Friday 6 December 2013

Học sinh trường công bị bỏ rơi



Khoa Nam ::

H
ôm ấy là ngày 2 tháng Tám năm 2013. Chính trường Úc rất bấp bênh. Ông Kevin Rudd vừa làm thủ tướng lần thứ nhì và có thể tổ chức tổng tuyển cử bất kỳ lúc nào. Hai cánh chính phủ và đối lập thu mình vào phòng họp bàn mưu tính kế.


Gonski hay Conski : hai ông Tony Abbot và Christopher Pyne thay đổi xoèn xoẹt.
(Hí hoạ của Pope , The Canberra Times )
Trong phòng họp của chính phủ Lao Động, các mưu sỹ cho rằng: giáo dục là điểm mạnh nhất của Lao Động nên cần thi hành tường trình Gonski để thu hút lá phiếu. Thế là chính phủ Lao Động ráo riết thương thuyết với các tiểu bang để ký tên vào chương trình cải tổ giáo dục theo tường trình Gonski. Kết quả là năm trong tám tiểu bang hay lãnh thổ tại Úc đã ký thỏa thuận với chính phủ Lao Động liên bang.

Ngược lại, bên trong phòng họp của đảng Tự Do, các ông Tony Abbott và Christopher Pyne không còn nhạo cười tường trình Gonski là ‘Conski’ nữa. Gonski là tên của tác giả tường trình; còn Conski ghép từ chữ ‘Con” trong tiếng Anh có nghĩa là giả dối, lừa đảo. Cả hai biết thu hút lá phiếu về phía Lao Động là vấn đề giáo dục. Vậy là đảng Tự Do quyết định hoá giải bằng cách hứa cũng những điều y chang như Lao Động. Ông Tony Abbott đã bước ra khỏi phòng họp với một con người mới: ông tuyên bố cùng với Lao Động ủng hộ tường trình Gonski! Đây là nguyên văn lời ông Tony Abbott:
“Bằng cam kết không một trường nào bị thua thiệt, chúng tôi sẽ không để cho trường học tiếp tục bị bất an. Chúng tôi sẽ tôn trọng các thỏa thuận được Lao Động ký kết. Chúng tôi sẽ giữ nguyên các điều Lao Động đã hứa. Chúng tôi sẽ làm mọi cách để không trường học nào bị thua thiệt, We will end the uncertainty by guaranteeing no school will be worse off. We will honour the agreements that Labor entered into. We will guarantee the offers that Labor has made. We will make sure no school is worse off."

Ông Tony Abbott hai lần hứa không để cho trường học nào bị thua thiệt và hai lần cam kết giữ nguyên lời hứa của đảng Lao Động. Tuyên bố này hoá giải mũi nhọn chính của Lao Động và góp phần cho Tự Do thắng cử.

Chưa đầy ba tháng sau khi cầm quyền, chính phủ Tự Do đã làm ngược lại lời hứa kể trên.

Thiên vị trường tư, bỏ bê trường công

Đây là điều chính phủ Lao Động hứa khi cam kết với các tiểu bang: Từng học sinh tại Úc sẽ được liên bang tài trợ theo nhu cầu, bất kể em này học trường công hay tư. Theo đề nghị từ tường trình Gonski mức tài trợ mỗi năm sẽ là $8,000 cho mỗi học sinh tiểu học và $10,500 cho mỗi học sinh trung học. Học sinh trường công sẽ nhận đủ số tiền trên. Học sinh trường tư sẽ nhận ít hơn tùy theo số tiền nhà trường thu về từ các nguồn khác (học phí hay lợi tức từ đầu tư). Ngoài ra, dẫu học trường công hay trường tư, nếu học sinh xuất thân từ gia đình thua thiệt (như nghèo, không nói tiếng, gốc dân bản địa) hay có khuyết tật thì chính phủ sẽ thêm phần tài trợ.

Theo mô hình này, Victoria, NSW, ACT, Nam Úc và Tasmania đã ký tên với chính phủ liên bang. Thỏa thuận này có hiệu lực trong vòng bốn năm.

Thứ Sáu tuần qua, ông Christopher Pyne đã họp chung với các bộ trưởng giáo dục tiểu bang. Theo lời thuật của bộ trưởng giáo dục NSW, phiên họp đã diễn ra rất “cuồng nhiệt và nóng bỏng”. Một bên là đa số các tiểu bang muốn giữ lại thỏa thuận với chính phủ Lao Động. Theo đó liên bang tài trợ ngành giáo dục trung và tiểu học dựa trên nhu cầu của từng trường họ. Bất kể là công tư. Một bên là ý kiến của tân tổng trưởng giáo dục Christopher Pyne. Ông này chỉ cam kết tôn trọng thỏa thuận trong một năm mà thôi. Ngoài ra, ông còn cho hay sẽ tìm kiếm mô hình ‘mới’ và thòng thêm mô hình có từ thời thủ tướng John Howard đã là ‘một nguyên tắc cực kỳ hay’. Được biết theo mô hình SES dưới thời thủ tướng John Howard chỉ trong năm 2010 tài trợ cho trường tư giàu xụ tại NSW đã tăng lên từ 50% cho đến 90%. Thế là rúng động trong giáo giới và phụ huynh có con học trường công.

Đi vào vết xe đổ của chính phủ trước

Chỉ cai trị được 10 tuần lễ và chỉ trong một vấn đề giáo dục tại trường trung và tiểu học, chính phủ Tony Abbott đã thất hứa hai lần. Trước kia ông Tony Abbott tuyên bố “tôn trọng các thỏa thuận được Lao Động ký kết”, nay tân tổng trưởng giáo dục Christopher Pyne cho biết chính phủ mới chỉ theo tường trình Gonsky một năm mà thôi. Trước kia ông Tony Abbott tuyên bố “không một trường học nào bị thua thiệt”, tân tổng trưởng giáo dục Christopher Pyne từ chối tái xác nhận lời hứa ấy vì muốn trở lại lối tài trợ dưới thời thủ tướng John Howard.

Khi chính phủ Tony Abbott bỏ Gonski mà theo SES của thủ tướng John Howard thì tiếp tục thiệt thòi là học sinh trường công. Hiện nay, 80% học sinh trường công thuộc về thành phần bị thua thiệt trong xã hội; 60% xuất thân từ gia đình không nói tiếng Anh và 30% là dân bản địa.

Công bằng mà nói không phải tất cả tiểu bang chung một lòng nghênh chiến với ông Christopher Pyne. Bộ trưởng giáo dục Tây Úc ủng hộ bỏ đề nghị Gonski để tìm giải pháp mới. Chính ông Christopher Pyne còn chi ra $230 triệu để tài trợ cho ba nơi (Bắc Úc, Queensland và Tây Úc) không ký tên vào thỏa thuận với chính phủ Lao Động. Đây là giải pháp vá víu vì đến năm 2015 thì tất cả trường công tư tại Úc vẫn chưa biết mình được tài trợ bao nhiêu.

Sau phiên họp bất thành với các bộ trưởng giáo dục tiểu bang, ông tổng trưởng Christopher Pyne phân bua mình không lâm chiến với một ai và khăng khăng cho rằng chính phủ Tự Do vẫn tiếp tục giữ nguyên quyết định đã có từ thời chính phủ Lao Động. Điều ông muốn nói là mình chỉ tìm cách ngồi xuống với tiểu bang để nghĩ là cách thức tài trợ mới sẽ được áp dụng từ năm 2015.
Cách thức này sẽ ra sao? Thật là khó trả lời. Hoặc chỉ có thể trả lời bằng tuyên bố của bà bộ trưởng giáo dục Tasmania sau phiên họp với ông Christopher Pyne “Tổng trưởng giáo dục tạo thêm nhiều bất an cho trường học Úc”. Một đàng ông Christopher Pyne và đảng cầm quyền tiếp tục phủ nhận mình thất hứa; đàng khác tổng trưởng giáo dục không còn dám cam kết như đã hứa khi vận động tranh cử. Lúc xưa, ông Pyne và ông Abbott vuốt ve cử tri mà rằng “ông bà có bầu cho Tự Do hay Lao Động thì trường học cũng được tài trợ y chang một số tiền’. Cử tri đã bầu cho Tự Do thì nay chính ông Pyne cho biết chính phủ này sẽ cắt giảm $1.2 tỷ khỏi số tiền tài trợ cho giáo dục.

Vào ngày 17.11.13, ông Christopher Pyne còn nói trên Sky News "Trong bốn năm sắp tới chúng tôi sẽ giữ nguyên mô hình tài trợ mới và ngân sách đã tính toán như thế rồi". Nhưng trong phiên họp ngày 29.11.13 thì con số ‘bốn năm’ đã bị đổi lại thành ‘một năm’. Trước đây, hai ông Tony Abbott và Christopher Pyne long trọng hứa: Lao Động chi ra một Đô la tài trợ cho trường học thì Tự Do cũng chi ra một Đô la. Được biết, Lao Động quyết định $9.8 tỷ cho trường học trong vòng sáu năm. Tự Do chỉ dành ra $2.9 tỷ trong vòng bốn năm mà thôi.
Trước nhiều lần thay đổi xoèn xoẹt này, các tiểu bang tỏ ra tức giận với liên bang. Ngay đến thủ hiến NSW (Tự Do) -- ông Barry O'Farrell -- đã viết thơ trình thẳng với thủ tướng Tony Abbott và nhận xét: khi các ông chuyển qua cánh cầm quyền thì không được xử sự như thủa còn ngồi bên cánh đối lập nữa!

Bất nhất từ lúc còn ở bên đối lập đang gây hại cho chính phủ này. Chính phủ Tony Abbott đã phải xin lỗi về những lời tuyên bố xàm lúc trước; nhưng vẫn tiếp tục tuyên bố xàm ngay cả khi được cầm quyền. Vì vậy, chỉ mới cai trị 10 tuần lễ điểm ủng hộ của chính phủ đã xuống thấp thua Lao Động đối lập.

Ròng rã ba năm dưới thời thủ tướng Julia Gillard, từng ngày một, ông Tony Abbott mang lời hứa ‘không có thuế Carbon’ để chỉ trích và lật nhào chính phủ. Nay chỉ cai trị 10 tuần lễ, chính phủ mới bắt đầu phạm cũng một sai lầm không thua gì chính phủ trước, ngoại trừ thủ tướng còn chày cối khi nói với đài truyền hình số 10 vào Chủ Nhật tuần qua như sau:
"Tôi nghĩ ông Christopher Pyne nói các nhà trường sẽ nhận cũng một số tiền. Xin chú ý: “Các nhà trường” – số nhiều – sẽ nhận cùng một số tiền, I think Christopher [Pyne] said schools would get the same amount of money and schools - plural - will get the same amount of money”.

Rồi thủ tướng thêm:
chúng tôi tiếp tục giữ lời hứa. Giữ lời chúng tôi đã hứa chứ không phải lời hứa do vài người gán cho chúng tôi, hay lời vài người muốn chúng tỏ hứa theo ý họ, We are going to keep the promise that we actually made, not the promise that some people thought that we made, or the promise that some people might have liked us to make."

Khoa Nam 
Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.




0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.