Thursday 1 August 2013

TUỔI RẮN VÀ TÔI


DÌ ÚT CABRAMATTA :: 


Thuở còn mài đủng quần ở mái trường Trung Học Đệ Nhất Cấp, tôi rất yêu thích bài thơ rắn của Lê Quý Đôn:
Chẳng phải Liu Điu vẫn giống nhà
Rắn đầu biếng học lẽ không tha
Thẹn đèn Hổ Lửa đau lòng mẹ
Nay thét Mái Gầm rát cổ cha
Ráo Mép chỉ quen phường lếu láo
Lằn lưng chẳng khỏi vệt năm ba
Từ nay Châu Lỗ xin siêng học
Kẻo Hổ Mang danh tiếng thế gia.
Chỉ vỏn vẹn 8 câu thơ Lê Quý Đôn đã quy tụ cả họ hàng Rắn: Liu Điu, Hổ Lửa, Mái Gầm, Ráo Mép, Hổ Mang. Bài thơ đối với tôi thật là một tuyệt tác. Nhưng bản thân tôi lại sợ và ghét Rắn vô cùng. Tôi sợ đến lạnh người, có thể chết giấc ngay lập tức nếu chẳng may bắt gặp chúng.
Có lẽ ghét của nào trời trao của nấy, nên cuộc đời tôi hệ lụy tới 3 người mang tuổi Rắn.

Thứ nhất: Mẫu Thân tôi

snakeNgày còn nhỏ tôi đã từng nghĩ không biết Bà có phải là Mẹ ruột của mình hay không?? Vì chưa bao giờ Mẹ tôi ôm lấy tôi hôn, chưa bao giờ Mẹ tôi mua bánh cho tôi ăn, chưa bao giờ tôi được ngủ với Bà. Bà luôn vắng nhà, Ngoại tôi nói Bà đi làm việc. Những lần hiếm hoi tôi gặp Bà, tôi thường bị ăn roi hơn là ăn quà. Hai trận đòn làm tôi nhớ đời, một vào năm 13 tuổi và một vào lúc tôi 17 tuổi. Tôi không nhớ rõ vì sao tôi ăn đòn, chỉ nhớ là tôi bị Bà đánh tới tấp bằng cây roi mây dài cả thước. Bà không bắt tôi nằm xuống để quất vào mông. Bà vụt vào tôi những lằn roi đầy trên lưng, trên người tôi, cộng thêm những lời đay nghiến mà tôi không hiểu Bà muốn nói gì. Khi trưởng thành và lăn lộn trong cuộc đời, vất vả với những lo toan, miếng cơm manh áo cho gia đình, tôi mới ngầm hiểu ra ngày xưa vì sao mẹ tôi đánh tôi??? Đó là vì bà cần có nơi để giải trừ bực dọc, có chỗ để tuôn ra những uẩn ức không thể nói với ai.

Nhưng Bà không biết Bà đã sai lầm khi phát tán những khó khăn, đau khổ của bà trên thân thể của tôi. Có lẽ những lằn roi ngày cũ còn in dấu mãi trong lòng nên tôi không… không biết nói thế nào…vì hình như tôi không thương Mẹ tôi như những người khác.

Khi nghe Hương Lan hát “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào...” hay là “ Mẹ là lọn mía ngọt ngào, Mẹ là nải chuối, buồng cau”.

Ngày Mother’s Day đọc rất nhiều bài hát ca tụng Mẹ, tôi nghe xót xa, tủi thân vô hạn. Tôi đã từng nhiều lần tự hỏi có phải vì: "ngày xưa ở Việt Nam, một nách nuôi bảy tám miệng ăn như Mẹ tôi là cả vấn đề, sự nghèo túng làm mẹ tôi phát điên hay là tại bản tánh Mẹ tôi như thế. Đánh đập con cái là kiểu răn dạy của Bà.”

Vì sợ các con khi lớn lên có những ý tưởng như tôi, nên lúc nào, cho dù khó khăn đến đâu, tôi đều thương yêu, lo lắng, đùm bọc, hy sinh cho các con với tất cả trái tim mình.

Ước mong tất cả chị em phụ nữ đừng đi vào vết chân của Mẹ tôi.

Thư quý chị trên đường phố Cabramatta tôi đã từng thấy có các bà mẹ, ông cha đánh các cháu khi các cháu vòi vỉnh điều gì. Mỗi khi cơn nóng giận bừng lên, là quý vị mất bình tỉnh, quơ gì đánh nấy. Chiếc dép, cán dù quất liên tu bất tận vào người đứa bé, hoặc là tát những cái tát nẩy lửa vào khuôn mặt các cháu trong cơn điên giận dữ của mình… Điều đó không nên. Vết đòn trên da thịt sẽ xóa đi theo ngày tháng, nhưng lằn roi in trong tâm tưởng sẽ ghi đậm mãi mãi suốt một đời người. Có khi còn ảnh hưởng đến tinh thần các cháu khi các cháu trưởng thành. Dĩ nhiên các cháu không ngoan, nhưng đánh không phải là biện pháp dạy dỗ đúng. Bị đòn nhiều lần sẽ làm các cháu càng trở nên lì lợm. Nhất là các chị không may phải sống đơn thân nuôi con, hoặc là bước đi thêm bước nữa. Vấn đề rất quan trọng: Chúng ta tuyệt đối không bao giờ làm khi mà chúng ta đang sống trong xã hội Úc, có thể chúng ta bị tước đi quyền nuôi con bởi Hội Bảo Vệ Trẻ Em. Nhưng hơn tất cả là chúng ta sẽ mất đi vĩnh viễn hình bóng mình trong tâm khảm con cái chúng ta.

Thứ hai: Gia Mẫu tôi

snake Mẹ chồng tôi chỉ nhỏ hơn bà ngoại tôi vài tuổi, Bà là một phụ nữ giàu sang ở tuổi xế chiều. Xã hội đổi thay theo năm tháng, nhưng không làm thay đổi được cung cách phong kiến của Bà. Khi tôi về làm dâu bà, tôi vừa tròn 24 tuổi, tuổi căng tràn nhựa sống với biết bao hy vọng ở tương lai. Nhưng tất cả đều tắt lịm dưới ánh mắt lạnh lùng, nghiêm khắc của Bà…
Ngoài giờ tới lớp, tôi không được rời khỏi nhà, chỉ quanh quẩn trong khuôn viên hạn hẹp của 2 gian nhà. Bên ngoài thềm nhà không đầy 2 thước là ngôi chợ quận, náo nhiệt rộn ràng từ 3, 4 giờ sáng đến giữa trưa. Thế mà tôi không hề dám bước chân ra. Nhà ở phố chợ liền sát vách nhau, tôi chưa bao giờ bước qua nhà bên cạnh. Cho đến bây giờ tôi vẫn tự hỏi??? "Sao mình như vậy được 8 năm”, có lẽ vì Bà rất yêu thương các con của tôi nên tôi cố gắng mà sống.
Bà rất hà tiện lời nói với tôi, nhưng khi các chị tôi (con gái của Bà) về thăm Bà, thì Bà chuyện trò cả đêm không biết mệt. Hằng ngày Bà ăn uống kham khổ. Quanh năm chỉ có cá Chốt kho xả, Ba khía trộn khế, canh xiêm lo bầu. Khi Bà ra chợ mua thịt về dặn tôi kho, nấu vài món là tôi biết các chị chồng tôi sắp về. Những điều gì các chị chồng tôi nêu ra với Bà đều đúng cả. Còn tôi chỉ biết vâng, dạ mà thôi.
Sau khi bị truất hữu ruộng đất bởi luật Người Cày Có Ruộng, bà mới hiểu rõ hơn các con gái của Bà. Bà đi vòng quanh thăm các con trai, gái và quay về nhà với tâm hồn trĩu nặng đau buồn.
Tôi biết Bà đã hiểu được ý nghĩa của 4 chữ Thế Thái Nhân Tình, từ đó bà thay đổi cách nhìn đối với tôi. Nhưng định mệnh vẫn trêu chọc tôi, Ngày 30-04-1975 đã đến, tiền bạc không còn, đau thương vây phủ. Tôi đã cùng Bà sống gian nan khổ cực.
Khi bà thật sự thương mến tôi, thì thời gian cuối cùng của Bà cũng không còn bao lâu. Lúc bà vĩnh viễn ra đi, bà vẫn ân hận vì đã không sớm hiểu và thương tôi.

Thứ ba: Anh Thứ Tư tôi

snake Anh Thứ Tư của tôi ngày còn nhỏ hay bắt nạt tôi. Tôi không thương Anh bằng Anh Thứ Ba. Tôi vẫn thường nói thầm trong bụng, người tuổi rắn nên dữ như chằn.
Nhưng người Anh này của tôi có biệt tài bắn chim bằng ná thun. Có hôm Bà Ngoại tôi vừa nói:
- Kìa có con chim sẻ.
Tôi chỉ nghe tiếng đạn đất sét vút lên là cánh chim sẻ đã rơi xuống sàn nhà.
Ngoài tài bắn ná thun. Anh Tư của tôi còn là một cầu thủ nổi danh trong Quận. Anh say mê bóng đá và là một xung phong vang tiếng của đội bóng Quận nhà.
Anh Tư là đứa con được cưng chìu trong gia đình. Anh ham chơi hơn ham học. Khi đến tuổi vào lính, Anh đăng vào Hải Thuyền và miệt mài xa nhà hơn 3, 4 năm. Khi Anh quay trở về nhà, Anh mang theo vợ và đứa con đang còn trong bụng mẹ. Cả nhà tôi không ai bằng lòng. Tôi phải cất công năn nỉ Ba Mẹ tôi một thời gian rất lâu. Về sau việc Anh có vợ... mới được cả nhà chấp thuận.
Chưa được bao lâu, Anh tôi lại bị Quân Cảnh bắt về tội đào ngũ. Anh bị đưa ra làm Lao Công Đào Binh trên chiến trường Tây Nguyên. Tôi lại một phen thay Ba Mẹ tôi lặn lội thăm nuôi Anh.
Sau ngày 30-04-75 Anh được trả về nhưng mang trong mình bệnh nghiện rượu. Anh uống rượu như hũ chìm. Mỗi lần say rượu Anh la hét om sòm rất phiền lòng hàng xóm. Anh uống rượu nhiền đến nỗi mang bệnh đường ruột và phải cắt bỏ đoạn ruột thòng. Tôi phải thay chị dâu lo cho Anh trong những ngày dài nơi bệnh viện.
Cho đến bây giờ, dù đã xa Anh một vòng quả đất, tôi vẫn phải lo cho Anh vì Anh đã già, không ai chăm sóc.
Nói tóm lại là: Tôi không có duyên với người tuổi RẮN. Rắn mang đến cho tôi những muộn phiền hơn là vui vẻ.
Tôi có đọc và nhớ rõ một câu trong một quyển sách dạy về thuật xem tướng phụ nữ của người xưa. Tác giả nói rằng: "các cô thiếu nữ có tướng đi, cong vẹo vòng lưng cộng thêm giọng nói ỡm ờ, nũng nịu đó là Xà tướng. Các cô này sẽ bị đánh rớt ngay vòng đầu trong cuộc tuyển chọn vào cung điện để nâng khăn sửa túi cho Vua".
Không biết câu chuyện trên có đúng hay không?? Riêng tôi chắc là tại tôi dị ứng với RẮN nên khi tôi quen biết ai tuổi rắn là tôi giựt mình và luôn cảnh giác, e dè.
Khi học lịch sử quê hương tôi rất kính quý các vị anh hùng dân tộc nhất là Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi. Buồn thay, rắn cũng là loài mang đến cho người anh hùng Nguyễn Trãi, tác giả bài Bình Ngô Đại Cáo, bản án oan khiên Chu Di Tam Tộc. Người Việt Nam nào trong chúng ta có thể quên được tình sử Lệ Chi Viên, một vết nhơ in đậm màu của giòng sử Việt.

DÌ ÚT CABRAMATTA
(Viết theo lời kể của Hạnh-Đào, Canada)

3 comments :

  1. Bà già trầu2 August 2013 at 08:19

    Bài này tui có đọc trên báo Van Nghệ Tuần Báo nhưng tác giả không phải là dì này , mà tác giả cũng nói là viết theo lời kể của Hạnh Đào, vậy là sao ? xin giải thích ?

    ReplyDelete
  2. Văn trôi chảy mặc dầu không bay bướm nên nói lên cái chân tình của người viết. Tác giả viết kỷ niệm không vui mà cầm được lòng thanh thản khi nhìn trở lại quá khứ. Khá khen thay!

    ReplyDelete
  3. Tui củng rất sợ rắn, như tác giả ,phải sống chung với rắn suốt đời, nhưng con rắn này quất quít khg rời nên tui hổng sợ nó, may mắn hơn Hạnh Đào 1 chút . Là nguời không cầm bút chuyên nghiệp mà Dì Út viết khá mạch lạc , khách quan về qúa khứ khg đựơc vui của mình , củng là tính tốt .

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.