Monday 22 July 2013

“Mình ông giữ đến hai bồ, ớn chưa?!”


đoàn xuân thu.

Thưa quý độc giả thân mến!  Người viết có anh bạn văn cũng in đâu được vài chục cuốn sách để dành tặng bằng hữu vì một lẽ dể hiểu là bán hỏng ai mua?

Anh bạn văn vốn chữ nghĩa đầy một bụng, cũng từng thành thực thú nhận rằng anh có cái tật xấu là hay cà khịa! Nhứt là về phương diện văn chương, chữ nghĩa. Mà về văn chương chữ nghĩa thì lại dính tới các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà đài. Mà nhà nào thì chữ nghĩa cũng dài như rau muống biển! Nên quý vị danh giá đó không hề thích ai ‘cà khịa’ mình rồi. “Tui viết vậy đó! Rồi sao?”



Anh bạn văn cũng biết vậy nhưng anh than: Thấy rồi! Ngứa miệng! Mà nói thì chúng ghét; nên tui muốn “qua phà’ cho rồi nhưng thiệt im re thì tức quá!

Chẳng là hôm tối thứ ba, ngày 16 tháng 7 năm 2013, ảnh có vặn cái ra-dô mà theo dõi bản tin của đài SBS thì nghe người em sầu mộng, phát thanh viên, nói về cái vụ “Hai năm sau sự sụp đổ của chế độ Miền Nam”?Nghe sao thấy kỳ kỳ? Bèn tầm nguyên trích cú, dò đến lạch, nguồn coi nó có phải vậy hông em?

Anh nói: “Tuy là chuyện nhỏ nhưng nó thành lớn vì cái danh từ “Chế độ Miền Nam” nầy nó liên quan đến Địa Lý, đến Sử Ký của nước mình mà! Cứ để vậy, im re hỏng nói gì hết ráo; sợ tụi nhỏ sau nầy không hiểu, bèn gọi cái đất nước, cái chế độ mà mình yêu dấu là “Chế độ miền Nam” như vậy thì hư bột hư đường ráo trọi?!”.

Nên buộc lòng anh bạn văn phải lên tiếng, cà khịa, sửa lưng ‘em’. Mà nếu em có lưng, nhưng không cho sửa, thì ảnh nhứt quyết cũng phải sửa. Sửa rồi có đau chút chút thì ảnh thành thật mà xin lỗi nhe! Đau mà hết bịnh cũng nên ‘đau’ lắm chớ?
Người em sầu mộng đọc cái bản tin về người Việt mình tầm trú như sau: “…Xu hướng hiện tại cho thấy năm nay 2013 sẽ chứng kiến số lượng kỷ lục của người tầm trú Việt Nam đến Úc bằng thuyền sẽ vượt qua con số 868 người tỵ nạn hồi năm 1977 hai năm sau sự sụp đổ của chế độ Miền Nam.”


Bìa sách Quốc Sử, Lớp Nhất.
(Hình namrom64.blogspot.com )


Anh bạn văn không khoái chữ “chế độ Miền Nam” nầy nên bỏ công lục trên tờ The Australian thì thấy như vầy:
“On current trends, this year will see the greatest number of Vietnamese boat arrivals on record; surpassing the 868 asylum-seekers who arrived in 1977, two years after the fall of the South Vietnamese regime.”
Nếu tay ký giả Úc nầy viết là “The South Vietnam regime’ em dịch là “Chế độ Miền Nam” cũng còn “châm chế’ được đi. Chứ nó viết là: “The South Vietnamese Regime” mà dịch là “Chế độ Miền Nam” thì làm buồn lòng tui lắm nhe em ‘ui’!

Ảnh bèn múa rìu qua mắt thợ, mà ‘dịch… vật’ như vầy:
“The South Vietnamese regime” nên dịch là chế độ của người dân miền Nam thì mới chính xác? Bởi vì South Vietnamese là tính từ sở hữu có nghĩa là của người dân Việt miền Nam.
Hơn nữa, chúng ta không có ‘Chế độ Miền Nam’? Mà chỉ có Chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Vì cuộc chiến Việt Nam không phải là một cuộc nội chiến như ở Hoa kỳ hồi xưa; mà nó là một cuộc xâm lăng, nếu nói một cách chánh thức và chính xác là: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Cộng Sản Bắc Việt) xâm lăng, tấn công Việt Nam Cộng Hòa!
Theo hiệp định Geneve 1954 thì chúng ta là một nước độc lập và có chủ quyền đàng hoàng à nha! Nên nói về Chế độ thì phải nói là Chế độ Việt Nam Cộng Hòa thì mới chính xác. Còn Chánh quyền phải là chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa mới được!

Chứ không hỗn hào như tụi nó, thường gọi tụi mình là ‘Ngụy quyền Sài Gòn’ hay “Chế độ Miền Nam” đâu nha?
Người viết nghe! Thiệt hoàn toàn tán đồng ý kiến của anh bạn văn nên ‘nịnh’ anh một phát: “Anh thiệt là trí tuệ!”
Anh bạn văn nghe ‘nịnh’ khoái quá, quất cạn ly rượu đỏ nghe cái trót, khà một tiếng, rồi cao hứng tiếp luôn:

G iờ để tui ‘bình’ đề thi trong nước cho chú nghe! Để tui ‘sửa’ lưng tụi nó!
Đề thi là: “Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi”.
Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh, chị về ý kiến trên”.
Theo ông Trần Mạnh Hảo thì câu 2 của "Đề thi môn ngữ văn cao đẳng 2013" của Bộ GD&ĐT mắc hai lỗi sai văn phạm”.
Và ông Trần Mạnh Hảo phê như thế nầy:
“Bất kể ai đã học qua cấp một (tiểu học) khi chỉ thoáng nhìn phần đề bài thi trên đã nhận ra câu ra đề có hai lỗi văn phạm.
Lỗi thứ nhất: thừa một từ: “THÌ”.
Lỗi thứ hai: thiếu ba từ: “CHO NGƯỜI KHÁC”.

Như vậy, đề thi cao đẳng quốc gia môn ngữ văn, câu 2, phải viết lại như vầy mới đúng văn phạm:
“Khi có lỗi, người tử tế sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi cho người khác”.
Rồi ổng ‘xì nẹt’ mấy ông Giáo Sư Tiến Sĩ đầu ngành môn Ngữ Văn hơi nặng như sau:
“Than ôi, một hội đồng ra đề thi đại học, cao đẳng gồm toàn các giáo sư tiến sĩ, hoặc các giáo sư đầu ngành môn ngữ văn, lại được duyệt bởi một hội đồng toàn các giáo sư đầu ngành khác, sao lại để sai hai lỗi văn phạm rất nặng như trên? Cái lỗi mà một học sinh đã học qua tiểu học cũng không được phép sai phạm. Xem ra, nền dạy văn và học văn nước nhà đã đến thời mạt vận rồi sao!”

Nhưng một ông bạn văn của ông Trần mạnh Hảo thì lại nói rằng:
“Mình thì (he he lại “thì”) thấy trong câu đề thi trên không phải thừa một chữ THÌ ở vế trước mà thiếu một chữ THÌ ở vế sau. KHI có thêm chữ CHO NGƯỜI KHÁC như ý kiến của nhà văn Trần Mạnh Hảo THÌ làm cho câu thêm rõ nghĩa nhưng không cần thiết phải có chữ CHỈ. Cụ thể là nên viết lại như sau:
“KHI có lỗi, người tử tế THÌ sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện THÌ tìm cách đổ lỗi CHO NGƯỜI KHÁC”.

Anh bạn văn của người viết thì nói: Mấy ‘giả’ cứ hò hét hãy giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt mà lại khoái xài tiếng Hán Việt ‘quá xá quà xa’? Dĩ nhiên ngữ vựng tiếng Việt ta có rất, rất nhiều từ Hán Việt, nó làm cho tiếng Việt giàu có, phong phú hơn. Điều đó khỏi cãi rồi nhưng nếu mình xài từ Hán Việt vô độ, vô chừng mực thì lại làm cho một câu văn đơn giản lại trở nên tối tăm ngữ nghĩa như đêm ba mươi> Viết xong rồi lạc luôn trong đó hỏng thấy đường mà đi ra nữa?!

Theo anh, trong cái đề thi nầy, Người tử tế là người sống đàng hoàng, không bất lương, không trộm cắp, không cướp của, giết người. Còn kẻ ti tiện là kẻ nhỏ nhen, hèn hạ!
Và sau ba chữ “Khi có lỗi” phần còn lại phải nói về khi có lỗi thì phải làm sao? Về văn phạm thì phải là hai vế đối nhau, tương phản ý nghĩa với nhau. Người tử tế không có phản nghĩa là kẻ ti tiện.

Cho nên cả hai chữ đó trớt he hết trơn, không có liên quan, có bà con gì với “Khi có lỗi…” hết á!

Cho nên anh bạn văn đề nghị sửa lại thế nầy để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; để câu văn rõ ràng mạch lạc, xuôi chèo mát mái chớ không lục cục lòn hòn như đường rải đá xanh mà chưa tráng nhựa!

Cái đề phải như vầy, theo ý ảnh: “Khi có lỗi, người trung thực sẵn sàng nhận lỗi; kẻ dối trá thì đổ thừa cho người khác”.
Vì: người trung thực là người luôn luôn tôn trọng sự thực, tôn trọng chân lí, lẽ phải. Sống ngay thẳng, thật thà! Nhận lỗi khi mình lầm lỗi.
Còn kẻ dối trá là kẻ dóc từ trên xuống dưới, dóc từ trong ra ngoài, dóc từ xưa đến nay, nghĩa là toàn dóc tổ.

Phản nghĩa của người trung thực là kẻ dối trá. Hai hạng người trong xã hội, hai cách ứng xử đối lập, khác nhau khi lầm lỗi! Trung thực là nhận; còn dối trá là đổ thừa…!
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt bằng cách xài từ Hán Việt đúng nơi, đúng lúc! Đừng lạm dụng nó! Viết văn đơn giản rõ ràng như mình ăn canh chua, cá kho tộ; còn lạm dụng từ Hán Việt lúc hành văn giống như đi ăn ‘yum cha’ của nhà hàng Tàu. Vừa phải thì ngon mà nhiều quá làm nặng bụng lắm chú ba ơi!

R ót đầy thêm ly rượu, anh cao hứng cất giọng Minh Vương và biểu người viết làm Lệ Thủy, để anh chơi một màn trích đoạn cải lương về vụ có lỗi và nhận lỗi trong việc làm em có bầu rồi ‘dọt’ của Minh trong tuồng Tô Ánh Nguyệt của ông Trần Hữu Trang tức soạn giả Tư Trang để mình học hỏi thêm về cách xài chữ của mấy ông soạn giả cải lương. Coi vậy, chớ thâm trầm ảo diệu lắm à nha?!
Người viết cũng khoái cải lương lắm; nhưng tiếc thay lại có cái giọng ồ ồ như con vịt đực mà bắt làm Tô Ánh Nguyệt là em hỏng chịu đâu nha! Vì thế cho nên, anh bạn văn đóng hai vai luôn vừa là Minh, Minh Vương vừa là Tô Ánh Nguyệt, Lệ Thủy!

Trước khi bắt đầu trích đoạn nầy, người viết cũng vỗ bàn nhậu nghe ‘cộp cộp’ như hồi xưa mấy ông bầu gánh lột guốc ra, đập ‘cộp cộp’ trên sàn sân khấu trước khi mở màn của Gánh hát Bầu Tèo năm cũ vậy mà.
Người viết cũng ‘phi lộ’ cho quý khán, thính giả gồm có: bà xã tức em yêu và mấy đứa cháu nội đang ngóng mỏ chờ nghe… Rằng thì là:

Tô Ánh Nguyệt, câu chuyện tình đẫm nước mắt, kể về người phụ nữ đời chỉ một lần yêu. Nguyệt là con ông Hương Cả, gia đình dư dã chút đỉnh ở làng nên Nguyệt được Tía cho lên Châu Thành ăn học. Ở đây Nguyệt gặp Minh rồi tự nguyện yêu nhau… rồi tự nguyện văng luôn khỏi vòng lễ giáo. Nguyệt ‘dính’ bầu! Gia đình Nguyệt còn phong kiến. Gia đình Minh buôn bán nên thực dụng. Mối tình Minh, Nguyệt không còn là trăng sáng nữa mà tối hù, là phải vỡ tan thôi. Nhưng dù ba bắt anh về cưới vợ khác chăng đi nữa… thì “anh vẫn mãi mãi yêu em hé hé!”.

Người viết bèn dùng cái miệng móm sọm của mình thế cây đàn ghi ta phiếm lõm mà họa theo lời ca của anh bạn văn ‘tăng tăng tẳng tằng tăng’.
Và Minh, Minh Vương hát như vầy:
“Nguyệt ơi, anh đang cuối đầu chờ ơn huệ, em rộng lòng tha thứ cho anh. Kẻ gây cho em khổ đau lận đận. Suốt cuộc đời duyên nợ dở dang!”
Nguyệt:“Lương tâm thầy cắn rứt chăng?”
Minh: “Tui mong chuộc lại lỗi lầm xưa!”
Nguyệt: “Để chiều ý thầy, tui sẽ kêu thầy bằng mình, hoặc ba thằng Tâm, hay chỉ bằng anh thôi?”
Minh: “Mình (Ho! Ho!Ho!)… Ba thằng Tâm… nếu được tiếng mình, có nghĩa là em đã sẵn lòng tha... thứ?”
Rồi anh lấy hơi, xuống sáu câu muồi rệu:
“Nguyệt ơi, từ nay chúng ta âu yếm gọi nhau cho đến hơi thở sau… cùng! Nửa đời còn lại anh với em gắn bó mặn nồng”

Mấy đứa cháu nội lẫn bà xã nghe khoái quá, vỗ tay ầm ĩ, còn la: “Bis! Bis!” nữa chớ.
Anh bạn văn cảm động, đứng lên cúi đầu chào quý vị khán giả con nít một cách cực kỳ cảm khái! Anh nói: Lầm lỗi rồi xin lỗi là phải như vậy đó. Viết văn như vậy mới là viết chớ!

Nghe anh bạn văn lên lớp người viết về chữ và nghĩa, nói theo kiểu nhà thơ Bùi Chí Vinh thì người viết phải công nhận công lực của anh bạn văn đã đạt đến mức thượng thừa, võ công vô cùng cao siêu, thâm hậu. Thiệt là:“Thiên hạ chữ nghĩa bốn bồ! Mình ông giữ đến hai bồ, ớn chưa?!
Ớn thiệt! Chớ không phải chuyện giỡn chơi nha?

đoàn xuân thu.
melbourne.

1 comment :

  1. Liên quan đến chuyện … “mắc dịch”: dường như người dịch bây giờ không dịch chữ Anh, Pháp qua chữ Việt Nam nữa mà dịch qua chữ “Gu-gồ". Cứ mở Google rồi phang.
    Anh dxt (và bạn văn của anh) à!
    Hai anh thử vào translate.google.com rồi dịch từ “the fall of the South Vietnamese regime” ra chữ “Gu gồ” là được y chang như “cô em” đọc trên SBS.
    Hi hi.
    Og3t

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.