Monday 5 August 2013

Những người đi khắp thế gian


Lương Văn Quang ::

Một bạn học cũ   từ thời phổ thông của tôi sắp cùng vợ và hai con từ Việt Nam sang định cư tại Canada. Cậu ấy nhắc đến câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” trong thư hỏi tôi kinh nghiệm sống ở Hải ngoại vì biết tôi đi nhiều và sống nhiều năm ở các nước, các Châu lục khác nhau. Khi trả lời cậu ấy, tôi bàn luận thêm về câu ngạn ngữ đó, liệu có đúng không và đúng đến đâu?


Câu đó không đúng ở chỗ, có khi không cần đi cũng có thể biết mọi chuyện như trong Tam Quốc chí. Điển tích Lưu Bị “Tam cố thảo lư” (Ba lần đến lều tranh) mới gặp được Gia Cát Lượng Khổng Minh vào lúc Lưu Bị đã lang bạt, bôn ba nửa đời người, còn Khổng Minh mới 28 tuổi, chưa đi đâu ngoài xứ Tân Giã quê mùa. Vậy mà khi bàn thế sự, Khổng Minh đã thao thao bất tuyệt, đưa ra ý tưởng về thế chân vạc, chia ba thiên hạ, làm Lưu Bị mồ hôi toát ra như tắm, đắm đuối chuyện trò liền 3 ngày 3 đêm. Lưu Bị cầu khẩn và mời Khổng Minh thống lĩnh toàn bộ binh quyền, lập ra nhà Thục sau này.




Đi khắp thế gian
(Hình www.aimcentre.com.au)
Trong thời đại Google ngày nay, ngồi một chỗ cũng có thể biết hết tất cả, và còn free không mất tiền. Ví dụ để tìm ra một lượng kiến thức, thông tin về nước Úc nhiều hơn sự hiểu biết của người Úc, trung bình thì chỉ cần 1 ngày search đi search lại (nên gọi là research), cả thế giới có 200 nước, cần tối đa 200 ngày mà không cần đi đâu cả.

Gọi là đi chơi mà lại phải học nọ học kia thì mệt quá. Tất nhiên nó phụ thuộc đi như thế nào, đi 3 ngày, 3 tháng hay 3 năm, dù muốn hay không, đương nhiên là có những cảm nhận rất khác nhau.

Mấy Ông Bà cán bộ, nhà nước Việt Nam ngày nay sướng cái là luôn được đi du lịch miễn phí. Có Ông cán bộ nọ khoe bộ sưu tầm hết sức đầy đủ các bức ảnh đứng bên tháp Eiffel Paris, Nữ Thần Tự Do tại NewYork, Kim Tự Tháp vùng Cairo,…nhưng sự hiểu biết của Ông ta về Pháp, Mỹ hay Ai Cập thì rất hạn chế. Bởi vì đi đến đâu Ông cũng chỉ ở trong khách sạn mà bất kỳ khách sạn nào trên thế giới cũng giống nhau; ra khỏi khách sạn thì ngồi trên xe hơi mà ô tô nào cũng ngần ấy bánh xe, bộ phận; ông không hề đến thư viện hay tiệm sách để sưu tầm tài liệu, sách báo những nơi có thông tin quý giá và cập nhật hơn internet, và với tiếng Anh củ chuối thì chẳng có thể nói chuyện được với ai để tìm hiểu tình hình.

Tôi không ghen tị với mấy Ông vì thích đi cùng gia đình hơn, coi đó như là cơ hội vợ chồng, con cái được gần gũi, trải nghiệm cùng nhau. Năm 2010, cả nhà tôi làm một chuyến du lịch vòng quanh châu Âu. Đi 15 đêm, chỉ ngủ khách sạn một đêm tại Venice (Ý) còn toàn ăn nhờ ở đậu với bà con bạn bè, hoặc thuê nhà người bản xứ. Được cái đó nó vừa đỡ chi phí vừa đầm ấm, thú vị, mình mới thấy sinh hoạt thường nhật ở xứ đó ra sao, mỗi nơi đều có những cái rất khác lạ. Về vấn đề đi lại, cả nhà tôi tự lang bạt không có ai dắt đi, muốn đi đâu thì đi, muốn nghỉ đâu thì nghỉ, thực sự đúng ý nghĩa là một cuộc phiêu lưu. Hai đứa con gái của chúng tôi lúc đó mới 5 và 3 tuổi, nhưng cháu cảm nhận được đầy đủ hơn mình tưởng, các cháu vẫn kể chuyện với bạn bè về chuyến đi một cách rất thích thú.

Không như người Tàu, người Việt, người Nhật rất ít du học nước ngoài, riêng tại Úc thì họ chỉ đến để học tiếng Anh. Nhớ lại năm 1994, khi mới sang Úc theo diện du học “cày nhiều hơn học” (du học tự túc), tôi học tiếng Anh tại Trung tâm của trường Monash University, nơi đó có đến một nửa là học viên người Nhật, với đủ các thể loại, từ học sinh Trung học đến sinh viên Đại học và có cả những bác ngoài 50 tuổi. Họ thường đi học tiếng Anh qua những khóa 10-12 tuần, kết hợp đi du lịch luôn. Vật giá sinh hoạt bên Úc rẽ hơn Nhật, nên họ không cảm thấy tốn kém. Nếu đi liền 3 năm, mỗi năm 12 tuần thì khả năng Anh ngữ sẽ cải thiện đáng kể.

Nhưng phải sống ở đâu 3 năm trở lên, nhất là khi bị rơi vào tình thế buộc kiếm tiền thì có lẽ mới đủ hiểu về cuộc sống và nét đẹp văn hóa ở đó. Lo cho bản thân mình ở chốn đất khách quê người đã không dễ, lo cho cả gia đình lại càng khó hơn. Bây giờ chúng tôi phải đảm bảo cho gia đình 4 cái miệng ăn, mỗi tháng nhẹ nhàng cũng phải $4000 (riêng tiền nhà đã hết một nửa), nhưng luôn hãnh diện vì được đứng trên đôi chân của chính mình và đồng tiền làm ra bằng sức lao động lương thiện, chân chính.

Cũng tưởng mình đã khôn, nhưng chưa đâu. Nếu so sánh với mấy thằng Tây ba lô, Nhật lùn, chỉ cần có mảnh bằng chuyên môn, vậy mà sang Việt nam được mời làm lương cao ngất ngưởng. Sau dăm bẩy năm về nước thế nào cũng ôm một mớ tiền, bonus thêm một cô vợ Việt trẻ đẹp.

S ống ở Úc, nơi có đến 90% là người da trắng, tôi tự nhủ cố học hỏi được cái gì, kẻo mang tiếng là tốn cơm, tốn gạo. Bọn Tây có 2 cái hay, đó là cách chúng sử dụng lời nói và khả năng thích ứng trong các hoàn cảnh khác nhau.

Nhà tôi có shop thì biết, khi đưa ra một bộ quần áo chào hàng, khách Việt sẽ nói “xấu thế này mà sao đắt thế?”. Sôi máu trong người, muốn chửi thề và tìm cách đuổi khéo đi cho khuất mắt, nhưng đành nén giận, cố gắng phục vụ khách hàng lịch sự, mặc dù phải mất nhiều thời gian. Nếu căng hơn thì sẽ cãi lộn. Nhiều khi bạn bè thân thiết cả chục năm, chỉ vì một câu nói mà cạch mặt nhau đến chết.

Tây thì khác, nó bảo “It’s lovely, I realy like it”. Nhưng chồng tao đưa tiền cho tao mà tao tiêu hết cả, mày bớt chút đỉnh nhé, tuần sau tao đến đây nữa. Bán xong mới biết làm gì có tuần sau. Vốn biết khách hàng ăn không nói có mà mình vẫn phải dịu ngọt với nó.

Đó là chuyện ngoài đường, chuyện trong nhà cũng vậy. Có ai đêm nằm vắt tay lên trán mà đếm thử xem, trong ngày mình đã nó bao nhiều câu nói làm vợ con, chồng con mình vui, bao nhiêu câu làm vợ con, chồng con mình buồn, như những câu sai khiến, chê bai, phàn nàn, la lối…Chắc là những câu tiêu cực nhiều hơn những câu tích cực.

Còn trong gia đình Tây, họ thường xuyên nói ra được những câu mà vợ con, chồng con buộc phải thưởng cho một cái hôn, hoặc một cái ôm âu yếm. Nhưng không phải vì thế mà bảo chúng sống thiếu kỷ luật hay thiếu nguyên tắc.

Cuộc sống không có mục đích gì khác hơn là vui vẻ, hạnh phúc và lời nói là một cách hữu hiệu để đạt điều đó.


Đi nhiều và sống nơi khác nhau
không chỉ là để khám phá thế giới
mà chính là khám phá bản thân mình.

(hình mcanetworkacademy.com )

Về khả năng thích ứng của bọn Tây cũng là cái rất đáng học tập. Có thể nói không quá lời rằng chúng có thể sống ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, bất kể Á, Phi, Mỹ La tin, kể cả trong rừng rậm hay ngoài hoang mạc. Nếu cần, chúng ăn uống rất đơn giản, mỗi bữa 2 lát bánh mì quệt bơ là xong. Có rượu bia thì uống, không có không sao, tu vòi nước công cộng cũng OK. Mặc của họ xuề xòa, không cần sĩ diện, trưng diện với ai. Chúng cũng không cần dọn 3 bữa ăn hàng ngày như người Việt. Họ không coi mua nhà riêng là một trong những mục tiêu của cuộc đời, vì thế đa số bọn Tây đi ở nhà thuê, dù có khả năng mua.

Những đức tính đó làm nên sức mạnh cho bọn chúng, để chúng ganh đua và kiếm được việc làm, kiếm được tiền trong những hoàn cảnh, môi trường khác nhau. Tôi nghĩ sở dĩ bọn Tây làm được như vậy do chúng hay đi và đã từng sống ở nhiều quốc gia khác nhau.

Đi nhiều và sống nơi khác nhau không chỉ là để khám phá thế giới mà chính là khám phá bản thân mình. Lúc đó mình mới biết mình cần gì, muốn gì và có những khả năng gì.
Vợ chồng tôi đã tính, khi các cháu nhà tôi đủ 14 tuổi, tuổi được phép đi làm tại Úc thì sẽ cho các cháu xin bán hàng tại McDonald's hay KFC, mỗi tuần 1-2 buổi. Mọi người sẽ e ngại, đi làm có ảnh hưởng đến việc học hành không? Tất nhiên là có, làm chúng mất thời gian, sự chú tâm và sẽ sao lãng việc học ít nhiều.

Nhiều người dễ dàng đồng ý rằng street-smart quan trọng hơn school-smart, kỹ năng mềm quan trọng hơn kỹ năng cứng. Đã qua rồi cái thời có thể “dùi mài kinh sử” để thành tài. Chính vì thế chúng tôi có suy nghĩ làm sao để con cái mình phải được học hỏi từ cuộc sống, cái đó là đáng ưu tiên hơn so với giáo dục từ nhà trường hay gia đình. Khi chúng đi làm, là lúc chúng phải deal với khách hàng, với đồng nghiệp và với boss, làm sao phải làm hài lòng tất cả thì chúng mới có chỗ đứng, mới kiếm được tiền. Kiếm được tiền thì cũng biết cách tìm cách tiêu tiền sao cho xứng đáng.

Thêm vài năm nữa, đến tuổi 18-20, chúng tôi ước mong các cháu đi du lịch khắp thế gian, để trải nghiệm và hun đúc bản lĩnh cho cuộc sống còn hết sức dài lâu ở phía trước.

Lương Văn Quang

4 comments :

  1. Cô Năm Melbourne6 August 2013 at 06:42

    Cách nói chuyện của Tây thiệt là đáng cho người mình học hỏi. Nhớ hồi mới tới, tôi đi học Anh văn. Tiếng Anh của tôi như c... mà cô giáo cứ khen hết good rồi lại very good và exellent!
    Nhờ vậy mình đỡ mắc cỡ.

    ReplyDelete
  2. Thiệt tình người mình còn học hỏi Úc nhiều chuyện khác nữa. Đúng giờ là một. Tôi ngán cảnh mời người Việt Nam đến nhà ăn cơm lắm. Cơm nấu xong xuôi mà khách thì luôn luôn chậm.
    Còn mình đến đúng giờ thì chủ nhà lại chưa nấu xong cơm!

    ReplyDelete
  3. Người Việt7 August 2013 at 23:11

    Một cái hay nửa của người da trắng nói chung là họ biết cách tranh luận :tha hồ cải tha hồ đấu khẩu , nhưng nói xong thì thôi , không có chuyện tôi đúng , Anh sai, không có chuyện để tâm , thù vặt . Đó cũng là điều ta nên học .

    ReplyDelete
  4. Thêm một điều học nữa khi đi du lịch là mở cái bụng ăn các thức ăn của người. Người du lịch nhiều thì biết thưởng thức nhiều món ăn. Còn người bo bo ở nhà chỉ biết ăn cá kho với rau muống. Cheese thì chê thối . Trừu chê hôi....

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.