Thursday 14 March 2013

Tân giáo hoàng Phan Xi Cô

Việt Luận ::
T

rong vòng bầu phiếu thứ năm, 115 hồng y của giáo hội Công Giáo La Mã đã tiến cử hồng y Jorge Mario Bergoglio, 76 tuổi, người Á Căn Đình làm giáo hoàng.


Tân giáo hoàng đã ra mắt thế giới với danh hiệu Franciscus. Franciscus thường được phiên âm ra chữ Anh là Francis, chữ Pháp là Francois và chữ Việt là Phan-xi-cô hay Phan Xi Cô. Vì tân giáo hoàng là giáo hoàng đầu tiên chọn danh hiệu này nên báo chí tự động thêm thứ tự "đệ nhất" vào sau danh hiệu này. Nhưng Vatican đã đính chính danh hiệu của tân giáo hoàng chỉ là Franciscus.

Giáo hoàng Phan Xi Cô (xin được viết như vậy vì chữ Việt ngày nay không còn dùng nhiều gạnh nối nữa (?)) sinh năm 1939 tại Buenos Aires, Á Căn Đình, Nam Mỹ. Tiến cử con của một công nhân đường rầy xe lửa di dân từ Ý sang Á Căn Đình làm giáo hoàng, giáo hội Công Giáo La Mã vừa nhìn nhận trọng tâm của giáo hội đã dời sang thế giới thứ ba vừa giữ lại mối liên lạc đã có ngàn năm giữa giáo hội với châu Âu.


Theo CNN, khi làm tổng giám mục Buenos Aires, đức Phan Xi Cô đã từ chối ở trong toà giám mục đồ sộ mà sống trong căn nhà đơn sơ, tự tay nấu ăn và ngày ngày đi xe buýt đến nơi hành lễ. Ngài thực hành "thần học giải phóng" xuất phát từ Nam Mỹ; nhưng khi làm bề trên dòng Tên tại Á Căn Đình lại cực lực chống nền thần học 'ba rọi" này.

Chúng ta có giáo hoàng Franciscus
(Hình: vatican.va)
Tân giáo hoàng xuất thân là tu sỹ dòng Tên. Dòng Tên nổi tiếng kỷ luật như nhà binh và có nhiều ảnh hưởng trên sinh hoạt giáo hội đến độ người ta gọi thủ lãnh dòng Tên là "giáo hoàng đen". Đức Phan Xi Cô là tu sỹ dòng Tên đầu tiên trở thành "giáo hoàng trắng" (vì phẩm phục giáo hoàng màu trắng). Đức Phan Xi Cô cũng là giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ châu Mỹ La Tinh. Khi ra mắt "thành Roma và thế giới", tân giáo hoàng đã nói đùa "các Hồng y đã phải đi đến tận cũng thế giới mới tìm ra giáo hoàng. Đó là tôi đây". Điều này có thể mở đầu cho giáo hoàng sắp tới có thể từ châu Á, châu Phi hay Đại Dương Châu (như từ Việt nam hay Úc chẳng hạn).

Sống đơn sơ và nhiều lần nói lên tiếng nói lương tâm bênh vực cho người nghèo, tân giáo hoàng Phan Xi Cô còn là khoa trưởng phân khoa thần học và triết học tại Á Căn Đình. Ngài có văn bằng tiến sỹ với luận án viết bằng chữ Đức. Rất thông minh, nhưng tân giáo hoàng chú ý đến đạo đức hơn là biện luận. Hồng y Bergoglio mong giáo hội sống trong đời thường hơn là một giáo hội xa rời thế giới. Tại một hội nghị thần học, hồng y từng nói "tôi thích một giáo hội bị tai nạn trên đường phố hơn là một giáo hội mang bệnh vì tự khép kín".


Người ta nói: trong lần tiến cử năm 2005, hồng y Jorge Mario Bergoglio về nhì sau đức Benedict XVI. Cho nên, gần đây danh tính của hồng y người Á Căn Đình thường được báo chí kể đến trong danh sách các "papabili". Thậy vậy, hồng y Jorge Mario Bergoglio trở thành giáo hoàng Phan Xi Cô chỉ là nối tiếp truyền thống đã có từ hai ngàn năm của giáo hội đang có 1.2 tỷ tín hữu trên thế giới. Có lẽ thế giới sẽ ít cơ hội nghe lập trường khác từ tân giáo hoàng về một số vấn đề nhức nhối như hôn nhân giữ người đồng tính, phá thai và giúp người khác chết êm ái... Cứng rắn trước các vấn đề nhức nhối trên, nhưng giáo hoàng không kết án những con người sống trong các chuyện ấy. Năm 2001, hồng y Jorge Mario Bergogli ôm hôn và rửa chân cho 12 bệnh nhân HIV-AIDS. Mới nhất, vào tháng 9.2012, hồng y Jorge Mario Bergogli kết án linh mục từ chối nhập đạo cho trẻ em sinh ra ngoài vòng hôn nhân.


Tuy nhiên, còn quá sớm để nói tân giáo hoàng Phan Xi Cô lèo lái con thuyền thánh Phê-rô (tức giáo hội Công Giáo) như thế nào vì thế giới vẫn chưa rõ danh hiệu Franciscus có nghĩa là gì. Thoắt nhận được tin "Habeamus Papam Franciscus", hãng tin CNN nhanh tay bình luận: ý nói "đơn sơ và khiên tốn" vì CNN nghĩ tới thánh Phan Xi Cô thành Assisi, còn gọi là thánh Phan Xi Cô Khó Khăn. Vài phút sau, báo National Catholic Reporter, xuất bản tại Hoa Kỳ, đặt dấu hỏi: Không biết danh hiệu tân giáo hoàng lấy từ danh tính thánh Phan Xi Cô thành Assisi hay thánh Phan Xi Cô Xa Vi Ê (Francis Xavier). Được biết thánh Phan Xi Cô Xa Vi Ê sáng lập dòng Tên mà tân giáo hoàng cũng thuộc dòng Tên nên có thể ngài nghĩ đến vị thánh xuất thân từ nhà binh, suốt đời bôn ba chinh phục thế giới hơn là sống lãng mạn như vị thánh nghèo khó?


Thiển nghĩ: có lẽ giáo hoàng thứ 266 sẽ đưa 1.2 tỷ tín hữu trở lại nếp sống rất lãng mạn của 12 người đầu tiên theo chân Chúa mà không quên thế giới này còn nhiều tỷ người khác phải sống ở "tận cùng trái đất".


Việt Luận

2 comments :

  1. Thưa báo Việt Luận,
    Không ngờ quý báo có bài quá nhanh về tân giáo hoàng. Tôi ủng hộ Việt Luận.
    Tiến Trần

    ReplyDelete
  2. Hồi còn làm tổng giám mục ở Argentina, đức cha Bergoglio bỏ tòa giám mục ra sống trong căn nhà đơn sơ. Thật đáng phục. Nhưng chưa biết thành giáo hoàng, đức Francis có thể bỏ cung điện Vatican và sống trong căn nhỏ không? Ngài có muốn cũng không được phép làm vậy....
    Buồn thay!

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.