Sunday 20 October 2013

Chiếu khán 457 dành cho ông hoàng...


Khoa Nam ::

Nhiều văn phòng di trú  gọi chiếu khán 457 là “chiếu khán dành cho ông hoàng”. Nhưng có một người vào Úc với chiếu khán “dành cho ông hoàng” này lại bị bóc lột tận xương tủy.

“Ông hoàng” Nguyen Dung - như tên đăng trong bản tin của trang web của đài ABC - nói với phóng viên Michael Janda:
- Văn phòng lo dịch vụ di trú nói với tôi mỗi năm tôi có thể kiếm ra $50,000. Nhưng hiện thời tôi chỉ lãnh lương $15 mỗi giờ.
Hơn nữa, ông Nguyen này tưởng là được làm việc toàn thời. Nhưng chỉ được chủ mướn tùy thời mà thôi.

Ông Nguyen Dung vào Úc với chiếu khán 457


Chiếu khán 457 để làm việc tại Úc

Rõ ràng chủ đang trả cho ông Nguyen dưới mức lương tối thiểu dành cho người làm việc tùy thời là $20 mỗi giờ. Khi trả lương cho ông Nguyen theo mức đó, chủ đã vi phạm điều kiện chính khi thuê mướn người mang chiếu khán 457 là phải trả lương ít nhất $53,000/năm. Chính phủ đặt ra điều kiện này nhằm tránh chuyện lạm dụng đưa người từ nước ngoài vào Úc làm những việc không cần kỹ năng cao và trả lương rẻ mạt.

Thế mà ông Nguyen không những bị trả lương dưới mức quy định mà còn phải làm công việc không cần đến kỹ năng như ông đã ghi trong đơn xin chiếu khán 457.
Ông Nguyen nói:
- Tôi có bằng đầu bếp và nhân viên văn phòng di trú xin cho tôi một việc làm trong nhà hàng. Tôi tưởng sẽ làm đầu bếp nhưng thực ra tôi chỉ làm công việc lau chùi mà thôi.

Sau khi làm công việc chùi rửa chừng sáu tháng, ông Nguyen mới được đụng tới bếp.
Nhưng khi ông xin lên lương thì chủ đuổi.

Ông nói tiếp:
- Khi xin chiếu khán tôi phải trả $10,000. Khi xin được việc làm tôi phải trả thêm $10,000. Khi đó, nhân viên dịch vụ di trú còn nói với tôi: sau khi làm việc hai năm tại Úc tôi sẽ được giấy thường trú, lúc đó tôi phải trả thêm $10,000.

Đồng hương bóc lột đồng hương



Một quảng cáo
tuyển công nhân vào Úc
với chiếu khán 457
(Hình www.konnecting.com)

Ông Nguyen nghe được quảng cáo của văn phòng di trú từ đài phát thanh nói tiếng Việt và đọc quảng cáo này trên báo viết bằng chữ Việt xuất bản tại Sydney.

Nghiên cứu vừa được in trong tạp chí The Economic and Labour Relations Review cũng như điều tra do đài ABC thực hiện cho thấy dễ bị bóc lột nhất là những công nhân ngoại quốc được đồng hương thuê mướn.

Trong suốt ba năm đằng đẵng, tiến sỹ Selvaraj Velayutham thực hiện nghiên cứu này bằng cách phỏng vấn khoảng 40 công nhân từ Ấn Độ vào Úc với chiếu khán 457. Tác giả không nhắm tới lập ra bảng thống kê để xem công nhân vào Úc với chiếu khán 457 có hài lòng không, mặc dầu nghiên cứu này có ghi nhận hơn 98% người trả lời phỏng vấn nói chung là hài lòng...

Tiến sỹ Selvaraj Velayutham nhận ra rằng nhiều cuộc nghiên cứu nhờ chủ nhân hay bưu điện để phân phối câu hỏi nên có thể bỏ sót khá đông công nhân kém Anh văn. Chính tầng lớp công nhân này thường dễ bị bóc lột nhất.

Tiến sỹ Velayutham thấy rằng trong khi nhân viên văn phòng từ Ấn Độ vào Úc làm việc với chiếu khán 457 - thường là chuyên viên IT và làm việc trong các công ty lớn - được hưởng điều kiện làm việc tương đương với đồng nghiệp Úc; thì công nhân cày trong hãng xưởng, công trường xây cất và làm việc trong ngành tiếp khách (hospitality) lại dễ bị bóc lột hơn.

Đặc biệt, kết quả nghiên cứu cho thấy nhân viên làm việc trong ngành tiếp khách dễ bị bóc lột vì họ thường làm việc dài giờ và làm chung với một nhóm ít người. Họ không có thời giờ tiếp xúc với đông người trong cộng đồng để được giúp đỡ khi cần.

Tiến sỹ Velayutham đã viết trong tường trình “Tất cả nhân viên làm việc trong nhà hàng được tôi phỏng vấn đều làm việc dài giờ - thường là 15 giờ mỗi ngày hay nhiều hơn nữa, và bảy ngày mỗi tuần. Ít người được nghỉ ngơi, ngoại trừ vài lúc ngắn ngủi trong khoảng thời gian từ bữa ăn trưa cho đến bữa ăn tối.”

Nghiên cứu này còn cho cho thấy một số nhân viên phải làm việc gấp đôi số giờ đã ghi trong hợp đồng mà không được chủ trả thêm một cắc lương. Nghĩa là: thông thường người đến Úc với chiếu khán 457 lãnh lương ở mức tối thiểu tính trên 38 tiếng đồng hồ mỗi tuần mặc dầu họ phải làm hơn 80 tiếng đồng hồ.

Tiến sỹ Velayutham ghi nhận: “Tất cả mọi người được tôi phỏng vấn đều nói đến “hai thứ hợp đồng” - một được ký tại Ấn Độ trước khi họ lên đường và một bị sửa đổi với nhiều điều khoản bất lợi hơn khi họ đặt chân đến Úc”.

Một trường hợp điển hình là ông Lal. Năm 2006 ông này cầm chiếu khán 457 đến Úc với lời hứa được bồi hoàn chi phí di chuyển và được làm công việc 8 tiếng mỗi ngày 6 ngày mỗi tuần với tiền lương $3,000 mỗi tháng.

Thế mà - theo lời ông Lal nói - khi đến Úc ông phải làm trung bình 17 đến 18 tiếng đồng hồ mỗi ngày, bảy ngày mỗi tuần và suốt thời gian làm việc ông chưa lãnh một cắc lương. Ông Lal còn phải ngủ trên cái sàn dơ bẩn trong một cửa tiệm bỏ trống ở gần nhà hàng. Trong cửa tiệm này đến cái cầu tiêu cũng không có.

Đã hai lần chủ sai ông Lal trở về Ấn Độ mua sắm dụng cụ cho nhà hàng mà chủ vẫn không trả lương hay bồi hoàn số tiền đã chi ra để mua dụng cụ.

Đi chuyến thứ nhất về, ông Lal đòi chủ trả tiền. Thế là chủ doạ sẽ giết ông và làm hại thân nhân của ông còn ở bên Ấn Độ.

Khi ông Lal đang đi Ấn Độ chuyến thứ nhì thì chủ báo với bộ di trú Úc mình đã đuổi ông Lal. Thế là ông này bị mất chiếu khán trở lại Úc.

Ông Lal hoá thành mạt rệp ở Ấn Độ vì không có cách nào đòi tiền lương chủ còn thiếu, không có cách nào trang trải các chi phí và nợ nần cũng như không còn thu nhập gì nữa.

Tên là “ tiếp khách” nhưng thực chất thì không phải...

Bà Jennifer Burn thuộc đại học Kỹ thuật Sydney và điều hành chương trình Chống Tệ Nạn Nô Lệ tại Úc, Anti-Slavery Australia, cho biết: viện nghiên cứu tội phạm học (the Australian Institute of Criminology) đã đánh dấu ngành tiếp khách là nơi xảy ra nhiều vụ bóc lột nhân viên.

Bà nói: Các ngành dễ bị bóc lột gồm có: tiếp khách, xây cất và một số công việc làm tại địa phương hay làm theo mùa. Bà Burn cho biết thêm vào tháng Ba năm nay quốc hội Úc đã thông qua luật đặt một số cư xử tệ hại ra ngoài vòng pháp luật. Luật này quy định là phạm pháp khi người ta cưỡng bách lao động tại Úc, lừa dối khi tuyển một nhân viên cũng như lấy nợ nần mà trói buộc người khác phải làm việc.

Hơn nữa, kiểm sát viên chuyên về Công Bằng Tại Sở Làm (Fair Work Ombudsman) đã xem xét nhiều trường hợp lạm dụng đối với công nhân ngoại quốc lẫn công nhân nội địa đang làm việc trong ngành tiếp khách.

Bà Jenny Lambert thuộc phòng thương mại và kỹ nghệ Úc (the Australian Chamber of Commerce and Industry) đòi bộ di trú phải ra tay nhiều hơn vì có những chủ nhân dỏm đang phá nát cả chương trình cấp chiếu khán 457. Bà nói “Trước một số nhỏ trường hợp chủ sai trái, các hội đoàn chủ nhân như Phòng Thương Mại Và Kỹ Nghệ Úc rất muốn bộ di trú kiểm soát chặt chẽ hơn, đặc biệt là trong các vụ lạm dụng trầm trọng có liên quan đến chiếu khán 457.

Bà đặt câu hỏi: Nếu một giáo sư tại đại học Macquarie có thể tìm thấy các trường hợp này, thì tại sao bộ di trú lại không thể? (ý nói tiến sỹ Selvaraj Velayutham, thuộc đại học Macquarie).

Con số từ bộ di trú Úc cho thấy ngày càng tăng mạnh đơn xin chiếu khán 457 để tuyển nhân viên làm việc trong khách sạn và nhà hàng. Trong năm vừa qua, hai loại công việc này đã tăng số đơn xin chiếu khán 457 lên gấp đôi. Con số mới nhất cho thấy: tính đến ngày 31.3.2013, trong 11 tháng đã có 7,810 đơn xin chiếu khán 457 để tuyển người làm việc trong ngành tiếp khách.

Hiện nay nghiệp đoàn Vận Tải (Transport Workers Union) đang giúp ông Nguyen Dung. Ông Tony Sheldon - tổng thư ký nghiệp đoàn này - cho biết mình phải nhíu mày trước đà tăng vọt của đơn xin chiếu khán 457 để làm việc trong ngành tiếp khách. Ông nói: “Văn phòng Thống Kê Úc cho biết: trong năm ngoái người Úc bớt tiêu tiền đến 1.1% tại khách sạn và nhà hàng. Thế mà chúng ta lại thấy hàng tháng có thêm hàng trăm đơn xin chiếu khán cho người sang đây (gọi là) làm đầu bếp”. Không thể giải thích được điều này ngoại trừ người ta đang bóc lột thêm nhiều người khác. Họ làm thế để thuê công nhân rẻ mạt và gây hại cho đầu bếp chuyên nghiệp người Úc”.

Mặc dầu nói thế, bà Jenny Lambert cũng nhìn nhận Úc đang thiếu một số đầu bếp chuyên môn nấu nướng một số món ăn đặc biệt. Bà nói: “Ngày nay người Úc muốn thưởng thức nhiều loại thức ăn khác nhau nên nhà hàng cần đáp ứng bằng cách dọn nhiều món ăn khác nhau”.

Rõ ràng, cần có chiếu khán 457 để cung cấp thêm đầu bếp trong ngành tiếp khách này.

Công nhân nước ngoài không biết quyền lợi

Ông Sheldon nghĩ rằng có nhiều công nhân nước ngoài bị bóc lột hơn con số ghi trong thống kê. Lý do là nhiều công nhân nước ngoài sợ không dám nói, sợ mất việc và mất chiếu khán.
Đây là chuyện xảy ra cho ông Dung. Ông đã gióng lên tiếng chuông rồi bị bộ di trú xét lại hồ sơ của ông, hủy chiếu khán... trong khi chủ nhân vẫn nhương nhương hốt bạc nhờ bóc lột lao động.

Khi phỏng vấn công nhân Ấn Độ, tiến sỹ Velayutham thấy phần lớn khi đến Úc đã không biết quyền lợi của mình và cũng không biết mình cũng được những quyền lợi như công nhân Úc.
Bà Burn đề nghị khi công nhân ngoại quốc làm đơn xin chiếu khán hay khi họ vừa đặt chân vào Úc thì phải trao cho họ bảng liệt kê các quyền lợi. Bảng liệt kê này phần viết bằng tiếng mẹ đẻ của họ.

Chính bảng liệt kê này không phải là thuốc mầu trị bệnh bóc lột lao động, nhưng càng phổ biến nhiều thông tin về quyền lợi và bổn phận do pháp luật quy định thì càng hữu ích. Bà Jenny Lambert, thuộc Phòng Thương Mại Và Kỹ Nghệ Úc cũng đồng ý như thế. Bà Lambert nói tiếp “Rõ ràng, một người biết nhiều thì càng can đảm gióng lên lời than phiền”.
\Tuy nhiên, có cải cách gì chăng nữa cũng đã quá trễ cho ông Dung. Chiếu khán của ông hết hạn vào tháng 10 và ông phải về nước.

Khoa Nam
(dịch từ http://www.abc.net.au/news/2013-09-06/27king-of-visas27-a-road-to-serfdom-for-many/4941980)
Muốn gởi bài này cho bạn bè, 
xin bấm mouse chọn 
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.





1 comment :

  1. XIn Blog cho them nhiều tin tức về thị thực đi Úc làm việc, về du học Úc và kết hôn với Việt Kiều Úc cho bà con ở Việt Nam khỏi bị lừa như cái ông trong truyện này. Xin cảm ơn.
    NTTH (Vũng Tàu, VN)

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.