Wednesday 25 December 2013

Đức giáo hoàng Phan Xi Cô: Nhân vật xuất chúng trong năm 2013 (Bài 1)



Khoa Nam ::

Hàng năm tạp chí Time chọn một nhân vật xuất chúng trong năm. Năm nay, năm người vào vòng chung kết gồm có: nghị sỹ Mỹ Ted Cruz người được coi là đóng sập chính phủ Mỹ vào đầu năm; tổng thống Bashar al-Assad tại Syria bị coi là nhà độc tài giết người; bà Edith Winds người tranh đấu cho quyền đồng tính luyến ái; ông Edward Snowden nhân viên an ninh của Mỹ đã xì nhiều tin khủng khiếp trong ngành tình báo Hoa Kỳ và phương Tây. Sau cùng, được chọn là đức giáo hoàng Francis (Phan Xi Cô). Tạp chí Time gọi ngài là “Giáo hoàng của dân chúng”.



Hình bìa báo Time


Bài này xin lược qua vài điều do bốn ký giả Hilary Burke, Uki Goñi từ Buenos Aires và Stephan Faris, Alessandro Speciale từ Roma chung sức viết cho báo Time.

Xin cầu nguyện cho tôi


Ở cuối con hẽm C bên ngoài thành phố Buenos Aires, nước Á Căn Đình, có nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Hẽm C lầy lội và dẫn vào xóm lao động lụp xụp. Nơi đây có bãi rác và thỉnh thoảng xảy ra trận đấu súng giữa các băng đảng. Nơi đây, nhiều lần in dấu chân của hồng y tổng giám mục Buenos Aires. Hồng y coi sóc 13 triệu rưỡi con chiên và hành lễ trong nhà thờ chánh toà cao ngất nhưng không năm nào ngài không đi bộ vào hẽm C này. Gặp ai trong hẽm, hồng y Jorge Mario Bergoglio chỉ nói một lời “Reza por mí, Xin cầu nguyện cho tôi”.

“Xin cầu nguyện cho tôi” đó là mấy chữ đầu tiên đức giáo hoàng Phan Xi Cô ngỏ lời với thế giới khi được chọn làm người “cầm chìa khoá” nước Trời vào ngày 13.3 năm nay.

Làm giáo hoàng có nghĩa là trở thành nguyên thủ của nước Vatican kiêm chủ tịch của một tôn giáo có đông dân số bằng Trung Quốc với guồng máy hành chánh nặng nề, giáo lý cao sâu cộng thêm trùng trùng hoạt động bác ái bao trùm thế giới. Nhưng giáo hoàng thứ 266 này đã tự tay trả tiền khách sạn trước khi dọn vào dinh giáo hoàng.

Làm giáo hoàng có nghĩa là đáp ứng lại kỳ vọng của người muốn xem lễ bằng tiếng La-tinh lẫn của phụ nữ muốn làm linh mục; thoả mãn tham vọng của các đức Ông trong Toà Thánh và lý tưởng của thầy giảng đạo xa tuốt bên Phi Luật Tân. Không một giáo hoàng nào thoả mãi mọi người. Với đức giáo hoàng Phan Xi Cô, nhiệm vụ còn khó khăn hơn vì ngài kế vị hai giáo sư thần học uyên bác John-Paul II và Benedict XVI. Thật vậy, chính ngài chỉ làm qua các nghề gác dan, canh cửa cho hộp đêm, nhân viên hãng hoá học và thầy giáo dạy văn chương mà thôi.

Nhưng làm giáo hoàng, đức Phan Xi Cô biết dùng phương tiện của thế kỷ 21 để chu toàn chức vụ đã có từ thế kỷ thứ nhất. Ngài cho báo chí chụp hình mình rửa chân cho nữ tù nhân, cho bạn trẻ dùng máy điện thoại chụp hình chung với họ và ôm hôn người tàn tật. Nói chuyện phá thai, ngài nhắc tới trường hợp phụ nữ phải phá thai vì nghèo hay bị hiếp: “Ai mà không động lòng trước hoàn cảnh thương đau này?” ngài hỏi. Hỏi tức là trả lời. Nói về người đồng tính luyến ái, ngài nêu lên “Tôi là ai mà phán xét người đồng tính luyến ái sống tốt lành và đang tìm kiếm Thiên Chúa”. Ngài lại hỏi. Và chưa ai trả lời. Được hỏi con chiên ly dị rồi tái hôn có được rước lễ không, ngài trả lời: “Rước lễ không phải là phần thưởng dành cho người toàn hảo mà là thuốc công hiệu và thức ăn nuôi dưỡng người yếu đuối”. Ngài trả lời. Và không ai dám hỏi lại.
Mấy lời trích dẫn ấy làm ta nhớ lại đối đáp của Chúa Giê-su chép trong sách Phúc Âm. Nhưng giáo hoàng cũng khó mà lách ra khỏi con đường đã vạch từ hơn 20 thế kỷ qua. Con đường đã vạch ra như sau: Về phụ nữ làm linh mục: không. Về phá thai: không. Về hôn nhân đồng tính: không. Đức Phan Xi Cô nói: “Giáo hội đã dạy... rõ ràng. Và tôi là con của Giáo hội”. Nêu rõ lập trường như thế, đức giáo hoàng thêm: “... mà cũng không cần phải lúc nào cũng lải nhải mấy cái chuyện đó”.

Không muốn lải nhải, đức giáo hoàng nhắm tới nói ít làm nhiều.

Thay đổi ngai giáo hoàng


Để ý chữ NO H8
trên má đức Giáo Hoàng.
(Hình The Advocate)
Mỗi đời giáo hoàng bắt đầu bằng cái tên. Đã có 14 giáo hoàng Clement, 16 giáo hoàng Benedict, 21 giáo hoàng Gioan... mà hồng y Jorge Bergoglio lại chọn cái tên chưa giáo hoàng nào chọn: Phan Xi Cô.

Phan Xi Cô là vị thánh sống vào thế kỷ 13 đã bỏ gia đình nhà giàu của bố mẹ mà sống nghèo khổ vì nghe tiếng Chúa gọi. Chúa gọi thánh Phan Xi Cô dùng lòng nhân mà sửa sang ngôi nhà của Chúa. Như thánh Phan Xi Cô, đức giáo hoàng này để ý nhiều đến săn sóc đàn chiên hơn là dạy bảo giáo điều. Trong thông điệp “Niềm vui của Phúc Âm” vừa được công bố, ngài viết “tôi thích ngôi nhà thờ bầm dập, loang lổ và dơ dáy vì nằm bên đường hơn là một nhà thờ yếu xìu vì bị giam hãm bên trong hàng rào an ninh”.
Nói là làm. Đức giáo hoàng đã gặp tổng giám mục Konrad Krajewski, người lo công cuộc bác ái tại toà thánh Vatican, và nói “Đức cha bán quách cái bàn giấy này đi. Đức cha không cần nó đâu. Đức cha phải ra khỏi Vatican. Đừng chờ người ta tìm tới mà bấm chuông. Đức cha phải đi ra ngoài mà tìm đến người nghèo”. Người ta đồn, thỉnh thoảng đức giáo hoàng đã lẻn ra khỏi Vatican, ăn vận như một linh mục xoàng để cứu giúp người nghèo.

Nhậm chức xong, giáo hoàng Phan Xi Cô dọn sạch Ngân Hàng Vatican – một ngân hàng làm ăn kỳ bí từ 125 năm – và gần đây mang nhiều tai tiếng. Ngài lập ủy ban thanh lý và buộc ngân hàng này hàng năm phải ra tường trình. Năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, Ngân Hàng Vatican đã công khai tường trình sổ sách. Sau đó, như thánh Phan Xi Cô được Chúa gọi sửa sang nhà Chúa, đức giáo hoàng Phan Xi Cô chọn tám hồng y từ khắp thế giới làm cố vấn đặc biệt để đáp ứng các vấn đề lớn của giáo hội và thế giới. Được mời vào ban cố vấn này có hồng y George Pell, tổng giám mục Sydney, Úc. Mới nhất, vào ngày 5.12 vừa qua, ban cố vấn này lập ra ủy ban đặc trách các tai tiếng về linh mục và tu sỹ xâm phạm tiết hạnh trẻ em.
Nhưng giáo hoàng Phan Xi Cô không chỉ chú tâm sửa sang nhà Chúa, ngài chấn chỉnh tính tham lam của xã hội tư bản và khui ra bất công của nền kinh tế toàn cầu hoá: “Có người vẫn tiếp tục cho rằng: cứ dùng thị trường tự do để phát triển kinh tế thì đương nhiên xã hội trở thành công bình hơn và thế giới trở thành hoà đồng hơn... Nhưng chuyện ấy chưa bao giờ xảy ra cả”. Giáo hội là giáo hội của người giàu lẫn người nghèo. Nhưng giáo hội luôn luôn ưu tiên cho người nghèo. Chính giáo hội cũng phải sống nghèo. Vì lý do đó, đức giáo hoàng đã ngưng chức một giám mục bên Đức chi ra $42.5 triệu Mỹ Kim tu sửa toà giám mục (trong đó có $20,500 Mỹ Kim cho bồn tắm).

Khoa Nam
(còn tiếp một kỳ)

Lang thang trên mạng:





Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.

0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.