Friday 31 May 2013

Một comment quá dài

Hoàng Chu ::

Mình theo dõi cái blog Việt Luận này từ hồi còn trứng nước, thỉnh thoảng cũng góp vui, lời qua tiếng lại với bà con cho rậm đám: từ các cây viết tài tử buổi đầu ngày càng vững tay cho đến sau này có sự tham gia của vài cây bút chuyên nghiệp như ông Đoàn Xuân Thu (dxt) chẳng hạn.


Mình không phải tuổi Mèo, chắc ông dxt cũng vậy, nên không thể khen nhau trên đất nhà, mất công OG3T lại phải viết warning cho những người hay mắc cỡ; có điều lâu nay đọc mấy bài viết của ổng mà nhớ tới nhiều chuyện xưa.

Từ bài 'Tần Quỳnh khóc bạn' làm mình nhớ tới truyện'Thuyết Đường', quyển truyện Tàu dầy cộm đầu tiên mình đọc trọn. Quyển này mở đầu cho 'Tàn Đường', 'La Thông tảo Bắc', 'Tiết Nhơn Quý chinh Đông', Tiết Đinh San chinh Tây', ‘Tam Quốc Chí’, v.v... sau này.

Hồi đó đang học lớp Năm, còn ở với ông bà ngoại, đang tuổi ham chơi mà trưa nào cũng bị bắt phải nằm ngủ cả tiếng đồng hồ. không buồn ngủ cũng phải nằm xuống, dù nhắm mắt... để đó. Trưa nào cũng vậy, nằm mà không ngủ được, ngọ nguậy ngồi dậy là có cây roi mây chờ sẵn. May quá vớ được quyển Thuyết Đường dầy cộm, trước chẳng để vào mắt, nay đem đọc tạm; lúc đầu định đọc cho dễ ngủ, nào ngờ càng đọc càng hấp dẫn, ngày qua ngày cho đến hết quyển sách hồi nào không hay.

Mình theo dõi từ nhân vật Tần Quỳnh tức Tần Thúc Bảo, quân sư Từ Mậu Công cho đến anh chàng ba búa Trình Giảo Kim (1), anh chúa đảng cướp ngồi không chia của Đơn Hùng Tín. Những nhân vật trong truyện là điển hình cho các mẫu người: trung, ngay, gian, nịnh - khác hẳn trong các truyện cổ tích trước kia - đã dẫn mình vào một thế giới rộng lớn hơn để sau này đến với Kim Dung, Cổ Long.

Rồi đến bài 'Bến Thành! Súp Lê vội thổi!' ông dxt lại nhắc đến 'Tuấn, chàng trai nước Việt' của Nguyễn Vỹ, một quyển truyện dài khác, 2 tập dầy cộm, đã cho mình những kiến thức vỡ lòng về thời Pháp thuộc. Từ 'lắc léo mè dòng lô' (2) và cậu Ký Thanh với câu tiếng Tây rau muống dài lòng ngòng (3), đến những nhà hoạt động chính trị Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, đến cả các tay tổ Cộng sản Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Đặng Thái Mai.

Ngả Bảy, Sài-gòn (hình do tác giả sưu tầm)

Thủa đó mới lên trung học, ở với ba má trên Ngã Bảy; lúc đó kinh tế gia đình cũng khá, má lại phát hiện ra chợ sách cũ Sàigòn trên đường Nguyễn Trung Trực, gần trường Kỹ Thuật Cao Thắng. Mình đã đi với má lên đó mua sách; gọi là chợ sách cũ nhưng đa số các sách bán ở đó còn mới toanh, không biết do nhà in in dư tuồn ra hay in lậu mà giá thì rẻ hơn trong nhà sách rất nhiều.

Má mua một loạt các truyện của các nhà văn Tiền Chiến như 'Xóm Cầu Mới' của Nhất Linh, 'Tiêu Sơn Tráng Sĩ' của Khái Hưng,... đặc biệt má rất thích các truyện của nhà văn Lê Nguyên Trương. Ngoài ra còn có các bộ truyện Tàu, và bộ 'Tuấn chàng trai nước Việt' mà trước đó mình có đọc một vài đoạn trong bán nguyệt san Phổ Thông. Chả là cũng trong thời gian 'ngủ trưa' thời tiểu học đã kể ở trên, sau khi 'ngốn' xong bộ 'Thuyết Đường' mình quay sang 'ăn tạp', đọc đến cả các nguyệt san của các cậu từ Bách Khoa, Thời Nay cho đến Phổ Thông, dĩ nhiên là không đọc hết mà chỉ các bài viết ngắn hoặc các truyện mà mình thấy thích. Đến bây giờ vẫn còn nhớ vài đoạn trong 'Mình ơi' (một mục tạp ghi tương tự như 'Thư gửi bạn ta' của Bùi Bảo Trúc bây giờ) của Diệu Huyền (một bút hiệu khác của Nguyễn Vỹ) chẳng hạn như bài viết về trận đấu giữa hai đội bóng tròn nữ ở Cái Vồn, Long Xuyên với đoạn thơ dưới đây:
Mấy cô thôn nữ Long Xuyên
Cô nào cũng đẹp như tiên hở đùi
Đen thui đen thủi đen thùi
Hăm hai thiếu nữ trông mùi quá ta
Hăm hai cầu tướng chu choa
Giành nhau một quả banh da giữa trời.
Trong những quyển sách má mua ở chợ sách cũ cũng có các tác phẩm của Bình Nguyên Lộc như 'Quán bên đường', 'Đò dọc'. Ông dxt cũng nhắc đến một đoạn nói về công tử Quờn trong bài'Chữ của thánh thần!'. Đoạn này mình còn nhớ đọc lần đầu tiên trong quyển sách Giảng văn lớp Đệ Thất của tác giả Đỗ Văn Tú, sau đó được đọc toàn bộ trong quyển'Đò dọc'. Tuy chỉ là một nhân vật phụ, rất phụ trong quyển truyện mà sao mình vẫn nhớ đến bây giờ?

Trong bài 'Ba Tôi! Người Đánh Máy Mướn!' dxt nhắc về các tiệm Ronéo và đoạn đường Lý Thái Tổ - Phan Đình Phùng. Đoạn đường này mình cũng rất rành. Khi ở ngôi nhà trên Ngã Bảy mình học thêm Toán Lý Hóa ở một trường dạy kèm nằm trên lầu của một tiệm Ronéo như vậy. Hàng ngày từ nhà ở đường Pétrus Ký len lỏi qua khu nhà của các đồng bào tạm cư do hỏa hoạn sau Tết Mậu Thân và Việt kiều chạy nạn 'cáp duồn' từ Campuchia về, ra đường Lý Thái Tổ, băng qua đường đi về phía ngã ba Phan Đình Phùng để đến lớp. Cũng con đường này cuối tuần ba má hay chở các con, từ Pétrus Ký quẹo vào Lý Thái Tổ, rồi sang Phan Đình Phùng, quẹo vào đường Nguyễn Thiện Thuật để ăn hủ tíu bò viên. Thỉnh thoảng mình còn được ưu tiên thêm một chén bò viên không: chỉ có bò viên và hành lá thái nhỏ thơm phưng phức.


Tượng Trương Vĩnh Ký tại trường trung học Trương Vĩnh Ký, Sài-gòn.
(Hình chụp năm 1969 do tác giả sưu tầm)

Cũng trong bài viết này mình mới biết: Hóa ra ông dxt là đồng môn của mình. Ổng là đàn anh học trước mình cả mười năm ở trường Pétrus Ký. Ổng đúng là con nhà nghèo học giỏi, còn mình... Hồi đó nhà dọn lên ngã Bảy nên ba má muốn mình thi vào trường này vì trường nổi tiếng mà gần, đi bộ chỉ khoảng hai mươi phút. Than ôi! Lực bất tòng tâm! Mình thi rớt, chỉ đủ điểm vào lớp bán công, học buổi tối. Còn nhớ trường có 15 lớp mỗi bậc, chia đều cho 5 lớp mỗi buổi, mình vào lớp 6/13. Học bán công cũng cùng chương trình, cùng các thầy cô như lớp ngày nhưng chỉ có vài khác biệt nhỏ. Thứ nhất là cái phù hiệu, học sinh lớp ngày mang phù hiệu có chữ Pétrus Trương Vĩnh Ký màu đỏ, còn học sinh lớp tối phù hiệu cũng y vậy nhưng chữ màu xanh. Ngoài ra mỗi ba tháng cả lớp xếp hàng đi lên văn phòng đóng học phí. Học buổi tối với ước mong có ngày nào đó do học giỏi sẽ được chuyển lên lớp ngày (chỉ nghe nói thôi chứ chưa thấy trường hợp nào). Đến cuối năm lớp 8 thì Việt Cộng vào, giải tán lớp tối, học sinh được chuyển sang các trường tư thục nay đã biến thành trường công. Trường Pétrus Ký mất tên, tượng ông Trương Vĩnh Ký trong sân trường và ngoài công trường đối diện nhà thờ Đức Bà cũng bị hạ bỏ, còn nhớ có một bài báo trên tờ Sàigòn Giải Phóng ca tụng việc đó và gọi ông là "tên học phiệt". Ôi! Thật là một cuộc đổi đời!

Đọc mỗi bài viết của dxt lại làm mình nhớ đến những chuyện xưa, vậy mà muốn bỏ vài câu bình luận lại không biết viết gì, chắc vì có nhiều điều muốn viết quá chăng!?
Nay thôi thì gom góp lại làm một 'big comment' gọi là tạ lòng người viết đã nhắc nhớ nhiều đến thời thơ ấu.

HC

Ghi chú:

(1): Trình Giảo Kim là một nhân vật khá đặc biệt trong các truyện Tàu đời Đường. Nhà nghèo, tính ngang tàng, làm du côn, rồi ăn cướp, sau theo phò Lý Thế Dân (Đường Thái Tôn) trở thành một trong những khai quốc công thần, sống thọ, trải qua nhiều triều vua, sau sướng quá cười mà chết. Trình Giảo Kim có lần nằm mơ được tiên ông dậy võ, tỉnh dậy chỉ nhớ được ba đường, khi ra trận xuất chiêu làm đối phương mất hồn nhưng đến chiêu thứ tư là lòi đuôi dốt ra bị rượt chạy tóe khói.

(2): 'Lắc léo mè dòng lô' là tiếng bình dân đọc câu chữ Pháp'l'élève maison l'eau'. Câu này được dịch theo kiểu từng chữ của 'Học Trò Nhà Nước' (giống như dịch 'không sao đâu' ra tiếng Anh là 'no star where').

(3): Cậu Ký Thanh là nhân vật điển hình của giới thư lại cho Pháp, tốt nghiệp Tiểu học, làm thầy ký kiêm thông ngôn cho quan Tây vậy mà nổ hết biết. Bà con nông dân hỏi gì cậu trả lời tiếng Tây răm rắp, có người hỏi 'rau muống' tiếng Tây là gì cậu không biết nhưng xổ một tràng dài, bà con hỏi sao dài vậy, cậu nói vì rau muống nó bò loằng ngoằng rất dài nên tiếng Tây cũng dài. Có lần quan bảo cậu báo với dân chúng phải dọn dẹp nhà cửa quang đãng để phòng ngừa hỏa hoạn, quan sẽ xuống xem cậu lại dịch là mọi người phải dọn dẹp sạch sẽ để quan xuống tận tay đốt nhà làm mọi người hoảng quá, phải họp lại nhờ cậu năn nỉ quan Tây dùm làm quan cũng té ngửa.

7 comments :

  1. Hoàng Chu ơi, những điều anh DXT và em viết ở trên ai trong chúng ta ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hy này mà không một lần trải nghiệm qua, những trận đòn vì không ngủ trưa, cái tội trèo lên cây trứng cá say mê với chùm trứng cá đỏ mọng ngot lịm, chị đều đã không những một lần mà nhiều lần nếm qua. Nhà chị ở Nguyễn Thiện Thuật nên ly cà phê Năm Dưỡng ( mà nghe đồn có bỏ chút thuốc phiện trong đó nên uống bị ghiền )và chén bò viên thơm phức ngày nào cũng có mặt chị. Em và DXT làm chị nhớ lại một thời đã qua mà thương và tiếc cho tuổi thơ đi qua với quá nhiều kỷ niệm. cám ơn em và anh DXT với khung trời kỷ niệm này nha

    ReplyDelete
  2. Cám ơn chị Kim đã đọc cái comment quá dài này. Bây giờ hay nhớ đến chuyện xưa thì chắc mình đã già thật rồi, tuy nhiên mới có năm bó mà chị cho nhảy một cái lên bảy bó thì nuốt không trôi đâu ạ!

    ReplyDelete
  3. Hì hì em nhẩy chưa tới nhưng chị với anh DXT và OG chắc nhẩy gần tới rồi em à

    ReplyDelete
  4. Tôi có 1 comment ngắn để tặng "Một comment quá dài". Ông HC có trí nhớ tốt thật, ông nhớ đến tên từng nhân vật trong những truyện ông đã đọc hồi lớp 4,lớp 5. Tôi phải bắt chước ông: Không trà,không rượu, không cà phê, không thuốc lá...

    ReplyDelete
  5. Anh Ben nói vậy chắc mắng tôi là ăn mày như câu chuyện sau đây:
    Một người đàn ông nói chuyện với một người ăn mày:
    - Ông nghiện ngập gì mà đi ăn mày?
    - Dạ thưa tôi không biết hút thuốc, không uống rượu! Có đâu mà nghiện.
    - Thế chắc ông cờ bạc hết cả tiền chứ gì?
    - Dạ đâu có, tôi chưa bao giờ bước chân vào sòng bạc.
    - Thế thì tại bồ bịch, gái gú đến hết cả gia tài chứ gì?
    - Dạ tôi trước giờ vẫn độc thân, bạn gái cũng không có lấy đâu ra bồ bịch.
    - Được vậy ông đi theo về nhà tôi.
    - Dạ để ông cho tiền ạ?
    - Không, để cho vợ tôi thấy một người đàn ông mà không rượu chè, hút sách, cờ bạc, gái gú thì nó sẽ như thế nào? Chỉ có đi ăn mày thôi.

    ReplyDelete
  6. Ông HC ơi câu kết luận của tôi khác. Nếu tôi không trà ,không rượu,không cà phê,không thuốc lá thì tôi chuẩn bị vô chùa mà ở...hahaha

    ReplyDelete
  7. Theo tui thì trong bốn cái tứ đổ tường mà không có cái nào hết thì .......đi chết đi cho xong....

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.