Monday 5 August 2013

Những con cua trong giỏ!


đoàn xuân thu.

Tháng 4 năm 1975, người viết đang đi dạy học rồi đột nhiên mất nước, mất trường, ‘mất dạy’… nên không biết phải về đâu? Phần là gốc sĩ quan biệt phái, về quê cũ, lỡ có thằng cách mạng 30 tháng 4 cà chớn nào trong xóm nó ghét, nó điềm chỉ thì phải vô hộp cải tạo là ‘tàn đời hoa mộng’! Ở ngoài, nhà tù lớn, ăn bo bo đói rã ruột ra rồi mà còn phải đi học tập cải tạo, phải chui vô nhà tù nhỏ, không có ai thăm nuôi, thì bỏ mạng sa tràng là cái chắc. Cho nên phải nuốt nhục mà bám theo; chứ trong lòng ai nào có muốn vậy đâu! Chỉ thầm trách là ‘Nguyễn Tổng Thống’ ra đi mà không bảo gì nhau, không cho hay gì ráo trọi và cũng hỏng chịu dắt tui theo?



Như cua trong giỏ
(Hình www.tienphong.vn)

Trường mở lại, các thầy, các cô tứ tán khá nhiều nên thiếu… Trong khi chờ cho đám sinh viên Văn Khoa, Luật Khoa chuyển qua Sư Phạm học 6 tháng ra trường mà trám vào chổ trống đó thì chúng nó đành lưu dung tức là dung thứ ‘giáo ngụy’ cho dạy đỡ…để chờ ngày ‘đá đít’ chớ có tốt lành gì đâu mà hòa giải dân tộc như tía con nó thường hay ra rả?

K hoảng thời gian nầy người viết ngẫu nhiên quen với Nguyễn Viết Kỷ. Tay Kỷ nầy tốt nghiệp đại học Sư Phạm Vinh, (10+3), dạy văn, theo xe tăng Trung Quốc tràn vô Sài Gòn…rồi bò xuống Vị Thanh, (tỉnh Chương Thiện hồi xưa), nhẩy ngang hông lên làm giám hiệu.

Sau đó đụng chạm, giành ăn với cấp ủy địa phương về chuyện tiền nong, gái gú sao đó nên bị hạ tầng công tác chuyển về làm giáo viên quèn, dạy chung trường với người viết.

Bất mãn nên Kỷ thường rủ rê người viết ra chợ huyện nhậu chơi cho quên cái tình đời đen bạc, đồng chí với nhau mà nó nỡ chơi tui!

Thường đề tài trên bàn nhậu là chuyện văn chương cho nó ‘lành’. Chớ bàn chính trị lỡ nó ‘ốp’ mình thì sao. Trong cái chế độ đầy ‘tai vách mạch rừng’ nầy ai mà dám tin ai cho được phải không?

Có lần, anh ta thuật lại một giai thoại nầy hỏng biết có thiệt hay không? Người viết chỉ xin phép thuật lại nguyên xi như vầy hầu quý độc giả thân mến.

Chuyện rằng: Tố Hữu có làm bài thơ: Kính gửi Cụ Nguyễn Du! “Hỡi người xưa của ta nay. Khúc vui xin lại so dây cùng Người”?

Xuân Diệu nghe vậy, phê ‘lén’ Tố Hữu là: “Tài Tố Hữu chỉ tới cái đầu gối của Nguyễn Du” mà cũng đòi so dây cùng Người. Tại sao tài chỉ tới ngang cái đầu gối? Nghĩ cho kỹ thì thấy ông Xuân Diệu nầy ‘thâm’ thiệt?

Và hỏng biết tay nào mách lẻo mà tới tai ông trùm văn nghệ của Đảng. Chu choa! Ton hót lấy điểm như vầy chắc chết ‘tui’, nên mặt xanh như tàu lá chuối, chối bai bải là: “Em nào dám nói anh Lành như vậy đâu. Nó ‘cáo’ oan em đó. Hu hu!”

Tố Hữu, nhà thơ công thần của chế độ, leo lên tới Bộ Chính Trị, làm Phó Thủ Tướng giá lương tiền. Chọc tới ảnh là mất sổ gạo như chơi!

Giai thoại văn nghệ nào cũng thực thực hư hư. Cái thực là Tố Hữu đòi so dây với Cụ Nguyễn Du. Còn hư hư là biết ông Xuân Diệu có nói như vậy hay không? Hay là tay cung thủ nào đó đã bắn một mũi tên làm trúng một lượt hai con ‘chim’ cho bỏ ghét!

Sau Tố Hữu, Cù Huy Cận cũng là nhà thơ, cũng bò lên tới chức Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa. Khi ông về hưu rồi, ông Xuân Sách thấy giậu đã đổ nên bìm leo, bèn ‘giỡn mặt’ chơi cho đỡ lòng căm tức; chứ nếu ông Huy Cận còn tại chức mà viết như vậy là dám cùng chung số phận với Quang Dũng Đôi Bờ hoặc Hữu Loan Màu Tím Hoa Sim là về nhà đuổi gà cho vợ nhe em?

Xuân Sách dán nhãn ông Cù Huy Cận là nói dóc mà theo tiếng Hà Nội ngàn năm văn vật là nói dối! Rồi tiện tay ông ‘quất’ cho mấy câu: “Các vị La hán chùa Tây phương. Các vị gầy quá, tôi thì béo. Năm xưa tôi hát Vũ trụ ca. Bây giờ tôi hát Đất nở hoa. Tôi hát chiến tranh như trẩy hội. Đừng nên xấu hổ khi nói dối. Việc gì ủ mặt với mày chau. Trời mỗi ngày lại sáng có sao đâu!”

Thì ra một số nhà văn, nhà thơ miền Bắc đã dùng tài văn thơ của mình mà chửi bới, đấm đá, dẩm đạp lên nhau… vì kẻ ăn ngập mặt mà người lần không ra. Giành ăn rồi dùng thơ văn xỏ xiên nhau thiệt là bậy bạ quá! Mà ‘chơi’ nhau nặng quá, không ‘tình nghĩa giáo khoa thư’ gì ráo trọi? Sao không nghĩ có lúc mình lại phải gặp mặt nhau?

Thời Tây thuộc địa vậy mà còn đỡ hơn nhiều. Nhà văn, nhà thơ đều tự nguyện vác trên vai mình một thiên mệnh là khai trí nhân dân để chờ thời cơ giành độc lập! ‘Văn dĩ tải đạo’ chờ không phải ‘văn dĩ tà đạo’ như bây giờ.

Chính vì vậy mà anh bạn văn của người viết ‘bức xúc’ lắm? Anh còn mang máu Lục Vân Tiên trong người: Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha! Nên khi thấy chữ nào ‘Bên Thắng Cuộc’ dùng sai thì anh ‘bức’ và ‘xúc’ luôn cho sạch. Chuyện nào bố láo, bố lếu là anh la rùm lên “Bớ làng nước ơi! Coi mấy ‘giả’ viết tầm bậy tầm bạ như vầy nè trời!”

Chuyện văn chương mà anh bạn văn lại muốn ‘ân oán giang hồ’ chi vậy? Người viết thì ‘an nhiên tự tại’ và ‘an bần lạc đạo’. Chuyện ai muốn viết gì thì viết, sai đúng thì kệ người ta. Rảnh đâu mà gây thù chuốc oán vậy hả?

Anh bạn nhà văn thì không chịu cái tánh lè phè thường dân Nam Bộ của người viết nên rầy rà quá. Anh nói: Theo cụ Nguyễn Đình Chiểu ‘văn dĩ tải đạo’ và để chứng minh cái thiên chức của người cầm bút, anh bèn đọc cho người viết nghe bài thơ Nợ Bút Nghiên của La Quốc Tiến:

Về Ba Tri nghe người làng đồn rằng. Cụ Đồ Chiểu dù sớm mù đôi mắt. Về già, tai lại còn bị điếc. Nhưng mỗi khi muốn viết. Người đều bảo: "Hãy để ta tự tay mài mực. Các con múc cho thầy gáo nước. Ta cần rửa và lau mặt. Trước khi soi vào nghiên gương mặt của mình" Cụ Đồ gọi đó là chút nợ bút nghiên.”

Theo cụ Nguyễn Đình Chiểu viết văn là truyền bá cái đạo nghĩa thánh hiền. Và văn là người, nên khi cầm cây viết lên là lòng mình phải thật và tâm mình phải sáng, phải trong mới được!

Anh nói nhà văn, nhà thơ là phải học Cụ Nguyễn Đình Chiểu Lục Vân Tiên sống có tư cách như vậy mới được!

òn bây giờ vài ông văn sĩ Bắc Hà sau 75, tràn vô miền Nam trù phú kiếm ăn thì đáng chán và đáng ngán lắm chú ơi! Không thèm giữ gìn sĩ diện của nhà văn, nhà thơ gì ráo trọi?

Thay vì tìm hiểu nền văn học phương Nam sau 21 năm đất nước bị chia cắt (1954-1975) nó phát triển ra làm sao? Có cái nào hay; cái nào dở để học hỏi thêm mà mở mắt, sáng với người ta thì lại giở cái giọng huênh hoang, khoác lác một tấc tới trời của ‘Bên Thắng Cuộc’ mà chê bai vô lối ?

Mấy ‘ổng’ chứng tỏ ta đây là ‘duy ngã độc tôn’ nên đem Sơn Nam, một trong những nhà văn được coi là nổi cộm, nổi bật, nổi trội nhứt của văn học Miền Nam ra mà ‘dợt’ trước. Chưa chắc mấy ‘ổng’ có đọc hết và có hiểu nổi Sơn Nam không đi nữa mà dám mở miệng ‘phê bình’ như vầy:
“… Sỡ dỉ Sơn Nam không được lãnh giải thưởng gì đó ngoài trung ương, vì chỉ nhờ biết tiếng Tây, đọc các bài viết cũ rồi viết lại chứ không có công trình gì…”?

Đi xa hơn nữa là chê hết ráo:“Người Miền Nam nói chung, cả nhà văn nữa, viết như nói!”. Câu này có ý chê “Văn miền Nam dở.”(!?), do nói sao viết vậy, nhiều từ ngữ đời thường, câu cú không thành, ý tứ không chặt...”.

Bình tĩnh, từ tốn, Ông Sơn Nam ‘phản biện’ như vầy:
“... Không phải cứ ghi âm lại cuộc nói chuyện của người Nam Bộ là thành văn chương được đâu...Văn chương Nam Bộ có một cái gì khác nữa kìa. Đó là thứ văn chương gần với ngôn ngữ nói, không nặng trau chuốt mượt mà, làm mất đi bản sắc đời thường, vốn có những “góc cạnh” của nó!”.

“Với ‘Đồng quê’ của Phi Vân, ta thấy ‘văn nói’ nào phải lấy cái máy ghi âm để ‘thâu băng’ rồi phát ra, viên thơ ký đánh máy lại là xong. Đó là một kỹ thuật riêng, đòi hỏi tay nghề, câu nào phải cải biên, nói theo người viết nhạc là “biến tấu” lại, tóm gọn hoặc kéo dài ra. Chữ nghĩa trên trang sách khó diễn đạt lại giọng điệu hoặc bộ tịch của người nói. Về mặt nầy, tôi thấy Phi Vân lúc bấy giờ đâu khoảng ba mươi tuổi đã thành công”.

Như vậy nhà văn Sơn Nam đã đem ông Phi Vân (1917-1977) với tập truyện ‘Đồng Quê’ mà trong đó nổi tiếng cho tới bây giờ là truyện ngắn “Trao Thân Con Khỉ Mốc’ ra mà ‘đá’ với mấy tay ‘Bên Thắng Cuộc’ vì đừng ỷ mình làm lớn, quan chức văn nghệ rồi nói cho thơ ký đánh máy lại và lại gọi đó là văn chương?

Tuy nói vậy nhưng ông Sơn Nam bổn tánh xuề xòa của Hương Rừng Cà Mau dĩ hòa di quý, kẻo nó thù vặt lại mất công lo bể nồi cơm vì lẽ ‘cơm áo không đùa với khách thơ’?! Nên ông nói:

“Có thể nhiều người không thích lối văn này, riêng tôi lại khác. Thôi, đó là chuyện sở thích. Ai thích thứ gì thì tùy!”

Thôi! Cứ để cho dân ngu khu đen như tui đọc rồi sẽ biết ‘ông’ nào hay ‘ông’ nào dở liền hà?

T uy nhiên cây muốn lặng mà gió chẳng chịu ngừng! Giờ thì tới phiên mấy chú nhỏ… mà dám vuốt râu hùm! Xin quý độc giả thân mến đọc một đoạn ‘nhăng nhố’ nầy cho biết:

“Chơi với nhà văn Sơn Nam bền bỉ mấy chục năm nó không nói cho ông biết nó đọc gì của ông. Đến khi Sơn Nam sắp về trời nó mới liệt kê 14 cuốn sách của ông, kể cả cuốn Chuyện xưa tình cũ in năm 1958, năm nó mới hai tuổi, khiến Sơn Nam quá ngạc nhiên. Chưa hết, nó còn tính cho ông những gì ông chưa in thành sách, cả thảy hơn mười nghìn trang. Nghe thế Sơn Nam rưng rưng nước mắt, nói tao chết cũng vui rồi, ít nhất có một người nhớ tao, đó là mày.

…Dần dà mới biết chẳng những thơ nó hay, văn nó cũng hay không kém. Hai tập bút kí về đất rừng Cà Mau nó viết từ những năm tám mươi đến giờ đọc vẫn sướng. Đặc biệt mảng tản văn vài trăm cái về những nét đặc sắc văn hóa miền Tây và văn hóa Việt thì nói thật trừ Sơn Nam không ai bì được... Mình vẫn nói vui với bạn văn, nói thằng Tín là ông Sơn Nam đời mới. Anh Sơn Nam nghe chúng nó nói lại thì cười, nói Sơn Nam chỉ văn hóa Nam Bộ thôi, thằng Tín có cả văn hóa Việt. Tức Sơn Nam là một bộ phận của thằng Tín. Nói xong ông ngửa cổ cười lớn, như phát hiện điều gì to lớn lắm.”

Thiên hạ chắc cười cái rần khi thấy hai ‘chú’ nầy đem nhà văn ‘Sơn Nam’ vô làm cái cớ để vái lạy lẫn nhau?!

Phải thiệt vậy hông? Hay đặt chuyện bốc phét đây cho nổi? Sao tui nghi quá à nha? Ông Sơn Nam có nói vậy không? Chú nào nói dóc là ‘bà bẻ cổ’ đó nha!

Anh bạn văn và người viết đều nhớ rằng: Nhà văn Sơn Nam xưa giờ chưa có ‘Chuyện Xưa Tình Cũ’ nào hết ráo! Nếu có na ná là ‘Chuyện Xưa Tích Cũ’ viết chung với nhà văn Tô Nguyệt Đình xuất bản năm 1958 mà thôi.

Và cũng nên nhớ rằng ‘chú Tín’ nào đó sanh năm 1956, còn nhỏ hơn con gái lớn của nhà văn Sơn Nam là Đào Thúy Hằng tức Mỹ Linh tên gọi ở nhà, sanh năm 1951. Thì ‘chú Tín’ nầy còn chưa đẻ khi nhà văn đã cầm bút từ rất lâu trước đó! Sao dám đặt chuyện “Tức Sơn Nam là một bộ phận của thằng Tín!” cho được hỡi mấy ông nội con nít!

Còn nếu nói là giỡn chơi thì ít nhứt cũng phải chừa cái bàn thờ ra chớ? Giỡn chơi như vậy mà gọi là ‘nói vui’ thì người viết đọc thấy hỏng có cái gì ‘vui’ hết trơn hết trọi?!

Trộm nghĩ: Người viết văn, người làm thơ là người tao nhã và để xứng đáng với lòng độ lượng của độc giả xưng tụng, gọi mình là văn sĩ, thi sĩ thì nên cư xử cho nó đàng hoàng một chút! Đừng biến mình thành những con cua trong giỏ thấy ai trèo cao hơn mình mà quơ càng kéo xuống! Vì làm như vậy coi kỳ lắm nha hỡi các ‘nhà văn, nhà thơ… đáng kính’!


đoàn xuân thu.
Melbourne

0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.