Wednesday 3 April 2013

Nỗi đau trong ngày Quốc Hận


Xin bạn đọc ghi lại ký ức: 
Trong tháng Tư năm 1975, bạn ở đâu?”
Og3t

Kim Nguyễn ::
30/4 là ngày Quốc Hận, mà cũng là ngày Gia Hận của gia đình chúng tôi. 
Vâng đúng như vậy. 

Cho đến khi xuôi tay bước qua thế giới khác, có thể tôi quên rất nhiều điều hoặc tha thứ cho lỗi lầm của những ai đó đã làm cho đời tôi, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên Quốc Hận nói chung và Gia Hận nói riêng này.
Câu chuyện tôi kể dưới đây gần giống với chuyện của những ai có thân nhân là lính, là thương phế binh. 
Xin một phút mặc niệm cho những quân nhân đã nằm xuống trong cuộc chiến này.
***
T
ôi sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Ba tôi là một sĩ quan cấp Tá trong quân đội, thuộc binh chủng Công Binh chiến đấu. Tôi còn nhớ những ngày còn rất nhỏ thường theo cha đi khắp bốn vùng chiến thuật. Trong thời gian đó, việc học của tôi luôn luôn bị dở dang, năm tôi học lớp năm (grade 5) ba tôi quyết định gởi tôi cho bà nội. Trong gia đình, chỉ còn lại mẹ tôi và hai đứa em còn nhỏ theo ba mà thôi. Sau nhiều lần bị thương, ba tôi được thuyên chuyển về Cục Công Binh (gần chợ cá Trần Quốc Toản) và giữ chức Chánh Sự Vụ Văn Phòng.
Trong một lần thị sát, ba tôi bị lật xe tại Đèo Hải Vân. Ba tôi bị chiếc xe đè gãy xương sống liệt hai hạ chi. Sau này mới biết ông bị Việt Cộng ám toán. Bọn chúng mua chuộc gã tài xế. Khi xe chạy lên đèo Hải Vân, tên tài xế có chủ ý trước nên hắn nhảy ra khỏi xe, để chiếc xe lao xuống vực thẳm.
Ba tôi được đưa vào Tổng Y Viện Cộng Hòa. Tại đây, ông được các bác sĩ và y tá chăm sóc rất tận tình. Nhưng ông buồn vì nghĩ rằng từ nay đã là gánh nặng cho mẹ con chúng tôi.

Tổng Y Viện Cộng Hoà
(This photo belongs to manhhai's photostream
http://www.flickr.com/photos/13476480@N07/6799120337/)
T
ổng Y Viện Cộng Hòa như căn nhà thứ hai của chúng tôi. Mẹ tôi được chính phủ trả lương săn sóc đặc biệt để chăm sóc cho ba tôi. Chị em chúng tôi ngoài giờ học là vào bịnh viện để vui đùa cùng ông. Chúng tôi cho ông biết mọi chuyện xảy ra trong trường, nên tuy ông nằm đó nhưng cũng được an ủi phần nào khi thấy vợ con được chính phủ chăm sóc.
Cuộc sống như vậy kéo dài được hai năm thì xảy ra biến cố 30/4.
Khi Cộng Sản vào đến thành phố. Họ cướp chính quyền. Tôi thấy nhiều người lính bỏ chạy tán loạn: có những người lính lang thang trong thành phố, áo trận bạc màu, ngơ ngác như rắn mất đầu, họ không biết phải làm gì và tương lai sẽ ra sao.
Trong bịnh viện lúc bấy giờ thật là hỗn loạn. Bác sĩ, y tá bỏ chạy rất nhiều, một số người vào kho của bịnh viện, đập phá lấy được cái gì thì lấy. Các em tôi chạy vào kho lấy một số thuốc mà ba tôi thường dùng và chiếc xe lăn cho ông.
K
hi Cộng Sản tiến vào bệnh viện, họ đuổi hết bệnh nhân ra ngoài, một tên 30/4 (loại người gió chiều nào theo chiều ấy) hách dịch ra lệnh:
- Đây là bệnh viện nhân dân. Bọn mày là đám có tội với nhân dân, bọn tao cho bọn mày 24 tiếng đồng hồ ai về nhà nấy, cãi lệnh là đi tù.
Ba tôi buồn rầu nói:
- Cộng Sản vào đến nơi, các con đưa ba về nhà, mình không thể ở đây được đâu các con ạ.
Mẹ tôi và mấy anh chị em thay nhau đẩy ba tôi về nhà. Chúng tôi chỉ có một căn nhà duy nhất được chính phủ cấp đất cho khi ba tôi còn tại chức. Ba tôi tỏ vẻ lo lắng vì ông không biết số phận sẽ ra sao, không biết có còn được ở trong căn nhà này không.
Ba tôi rất thanh liêm. Cuộc đời binh nghiệp của ông không tham lam bòn rút của công nên ông rất nghèo và trong sạch. Chính vì vậy mà ông không có một căn nhà cho chính mình. Bây giờ thay đổi chính quyền, ông lo lắng nếu bị đuổi ra thì không có một nơi để trú ngụ.
Riêng chú tôi, đêm đó đến nhà tôi ăn cơm với nét mặt buồn rầu. Chú nói:
- Em đưa nhà em và cháu Khải đến chào anh chị, ngày mai chúng em đi xa.
Ba tôi lo lắng:
- Chú đi đâu, thời buổi loan lạc đâu đâu cũng là súng đạn.
- Chúng em đi xa lắm. Để giữ an toàn nên chúng em không thể nói. Mong anh chị hiểu, anh chị và các cháu giữ gìn sức khỏe.
Chúng tôi không thể ngờ lần gặp mặt ấy là lần chót. Chú tôi là Thiếu tá cục An Ninh Quân Đội. Đêm đó chú đã dùng súng bắn chết con trai, vợ và tự sát.
Ba tôi đã khóc rất nhiều. Lần đầu tiên tôi chứng kiến trên gương mặt cương nghị của ông nét đau khổ và những giọt nước mắt xót đau cho đứa em trai mà ông yêu quý.
***
Khi chính quyền Cộng sản kêu gọi binh lính Cộng Hòa ra trình diện kể cả thương phế binh, em trai tôi đẩy chiếc xe lăn dẫn ba tôi đi trình diện. Tên Việt Cộng nằm vùng, tay cài băng đỏ hách dịch:
- Mày tên gì? Trước kia làm gì? Cấp bậc?
Ba tôi khai rõ họ tên, cấp bậc, binh chủng. Nó hằn học:
- Đại tá cơ à? Nợ máu nhân dân nhiều lắm đấy. May mà mày què rồi nên nhân dân khoan hồng tha cho mày, nếu không thì nợ máu trả bằng máu đấy.
Ba tôi im lặng không nói gì nhưng em trai tôi thì giận tím mặt. Ba tôi run rẩy nắm tay em tôi để dằn cơn giận lại.
Ngay lúc ấy một ông Đại Úy nhẩy dù mặc đầy đủ quân phục bước vào. Tên Việt Cộng quắc mắc:
-Tiên sư bố nhà mày, thế mày không biết nhục hay sao mà còn đeo mấy cái thứ khốn nạn này vào người?
Đại Úy nhẩy dù chẳng thèm đếm xỉa đến hắn, quay sang nhìn thẳng vào tất cả những binh sĩ đang trình diện hô to:
- Việt Nam Cộng Hòa muôn năm.
Ông chập hai chân vào nhau và chào kiểu nhà binh sau đó rút từ trong túi quần ra khẩu súng lục nhỏ và tự bắn vào đầu tự sát. Mọi chuyện diễn biến thật nhanh, mọi người ngay cả tên Cộng Sản cũng bàng hoàng. Thân hình ông Đại Úy ngã gục xuống, máu me lênh láng. Tên Việt Cộng hét lên:
- Tất cả ngồi im, nhúc nhích là tao bắn.
Mọi người im lặng, mỗi người mang trong lòng một suy nghĩ. Không ai bảo ai, tất cả đều thương xót.
***
R
iêng ba tôi ông rơi vào trầm cảm. Suốt một tuần lễ liền ông không nói chuyện với bất cứ ai trong nhà. Chúng tôi lo sợ cho sức khỏe của ông. Lúc đó đứa con đầu lòng của tôi được bảy tháng, tôi thường bồng cháu đến chơi và ở suốt ngày bên ông cho ông vui.
Một tháng trôi qua, bỗng một hôm, tên tổ trưởng dân phố dắt một toán công an vào nhà tôi đọc thông báo tịch thu nhà vì căn nhà mà ba mẹ tôi đang ở là của chính quyền Ngụy và nay là tài sản của nhân dân. Thật là chua xót, trước kia nơi này là một bãi đất hoang, Cục Công Binh cho ba tôi và vài vị tướng tá trong Cục để xây nhà ở. Căn nhà được dựng lên bằng đồng tiền mồ hôi nước mắt của ba tôi, tại sao lại là của nhân dân? Rất may lúc ấy tôi đã lập gia đình và có nhà riêng nên tôi đưa cha mẹ về ở chung.
Chồng tôi lúc ấy cũng bị đi vào chốn gọi là "học tập cải tạo". Tôi một mình bươn chải mưu sinh lo cho cả gia đình. Cha tôi rất buồn khi cả nhà đều trông cậy vào bàn tay yếu đuối của tôi mà trước kia không phải làm bất cứ chuyện gì nặng.
Tôi luôn luôn an ủi ông:
- Ba đừng buồn, không ai ăn hiếp được con gái ba đâu, con sẽ lo được cho mẹ và các em mà. Ba giữ gìn sức khỏe để sống với tụi con, ba đừng nghĩ ngợi lung tung, ba là điểm tựa tinh thần của con và các em đó.
Nhưng cho dù chúng tôi có cố gắng đến đâu thì thể xác đau đớn và tinh thần đau khổ đã giết chết ông. Vì không muốn là gánh nặng cho cả gia đình nên ông nhất định không chịu ăn. Ba tôi bỏ ăn mà qua đời.
Cái chết của ba tôi là một vết thương thật sâu trong lòng tất cả chị em chúng tôi. Mẹ tôi đau khổ vật vã. Tôi thật sự lo lắng cho bà. Năm chị em chúng tôi vừa khóc lóc vừa van xin bà hãy nghĩ đến mấy chị em chúng tôi. Hãy gắng gượng mà sống, hãy nhịn nhục mà lo cho tương lai sau này.
Đã 38 năm trôi qua, mỗi năm cứ đến ngày này là lòng tôi lại tan nát: cái chết của chú tôi, của ba tôi là nỗi mất mát to lớn trong lòng chúng tôi. Cái chết anh dũng của người Đại Úy nhẩy dù, thà chết vinh hơn là sống nhục, là nỗi ám ảnh trong tâm trí mọi người trong gia đình tôi. 
38 năm trôi qua, đất nước vẫn nghèo đói, người dân vẫn khốn khổ, cuộc sống dân nghèo vẫn lầm than. Tôi tự hỏi: họ giải phóng chúng ta, hay chúng ta đã giải phóng họ? 
Kim Nguyễn

9 comments :

  1. Thùy Dung ( QLD)3 April 2013 at 08:45

    Chị Kim ơi! câu chuyện của chị sao mà đau lòng quá đỗi, em đã không cầm được nước mắt, nước mất nhà tan thật không sai chút nào, gia đình em ở miền quê, khi Sài Gòn thất thủ nơi quê em ở (quê chồng em ở Rạch Giá)vẫn còn một số binh lính tử thủ trong đồn, cha mẹ và gia đình em có tàu đánh cá nên chạy đi khi RG vẫn còn kiểm soát , em không nhìn thấy nỗi đau mất nước , chỉ nhìn thấy sự trốn chạy, nỗi buồn duy nhất của em chính là vợ chồng em chia tay từ ngày nay, anh ấy không chịu đi cùng gia đình em, chọn quyết định ở lại, sau này cưới một bà nữ cán bộ và trở thành con cháu Bác Hồ.Xin chia buồn cùng chị và xin thắp một nén hương cho tất cả những quân nhân đã nằm xuống

    ReplyDelete
  2. Câu chuyện ông DoanXuanThu đã buồn còn chuyện cô Kim còn buồn gấp bội.Đúng là cô Kim đã uống trọn chén đắng nước mất nhà tan, bây giờ cứ tạm an ủi đã xây dựng được cuộc đời mới,các con cái đều thành đạt,đời sống hạnh phúc.Bây giờ cô còn may mắn hơn nhiều người khác!?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vâng nhờ ơn Cắt Mạng đó anh Ben ơi! Tuy nhiên như một ngày giỗ, mỗi năm cứ đến ngày này là đốt một nén hương cho tất cả những người đã hy sinh cho cuộc chiến phi lý này anh ạ

      Delete
  3. Thưa cô Kim, gia đình cô, những vị quân nhân đã cầm súng và chết vinh kể cả thân phụ cô , ông đã chọn cái chết cho chính mình. Còn chúng tôi, những người lính xưa kia đem tuổi trẻ dâng hiến cho Tổ Quốc cuối cùng bỏ chạy , qua đến Mỹ Quốc này ngửa tay xin lòng nhân đạo , thật là nhục nhã.Nhưng chúng tôi làm được gì ?? chính vì vậy mà giờ đây sống trong nỗi buồn dai dẳng, quá khứ luôn trong lòng với nỗi tiếc thương những đồng đội đã nằm xuống cho mình cuộc sống hôm nay. Chia xẻ nỗi đau cùng cô, thắp nén hương lòng cho những vị anh hùng thà chết vinh hơn sống nhục

    ReplyDelete
    Replies
    1. Anh Tư ơi , anh đừng cảm thấy có tội với Tổ Quốc và toàn dân, thật ra anh chỉ là một con chốt thí mà thôi,trên bàn cờ chiến tranh và chính trị, dân và lính là những con chốt anh ạ. Với hai bàn tay anh cũng chẳng làm được gì, nước mất nhưng ít ra anh cũng hảnh diện vì đã không để nhà tan, anh không bảo vệ được quê hương nhưng anh đã bảo vệ được gia đình nhỏ bé của anh khỏi sống chung với loài quỷ đỏ, buồn thì vẫn buồn, tiếc thương đồng đội thì vẫn tiếc thương nhưng anh đã chiến đấu đến giờ phút cuối cùng còn gì nữa, tình hình lúc đó một mình anh thì làm được gì??? Muội mong anh đừng cảm thấy buồn và tủi hổ với những điều ngoài tầm tay của mình anh ạ . Cám ơn sự chia xẻ và nén hương lòng đầy tình nghĩa của anh

      Delete
  4. Ngày 30/4 là ngày Quốc Hận, Hận cho sự hy sinh vô nghĩa của những người lính VNCH, Hận cho quê hương cho đến ngày nay vẫn còn lầm than cơ cực, Hận cho bản thân mình vô dụng, Hận cho những kẻ quên quá khứ bợ đỡ bọn giặc Cộng , Hận cho bọn giặc Nô lại đem quê hương hiến dâng cho tàu Cộng. Ôi nỗi Hận này nói sao cho hết ?????

    ReplyDelete
  5. Tôi đồng ý với ông Tám Tàng về mọi điều trừ câu "sự hy sinh vô nghĩa của những người lính VNCH".
    Theo tôi chính sự hy sinh của những người lính Việt Cộng mới là vô nghĩa vì họ đã bị lừa gạt bởi cái mục đích "giải phóng miền Nam" do Đảng Cộng Sản vẽ ra. Chính vì vậy Dương Thu Hương đã ngồi khóc trên vỉa hè Sài gòn khi thấy được sự thật sau ngày "giải phóng".
    Nếu không có những người lính VNCH chúng ta đã không có 20 năm phát triển miền Nam VN, đã không có nền cộng hòa (dù còn non trẻ và nhiều lỗi lầm) để mọi người (kể cả người miền Bắc XHCN) thấy được sự khác biệt giữa hai chế độ và nhất là những người con dân miền Nam VN không có được cuộc sống hôm nay.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hoàng Chu ơi chị đồng ý với em mà cũng đồng ý với anh Tám Tàng theo một suy nghĩ khác,những người lính VNCH hy sinh xương máu cho dân tộc được tự do, hạnh phúc , ấm no, nhưng họ nằm xuống để đồng bào ruột thịt ngày nay sống dưới ách cai trị của Cộng Sản thì sự hy sinh đó quả là vô ích quá,còn những người lính Cộng sản họ nghĩ rằng họ hy sinh để giải phóng miền Nam nhưng trên thực tế là họ đã hy sinh để người dân miền Nam rơi vào cảnh đói khổ cơ hàn, như vậy thì cả hai sự hy sinh đều quá là vô nghĩa

      Delete
  6. Huyền Nguyễn18 April 2013 at 00:39

    Câu chuyện của chị Kim thật tang thương và quá đỗi xót xa ,vết thương này không bao giờ lành ! Xin gửi nén hương lòng đến những anh hùng VNCH đã bỏ mình hy sinh vì cuộc chiến tương tàn , phi lý này .

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.