Thursday 14 February 2013

Đức giáo hoàng thoái vị



Việt Luận :: 
M

ồng Hai Tết Nguyên Đán Quý Tỵ 2013, đức giáo hoàng Benedict XVI, 85 tuổi, bất ngờ tuyên bố sẽ thoái vị kể từ lúc 8 giời tối ngày 28.2.2013. 
Tin này gây sửng sốt cho nhiều người nhưng chuyện đức giáo hoàng thoái vị không phải là điều chưa xảy ra và đã được tiên liệu trong luật của Giáo hội Công giáo La Mã.

Những vị giáo hoàng thoái vị

Trong lịch sử hai ngàn năm, đã có 10 giáo hoàng thoái vị; nhưng từ 600 năm gần đây chúng ta chưa chứng kiến vị giáo hoàng nào thoái vị. Đức giáo hoàng thoái vị gần nhất là giáo hoàng Gregory XII (1406-15). Lúc đó, cùng một lúc có ba người tự nhận là giáo hoàng. Thế là đức Gregory XII đề nghị chính mình và hai vị kia cùng thoái vị để hợp nhất đoàn chiên của Chúa.
Giáo hoàng thoái vị đầu tiên là đức Clement I (92?-101) nhưng một thời gian sau ngài lại được bầu làm giáo hoàng. 
Có giáo hoàng thoái vị vì bị vua quan bắt lưu đày, như đức Pontian (230-235), Martin I (649-655).
Có giáo hoàng bị buộc thoái vị như đức Marcellinus (296-304), Benedict IX (1032-45).
Có vị tự ý thoái vị như đức Celestine V (1294). 
Lịch sử kể lại, chỉ ở ngôi được năm tháng đức giáo hoàng Celestine V quỳ gối trước Hồng Y đoàn xin thoái vị. Để ý, ta thấy Benedict là danh tánh giáo hoàng thoái vị nhiều nhất. Đức Benedict XVI (2005-2013) là vị giáo hoàng Benedict thứ ba thoái vị. 

 

Tiên liệu giáo hoàng  thoái vị

Như vậy, trong lịch sử đã từng có giáo hoàng thoái vị. Hơn nữa, việc đức giáo hoàng thoái vị còn được tiên liệu trong luật của giáo hội. Luật của giáo hội Công Giáo -- thường gọi tắt là Giáo Luật -- định trước: khi đạt 75 tuổi, giám mục đệ đơn lên giáo hoàng xin từ chức. Riêng đức giáo hoàng thì không định tuổi, nhưng Giáo Luật dự trù: Nếu xảy ra trường hợp Giáo hoàng thoái vị thì để được hữu hiệu, sự thoái vị phải tự do và được bày tỏ cách hợp thức nhưng không cần được ai chấp nhận.

Đức Benedict XVI biết rõ hai điều kiện này nên ngài đã công khai đọc chiếu thoái vị bằng chữ La Tinh trước Hồng Y đoàn và nói rõ: "Trong vài tháng qua, sức khỏe của tôi đã xấu đi đến mức tôi phải nhận mình không thể cáng đáng nhiệm vụ được giao phó. Vì lý do này, và cũng biết rõ mức độ nghiêm trọng của hành động này, với hoàn toàn tự do, tôi tuyên bố thoái vị khỏi sứ vụ của Giám Mục Roma, Người kế vị Thánh Phêrô, đã được các Hồng Y giao phó cho tôi vào ngày 19 Tháng Tư năm 2005."

Có lẽ từng giáo hoàng đều tự chuẩn bị rời ngai: người chuẩn bị về với Chúa, người lo thu xếp chọn kế vị. Vị giáo hoàng trị vì 27 năm và thọ 85 tuổi là đức John Paul II đã làm cả hai việc trên. Một mặt ngài từ chối trả lời câu hỏi mình có thể thoái vị hay không. Mặt khác chính ngài hai lần viết thư trao cho Hồng Y đoàn -- vào năm 1989 và 1994 -- cho biết sẽ thoái vị nếu bị bạo bệnh hay không còn điều kiện thi hành nhiệm vụ nữa. Trong thế chiến thứ nhì, đức giáo hoàng Pius XII từng để lại một tờ chiếu ghi rõ: trường hợp mình bị Phát-xít bắt thì phải coi là đức giáo hoàng đã thoái vị và Hồng Y đoàn phải bầu tân giáo hoàng.

 

Bài học khi giáo hoàng thoái vị

Đức giáo hoàng Benedict XVI
(hình: http://www.biography.com/)
Chức vị và trách nhiệm của giáo hoàng thật cao trọng và nặng nề. Cao trọng vì được coi là đại diện của Chúa. Nặng nề vì là cha của 1.2 tỷ con chiên khắp thế giới. Đức giáo hoàng được coi là người cha thánh thiện -- như con chiên Việt Nam thường gọi giáo hoàng là "đức Thánh Cha" nên có lần đức Thánh Cha Paul VI nói "không có chuyện người cha lại từ chức". Nhưng với đức giáo hoàng Benedict XVI, ngày 28.2.13 không phải là chấm hết bổn phận làm cha tinh thần mà chỉ lui về sống cầu nguyện trong tu viện Mater Ecclesiae bên trong thành luỹ Vatican vì "không đủ sức khoẻ cáng đáng các nhiệm vụ của người kế vị thánh Phê-rô".

Cáng đáng nhiệm vụ của người kế vị thánh Phê-rô bao gồm bốn công việc chính "việc làm, lời nói, chịu đau khổ và cầu nguyện". Sau ngày 28.2.13, thế giới sẽ không còn thấy đức Benedict XVI xuất hiện trong "việc làm và lời nói" như trong bảy năm bảy tháng vừa qua. Nhưng ngài vẫn tiếp tục "chịu đau khổ và cầu nguyện". Rõ ràng, trong thời gian gần đây, sức khỏe của đức Benedict XVI suy yếu: sau chuyến đi Mexico và Cuba vào năm ngoái, bác sỹ không cho ngài công du xa nữa. Mới đây, đức giáo hoàng còn qua cơn giải phẫu tim... Có lẽ thế giới không nhẫn tâm buộc một cụ già 85 tuổi phải tiếp tục ngày một ngày hai cầm lái con thuyền chở hơn 1 tỷ tín hữu vượt qua sóng gió của thời đại mà chính ngài nhìn nhận "có quá nhiều thay đổi nhanh chóng".

Tin đức giáo hoàng thoái vị gây sững sốt cho thế giới nhưng được đông người ca ngợi. Giáo hoàng là một nhiệm vụ nhưng gắn liền với nhiều danh vọng. Từ bỏ danh vọng quả là nghĩa cử hiếm thấy. Đức Benedict XVI thoái vị còn là nhắc nhở về giới hạn của con người cho dù người đó là "đại diện của Chúa". Hơn nữa, trong cái nhìn của lòng tin vào Chúa, đức Benedict XVI thoái vị cho thấy: tín hữu theo chân Chúa không phải chỉ bằng "lời nói và việc làm" mà còn bằng "chịu đau khổ và cầu nguyện".

Khi đức giáo hoàng thoái vị, ngai giáo hoàng bỏ trống và Hồng Y khắp thế giới tựu về Vatican bầu tân giáo hoàng. Cuộc bầu cử sẽ diễn ra từ ngày 15.3 với hy vọng trước lễ Phục sinh khói trắng sẽ bay lên từ mái ngói nhà nguyện Sistine.

Khói trắng đó báo hiệu thế giới có tân giáo hoàng.

Việt Luận

5 comments :

  1. Hồi nhỏ tôi học giáo lý và nghe ma soeur kể chuyện: khi bầu giáo hoàng thì các hồng y đốt lá phiếu nều khói trắng thì phiếu đó được Chúa chấp nhận. Nếu đốt phiếu mà ra khói đen thì người được bầu không đắc cử vì Chúa không chấp nhận.
    Bài này cũng nhắc tới khói trắng không biết muốn nói tới phép lạ trong giáo lý không?

    ReplyDelete
  2. Y vi lưỡng khả17 February 2013 at 18:19

    Khói trắng, khói đen chỉ là một cách để thông tin từ nhà nguyện Sixtine với thế giới. Thật vậy, khi tổ chức bầu tân giáo hoàng các hồng y bị cô lập trong nhà nguyện Sistine cho đến khi bầu được tân giáo hoàng . Hồng y có thể bỏ phiếu nhiều vòng . Sau khi bỏ phiếu thì đốt lá phiếu để giữ bí mật .
    Khi chưa bầu được giáo hoàng thì người ta pha thêm hóa chất để có khói đen. Khi có tân giáo hoàng thì người ta pha hóa chất để có khói trắng. Đó là cách báo tin cho dân chúng đang nôn nao chờ kết quả bầu cử .
    Nhưng có khi khói không rõ trắng đen nên vào năm 2005 người ta đề nghị nhà nguyện Sistine kéo chuông khi bầu được giáo hoàng. Nhưng ở Vatican, có nhiều nhà thờ rung chuông nên cũng rất dễ hiểu lầm . Thế là các hồng y vẫn giữ lối xưa.
    Có lẽ trong thời đại Internet, dám có người đề nghị dùng Twitter?

    ReplyDelete
  3. Xin hỏi có hồng y người Việt Nam nào được quyền bầu giáo hoàng không? Nếu có thì vị này có nhiều cơ hội thành giáo hoàng không?
    Kính

    ReplyDelete
    Replies
    1. Theo chỗ tui được biết: chỉ những vị Hồng-Y nào dưới 80tuổi mới hội đủ điều
      kiện để được đi bầu.Việt-Nam mình hiện chỉ có một vị là Hồng Y Phạm-minh-
      Mẫn mà hình như vị này cũng đã ngoài 80 rồi...Vả lại dưới chế độ CS.hiện nay
      nếu các vị có hội đủ điều kiện đi nữa cũng còn phải thông qua thủ tục xuất-
      cảnh mà chúng áp đặt. E rằng bọn chúng sẽ làm khó dễ không thông qua với rất
      nhiều lý do mà chúng "phù phép"...Ngộ nhỡ VN có Giáo Hoàng ngài sẽ ...công
      du nhiều nơi trên thế giới để ...giải giới chế độ thối tha của chúng.../
      yamaham/sv

      Delete
  4. Tôi là con chiên ở Sydney. Tôi thích hồng y George Pell lên giáo hoàng. Theo tôi biết hồng y George Pell rất được lòng Vatican và Úc nên có giáo hoàng.
    Kính

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.