Wednesday 16 October 2013

Đôi ta đi giữa trời chung thủy



đoàn xuân thu.

Anh bạn văn của  người viết có lần anh cụng ly tui, tui cụng ly anh, tâm tình về con đường tình duyên trắc trở của anh y ‘hịt’ như vận nước vậy.


Tình già: chụp vào hôm mùng 2 Tết ở ven Hồ Tây, Hà Nội
(Hình www.vnphoto.net)

Ảnh nói:
Ngày canh me vượt biển, tui cũng đã có một mối tình nhỏ vắt trên vai rồi đó chớ! Nồi nào úp vung nấy! Nghèo đụng nghèo cho nó mạt luôn; chớ đâu phải như đại gia nào đó làm giàu do ăn hối lộ, bán bãi vượt biên, hay giỏi giựt dọc, cướp đất, đuổi nhà người ta mới cưới được vợ đẹp, vợ xinh, hoa hậu, người mẫu… chân dài tới nách… mà phận nghèo như tui, làm ăn lương thiện… lại phải chịu cu ky?! Ông Trời có mắt mà?!

Qua Úc, hai năm sau vô quốc tịch rồi, tui tính lãnh người xưa qua. Nhưng mà em hỏng chịu đi vì nghe nói tui đang làm ‘farm’! Dù tui giấu kỹ lắm, tui nói tui đang làm giám đốc hãng may, có tới 4, 5 chục công nhân lận, đông như quân Nguyên mà tui là Hốt Tất Liệt?! Nhưng hỏng biết ‘cha’ nào về bển, thày lay, hỏng ai ‘quánh’ mà khai hết ráo! Thiệt là cái thằng nhiều chuyện, không biết giữ bí mật quân sự nào cho bạn hiền hết ráo!Thôi em biết rồi, đành chịu thiệt, chớ ‘dóc’ nữa làm chi cho nó mất uy tín!
Tui điện về thì em hỏi làm ‘farm’ là làm cái giống gì? Thì như mình làm rẫy vậy mà. “Thôi! Tưởng qua Úc làm ông nghè, ông cống gì đó; để võng anh đi trước võng nàng theo sau; chớ qua Úc làm farm, làm ruộng, làm rẫy thì bên Việt Nam thiếu gì, em qua bển chi cho nó xa, cho nó cực… thôi để em ở lại, lấy mấy thằng Cảnh Sát Giao Thông chuyên đi đón đường, chặn ngõ người ta mà làm luật, tiền vô như nước, phần ở gần nhà, gần tía má cho tròn chữ hiếu! 

Để khỏi có cái vụ: Có con ‘chim’ đa đa, chồng gần không lấy; đòi lấy chồng xa! Lỡ mai cha yếu mẹ già, chén cơm, đôi đũa, bộ kỷ trà ai dâng?"

Thôi! Em ‘khờ’, em chê thì mình chịu, chớ làm farm tiền không đó, đếm mỏi tay, khô nước miếng luôn chứ bộ! Bên ‘ni’ muốn kiếm tiền, thật nhiều tiền mà không phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt chỉ có cách là đi ăn cắp điện của nhà đèn mà trồng ‘cỏ’ thôi em ơi!
Phần em sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa đã quen tánh chụp giựt, lậm sâu vào trong máu, nên đành bó tay luôn. Phần tình mà! Ai ép ai cho được, vì ép dầu, ép mỡ ai nỡ ép duyên.
Nói vậy chứ tui cũng buồn quá mạng, em yêu của tui thực tế còn hơn là Mỹ nữa! Dẫu buồn, tui cũng an ủi được một phần, vì hỏng phải mình tui bị em ‘phụ’ đâu nha! Tường Nguyên trong “Gọi đò’; ‘chú em’ cũng đau khổ cũng hỏng thua gì tui đâu:
“Gọi đò ơi! Ai giúp đưa tôi kịp sang đò. Bên kia sông này người ta đang tưng bừng đón dâu. Gọi đò ơi! Cớ sao không có ai đưa đò để con đò buồn hiu quạnh. Bến quê chẳng còn ai nhớ mong mình về!”
“Ngày đi em đưa tôi qua đò chiều. Em hứa bao điều mãi đợi chờ nhau nhưng mà sao em lại quên?”“Em quên câu yêu thương. Bao nhiêu năm xa quê hương nay lại về. Sắt son câu thề mà người xưa bỏ bến theo chồng”.
“Đò ơi, ai đưa tôi qua đò chiều. Cho nhắn đôi điều đến người mình yêu. Tiếng hò ai nghe quạnh hiu. Mai đi xa quê hương mang trong tim yêu thương. Duyên tình đầu thiết tha hôm nào. Mà giờ đây như nước qua cầu. Gọi đò ơi... gọi đò ơi... ơi đò... ơi hỡi đò ơi...!”
Gọi đò gọi gì mà gọi hoài vậy hả ‘chú em’? Em đi lấy chồng rồi thì thôi, kiếm em khác, hơi sức nào mà gọi hoài, gọi hủy, đã mắc công, lại khát nước, khô cổ họng rồi phải tốn tiền nước mía nữa. Tốn biết bao nhiêu cho đủ, cho đã khát!
Người ta không chung thủy thì thôi!

N hưng chung thủy là gì? Theo từ điển Hán Việt có nghĩa là: không đổi, trước sau như nhứt. Chung thủy tiếng Việt hồi xưa, hồi Việt Nam Cộng Hòa của mình có, bây giờ tiến vững chắc lên Xã Hội Chủ Nghĩa rồi nên nó chết ngắc, biến mất tăm! Mà ngay cả bên Úc nầy dù không có ‘lan can’ gì với chủ nghĩa xã hội, chung thủy cũng không có trong từ điển luôn nữa đó.

Chuyện rằng: Maria, một người mẹ đơn thân, chữ là ‘single mum’, đến sở an sinh xã hội, Centrelink, để xin tiền sữa. Nhân viên xã hội hỏi:
Thưa! Bà có mấy đứa con? Tên chúng là gì?”
Maria ỏn ẻn trả lời:
“Mười đứa cả thảy. Tên chúng là: Tom, Tom, Tom, Tom, Tom, Tom, Tom, Tom và Tom.”
“Mười đứa đều tên Tom hết! Vậy bà có lẫn lộn đứa nầy qua đứa khác không?” 
“Không bao giờ; mà còn tiện cho em nữa đó! He he! Chẳng hạn gọi tụi nó về, vì tới giờ cơm hay giờ đi ngủ; chỉ cần gọi Tom mười lần, là mười đứa đang lang thang chơi đâu đó, mũi dãi lòng thòng đều ‘bang bang’ chạy về nhà hết ráo! Gọn bân!”
“Còn muốn gọi từng đứa thì làm sao?”
“À! Em gọi bằng họ của tía nó!”

Nghĩa là em Úc rặt rằn ri, Maria nầy, có tới mười ông chồng khác nhau, cho em tổng cộng mười đứa con thì cũng có sao đâu?! Em ‘điệu’ hết biết với ‘anh’ Centrelink nầy chắc trong bụng em muốn có thêm đứa thứ mười một, cho đủ số cầu thủ của một đội đá banh?!

Do đó, Việt Nam hay Úc bây giờ, bàn tới chung thủy làm chi cho nó mệt! Hết thương, hết đường chao tương, thì kiếm ‘thằng’ khác, ‘con’ khác… thương cho nó gọn. Chớ ‘tình đau không phải xách dao mà xử nhau!’ như trong nước bây giờ! Hay như Othello ‘bóp cổ’ người ‘thương’ một cách thảm thương trong bi kịch của Shakespeare đâu nhá!

Đ ó là Úc, bây giờ Việt Nam mình, định cư ở xứ kangaroo nầy cũng lâu lâu rồi, gần mực thì đen, gần đèn mà điện cúp, cũng tối hù… cũng chịu ảnh hưởng con kangaroo, nên vài anh, vài em cũng bắt chước nó nhẩy lung tung?! Dẫm nát cái nghĩa vợ chồng một thời đầu ấp, tay gối, đêm đêm táy máy, ngủ ngáy cùng nhau! Nỡ đem cái từ chung thủy ra mà xé cái rẹt trước mặt ông tòa, để đòi chia nhà, chia của ra làm hai như vậy chớ?!
Báo Việt Luận, thứ sáu tuần rồi, ngày 4 tháng 10 năm 2013, trong mục ý kiến bạn đọc, tác giả Phạm Bích Loan, Cabramatta… đã thuật lại một câu chuyện rất lý thú như vầy:
“Về Việt Nam cả nhà đi ăn ở một nhà hàng khá sang trọng… Trực tiếp chỉ huy phục vụ cho phòng ăn nầy là một cô khoảng 25 tuổi mà theo bà vợ thì nó “chả có gì đẹp cả chỉ được cái chân dài, da trắng và vòng 1 khá to thôi”. Em hỏi ông chồng: “Anh có dùng thêm bia không?” “Nó gần như nằm trên người ông ấy để rót bia, mà thằng cha ó đâm nầy không dám chửi nó lại còn ngồi im”.
Rồi sau đó là:“Thằng chả cần về Việt Nam bốc mộ cho ông bà con nào đó” hay “gặp lại người bạn chiến đấu ngày xưa” . Cuối cùng thì ông ly dị bà và em sắp qua Úc. Rồi tác giả khuyên chị em mình đối xử với chồng nên nhỏ nhẹ một chút, giờ mình tuổi lớn “giá nó cũng xuống rồi” . Già mà sống một mình khổ lắm chị em ơi!

Ông anh trong chuyện nầy chịu chơi dữ à nha! Ông có ‘ví’ bự! Em ‘địa’ ông. Em có ‘ví’ bự! Ông địa em! Dù ví em, em khoe, ví ông, ông giấu nhưng địa qua địa lại! Điện âm hút điện dương, nổ cái ầm… làm tan nhà nát cửa! He he!

Người viết đọc câu chuyện nầy xong, tủm tỉm cười một mình. Bỗng nghe tiếng gầm như sư tử hống, hết hồn quay lại nhìn, thấy em ‘yêu’ nghiến răng trèo trẹo hỏi: 
“Chừng nào tới lượt ông?”
“Hỏng dám đâu!” “Không bao giờ em yêu ơi!” 
“Thiệt không? Mấy ông là vua nói dóc! Ai tin!”

Anh nói thiệt: Hồi trước khi đi hỏi cưới em cho anh, Má anh có đi coi thầy bói. Thầy bói phán rằng: “Thằng nam nầy kiếp trước nợ con nữ nầy; phải trả hết nợ đến khi nó ‘ngỏm". Nghĩa là chết, mới xong hết nợ! Hỏng có vụ nửa đường nó bỏ chạy đi kiếm con nữ khác đâu! Vì kiếp nầy chưa trả hết mà nó bỏ chạy thì kiếp sau phải đi đầu thai lên mà trả tiếp.

Thôi! Anh cũng rán trả một lần cho xong. Một kiếp là tảng kinh hồn vía rồi; nói đến kiếp sau ta tìm thấy nhau; sao nghe mà ớn quá xá?”

Do đó em yêu ơi; đừng lo chi cho hao mòn thân ngà vóc ngọc. Đôi ta đi dưới trời chung thủy tới già. Già rồi hỏng còn đi nổi nữa, anh cũng thề hứa bán mạng là: anh sẽ chống gậy đi cùng em tới cuối đường hoa mộng luôn! Chịu hông hả?

đoàn xuân thu.
melbourne

Muốn gởi bài này cho bạn bè, 
xin bấm mouse chọn 
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.



0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.