Thursday 11 April 2013

Thứ Năm 10.4.1975 - Thứ Hai 14.4.1975

Blog Việt Luận kính mời bạn đọc
trả lời vào phần Comments câu hỏi thật nhỏ sau đây:
“Trong tháng Tư năm 1975, bạn ở đâu?”
Og3t

Thứ Năm 10.4.1975

Ba sư đoàn bộ đội mở đợt tấn công thứ nhì vào Xuân Lộc bằng cách nả đại pháo vào thị trấn.
Cùng ngày, quân đội Việt Nam Cộng Hoà và bộ đội Cộng Sản Bắc Việt đụng độ dữ dội tại ngã ba Dầu Giây.

Oliver Todd tóm tắt trận Xuân Lộc như sau:


Dân chúng Long Khánh - Xuân Lộc chạy giặc.(hình Corbis)

"Được pháo binh bắn chuẩn bị và có xe tăng T-54 yểm trợ, sư đoàn 314 tiến lên trước, và đánh vào Xuân Lộc. Những thành phần của quân Bắc Việt vào đến chợ và bến xe. Bị binh sĩ của sư đoàn 18 bộ binh của tướng Lê Minh Đảo đẩy lui. Sau những trận sáp lá cà ghê gớm, các binh sĩ của trung đoàn 43 bộ binh Nam Việt Nam đẩy lui các đơn vị của sư đoàn 6 Bắc Việt. Văn Tiến Dũng mô tả trong hồi ký là các trận đánh diễn ra rất gay go và dữ dội. Quân của Dũng mất rất nhiều chiến xa, và còn thiếu cả đạn đại bác nữa.

Lần đầu tiên kể từ tháng Giêng, sự tiếp vận của Bắc Việt gặp những khó khăn nghiêm trọng. Xe tăng T-54 thiếu đạn, thiếu xăng. Trà phải dùng tới các trung đoàn trừ bị của sư đoàn 6 và sư đoàn 7. Tuy vậy, quân Nam Việt Nam giữ vững trong thị xã đổ nát. Họ không vướng phải cái nạn "thê tróc tử phọc lòng thòng". Đa số gia đình binh sĩ đã được tản cư, một số may mắn được đưa đi bằng trực thăng. Ở đây, các quân nhân nghĩ tới chiến đấu trước hết. Nhưng họ đã bị người tỵ nạn cản trở. Dân Xuân Lộc gần đó muốn chạy về Sài gòn. Nhưng đường đi Sài gòn không còn dùng được vì bị pháo của Bắc Việt phá! Các thường dân lại lội dội về thị xã. Có những thường dân chạy lọt qua cả các tuyến của quân Bắc Việt. Họ đi vòng qua những con đường bị pháo binh bắn, và tới được Sài gòn bằng cách đi băng qua tuyến ngăn chận mà Thiệu đặt ra.”
...
"Tinh thần quân bảo vệ Xuân Lộc tỏ ra rất tốt. Liên lạc rất hữu hiệu. Quân Dù và Biệt Động Quân tới. Đường đi Sài gòn được giải toả và quân tiếp viện đi qua. Trực thăng di tản thương binh. Các trực thăng võ trang cũng tham chiến. Quân đội Nam VN chiến đấu ở thế 1 chọi 3, nhưng địch không có máy bay yểm trợ. Pháo binh Bắc Việt bắn vào sân bay Biên Hoà là nơi từ đó đa số máy bay Nam VN cất cánh, nhưng người ta chuyển các khu trục oanh tạc cơ về căn cứ Tân Sơn Nhất, và có thể lấy thêm bom đạn và xăng ở đây. Chung quanh Xuân Lộc, trong các rừng cao su, các căn cứ hoả lực yểm trợ được tiếp tế đầy đủ, và được chỉ huy tốt đẹp. Trực thăng thông báo rất chính xác vị trí của pháo và xe tăng của Bắc Việt. Các sĩ quan Nam VN nhận được khá dễ dàng sự yểm trợ của pháo binh hoặc của không quân. Người ta gần như trở lại thời kỳ vàng son của chiến tranh Mỹ. Sự lạc quan lan rộng đến nỗi tướng Homer Smith gửi điện văn cho chủ tịch tham mưu liên quân Mỹ là tướng George Brown (hệ thống chỉ huy tối cao của quân lực Mỹ): "Quân lực Nam VN đã thắng hiệp thứ nhất. Lòng can đảm và sự hăng say của binh đội chính phủ Nam Việt nam dường như trả lời được câu hỏi trong lúc này: quân lực của VNCH có chiến đấu không?".

(Oliver Todd, "Cruel April", bản dich Việt Ngữ "Tháng Tư Đen" của Kiều Xuân Tiến, trang 216- 2018)

Cùng ngày, tổng thống Hoa Kỳ G. Ford xin thượng viện Mỹ chuẩn chi $722 triệu Mỹ kim viện trợ quân sự và 250 triệu Mỹ kim viện trợ kinh tế cho Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng thượng viện Hoa Kỳ bác bỏ.
Cùng ngày, một lữ đoàn Thủy quân lục chiến tăng phái bảo vệ Xuân Lộc.


Thứ Sáu 11.4.1975

25,000 quân nhân VNCH đẩy lui đợt tấn công mới của Cộng Sản vào Xuân Lộc. Bộ đội Bắc Việt phải tiến quân theo đường vòng tấn công vào phi trường Biên Hòa.


Thứ Bảy 12.4.1975



Thư
tuyệt mạng của ông hoàng Sirik Matak.

(hình http://www.buinhuhung.com/)

Tổng thống Gerald Ford ra lệnh cho đại sứ John Dean đóng cửa tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Phnom Penh và bắt đầu di tản người Hoa kỳ cùng với một số người Cambodia qua cuộc hành quân Eagle Pull.Cùng ngày, đại sứ Mỹ John Dean đến tư thất thủ tướng Long Boret để trao thông điệp cho biết Hoa kỳ sẵn sàng đón nhận nội các Cambodia di tản qua Mỹ. Tất cả tổng trưởng (trừ một người) đều từ chối ra đi. Đặc biệt hoàng thân Sirik Matak - cố vấn cho chính phủ Cambodia viết là thư "tuyệt mạng”:

"Xin ghi nhớ rõ là nếu tôi có chết tại đây, tại quê hương yêu dấu của tôi, cũng chẳng sao, vì tất cả chúng ta đều sinh ra và có một ngày chúng ta phải chết. Tôi chỉ mắc phải một điều lầm lẫn, đó là đã trót tin ở ngài và tin ở những người Mỹ“. 
(Todd, bản dịch Việt văn, trang 225)

Người ta được biết khi về thành, Cộng Sản Khmer Đỏ tung ra danh sách “bảy tên phản bội” sẽ bị hành quyết. Trong đó có danh tính ông hoàng Sirk Matak.

Khi chính phủ Lon Nol đầu hàng Khmer Đỏ, Sirik Matak chạy vào khách sạn Hotel Le Phnom nơi hội Hồng Thập Tự Quốc tế lập ra khu vực an toàn. Nhưng khi thấy danh tính Sirik Matak trong danh sách ”bảy tên phản bội”, hội Hồng Thập Tự đã không nhận ông hoàng vào tỵ nạn. Sirik Matak bị đuổi khỏi khách sạn tỵ nạn. Ông liền gặp ký‎ giả và công bố lá thư gởi cho đại sứ Mỹ. 
Sau đó, Sirik Matak chạy vào tòa đại sứ Pháp. Khmer Đỏ kéo đến tòa đại sứ Pháp và dọa tấn công vào. Rét quá, phó lãnh sự Pháp lúc đó là ông Jean Dyrac cùng với ký giả Jon Swain dẫn ông hoàng Sirik Matak ra, Khmer Đỏ bắt ông và hành quyết vào ngày 21.4.1975.


Chủ Nhật 13.4.1975

Hoa kỳ di tản người Mỹ cuối cùng ra khỏi Cambodia.


Thứ Hai 14.4.1975

Hoa kỳ chấm dứt cuộc hành quân Babylift di tản trẻ em mồ côi ra khỏi Việt Nam. Khoảng chừng 14,000 em được thoát.

Cùng ngày, sư đoàn 2 của quân lực Việt Nam Cộng Hòa được điều động án ngữ tại Phan Rang. Và Cộng Sản Bắc Việt bắt đầu tấn công vào Phan Rang.

Cùng ngày, thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn trình diện nội các tại dinh Độc Lập.


Blog Việt Luận kính mời bạn đọc
trả lời vào phần Comments câu hỏi thật nhỏ sau đây:
“Trong tháng Tư năm 1975, bạn ở đâu?”
Og3t

1 comment :

  1. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.