Friday 1 November 2013

Câu chuyện đời tôi

Vào mùa Xuân năm Mậu Thân 1968, tôi sống ở Sài Gòn, đường Hai bà Trưng. 

                                                                                                              Công Dã Tràng ::

V ào mùa Xuân năm Mậu Thân 1968, tôi sống ở Sài Gòn, đường Hai bà Trưng. Bốn mươi lăm năm trôi qua rồi mà tưởng chừng như mới hôm qua.
Đêm Giao Thừa 30 Tết, nhà nhà chuẩn bị đón mừng năm mới, pháo nổ đì đùng khắp mọi nơi, khắp mọi nhà, hòa lẫn tiếng súng… nên không ai biết được chuyện gì xẩy ra.

Mậu Thân 1968 tại toà đại sứ Mỹ ở Sài gòn
(Hình Badassofthweek.Com)
Vì tánh tò mò và tuổi trẻ háo thắng, hễ nghe động tịnh gì là tôi chạy đi coi (vì nhà tôi cách tòa Đại Sứ Mỹ không xa lắm). Tới hiện trường thì thấy khung cảnh hỗn loạn, mọi người chạy lăng xăng la lối om sòm, kẻ bị trúng đạn, người thì bị thương… máu loang đỏ thắm mặt đường nhựa, tôi thấy sợ hãi quá chạy u về nhà mà tim đập thình thịch. Tôi tự hỏi Việt Cộng là ai?? Tôi lớn lên trong một đất nước chiến tranh, hàng ngày chứng kiến biết bao cái chết thảm thương của người dân vô tội do Việt Cộng khủng bố gài mìn, đặt chất nổ… gây ra thế mà tâm hồn tôi lại vô tư ở lứa tuổi 12,13.

Tháng Ba năm 1984, dân gian có câu “Tháng Ba bà già đi biển" thật đúng là không ngoa, vì biển tháng này rất lặng yên, thuận lợi cho những người có ý đào thoát. Tôi và em trai tôi cùng đứa em dâu, 2 đứa cháu trai, một đứa 4 tuổi, đứa kia mới 2 tuổi rưỡi với người anh họ cụt mất 1 chân vì chiến tranh… đã không ngại mọi hiểm nguy, quyết lòng vượt biển Đông đi tìm tự do.

Chiếc ghe nhỏ xíu, bề ngang 2m, bề dài 4m, sau 8 ngày 7 đêm hãi hùng lênh đênh trên sóng biển, gặp hải tặc 2 lần… Nhưng nhờ Trời Phật phù hộ nên ghe chúng tôi vẫn bình an vô sự không hề hấn gì. Chúng thấy ghe chúng tôi quá nghèo, không có gì để chúng lấy, nên chúng tha và cho đi (chuyện khó tin nhưng có thật). Sau đó ghe tôi tấp vào một cái làng nhỏ thuộc tỉnh lẻ của Thái Lan. Khi lên bờ cũng vừa hết nước uống.


Trại tỵ nạn Biển Đông (Mã Lai)
với cây cầu Jetty nổi tiếng
(Hình wikipedia.com)
Bước lên đất liền tôi thấy mình quay vòng vòng như còn say sóng. Người đầu tiên chúng tôi gặp là một cảnh sát người Thái, nhưng ông ấy nói tiếng Việt rất rành. Ông tự giới thiệu đã làm ở trại này hơn mười mấy năm rồi… nên tiếp xúc với người Việt cũng nhiều. Lúc đó tôi cũng được cái may mắn hơn người, nhờ tôi có một số vốn kiến thức Anh ngữ, do đó vừa nhập trại tôi được bổ sung làm y tá cho Bác sỹ Nhật bên khoa phụ sản, vừa làm thông dịch viên. Trong trại lúc đó có vào khoảng 14 ngàn người, bao gồm Cam Bốt, Lào, người Việt gốc Hoa và phần đông là Việt Nam.

Cuộc sống trong trại tỵ nạn rất là khó khăn khốn khổ. Mỗi ngày chúng tôi được cung cấp củi nấu cùng đồ ăn trong một ngày, qua ngày hôm sau chúng tôi lãnh tiếp lương thực cho ngày hôm đó. Chúng tôi ở trại tỵ nạn khoảng 2 năm, chỉ có 2 năm thôi mà dài đăng đẳng như một thế kỷ. Thời gian chờ đợi để được định cư tại đệ tam quốc gia ai cũng lo âu không biết mình sẽ đi về đâu?? Nước nào sẽ nhận mình. Mỹ, Pháp, Úc…?? Lúc đó tôi có em gái ở Melbourne Australia, nhờ nó bảo lảnh nên mấy chị em tôi mới được qua Úc, nếu không thì đi phải đi xứ Congo mất rồi.

Kỷ luật ở trại tỵ nạn rất là gắt gao. Thằng em trai tôi hút thuốc rất nhiều nhưng không ảnh hưởng gì đến chuyện bị đình chỉ đi định cư vì lý do sức khỏe, mà nó vi phạm luật leo rào đi uống rượu Thái, và bị bảo vệ bắt gặp, trước khi bỏ vào trại tù nó bị phạt đánh vài chục roi.

Sống trong trại tỵ nạn là coi như ở tù, mà nó còn vô cái cửa ngục thứ hai ở trại tỵ nạn nữa... khổ chi mà khổ dữ không biết. Đã vậy cuộc đời tỵ nạn của tôi còn gặp lắm nỗi truân chuyên, do tiếng sét ái tình khiến tôi phải lòng và có con với một người đã từng chia sẻ với tôi những kỷ niệm buồn vui trong manh áo tỵ nạn. Khi tôi đến Úc định cư thì đứa con gái lọ lem của tôi cũng vừa tròn 10 tháng... nhưng sau đó... tôi và anh ấy chia tay... lưu luyến làm chi khi người đến với tôi bằng sự tính toán: Ông ghép Form với tôi chỉ vì ông muốn đi Úc thôi, chớ có yêu thương gì tôi đâu… Bừng tỉnh giấc Nam Kha khi chạm trán với sự thật quá phũ phàng.

Thảm não tôi đi vượt biên, bỏ lại Mẹ già và đàn em nhỏ cùng người Cha đang học cải tạo đã gần 10 năm nay. Lúc đầu tôi không tính đi, vì đi là 99% chết trước mắt, thôi thì liều một phen cầm bằng như canh bạc 1 thắng 9 thua, may ra thay đổi cuộc đời mình. Nay vừa nuôi con vừa gửi tiền nuôi gia đình bên Việt Nam, nên việc mưu sinh rất là vất vả. Chỉ mong sao “Hết cơn bỉ cực đến ngày thái lai”.

Tôi nghe Cha tôi kể lại rằng: Trước khi được bổ nhiệm làm Quận Trưởng thuộc tỉnh Vỉnh Bình thời bấy giờ, Cha tôi là một nhà giáo, bị động viên đi Thủ Đức, nhập khóa 21 Bộ Binh, và từ đó trở thành người Sỹ Quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Tôi sanh ra và lớn lên trong gia đình Nho giáo. Cha tôi rất giỏi chữ Nho, không những giỏi chữ Hán thôi, Cha tôi còn giỏi chữ Pháp, Ông dạy chương trình Pháp.

Cha con
(Hình wikipedia.Clker.com
Tôi là Favourite Daughter (trong số 10 anh chị em trong gia đình gồm 5 trai, 5 gái).
Tôi xin bật mí, ngày xưa học trò của Cha đồng thời cũng là người yêu của Cha.
Nếu Cha biết được đứa con gái của Cha đang “nói xấu” Cha, thì Cha cũng đừng giận con nghe Cha… và bây giờ Cha không còn biết gì nữa cả, bỏ mặc cho lời thị phi thiên hạ… Vì Cha là cha của con, nhưng với con cũng là “friend” mà, xin lỗi con không dám trịch thượng, nhưng sự thật thì Cha đi đâu, Cha cũng dẫn con theo như đi uống cà phê chẳng hạn.
Có một ngày kia Cha hẹn với người yêu ở quán chè. Cha kêu con ăn cái gì ăn đi, thì con ăn chè, nhưng con ăn hết chén nầy rồi tới chén khác mà người yêu của Cha vẫn chưa tới, nên con xin phép “Vọt”. Thế là Cha ngồi hoài, ngồi mãi… cho đến khi người ta kêu Cha tính tiền, thì Cha sực nhớ là mình quên mang tiền, hóa ra tôi đã cho Cha “ngồi đồng”, con cái gì mà Naughty girl quá không biết nữa. Về nhà Mẹ hỏi “Cha mầy đâu rồi?” con không dám khai sự thật vì sợ ăn đòn.

Người ta thường nói ”con cưng là con hư”. Tôi được nuông chiều thái quá nhưng chưa đến nỗi hư tệ phải không Cha Mẹ???

Cha hãy tha lỗi cho con nhe Cha... vì Cha tôi bị “stroke” năm 1996 sau khi được Cộng Sản thả ra và được định cư tại Mỹ , bấy giờ Cha đã bị liệt hết một cánh tay, không thiết đến sự đời, lời khen chê cũng bỏ ngoài tai... Cha sống bất cần đời rồi phải không Cha?? Không phải vậy đâu Cha ơi, Cha chỉ bị dementia tạm thôi mà, đứa con gái mà Cha thương nhất nhà cũng đang ở xa không thể cận kề trông nom phụng dưỡng cho Cha thay Mẹ… viết tới đây tôi xin “stop” 5 phút để khóc… Con là đứa con bất hiếu phải không Cha??? Cha ơi thời oanh liệt nay còn đâu?? Con rất kính yêu Cha , nhưng con thương mẹ nhiều hơn. Tiếc rằng mẹ cũng không còn sống trên thế gian này nữa. Ngày Mẹ ra đi năm 2001 con cảm thấy thế giới này như sụp đổ có nỗi đau đớn nào bằng mất Mẹ không chứ???

Chuyện đời tôi là những chuỗi ngày buồn… và sẽ càng buồn hơn nữa nếu ngày nào đó tôi phải cài đóa hoa hồng trắng lên áo vào Mùa Vu Lan Báo Hiếu.

Công Dã Tràng
Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.



2 comments :

  1. Văn H. Nguyễn5 November 2013 at 10:13

    Chắc là blog Vietluan đánh máy "Trại tỵ nạn Biển Đông (Mã Lai)" ở dưới tấm hình? Xin coi lại

    ReplyDelete
  2. Cám ơn ông Văn H. Nguyễn đã nhắc. Quả là "cô thư ký" đánh máy sai. Phải đọc là "Trại tị nạn Bidong (Mã Lai)" mới đúng. Hình như cây cầu Jetty này gọi là Jetty số 4 khá lừng danh vì đã chứng kiến bao cuộc chia tay "Bidong có lít thì dông"?
    Og3t

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.