Sunday 11 August 2013

Theo dõi tổng tuyển cử 2013: Thế trận và ý dân ở mức khởi hành

Hoàng Cổ Thu
Chủ nhật 4.8.13 vừa qua thủ tướng Kevin Rudd – sau 5 tuần trở lại ngồi ghế thủ tướng -- đã đến dinh toàn quyền liên bang xin giải tán quốc hội và tổ chức tổng tuyển cử. Tổng tuyển cử được định ngày thứ Bảy 7.9.2013. Nghĩa là các phe phái được năm tuần lễ để vận động tranh cử.

Bài đầu tiên trong loạt bài theo dõi tổng tuyển cử năm 2013 xin được trình bày về tương quan lực lượng giữa hai phe phái chính: Liên Đảng Tự Do-Quốc Gia và đảng Lao Động; đồng thời xin thưa với bạn đọc về dân ý khi các ứng cử viên ở mức khởi hành của cuộc đua.

Thành phần quốc hội hiện nay

Vì Úc theo thể chế đại nghị, đảng hay Liên Đảng chiếm đa số ghế tại hạ viện quốc hội thì được thành lập chính phủ. Hiện nay, Hạ viện quốc hội Úc có 150 ghế. Phe nào chiếm được quá bán (từ 76 ghế trở lên) thì thành lập chính phủ.
Kết quả bầu cử năm 2010, Liên Đảng thắng 73 ghế, đảng Lao Động thắng 72 ghế, đảng Xanh thắng 1 ghế, còn 4 ghế thuộc về các ứng cử viên độc lập. Từ trước, đảng Xanh đã ủng hộ đảng Lao Động. Thế là hai bên Liên Đảng 73 ghế -- Lao Động 73 ghế. Ai thu phục thêm dân biểu độc lập thì được quyền thành lập chính phủ. Bà Julia Gillard đi đêm và được 3 dân biểu độc lập ủng hộ. Kết cuộc, đảng Lao Động thành lập chính phủ nhưng chỉ là chính phủ thiểu số. Nếu dân biểu độc lập không còn ủng hộ nữa, chính phủ Gillard đổ nhào.

Xem thêm thành phần quốc hội hiện nay.





Ở mức khởi hành

Ở mức khởi hành cho cuộc đua năm nay, đảng Lao Động yếu hẳn so với Liên Đảng. Dựa trên số ghế hiện có, đảng Lao Động muốn giữ chính quyền cần phải thắng thêm ít nhất hai ghế vì hai dân biểu độc lập ủng hộ họ đã rút lui không tranh cử. Nhưng ghế của hai dân biểu này đang bị đảng Quốc gia nhất định giành lại cho mình. Thêm nữa, dân biểu độc lập Andrew Wilkie đơn vị Denison (TAS), người ủng hộ phe Lao Động ngay từ đầu, không nhiều hy vọng giữ được ghế vì chỉ cần 1.2% cử tri thôi đánh số 1 cho ổng thì ổng... về vườn.

Nhưng liệu Kevin Rudd có làm được gì không? Chúng ta hãy chờ xem.



Nếu Newspoll vào ngày 4.8.13 đúng
 thì kết quả tổng tuyển cử năm nay sẽ là: Liên Đảng thắng 83 ghế
 và Lao Động thua với 64 ghế.
(do Antony Green tính toán
và đăng trên abc.net.au)
Dựa vào kết quả bầu cử năm 2010, năm nay chỉ cần 1% số phiếu nghiêng về Liên Đảng, phe Lao Động sẽ mất thêm 4 ghế. Nếu 3% cử tri bỏ Lao Động thì chính phủ này mất 10 ghế. Nếu trong đêm kiểm phiếu, chúng ta thấy các thầy bàn cho rằng Lao Động bị “swing” 5% thì 14 ghế màu đỏ sẽ đổi màu. Tình trạng có thể bi đát cho ông Kevin Rudd nếu 6% số phiếu nghiêng về phía Liên Đảng thì ông Kevin Rudd phải “giọt ngắn giọt dài” chịu thua và ai làm thủ lãnh đối lập thì sẽ thấy một dún nhỏ Lao Động tại hạ viện mà thôi.

Vì vậy, không ngạc nhiên gì gần đây người ta không bàn đến việc thắng thua mà chỉ xem xét đảng Lao Động sẽ thua thảm như thế nào. Đây cũng là lý do chính khiến phe Lao Động đi đến quyết định thay ngựa giữa giòng đưa ông Kenvin Rudd lên thay thế bà Julia. Mọi người cũng không ngạc nhiên khi ngay cả các “chiến hữu” thân tín của bà Gillard cũng bỏ nữ tướng mà quay qua ủng hộ ông Kevin Rudd.


Rủ áo từ quan

Thêm đặc điểm khác trong tổng tuyển cử năm nay là có nhiều dân biểu đương nhiệm rủ áo từ quan. 25 dân biểu đương nhiệm đã chọn con đường ‘đuổi gà cho vợ”, bao gồm 13 của đảng Lao Động, 10 của Liên Đảng và 2 độc lập.
Đáng để ý là trong khi đa số các dân biểu Liên Đảng về hưu do tuổi tác cao: 8 người hơn 64 tuổi. Trong đó cao tuổi nhất là các ông Paul Neville, đơn vị Hinkler, 73 tuổi; ông Alby Schultz, đơn vị Hume, 74 tuổi. Hai người trẻ nhất là ông Tony Crook,đơn vị O’Connor, đảng Quốc Gia, 54 tuổi; và ông Patrick Secker, đơn vị Baker, đảng Tự Do, 57 tuổi. Tất cả “tự ý” rút lui, ngoại trừ dân biểu Patrick Secker là phải rút lui vì không thắng vòng đề cử trong nội bộ đảng.
Trong khi đó, đồng viện Lao Động lại từ giã chính trường khi đời còn trẻ. Cao tuổi nhất là ông Simon Crean 64 tuổi. Hai người trẻ nhất là bà Kirsten Livermore, đơn vị Capricornia, 43 tuổi và bà Nicola Roxon, đơn vị Gellibrand, 46 tuổi.
Sự khác biệt về các dân biểu về hưu giữa hai phe phản ảnh tình trạng bất ổn và mất lòng tin trong nội bộ đảng Lao Động. Chắc là họ không thấy đảng mình có thể thắng cử nên đã lựa chọn rút lui trước trong danh dự. Ngoài ra, nhiều dân biểu từng giữ chức bộ trưởng đã tuyên bố rút lui sau khi ông Kenvin Rudd lật đổ bà Julia Gillard tháng Sáu. Trong đó có các gương mặt gạo cội như Greg Combet, Craig Emerson, Peter Garrett và Martin Ferguson. Hiển nhiên, gạo cội nhất vẫn là cựu thủ tướng Julia Gillard. Bà phải nghỉ cuộc chơi khi chớm 51 cái xuân xanh.

Peter Beattie tái xuất giang hồ


Do đó, thủ lãnh đối lập Tony Abbot đã không sai khi gọi nội các của ông Kenvin Rudd là đội hạng B. Hạng B vì thiếu vắng các dân biểu nhiều kinh nghiệm ở hàng ghế trước.
Để lấp đầy chỗ trống do dân biểu đương nhiệm bỏ, đảng Lao Động phải tìm khuôn mặt quen với cử tri để thay thế. Trong ngày thứ Tư của cuộc đua kéo dài 33 ngày, người ta được tin ông Peter Beattie, cựu thủ hiến Queensland, đã gật đầu tái xuất giang hồ dưới trướng Lao Động.

Cựu thủ hiến Queensland,
ông Peter Beattie tái xuất giang hồ.
(Hình The Sydney Morning Herald)
Ông Peter Beattie làm thủ hiến tiểu bang Queensland từ năm 1998 đến năm 2007. Ông chưa bao giờ thất cử. Năm 2007, ông tự ý rút lui nhường chỗ cho bà Anna Bligh. Trong thời gian nội bộ đảng Lao Động chia rẽ giữa Thủ tướng Bob Hawke với tổng trưởng kinh tế Paul Keating và thủ tướng Julia Gillard với ông Kevin Rudd, ông Peter Beattie đều lên tiếng kêu gọi đoàn kết.
Sau Bob Carr (cựu thủ hiến NSW), ông Peter Beattie từ chính trường tiểu bang nhảy qua chính trường liên bang. Ứng cử viên Peter Beattie sẽ tranh ghế Forde (phía Nam thành phố Brisbane). Ghế này do dân biểu Bert van Manen (đảng Quốc Gia – Tự Do, trong Liên Đảng) nắm giữ với tỷ lệ hơn 2% số phiếu. Peter Beattie dám thắng lắm đa!

Hay tin cựu thủ hiến Peter Beattie gật đầu giúp Lao Dộng một tay (và một ghế), thủ tướng Kevin Rudd vội vàng bỏ ngang vận động tranh cử tại phía Tạy Sydney mà bay lên Queensland.

Dân ý khi vào trận

Thủa Úc còn sống dưới váy nữ thủ tướng đầu tiên, kết quả thăm dò ý kiến cử tri đều cho thấy: chính phủ Lao Động Úc chỉ có thất cử đến thất cử. Câu hỏi không còn thất cử hay không mà là thua đậm như thế nào. Báo chí dám dự đoán đảng Lao Động có thể chỉ còn mươi ghế mà thôi.
Trước kết quả thăm dò này, ngày 26.6.13 ông Kevin Rudd tái xuất giang hồ . Thích hay không thích ông Kevin Rudd, đảng Lao Động phải thầm cám ơn ông Kevin Rudd 2.0 này. Trong tuần lễ là thủ tướng (tập nhì), ông Kevin Rudd đẩy tỷ lệ cử tri ủng hộ Lao Động thêm được 6 điểm. Vào ngày đầu tiên của cuộc vận động tranh cử kéo dài 33 ngày hiện nay, phiếu đánh số 1 dành cho đảng Lao Động đã dọt lên đến mức 37%.
Ai ủng hộ đảng Lao Động đã thấy mở cờ trong bụng. Tuy nhiên, 37% phiếu đánh số 1 này vẫn chưa đủ để lật ngược thế thượng phong do Liên Đảng Tự Do - Quốc Gia nắm. Newspoll vào ngày 5.8.13 cho thấy 44% cử tri Úc có ý đánh số 1 cho ứng cử viên Liên Đảng Tự Do - Quốc Gia khi họ bước chân vào phòng phiếu.
Dựa vào thỏa thuận trước giữa các ứng cử viên, nhân viên kiểm phiếu sẽ dồn lá phiếu của người thất cử cho ứng cử viên hàng đầu. Ứng cử viên nào được 50% cộng với 1 phiếu thì được tuyên bố đắc cử. Người ta cho rằng kết quả chung cuộc trong đêm kiểm phiếu thứ Bảy 7.9.2013 có thể sẽ là 52% phiếu cho Liên Đảng và 48% cho Lao Động.
Thế là: chính phủ đổi từ màu đỏ sang màu xanh lục.

Tony Abbott hay Malcolm Turnbull?


Vin vào kết quả thăm dò ý kiến cử tri, ông Kevin Rudd đã tuyên bố mình vào trận với thế “dưới cơ” so với thủ lãnh Tony Abbott.
Oái oăm thay! Mặc dầu đảng Lao Động dưới cơ, xem chừng cử tri lại khoái ông ngoại đeo mắt kiếng hơn võ sỹ quyền anh. Được hỏi khoái ai làm thủ tướng, 47% chọn ông Kevin Rudd mà chỉ có 33% thích sống dưới quyền cai trị của ông Tony Abbott.
Ngoài hai đảng lớn, chính trường Úc còn có nhiều đảng nhỏ khác. Trong lần tổng tuyển cử trước, Xanh được 11.8 cử tri ủng hộ và được một ghế tại hạ viện. Năm nay, Xanh vào trận với 9% cử tri ủng hộ và chưa biết có thể giựt lại chiếc ghế mong manh tại Hạ viện hay không. Ngoài Xanh, năm nay cử tri Úc còn được quyền chọn một đảng mới tinh. Đảng này do tỷ phú Clive Palmer lập và mang tên Palmer United Party (viết tắt thành PUP).
Thủ lãnh đảng Palmer United Party
(Hình tại trang web chính thức của đảng PUP)
Ra quân lần đầu, tỷ phú Clive Palmer hứa hẹn cắt cử đàn em tranh ghế tại tất cả đơn vị bầu cử trên toàn nước Úc. Tỷ phú này thu hút được khá nhiều nhân vật nổi danh trên thương trường về dưới trướng. Nhưng người ta tin rằng đảng PUP chưa làm nên cơm cháo vì phần lớn ứng cử viên PUP chỉ là tay mơ trong chính trường.
Thật vậy, ông Palmer không hy vọng trở thành thủ tướng trong ngày 7.9.2013. Hy vọng lớn nhất là nắm cán cân quyền lực rủi mà xảy ra “bất phân thắng bại” như tổng tuyển cử năm 2010.
Được biết: Ngán cảnh hai thủ lãnh lớn nhất nước phải quỳ gối năn nỉ dăm ba dân biểu độc lập hay đảng nhỏ để được thành lập chính phủ, ông Tony Abbott đã nhanh miệng tuyên bố: Rủi mà bất phân thắng bại mà phải thành lập chính phủ thiểu số thì không có Tony này làm thủ tướng nghen! Bắt ngay lời tuyên bố này, đảng trưởng đảng PUP, Clive Palmer cho biết: Khi kết quả tổng tuyển cử năm 2013 cũng giống kết quả năm 2010 thì Palmer này sẽ ra lệnh cho đàn em dìu Malcolm Turnbull vào dinh The Lodge.

Vậy là cử tri chăm chút bầu cho Kevin Rudd hay Tony Abbott, dám kết quả lại là ông Malcolm Turnbull làm thủ tướng lắm đa!
Xin hẹn bạn đọc vào thứ Sáu tuần tới.

Hoàng Cổ Thu

0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.