Monday 19 August 2013

Người Việt vẫn còn vượt biên


Việt Luận :: 

Xế chiều ngày 26.4.1976,   chiếc thuyền mộc mạc KG 4437 – thường gọi là chiếc Kiên Giang – lạch bạch đánh một vòng quanh bến cảng Darwin, Úc. Thuyền Kiên Giang chở theo năm người đàn ông Việt Nam. Họ được coi là thuyền nhân Việt nam đầu tiên cập bến Úc.

Từ đó đến gần đây, đã có thêm 2,059 người Việt Nam cập thẳng vào bến bờ Úc. Gần đây nhiều người từ các nước bị chiến tranh tàn phá như Afghanistan, Iran và Sri Lanka cũng tìm đường vượt biên sang Úc. Phấn lớn đáp máy bay đến Indonesia rồi mua thuyền bè vượt biển sang Úc. Trong năm 2012 đã có 5,459 thuyền nhân cập vào Úc. Năm nay, con số này đang tăng lên gấp bội.

Trước con số tăng lên này, chính phủ Úc ra biện pháp khắc nghiệt chưa từng thấy: thuyền nhân đến Úc sẽ không bao giờ được định cư tại Úc. Lời nhắn này đang được quảng cáo tại Úc và cùng khắp thế giới bằng nhiều thứ tiếng. Trong đó có tiếng Việt Nam.
Ông Lam TacTam, thuyền nhân Việt Nam  đầu tiên cập vào Úc
(Hình SBS.com.au)

Điều ai ai cũng biết là đang có mặt tại Úc nhiều thuyền nhân Việt Nam và thuyền nhân người Việt bị giam giữ nhiều nơi tại Úc. Có lẽ người ta không được biết có thuyền nhân Việt Nam bị giam tại trại Scherger, nằm phía trên mỏm cao nhất của tiểu bang Queensland, nếu bảy thuyền nhân Việt không trốn trại. Bảy thuyền nhân này leo qua hàng rào trại Scherger, bên ngoài thị trấn khai mỏ Weipa. Cả bảy tìm tới phi trường Weipa mua vé máy bay đi Cairns. Một thuyền nhân khác trễ hẹn nên phải lội bộ 25 cây số đến phi trường. Khi thuyền nhân này tới nơi thì máy bay đã cất cánh. Sáu người tới trước bay đi Cairns và bị bắt khi bước vào Pullman Reef Casino. Sau chuyến trốn trại bất thành này, thuyền nhân Việt Nam bị chuyển về trại Villawood, phía Tây thành phố Sydney, tiểu bang NSW.

Phần lớn thuyền nhân Việt Nam bị giam tại đảo Christmas. Nhưng vào tháng Tư năm nay, Úc đã chuyển một nhóm 20 thuyền nhân Việt Nam sang đảo Manus, Papua New Guinea. Tất cả đều là đàn ông. Mới đây từ đảo Manus, đã có ít nhất 15 thuyền nhân Việt Nam đành trở về cố hương vì thấy mình cho dầu được coi là tị nạn vẫn không được định cư tại Úc mà tại Papua New Guinea.

Chủ nhật tuần này lại thêm 81 thuyền nhân bị chở từ đảo Christmas xuống đảo Tasmania và giam tại Pontville Detention Centre. Thế là trại giam này phải chứa 357 thuyền nhân. Phần lớn người bị giam tại đây là thuyền nhân từ Afghanistan, Sri Lanka và Việt Nam. Hơn nữa, người bị giam lại là thanh thiếu niên vượt biển một mình. Người ta hy vọng các em được đi học và nếu có gia đình nào nhận nuôi thì các em có thể được sống đời sống bình thường như các thanh thiếu niên khác.

Thuyền nhân và tị nạn là hiện tượng của thời đại chúng ta. Họ phải bỏ nhà cửa ruộng vườn để tìm nơi dung thân. Phần lớn chúng ta là thuyền nhân. Nhưng bên cạnh thuyền nhân, còn có nhiều đồng bào Việt phải làm “người rơm” trốn sang Anh, ”tuột xích” trốn ở Ba Lan, Tiệp Khắc. Không phán xét lý do khiến họ phải ra đi mà để ý tìm cách xoa dịu nỗi đau của người xa xứ.

Xoa dịu bằng cách nào? Thế giới chưa tìm ra giải pháp vì không ai muốn phanh phui cho đến tận căn nguyên khiến cho con người phải đi tìm đất sống. Mới nhất, chính phủ Úc tung ra giải pháp Papua New Guinea. Ông John McCarthy, nguyên đại sứ Úc tại Việt Nam viết chí lý: Giải pháp Thái Bình Dương của thủ tướng John Howard và giải pháp Papua New Guinea của thủ tướng Kevin Rudd khiến cho người ta thấy nước giàu đẩy gánh nặng thuyền nhân cho nước nghèo (The Age 15.8.13).

Trong lúc chờ đợi thế giới ra tay diệt tận gốc tệ nạn sinh ra nạn tị nạn có lẽ các quốc gia bình yên nên mở rộng hơn tấm lòng. Trong mấy năm gần đây, truyền thông làm cho dân chúng Úc có ấn tượng lục địa này đang bị người tị nạn tràn ngập. Thật ra trong năm 2012, nước Úc chỉ nhận gần 30,000 người tị nạn định cư. Với con số này, tổ chức UNHCR sắp hạng Úc là nước nhận tị nạn vào hạng thứ 49 trên thế giới. Nhưng so với tỷ lệ dân số thì quốc gia nhận nhiều người tị nạn nhất thế giới lại là Jordan. Ờ quốc gia Trung Đông này, cứ 1,000 người dân thì có 72 người tị nạn. Trước khi có giải pháp Papua New Guinea, báo chí dự đoán thuyền nhân trên đường đến Úc có thể lên đến 50,000. Nhưng con số này sẽ không thấn vào đâu nếu người ta biết rằng quốc gia nghèo như Pakistan đang phải nuôi lên đến 1.6 triệu người tị nạn.

Xin nhớ cho vào năm 1975, đã có thủ tướng Úc tỏ ý không muốn có hàng trăm "f.. king Vietnamese Balts” đến đây. Vài chục năm sau, nước Úc phải nhìn nhận người Việt Nam đóng góp nhiều cho đất nước này. Hôm nay, một số cũng ngần ngại như cách đây 38 năm. 38 năm nữa, người ta sẽ có cái nhìn khác.

Việt Luận

1 comment :

  1. Có tin vào Chủ nhật 18.8.13, năm thuyền nhân người Việt Nam đã trốn khỏi trại Northam Detention Centre, phía Đông thành phố Perth, Tây Úc.

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.