelete
  12. Thưa các anh chị,
    Em cảm ơn anh chị đã góp thêm ý kiến cho bài 'Mà' của em. Anh chị cho em thấy tiếng Việt của mình thiệt hay. Em cứ tưởng hễ thấy 'mà' là tìm cách gạch bỏ. Nhưng có nhiều chữ 'mà' mình không được phép gạch bỏ vì chúng quá hay như anh Ben Trần, chị Kim và chú Mel đã chỉ.
    Em học anh chị nhiều lắm. Xin cảm ơn .
    Thanh Phương

    ReplyDelete
  13. Thật ra đôi khi chữ Thì , Là , Mà trong văn xuôi đôi khi ta có thể gạch bỏ không thương tiếc vì " không mợ thì chợ vẫn đông : nghĩa là không ảnh hưởng gì ráo, nhưng trong thơ cú thì lại không thể vứt nó đi được
    như câu thơ dưới đây

    Thì thôi nhé chia tay anh ạ
    Đã không duyên mà nợ cũng không
    Bên nhau thêm tủi chạnh lòng
    Là thêm tan nát mà không được gì

    Chỉ bốn câu than thở của một cô gái lỡ yêu người có gia đình , thế nhưng có đủ " Thì , Là , Mà ", Không biết có vị nào có thể thay thế những chữ đó mà vẫn nghe não lòng không nhỉ

    ReplyDelete
  14. Thôi nhé chia tay anh ạ
    Đã không duyên ,nợ đôi ta Cũng không
    Bên nhau thêm tủi chạnh lòng
    Lại thêm tan nát lại không được gì

    CN đã bỏ hết các chữ thì là mà rồi đó KN
    Bạn hiền và các anh chị thấy thế nào?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn Chi Nguyễn đã cố gạt bỏ những chữ không cần thiết, nhưng KN thấy câu thứ hai hơi gượng ép và không được vần cho lắm, Đã không duyên ,nợ đôi ta cũng không , nghe hơi nặng nề có vẻ như văn xuôi không như thơ Chi ạ , và câu chót chữ Lại lập đi lập lại hai lần trong một câu, hihihi đàm luận cho vui mà thôi. Các anh chị khác có thể tham gia cho vui

      Delete
  15. Hahaha
    Bạn hiền Kim Nguyễn ơi,bạn nhận xét đúng lắm,CN sửa lại câu hai thấy không được nhẹ nhàng và êm đềm tí nào cả
    Tại vì thì là mà
    Bốn câu thơ của KN là theo thể lục bát
    Nhưng câu thứ hai chỉ có bảy chữ
    Nên CN phải bỏ chữ mà và thêm hai chữ nữa cho đủ tám,và chữ thứ sáu của câu tám chữ này phải vần với chữ cuối của câu sáu chữ câu thứ nhất
    anh ạ
    đôi ta
    Câu chót là
    Lại thêm tan nát lại không được gì
    CN cố tình nhấn mạnh hai chữ LẠI để nói lên sự não lòng đó

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.