Monday 16 September 2013

Có một dòng sông vẫn chia hai lớp cũ!


đoàn xuân thu.

N gười viết xa Mỹ Tho, nghĩa là xa trường Nguyễn Đình Chiểu, năm 1970. Tính tới nay đã 43 năm rồi, nghĩa là gần nửa thế kỷ. Cậu học trò 18 tuổi, tóc còn xanh mơn mởn, chưa vướng bụi đời, đậu tú tài hai, rồi tòng ten ngồi sau cốp xe lô Minh Chánh để đi Sài Gòn ‘du’ học!



Trường Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho
(Hình nguyendinhchieu.com)
Đâu biết rằng xa trường lần đó là xa luôn, là đi vòng vo trong xứ cho tới ngày sập tiệm và cũng như cả triệu người dân Miền Nam khốn khổ khác, sau chiến tranh, bị trấn lột đến chỉ còn lại cái quần xà lỏn… nên phải tìm cách… đi luôn ra biển! Tha hương và tha phương! Vì ở lại là chết! Chết từ từ nhưng chết chắc… giống như Nguyễn Biểu bị giặc Tàu Trương Phụ trói vào cọc cầu Lam, lúc nước ròng rồi chờ cho nước lớn! Sặc nước! Chết!
Bây giờ ở một nơi rất xa quê cũ, ngàn dặm biển, đêm nay trầm ngâm bên ly rượu đắng lại nhớ về những ngày lang thang ở trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn; mà sáng sáng ngồi uống cà phê trước khi vào lớp cùng Trương Hiếu Dân. 

Trầm ngâm nhìn mấy con sâu đo xấu xí buông mình từ nhánh điệp tây, chắn cả lối đi. Cuộc chiến tranh nầy xấu xí như những con sâu đo trước mặt, chắn hết cả tương lai tươi đẹp của một đời người!

Rồi quẩn quanh thêm hai năm nữa ở giảng đường cho đến mùa hè 72, Bắc Quân đánh Thừa Thiên, Kon Tum và An Lộc. Xếp bút nghiên, người viết vào Thủ Đức, ra trường, giầy sô áo trận, Bình Đại, Bến Tre. Rồi lại theo dòng đời mà chìm nổi. Cứ lưu lạc như một giề lục bình, cứ trôi trên sông, không định hướng, mắc kẹt ở chân cầu nào, bờ nào, bến nào thì ở lại một lúc, sút ra, lại trôi đi. Cứ lầm sống như vậy! Chán chưa?!

Q uê người, tưởng chừng như đà quên hết, buồn quá, thảm quá nên cũng ráng quên lắm chớ! Thì đêm nay, một người bạn trẻ đồng môn năm cũ, Trần Thanh Liêm, Brisbane, kêu réo: “Anh viết cho trường mình một bài đi!” Thì kỷ niệm ngày xưa thơ dại lại tràn về trong tâm khảm như đồng bằng quê mình đang mùa nước nổi. Nước cứ dâng, dâng… lên!


Em tan trường về, anh theo Ngọ về’ 
(Hình yume.vn)
Cậu học trò nhỏ ‘híu’ năm đó về Nguyễn Đình Chiểu lúc mới 15 tuổi. Mấy thầy cho ‘chú mầy’ vô lớp Đệ Tứ 8. Lớp của mấy ‘trự’ quê Tân Thới, Gò Công, Tân Thạch, Kiến Hòa chuyển trường hay phải theo Tía Má làm công chức, quân nhân rày đây mai đó, gạo chợ nước sông! Ba năm trước, Thất, Lục, Ngũ thì học ở Petrus Ký Sài Gòn. Ba đổi về Bưu Điện Mỹ Tho thì con phải đi theo!
Lớp Tứ 8 nầy hồi xưa là phòng ngủ dành cho học sinh nội trú; nên cửa lớp xây xuyên ngang hông, để cho mấy thầy giám thị, đêm đêm, dễ đi kiểm tra, chia lớp ra làm hai. Ba dãy bàn học phía trên dành cho mấy đứa nhỏ con, chưa tới tuổi dậy thì, còn siêng học, vì ngây thơ chưa biết ‘Em tan trường về, anh theo Ngọ về’ và bàn giáo sư. Lối vào lớp chia hai, tụi học trò gọi là… dòng sông Bến Hải!

Lớp Tứ 8 nằm ở bìa trái, từ cổng đi vào, thuộc dãy lầu dơi. Dãy lầu nầy cất hồi xửa hồi xưa, xưa quá rồi, hồi chưa có xi măng, tường kết dính lại bằng cát pha với bọt đường… Sườn nhà bằng khung sắt đã mục rỉ, sậm màu nâu sỉn… Cầu thang cây ọp ẹp như muốn rã bèn! Vì vậy trên lầu không có lớp học nào hết! Sợ sập! Không có học trò, chỉ có dơi nên mới gọi là lầu dơi. Tầng trệt còn có lớp nhưng lúc đó đi học không bao giờ đám học trò khờ khạo nầy lại nghĩ rằng có ngày lầu dơi ở trên sẽ đổ ập xuống đầu mình. Mãi sau 75, trời mới sập. Còn dãy lầu dơi, lớp cũ ngày xưa nghe nói đã xương tàn cốt rụi, sập cái rầm năm 73 rồi! Như một điềm báo trước vận trường, vận nước… sẽ sập luôn… xui tận mạng!

Thầy Lê Thế Khởi hình như năm ấy hình như mới ra trường, dạy Anh Văn và làm Giáo Sư hướng dẫn. Cùng về trường với thầy là cô Chi, đẹp, cũng người Bắc như thầy, tóc Sylvie Vartan, thơ cả một khung trời mộng?! Chuông vào học mới vừa reng reng, là thầy đã xuống tới lớp rồi. Học trò còn đứng, lau nhau chưa chịu ngồi xuống thì cả bọn, xóm nhà lá, ráng ngoái nhìn ra cửa lớp, rồi xôn xao: “Thầy ơi!” “Cái gì?” “Cô Chi kìa thầy! He he!” Thầy cũng nhìn ra, cũng cười… Có người không cười là cô! Cô có biết gì đâu mà cười. Chỉ có thầy chợt nhìn theo… “Em đi áo mỏng buông hờn tủi… Là hết thôi rồi chuyện trước sau!” Và cái lũ nhứt quỷ, nhì ma, thứ ba học trò nầy là nhăn răng ra cười hết cỡ… trông rất tiếu… lâm!

Nhớ cuối năm học đó, thầy là Giáo Sư hướng dẫn, phê thành tích biểu giống như học bạ bây giờ, thầy khuyên: “Có khiếu về ngoại ngữ, có thể đi ban C nếu thích!”. Không theo ban C như lời thầy bảo; mà đi ban B; vì nghĩ chỉ cần làm trúng toán là đậu. Ban C nghe nói học hành làng nhàng, lạng quạng, chơi nhiều hơn học là rất dễ rớt tú tài anh đi trung sĩ, em ở nhà lấy Mỹ nuôi con. Hu hu!

Mãi năm, sáu năm sau, khi thi tuyển vào Đại Học Sư Phạm, không biết phải chọn môn nào vì môn nào mình cũng dở ẹt; lại nhớ tới lời thầy dạy, nên chọn đại môn Anh Văn và phước đức ông bà để lại, chó táp phải ruồi, nên đậu… gần bét lớp! Và mãi khi chạy ra được nước ngoài, với cái vốn tiếng Anh dù hơi ‘nổ’ là đã từng đi dạy à nha, thực sự chỉ ‘English for Today’ quyển 1, bìa vàng hoặc quyển 2, bìa xanh đậm, nghĩa là tiếng Anh đựng không đầy cái lá mít. Nghe Tây nói dù chưa điếc đặc, chỉ hơi lãng tai thôi, tiếng còn tiếng mất! Trả lời Tây còn cà lập bập, cà lăm lăm, tuy vậy cũng giúp ích cho người viết rất nhiều để ‘bắt’ ngay được cái ‘job’ của Tây; dù chẳng vẻ vang gì cho lắm… nhưng cũng đủ chút tiền ‘còm’ mà nuôi vợ, nuôi con thời mới qua, còn lơ ngơ lóng ngóng!

Em chắc mấy chữ thầy phê hồi xưa, thầy đã quên mất tiêu rồi? Mà ngay cả tên em, chắc thầy cũng không nhớ nó là thằng nào mà viết văn… ‘khỉ’ quá?! Dù vậy, mấy chữ đó đã làm thay đổi cả đời em sau nầy theo hướng tốt hơn chớ không có làm em sập tiệm! Em xin cám ơn thầy!

Sau nầy ngao du mấy trang web bên Mỹ, thấy mấy anh, mấy chị trường xưa họp mặt, chợt thấy hình thầy cũ. Nhìn thầy, rồi nghĩ “Thầy trò ta tóc bạc như nhau!” Ai mà lại không bồi hồi nhớ đến trường xưa thầy cũ?!

Ngoài ra dù còn kẹt lại quê nhà hay sống đời lưu lạc thì theo năm tháng đời người đã có một số thầy giờ đã trở thành người muôn năm cũ, đã trở về cát bụi.
Thầy Thứ dạy Anh Văn, (gần đám giỗ thầy rồi!), Thầy Thanh, Thầy Nhân, Thầy Chi dạy toán. Thầy Bổn, Thầy Nhơn dạy Pháp Văn, Thầy Quang, Thầy Tính dạy Lý Hóa…

Mấy thầy còn kẹt lại quê nhà khi qua đời… sao vẫn chưa thấy tụi nó, mấy thằng học trò cũ của trường Nguyễn Đình Chiểu hồi xưa, mà giờ làm quan quyền… gì gì đó ở Mỹ Tho, còn sót lại chút ‘tình nghĩa giáo khoa thư’, nghĩa là còn nghĩ đến tình thầy trò năm cũ để đứng ra mà khấp báo… Hay là vì tụi nó bận ăn no ngập mặt rồi nên quên ráo trọi? Hay vì dưới mắt mấy đứa ‘quỷ hó’ nầy ân sư dạy chữ ngày xửa ngày xưa đều là giáo Ngụy hết ráo… hay sao?! Ê! Làm như vậy là bậy bạ lắm nha! Mấy chục năm rồi, chờ hoài sao không có đứa nào chịu ‘sửa sai’ hết vậy ta? Vậy mà trong tiểu sử các ‘quan lớn’, thì vẫn dám đề là cựu học sanh trường Nguyễn Đình Chiểu chớ?! Thiệt là đã đứt dây thần kinh ‘hổ thẹn’ à nha!

Anh bạn thơ cùng trường năm cũ nói:
“Ông ơi! Ông đừng có mơ chuyện hão huyền. Trường mình hồi xưa đã chia hai như vậy đó. Với nó, mình là giặc. Anh bèn lẩy thơ Vũ Cao: “Anh nghĩ, trường ta giặc chiếm rồi. Trăm nghìn căm uất bao giờ nguôi. Giờ tin trường cũ tan hoang hết. Sương trắng, người đi lại nhớ người!”. Quê ta, trường ta nó đã chiếm mất rồi! Mình nhớ; chớ tụi nó phải giả bộ quên cho hợp chánh sách chớ?!

Lớp Đệ Tứ 8 hồi xưa cũng chia hai như vậy. Đêm, nửa khuya, VC pháo kích vô thị xã Mỹ Tho; sáng đứa nào may mà còn sống sót, thì vẫn ôm cặp vào lớp học như thường. Cả nước đang chiến tranh mà!

Trò Nhung đi học sớm, qua Cầu Vĩ, đạp lựu đạn gài, rồi chết. Đứa chưa kịp thi tú tài một, phải đi lính, đạp mìn, cụt mất hai chân như trò Châu hoặc cưa một chân như trò Hiệp. Hy sinh một phần thân thể vì đất nước để cho những đứa may mắn hơn, được hoãn dịch vì lý do học vấn, mà đi du học như trò Liêm, trò Thiệu, trò Trực, hay học lên tới Tiến Sĩ, Cử Nhân, Bác Sĩ, Dược Sĩ, Kỹ Sư như trò Chín, trò Hòa, trò Cung, trò Cường. Mà không biết mấy thằng ‘khoa bảng’ nầy có nhớ, có nhìn đến bạn cũ tình xưa nữa không ta; nếu có dịp gặp lại bạn bè năm cũ đang lê tấm thân tật nguyền đi bán vé số để mưu sinh?


"Nó giả bộ tảng lờ như hỏng có quen ai"
(Hình báo www.sggp.org.vn )
Thua trận, trò Nhung, trò Hùng, Nha Kỹ Thuật… phải lê thân mình trong gông cùm cải tạo 6, 7 năm đất Bắc… Thì cũng có đứa, phe thắng cuộc, vênh vang vác súng K-54 vào trường cũ, ‘kiếm’ thầy xưa như thằng Thông chẳng hạn! Hay thằng Dân (hồi xưa tao với mầy thân lắm mà! Sao nỡ làm vậy?) ngồi chéo ngoảy ở Ủy Ban Quân Quản ghi tên mấy thằng bạn học cũ đến trình diện học tập cải tạo, nó giả bộ tảng lờ như hỏng có quen ai?!
Lớp Đệ Tứ 8, phần số có đứa bên nầy, có đứa bên kia, cũng có đứa đứng chàng hảng, lèng phèng, không ông mà cũng không thằng, thì về nhà buôn bán, hay làm ruộng nuôi vợ, nuôi con như trò Hoàng, trò Điệu!

Đứa thua cuộc biết nếu ở lại thì sẽ bị đứa thắng cuộc trả thù là chắc chết; cho nên dù xác em giờ ở phương nào, cũng đêm chôn dầu vượt biển mà thôi. Nhưng nhờ bà độ, hên quá là hên… chạy tuốt qua Canada như trò Cấm. Đứa thì tha phương cầu thực tận đáy địa cầu, Melbourne, như người viết đây thôi!
Học trò bước xuống thềm tam cấp, trường cũ xa rồi… có người về đất buông xuôi, năm ba đứa bạt phương trời… là có một phần số rất khác nhau! Và tất cả đều là bi kịch! Tại ai? Tại cái gì hả?

L ịch sử Việt Nam có một điều rất kỳ lạ là: Khi bị ngoại xâm là cả nước đoàn kết lại, chống quân thù. Còn khi không còn ngoại xâm nữa là quay lại đánh lẫn nhau tơi bời, đến u đầu sứt trán?!


Thầy trò bạc đầu như nhau
(Hình http://ndclnh-mytho-usa.org/)
38 năm qua, dòng sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, chia hai bờ Quốc Cộng. Bây giờ dòng sông đó vẫn còn chia hai những lứa học trò lớp Đệ Tứ 8 trường Nguyễn Đình Chiểu hồi xưa, năm cũ.

Đôi khi quê người, họp mặt trường xưa, mấy người bạn đồng môn hoặc đồng song thường hay hỏi tại sao xảy ra chiến tranh Việt Nam? Tại sao mình mất nước? Có người nói tại Mỹ? Có người nói tại ông Thiệu, ông Kỳ?!

Còn anh bạn thơ của người viết lại cho rằng người Việt mình dù rất khoái gọi nhau là đồng bào, đồng hương, đồng môn, đồng song… nhưng vì khoái đồng… tiền… nghĩa là khoái ‘chí tử’ danh và lợi… nên không biết thương nhau?!

Xưa tới nay bao giờ cũng vậy!

đoàn xuân thu.
melbourne.
Muốn gởi bài này cho bạn bè, 
xin bấm mouse chọn 
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.



1 comment :

  1. Cái hình thằng nhóc ngồi "đăng ký" lính ngụy chắc là đóng phim quá! Coi mấy ông lính bận binh phục ngon lành mà có bộ cười dỡn trước "ông" du kích mặt búng ra sữa là biết liền cái chiêu tuyên truyền của cộng sản. Nhớ lại cộng sãn còn có tấm hình "o du kích nho nhỏ xỏ mũi thằng Mỹ lênh kênh".

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.