Wednesday 18 September 2013

Đại học hàng đầu tại Úc


Khoa Nam :: 

Úc là quốc gia  cưỡng bách giáo dục. Phụ huynh sống tại Úc có bổn phận phải lo cho con em được giáo dục. Vì giáo dục thanh thiếu niên thuộc thẩm quyền của tiểu bang nên tiểu bang ra luật cưỡng bách giáo dục khác nhau. Nhìn chung luật cưỡng bách giáo dục bắt đầu khi trẻ em lên năm tại Tasmania và lên sáu tại tất cả tiểu bang khác. Khi các em lên 15 hay 16 tuổi mới hết bị cưỡng bách giáo dục. Nhưng nhiều tiểu bang như Queensland, Tây Úc, Nam Úc và Tasmania kéo dài thời gian cưỡng bách giáo dục lên đến 17 tuổi. Các nơi còn lại chuyển học sinh lên 15 hay 16 tuổi mà không muốn học chữ nữa sang các trường huấn nghệ.


Úc chỉ cưỡng bách giáo dục đến đó. Nhưng phụ huynh người Việt Nam thường định ra nhiều mức cao hơn. Gần hết con em trong gia đình người Việt Nam định cư tại Úc thường học xong chương trình trung học. Mà học rất giỏi. Sau khi lãnh bằng tú tài với điểm cao chất ngất, học sinh gốc Việt Nam tại Úc còn được cha mẹ khuyến khích ghi danh vào đại học.

Trong thời gian này, rất đông học sinh lớp 12 tại Úc chuẩn bị thi tú tài. Bên cạnh thời giờ sôi kinh nấu sử, cô cậu còn phải tìm ngành học ưng ý và trường đại học xịn. Khi con em tìm kiếm hai điều trên, tất cả phụ huynh thấy mình có bổn phận hướng dẫn cô cậu.
Bài này xin trình bày sơ qua bảng xếp hạng các trường đại học do công ty Quacquarelli Symonds - thường viết tắt thành QS -- thực hiện, với hy vọng góp thêm một chút thông tin cho phụ huynh.

Đặc sắc của bảng sắp hạng QS

Để chọn đại học hàng đầu, người ta có nhiều tiêu chuẩn riêng cho mình. Thí dụ trường cao cổng rộng, có cô con gái hàng xóm theo học, là nơi xuất thân của ông này bà nọ, vân vân.
Ngoài ra, người ta còn dựa vào bảng sắp hạng. Bảng sắp hạng này có thể do đồn thổi, kinh nghiệm từ các gia đình có con em theo học, hay dựa vào các tiêu chuẩn khách quan. Nếu bạn đọc muốn dựa vào tiêu chuẩn khách quan thì có thể tìm đến các bảng sắp hạng đại học được đăng trên báo chí, trang web hay được đài phát thanh truyền hình trích dẫn.
Trên thế giới có nhiều bảng sắp hạng. Trong số này có ba bảng được coi là uy tín do tạp chí The Times Higher Education xuất bản tại Luân Đôn, đại học Jiao Tong tại Thượng Hải, Trung Quốc và do công ty Quacquarelli Symonds thực hiện.

Vào đầu tháng Chín vừa qua, công ty Quacquarelli Symonds phát hành bảng sắp hạng đại học hàng đầu thế giới được goi là QS World University Rankings. Bảng sắp hạng này bao gồm 800 đại học trên thế giới. QS World University Rankings không những phân chia ngôi thứ các trường đại học trên thế giới mà còn lập ra nhiều bảng sắp hạng theo vùng, phân khoa và môn học. Thí dụ như bảng sắp hạng 50 trường đại học dưới 50 tuổi (Top 50 Universities Under 50), bảng sắp hạng đại học tại châu Á (QS University Rankings: Asia), tại Mỹ châu La Tinh (Qs University Rankings: Latin America). Nhưng đặc sắc của bảng sắp hạng đại học do công ty Quacquarelli Symonds thực hiện ở tại phân chia ngôi thứ đại học theo phân khoa và môn học.

Thiết tưởng đây là điều phụ huynh Việt Nam có thể tham khảo khi chọn lựa cùng một lúc ngành học và trường học cho con em.

Trong lúc trà dư tửu hậu, người ta chẳng từng nổ “Con tui học ‘rược”. Mà không phải “rược” tầm thường à nghe. Cháu nó lặn lội lên tận University of Queensland để học trường dược hạng nhất nước Úc”. Ngược lại, cô cậu nhà ai đó được cả hai trường đại học NSW lẫn Sydney ốp-phơ vào học luật mà ông đát bà mâm phân vân chưa rõ trường nào giỏi hơn thì có thể tra cứu bảng sắp hạng QS. Công ty Quacquarelli Symonds nhìn nhận: bất cứ bảng sắp hạng nào cũng có điều sai. Nhưng ít ra chúng vẫn có điều hữu dụng.

Phân khoa giỏi trong làng đại học

Bài này xin được trình bày về bảng sắp hạng của Quacquarelli Symonds năm 2013 /14 vừa phát hành và thường được gọi tắt là QS World University Rankings, tức thứ hạng đại học thế giới theo QS.

Ngoài thứ hạng chung cuộc của 800 đại học trên thế giới. QS còn sắp xếp ngôi thứ đại học theo năm phân khoa: nhân văn và nghệ thuật (Arts & Humanities); kỹ thuật và chế tạo (Engineering & Technology), y khoa và khoa học về đời sống (Life Sciences & Medicine), khoa học tự nhiên (Natural Sciences) và quản trị và các khoa học về xã hội (Social Sciences & Management).

Sau đó trong từng phân khoa, QS lại sắp hạng từng môn học. Thí dụ khi cô cậu chọn phân khoa khoa học tự nhiên thì có thể chọn một trong sáu môn: thiên văn và vật lý (Physics & Astronomy), toán (Mathematics), các môn về môi trường sống (Environmental Sciences), các môn về khoa học đại dương và địa lý (Earth & Marine Sciences), hoá học (Chemistry) và các môn khoa học về vật liệu (Materials Sciences).

Tuần này, dựa vào bảng sắp hạng do công ty Quacquarelli Symonds vừa phát hành, Khoa Nam xin trình bày ngôi thứ chung cuộc của đại học trên thế giới và tại Úc. Trong các bài kế tiếp, xin được trình bày ngôi thứ các đại học học Úc theo phân khoa.

Tám đại học "mâm trên" tại Úc

Úc đang có 39 đại học. Trường nào cũng giỏi nhưng khi các trường ngồi chung với nhau thì 8 đại học bao giờ cũng được xếp vào mâm trên. 

Đó là Group of 8 gồm có: Australian National Univerity, The University of New South Wales, The University of Adelaide, The University of Queensland, The University of Melbourne, The University of Western Australia, Monash University và The University of Sydney.
Nhìn vào bảng sắp hạng QS năm nay, cả tám đại học mâm trên rất xứng với cáo danh này khi so với đại học thế giới. Cả tám đều được QS sắp hạng cao nhất so với các đại học khác tại Úc.

Đứng đầu là đại học ANU tại Canberra. Trên thế giới, đại học Quốc Gia Úc ngồi ghế thứ 27. Kế tiếp là đại học Melbourne (thứ 31 thế giới), đại học Sydney (thứ 38 thế giới), đại học Queensland (thứ 43 thế giới), đại học NSW (thứ 52 thế giới), đại học Monash (thứ 69 thế giới), đại học Tây Úc (thứ 84 thế giới), đại học Adelaide (thứ 104 thế giới). Như vậy, cả tám đại học mâm trên của Úc đều lọt vào nhóm 100 đại học hàng đầu thế giới, ngoại trừ đại học Adelaide. Nếu so với các nước Nam Thái Bình Dương, đại học Adelaide còn phải chào thua đại học Auckland của New Zealand. Đại học Auckland ngồi ghế số 94 thế giới. Sau Adelaide, các đại học tại nước chị em với Úc đều được coi là giỏi. Đại học Otago thứ 155 thế giới, đại học Canterbury thứ 238 và đại học Victoria tại Wellington thứ 265.

Đại học châu Á đe đọa Úc

Phân hạng ngôi thứ 

đại học xịn tại Úc


1. Đại học ANU 
2. Đại học Melbourne 
3. Đại học Sydney 
4. Đại học Queensland 
5. Đại học NSW 
6. Đại học Monash 
7. Đại học Tây Úc 
8. Đại học Adelaide 
9. Đại học Macquarie )
10. Đại học Kỹ thuật Sydney 
11. Đại học Wollongong 
12. Đại học Kỹ thuật Queensland 
13. Đại học Curtin
14. Đại học RMIT 
15. Đại học Newcastle 
16. Đại học Griffith và Đại học Nam Úc (đồng hạng)
17. Đại học James Cook 
18. Đại học Deakin )
19. Đại học La Trobe 
20. Đại học Tasmania 
21. Đại học Bond 
22. Đại học Flinders 
23. Đại học Charles Darwin 
24. Đại học Kỹ thuật Swinburne
25. Đại học Murdoch 
26. Đại học Canberra 
27. Đại học Miền Tây Sydney 
28. Đại học New England
29. Đại học Victoria

Nếu bạn đọc kiên nhẫn thì có thể dò tên và thứ hạng của đại học Úc như sau:
Đại học Macquarie (hạng 263), đại học Kỹ thuật Sydney (hạng 272), đại học Wollongong (hạng 276), đại học Kỹ thuật Queensland (hạng 279), đại học Curtin (hạng 284), đại học RMIT (hạng 291), đại học Newcastle (hạng 298), đại học Griffith và đại học Nam Úc (đồng hạng 314), đại học James Cook (hạng 351), đại học Deakin (hạng 380), đại học La Trobe (hạng 390), đại học Tasmania (hạng 401-410), đại học Bond (hạng 421-430), đại học Flinders (hạng 431-440), đại học Charles Darwin (hạng 471-480), đại học Kỹ thuật Swinburne (hạng 481-490), đại học Murdoch (hạng 551-600), đại học Canberra (hạng 601-650), đại học Miền Tây Sydney (hạng 651-700), đại học New England (hạng 701+), đại học Victoria (hạng 701+).

Khi QS ra bảng sắp hạng, nhiều trường đại học tại Úc nhảy mừng. Trong đó đại học ANU mừng vì đứng hạng nhất tại Úc nhưng thoáng buồn vì bị tụt ba hạng trên thế giới. Đại học Melbourne chưa hài lòng vì chưa được QS sắp vào ngôi minh chủ tại Úc (như trong bảng sắp hạng của The Times Higher Education và đại học Jiao Tong). Nhưng Melbourne phấn khởi vì được tăng năm hạng. Cũng được tăng hạng năm nay là hai đại học Sydney và Queensland.

Ngược lại, không ít đại học Úc tỏ ra lo lắng. Giữ nguyên hạng như năm ngoái là đại học Macquarie. Dư lại bị tụt hạng là các đại học Monash, Tây Úc và Newcastle. Trong số đại học Úc bị tụt hạng, đại học Wollongong tụt 12 hạng trên thế giới. Đại học Wollongong đã nhanh chóng chấn chỉnh bằng cách kêu gọi các giáo sư phải cần cù đăng nghiên cứu lên tạp chí hàng đầu thế giới.
Nói chung, đại học Úc còn được xướng danh nhiều trên các bảng sắp hạng quốc tế. Tuy nhiên, Úc lo lắng vì đại học tại bốn nơi Singapore, Hongkong, Trung Quốc và Nam Hàn ngày càng toả sáng. Các quốc gia kể trên đầu tư rất nhiều tiền bạc để lọt vào nhóm 200 đại học hàng đầu thế giới. Khi có thêm một đại học từ châu Á được xướng danh thì lại thêm một đại học Úc bị tụt hạng.

Khoa Nam
Muốn gởi bài này cho bạn bè, 
xin bấm mouse chọn 
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.



1 comment :

  1. Thưa ông Khoa Nam và blog Việt Luận,
    Gia đình tôi ở Việt Nam có cháu du học tại Úc nên hay theo dõi tin tức bên Úc. Tôi mới đọc bài này mà không thấy trường đại học Holmesglen tại bang Victoria, nơi con tôi du học.
    Nếu được, xin cho biết thứ hạng của trường này.
    Đa tạ
    Hoàng Minh

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.