Thursday 21 November 2013

Nghỉ xả hơi trước khi vào đại học




Khoa Nam ::

Sang năm, các đại học Úc sẽ dành ra 220 ngàn chỗ ngồi cho cô cậu tú tân khoa. Không phải dễ mà kiếm ra một chỗ ngồi trong giảng đường đại học. Tuy nhiên, không phải tất cả cô cậu nhận được giấy báo nhập học đều lập tức hăm hở bước vào giảng đường. Khá đông bạn trẻ Úc quyết định một điều mà gần hết cha mẹ người Việt Nam không muốn nghe. Đó là nghỉ một năm xả hơi.



Bài này không cổ xuý cô cậu bỏ ra một hai năm xả hơi trước khi bước chân vào đại học mà chỉ nêu lên một vài ích lợi của năm này. Hiển nhiên, phụ huynh có thể dùng nhiều cách khác để tạo cơ hội cho con mình cũng được hưởng các ích lợi đó mà không cần nghỉ xả hơi.

Cô cậu làm gì khi nghỉ xả hơi

Trong năm 2009-10 cứ bốn cô cậu tú được đại học ốp-phơ thì có một hoãn việc học để nghỉ xả hơi. Nếu tỷ lệ này không tăng lên thì sang năm sẽ có hơn 50 ngàn cô cậu tạm thời xếp bút nghiên ít nhất một năm trước khi bắt đầu chương trình cử nhân. Năm nghỉ xả hơi này thường được người Úc gọi là “gap year”. Trong năm bỏ trống này phần lớn cô cậu lên đường du lịch, làm việc thiện nguyện hay đeo đuổi sở thích như học ca nhạc, chơi thể thao, vân vân.

Nghỉ xả hơi để đi du lịch là giấc mơ của nhiều bạn trẻ.
(Hình HerCampus.com)
Trong tường trình về năm nghỉ xả hơi do National Centre for Vocational Education and Research ấn hành vào năm 2012, người ta thấy hơn 50% cô cậu gọi nghỉ xả hơi nhưng thực ra chỉ xếp bút nghiên mà vùi đầu đi làm kiếm tiền; 10% nghỉ học chữ để học nghề. Cô cậu ghi danh học toàn thời tại một học viện hay trường chuyên nghiệp nào đó để lấy chứng chỉ tại một trường không phải là đại học. Số còn lại lên đường đi du lịch hay lần quần gặp đâu hay đó “như thể lục bình trôi”. (Xem tường trình Who takes a gap year and why?, Ai nghỉ xả hơi và tại sao? tại www.lsay.edu.au/)

Thật sự, điều cha mẹ người Việt Nam sợ nhất là cô cậu tạm thời nghỉ học rồi nghỉ luôn. Đây là trường hợp thật đáng buồn vì chúng ta sống trong đất nước có nhiều cơ hội tiến thân mà không biết nắm lấy. Sợ con cái bỏ học đã đành, cha mẹ người Việt Nam không muốn con mình phải lận đận đường học vấn. Người mình thích đi đường thẳng và đi thật nhanh: không như trường hợp cậu Patrick Brannigan kể trong báo The Age (11.11.13).

Hai lần bỏ học

Một quảng cáo từ công ty du lịch nhắm tới cô cậu nghỉ xả hơi
(Hình Bartonhill.com)
Năm 2009, cậu Patrick học xong chương trình trung học tại Daylesford Secondary College. Sau khi miệt mài thi VCE và hăm hở nộp đơn qua VTAC để xí một chỗ ngon lành trong giảng đường đại học. Patrick được đại học Melbourne ốp-phơ học văn khoa. Thay vì nhanh chóng bắt đầu đời sinh viên, cậu bỏ học và xin bán cà phê trong quán Lavandula. (Đọc tới đây, Khoa Nam biết chắc nhiều phụ huynh nhíu mày).

Trong khi đồng bạn tung tăng trong khuôn viên đại học thì Patrick bưng từng ly cà phê hầu khách. May mắn, hết năm 2010 cậu Patrick “tỉnh ngộ” bỏ quán cà phê đi học trở lại.(Cha mẹ thoáng lên chút mừng rỡ). Nhưng học xong học kỳ thứ nhất, cậu Bưng Cà-Phê này thấy ngán môn lịch sử mình lỡ chọn làm môn học chính cho văn bằng cử nhân văn khoa tại đại học Melbourne danh tiếng. Hơn nữa, là chàng trai lớn lên từ thị trấn nhỏ cách Melbourne hơn trăm cây số về hướng Tây Bắc, Patrick thấy lạc lõng ở chốn đô hội. 

Thế là anh chàng này một lần nữa nghỉ học. (Cha mẹ người Việt Nam nói thầm: Biết ngay mà. Đã bỏ một lần thì bỏ hoài và bỏ luôn!)


Patrick biện minh
“Chẳng biết chương trình cử nhân văn khoa này sẽ dẫn tôi đến đâu. Tôi nghĩ mình cần dừng lại để suy tính. Tôi chưa biết mình muốn làm gì. Ngay cả khi đi Melbourne học tôi cũng không biết rõ mình muốn gì. Các bạn trẻ lớn lên tại thị trấn nhỏ thường gặp khó khăn như tôi”.
Thế là một lần nữa Patrick bỏ học và trở về.... bưng cà phê. (Thấy chưa – cha mẹ nói). Nhưng hết năm 2012, Patrich Brannigan bỗng thích học luật. Lý do là chàng thích tìm hiểu các mối liên hệ giữa các quốc gia với nhau. Chẳng những chuyển qua thích học luật, anh chàng đã hai lần bỏ học này còn dám tính chuyện ghi danh học cùng một lúc hai văn bằng cử nhân: vừa cử nhân luật vừa cử nhân bang giao quốc tế!

Long đong cho chàng trai miệt quê, khi chàng thích học luật thì trường đại học Melbourne không còn nhận người chỉ có bằng tú tài vào học luật nữa. Muốn học luật tại đại học Melbourne thì cần phải lận lưng mảnh bằng cử nhân trước. Thế là Patrick đành bỏ cái “mác” sinh viên đại học Melbourne hạng nhất nước Úc mà chạy vạy hết đại học này sang đại học kia kiếm một chỗ học luật. (Khổ chưa! – cha mẹ rầy) Không những tất bật nộp đơn vào tất cả đại học tại Victoria, chàng Patrick còn ghi danh thi Special Tertiary Admissions Test. Đây là khoá thì dành cho người không đủ điều kiện được nhận thẳng vào đại học...

Cuối cùng, ba tờ giấy ốp-phơ bay về nhà Patrick. Chàng đã chọn một và hiện nay vừa xong năm thứ nhất cử nhân kép luật – bang giao quốc tế tại đại học La Trobe.

Nghỉ học để tìm hiểu mình là ai

Nhìn lại nghiệp đèn sách lận đận kể trên, ai dám ra lời khuyên cô cậu tú tân khoa nghỉ một năm xả hơi trước khi học đại học? Ai dám cho rằng cậu Patrick đã làm đúng khi bỏ ngang đại học Melbourne để rồi lận đận hết cổng trường này sang cổng trường khác.
Cậu Patrick tâm sự:
“13 năm mài đũng quần trên ghế nhà trường trung và tiểu học quả là dài đăng đẳng mà ngày nào cũng phải học nên thỉnh thoảng cần được nghỉ xả hơi. Chờ cho đến khi học xong đại học thì bạn phải lập tức đi làm. Lúc đó không còn thời giờ thoái lui nữa, không được nhìn lại chính mình và tìm hiểu mình là ai nữa”.
Khi tôi nghỉ học, tôi có dịp hiểu rõ mình hơn. Tôi biết rõ hơn mình muốn làm gì. Khi trở lại đại học tôi lớn tuổi hơn và cũng chín chắn hơn. Tôi cũng dễ hoà mình với đời sống tại thành phố Melbourne hơn”.
Chính cậu Patrick cũng nhìn nhận: không phải ai ai cũng phải nghỉ xả hơi một hay hai năm. Cậu nói “Nếu bạn biết rõ mình sẽ hành nghề gì thì tốt hơn bạn đi thẳng vào đại học. Lý do là nghỉ một năm có thể làm bạn phân vân và bạn có thể mất thói quen miệt mài đèn sách”.

Vài ích lợi khi nghỉ xả hơi

Vẫn trong tường trình về cô cậu tú nghỉ xả hơi trước khi vào đại học, các nhà nghiên cứu thuộc đại học Sydney viết:“nhiều cô cậu cho biết có đi làm một hai năm thì càng giúp mình nhận ra học đại học là điều hay lẽ phải”. Hơn nữa, người ta còn cho rằng: nghỉ xả hơi một hai năm giúp cho sinh viên học giỏi hơn.

Giáo sư Andrew Martin theo dõi học lực của 900 sinh viên. Ông thấy nếu “biết dùng” năm nghỉ xả hơi thì năm này còn giúp sinh viên thu thập thêm nhiều kỹ năng, đạt điểm cao hay học hành tấn bộ nhanh hơn”. Thế nào là “biết dùng” năm nghỉ xả hơi? Có lẽ đây là câu trả lời của giáo sư Andrew Martin:
“Với nhiều sinh viên, năm nghỉ xả hơi là thời gian dành ra để cô cậu rèn luyện khả năng tự mình quyết định, tự định hướng đi cho đời mình, thu thập thêm kỹ năng, biết tự sắp xếp cuộc sống và có lẽ cần nói thêm năm nghỉ xả hơi còn là thời gian giúp cô cậu khẳng định thêm lòng tự tin”.
Đó là năm cách “biết dùng” năm nghỉ xả hơi. Ngược lại, nếu phụ huynh tạo cơ hội cho cô cậu được hưởng cả năm ích lợi vừa kể thì không cần nghỉ xả hơi con em mình vẫn hăng hái đi một đường thẳng từ bằng tú tài vào đại học và từ đại học đến sở làm.

Khoa Nam
Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.



6 comments :

  1. Cách suy nghĩ này cũng hay và thực tế, trước kia tôi cũng biết có người nghỉ xả hơi 1 năm sau khi tốt nghiệp Đại học rồi mới đi làm (dù lúc đó đã có job ngon lành). Tôi cũng muốn khuyến khích con mình nghỉ xả hơi kiểu này nhưng bà xã thì cực lực phản đối.

    ReplyDelete
  2. Trong mấy ích lợi ông Khoa Nam nêu ra khi cô cậu nghĩ xả hơi, tôi thấy có ít nhất ba chữ "tự mình". Đó là điều công chúa và hoàng tử người Việt mình ít có. Cái gì mẹ cũng làm cho cả... Cái gì cha cũng quyết định giúp cả. Ngay cả chơi với ai? Học môn gì cũng do cha mẹ. Vì thế, chắc là cô cậu người Việt Nam cần nghĩ xả hơi hơn Úc.
    Huân Nguyễn

    ReplyDelete
  3. Mấy ông này bàn ra tán vào chỉ tổ làm gương xấu cho bọn trẻ. Hồi tôi đi học thì chẳng có nghỉ xả hơi xả hiếc gì sốt chỉ học một lèo không nghỉ một ngày. Không những thế mà còn học kèm, học thêm và học nhảy lớp. Có vậy mới hơn người chứ.
    Trượng Phu

    ReplyDelete
  4. Anh trượng Phu ơi, cuộc đời ngắn ngủi lắm, biển học thì mênh mông , học đến khi nào mới gọi là đủ là hơn người ? học cho có đủ để vào trường đời là cũng may rồi đó, nói gì đến hơn làm chi cho xa vời, theo em thì sau một thời gian dài cặm cụi học cũng nên nghỉ một năm , sau đó thì chuẩn bị học tiếp , thoải mái đi vào đời, còn trẻ không nghỉ ngơi một chút để lấy sức đi tiếp hay sao, bạn bè con em người Úc khá nhiều đứa nghỉ 1 năm , đi nước này nước kia Back Pack vừa làm vừa học vừa enjoy. Sau đó về Úc đi học tiếp , cũng có cái hay của nó đó anh

    ReplyDelete
  5. Thưa bà Kim Nguyễn,
    Điều tôi và nhà tôi không dám cho con nghỉ học đi chơi là sợ con ham chơi rồi bỏ học luôn. Cô có cách gì ngăn chận bọn trẻ không bỏ học luôn không? Ngay tới nghỉ hè vào tháng mà bọn nhỏ phải mất vài tuần mới lấy trớn lại.
    Trượng Phu

    ReplyDelete
    Replies
    1. Các con của anh còn ngoan ngoãn chịu nghe lời cha mẹ, có nghĩa là khi anh không cho nghỉ học 1 năm để ra trường đời các cháu vẫn vâng lời không phản kháng, vậy thì anh chị cứ để các cháu đi học. Ý của Kim Nguyễn là nếu như các cháu đòi nghỉ học một năm , chúng ta bậc làm cha mẹ không ngăn cản được chi bằng chấp nhận vì nó cũng có cái hay của nó. Một thì dụ điển hình là một cháu người Úc bạn của con Tôi, sau lơp 12 cháu chọn cách nghỉ một năm để đi làm và du lịch các nước, cháu sang Anh Quốc xin làm nghề dạy trượt tuyết, sau 3 tháng làm công việc đó , hết tuyết cháu đi tìm công việc khác, từ quét don , bưng chén .rủa chén, cháu làm thật vất vả cũng không đủ sống, cuối cùng cháu trở về Úc xin đi học lại vì hy vọng có bằng cấp trong tay sau này tìm việc dễ hơn, cha mẹ ép con học không có kết quả tốt bằng trường đời và các cháu nhận thức một cách rõ rệt hơn anh ạ. chúc mừng anh chị có các con ngoan ngoãn trong cuộc sống muôn mặt này

      Delete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.