Sunday 17 February 2013

Khi tôi chết

Ben Trần ::
C

on người lúc sống ai ai cũng có một chút ước mơ dù nhỏ hay to.  Những ước mơ,  những hoài bão cũng thay đổi tùy theo những hoàn cảnh sống của từng người.  Điều kiện xã hội, môi trường sống,  môi trường làm việc tạo cho mỗi người có hoài bão khác nhau. . . Đến cuối đời người ta có được mãn nguyện với ước mơ của mình hay không; Chưa mãn nguyện họ để lại di chúc cho thế hệ con cháu thực hiện thế nầy thế kia. . .


Bà Pam Baker vị luật sư nổi tiếng tranh đấu cho thuyền nhân Việt Nam ở những trại tỵ nạn Đông Nam Á.  Gần cuối thập niên 1990 khi các quốc gia Đông Nam Á chuẩn bị đóng cửa các trại tạm cư,  người tỵ nạn sẽ bị xua đuổi về nguyên quán.  Bà là người cầm đầu nhóm luật sư trẻ đã tranh đấu không mệt mỏi cho người tỵ nạn để được định cư nơi các nước tự do.Sau nầy luật sư Trịnh Hội, một luật sư trẻ lớn lên và tốt nghiệp tại Úc – trước kia cùng làm việc với bà – đã tiếp nối hoài bão của bà, tiếp nối công tác thiện nguyện cao quí nầy . . Bà Baker mất năm 2002 tại Tô cách Lan nơi quê nhà bà,  thọ 71 tuổi.  Chắc lúc còn sống bà chứng kiến quá nhiều khổ ải của người tỵ nạn trên biển Đông và bà muốn tiếp tục chia sẻ hay bà nghĩ mình chưa làm hết nhiệm vụ nên trước khi chết bà để lại di chúc: tro cốt bà phải được rải trên biển Đông. Thân nhân đã làm như ý nguyện của người quá cố.

Còn thi sĩ đôi khi có hoài bão lớn ghê lắm như Du Tử Lê suốt đời mơ về đất mẹ.. Khi chết muốn mình phải về đất mẹ.

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
(http://www.youtube.com/watch?v=gh2EoNYGN_o)
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Đời lưu vong không cả một ngôi mồ
Vùi đất lạ thịt xương e khó rã
Hồn không đi sao trở lại quê nhà

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Nước ngược dòng sẽ đấy xác trôi đi
Bên kia biển là quê hương tôi đó
Rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
Cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối
Biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi.

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
Những năm trước bao người ngon miệng cá
Thì sá gì thêm một xác cong queo

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Cho tôi về gặp lại các con tôi
Cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi
Từ những mắt đã buồn hơn bóng tối

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Và trên đường hãy nhớ hát Quốc ca
Ôi lâu quá không còn ai hát nữa
(bài hát giờ cũng như một hồn ma)

Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
Đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn

Đó là tâm sự của thi sĩ, tâm sự của chiến sĩ còn ray rức, thống thiết hơn nhiều lần. . . Ông Nguyễn văn Phán,  sĩ quan VNCH, người đã từng ngang dọc khắp miền đất nước hầu mong giữ vẹn bờ cõi.  Nhưng ngày 30/4/75,  ông và hàng trăm ngàn đồng đội  phải buông súng. . . 
“Cờ chơi dư nước mà thua ức,
Bạc đánh thừa lưng phải mất đau”
(Cao Tiêu)
Đây là tâm sự Trung tá Nguyễn văn Phán, người chiến sĩ chưa chịu buông súng. . .

“ Khi tôi chết đừng đưa tôi ra biển,
Đưa tôi về Lao Bảo,  Khe Sanh
Để đêm nghe vang dội khúc quân hành
Ôi! Lính chiến một thời kiêu hãnh quá

Thú thật khi chuẩn bị viết bài nầy tôi chỉ thuộc  4 câu thơ trên và chỉ biết tên tác giả Nguyễn Văn Phán.  Không hề biết ông ta cấp bực gì,  binh chủng nào và địa danh Lao Bảo ở đâu. Tôi Email hỏi anh Tư Điên về địa danh Lao Bảo và tác giả bài thơ trên.  Anh Tư Điên lập tức trả lời ,  anh thuộc lòng toàn bài thơ, bởi anh và tác giả bài thơ nầy cùng  một sư đoàn, cùng một  binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. 
Huy hiệu tiểu đoàn Quái Điểu
(Hình: http://tqlcvn.org/)
Ngày 30/4/1975 ông Nguyễn Văn Phán mang cấp bậc Trung tá của tiểu đoàn 1 (Quái Điểu).  Còn anh Tư Điên lúc đó mang cấp bậc đại úy của tiểu đoàn 2 (Trâu Điên).  Máu hào hùng của TQLC và niềm hãnh diện của TĐ Trâu Điên  nằm trong từng tế bào của anh Tư rồi.  Không phải chỉ ở hình xâm “Trâu Điên” trên ngực trái của anh  không thôi. Hình xâm chỉ là một hình tượng cụ thể bên ngoài; còn một hình tượng tâm linh mà anh Tư, ông Nguyễn Văn Phán và các đồng đội khác đều ôm ấp. . .  “Đưa tôi về Lao bảo, Khe Sanh,  Ben Héc,  Đắc Tô. . . để trấn giữ Trường Sơn yêu quí. . . để được quấn thân xác trong cờ vàng ba sọc đỏ. . . ” Thế nên anh Tư đã thuộc lòng từng chữ,từng câu bài thơ “Khi tôi chết. . . ”

Thì ra thi sĩ và chiến sĩ cùng có một điểm hội tụ. . . Người thì khi chết  “. . .  trên đường về hãy nhớ hát Quốc Ca ”;   người thì “Xin liệm kín với hồn thiêng sông núi”  bằng cờ vàng ba sọc đỏ.
Xin thưởng thức tiếp bài thơ của cựu SQ Nguyễn Văn Phán:

Khi tôi chết đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi về Lao Bảo,  Khe Sanh
Để đêm nghe vang dội khúc quân hành
Ôi! lính chiến một thời kiêu hãnh quá.

Khi tôi chết đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi về Ben Héc,  Đắc Tô
Nơi bạn bè tôi xây mộng sông hồ
Nguyện trấn giữ dãy Trường Sơn yêu quý

Khi tôi chết đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi về Bình Giả, Chiến khu Đ
Cho hồn tôi siêu thoát với lời thề
Thân chiến sĩ,  nguyện xin đền nợ nước

Khi tôi chết đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi về Cái Đước Đầm Dơi
Đêm U Minh nghe tiếng thét vang trời
Mừng chiến thắng để dâng về Tổ Quốc

Khi tôi chết đừng đưa tôi ra biển 
Trả tôi về với dân tộc Việt Nam
Gói thân tôi ba sọc đỏ cờ vàng
Xin liệm kín với hồn thiêng sông núi

Tôi yêu hai bài thơ nầy quá và xin ngả nón trước các thi sĩ và chiến sĩ đã cho chúng ta những vần thơ kiệt tác. . . Đúng như câu thơ Cao Tiêu:“ Nhớ nước thơ gieo những vận sầu”. . . .

Ben Trần
Sydney, 29/1/2013

7 comments :

  1. Thể theo lời yêu cầu của anh Tư Điên người viết không nêu tên thật của anh Tư.Lý do là anh Tư còn anh em ruột và mẹ già còn ở VN,sợ anh em mình sẽ gặp khó khăn...Bản thân anh Tư Điên đã định cư ở Mỹ đã lâu không ngại gì cho lắm.
    Lần nữa cám ơn anh Tư đã cho tôi nhiều chi tiết viết bài nầy...và còn nhiều bài nữa về cuộc chiến VN.

    ReplyDelete
  2. Thùy Dung ( QLD)18 February 2013 at 15:29

    Hai bài thơ trên đây rât hay và cảm động, tuy nhiên theo ý tôi ( có thể tôi sai, xin đọc giả góp ý) thì không thể gọi là " Hoài Bảo" bởi lẽ 'Hoài Bảo " là những mơ ước mà chính người mơ ước sẽ cố gắng để thực hiện. Nhưng hai bài thơ trên theo tôi là những điều mà họ mong mỏi khi chết người khác thực hiện cho mình. Như thế là khác xa với hoài bảo, mà chỉ có thể gọi là tâm nguyện. Xin ý kiến và chỉ dẫn nếu tôi sai

    ReplyDelete
  3. Chị T D ạ,theo tôi chị có thể thay thế chữ "tâm nguyện" cho "hoài bão" mà ý nghĩa của đoạn văn vẫn không thay đổi. Xét cho cùng hai từ kép nầy có ý nghĩa gần giống nhau ( cũng có thể tôi sai ) Chắc là OG3T và Kim nguyễn là hai cao thủ có thể đào sâu hơn .
    Điều tôi muốn lạm bàn ở đây là chị viết:"hai bài thơ trên theo tôi là những điều mà họ mong mỏi khi chết người khác thực hiện cho mình". Chỉ chỉ nghĩ về mặt thể xác. Tôi lại nghĩ về mặt tâm linh .Tâm hồn họ luôn hướng về quê mẹ ,quê mẹ trong sự tự do dân chủ...Cho nên thi sĩ đã viết câu" Và trên đường về hãy nhớ hát Quốc ca" Khi hát Quốc Ca là đất nước VN mình tự do rồi. Còn chiến sĩ thì " Nguyện trấn giử dãy Trường Sơn yêu quí"...
    và..." Thân chiến sĩ, nguyện xin đền nợ nước"...
    Ông Trung tá Lục quân Hoa Kỳ Julian Trần(Người Việt đến Mỹ hồi 10 tuổi) đã đọc bài diễn văn trước đài chiến sĩ trận vong ở Honolulu ngày 27/5/2012 trong đó có đoạn..." Là một người lính,tôi tin là " khi đã là lính,thì suốt đời ta sẽ là lính"; thế nên theo sự suy nghĩ của tôi, quý vị không phải là những cựu chiến binh, mà quý vị luôn là người lính cho đến ngày các quý vị nhắm mắt xuôi tay."
    Với ý tưởng nầy ta phải hiểu tâm tư người lính VNCH là "nguyện trấn giử dãy Trường Sơn yêu quí" cho đến lúc chết họ vẫn còn mong mỏi phần hồn được về quê mẹ để cùng trấn giử quê cha đất tổ. Bạn cứ hiểu về mặt tâm linh thì sẽ thấy bài thơ hay vô cùng...

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thùy Dung ( QLD)19 February 2013 at 08:38

      Vâng cám ơn anh Ben đã phân tích, ngay từ câu mở đầu tôi đã trân trọng khen hai bài thơ thật hay và cảm động, có điều chỉ là thắc mắc hai chữ hoài bảo và tâm nguyện, nhưng thôi cả hai đều là những tâm tư thầm kín của người đã khuất, mong rằng lớp người sau sẽ nối gót tiền nhân thực hiện những điều dang dở. Một lần nữa cám ơn anh

      Delete
    2. Tôi xin gởi đến anh em đồng đội lời tạ tội bởi đã không cùng sống chết có nhau .
      Tôi là lính cũng ôm nhiều trăn trở
      Khi quê hương mình thối nát lầm than
      Biết làm sao khi lũ giặc bạo tàn
      Đang từng bước chôn vùi dân tộc Việt.
      Như cọp dữ âm thầm trong cũi sắt
      Chỉ ngày ngày dương mắt đếm thời gian
      Những ước mơ hoài bảo cũng lụi tàn
      Ta chỉ biết cúi đầu xin tạ tội

      Delete
    3. Anh Tư ơi! lời thơ của anh sao mà thống thiết đến nỗi làm muội rơi lệ vậy hả anh ? anh có lỗi gì mà tạ tội ? là vận nước nổi trôi thôi, cuộc chiến nào mà chẳng vậy hả anh ? chúng ta làm được gì đây ? hãy để cho thế hệ sau với tuổi trẻ và giòng máu nóng thay đổi vận nước mà thôi anh ạ, tất cả những chiến sĩ hào hùng còn sống như anh hay đã ra đi, dân tộc và gia đình em xin vĩnh viễn mang ơn anh và những chiến sĩ vô danh đời đời ấy. Các anh đã hy sinh tuổi trẻ của mình cho đất nước, được mất thắng thua chẳng do các anh quyết định, thôi đừng ngày ngày dương mắt đếm thời gian nữa, đem nỗi buồn đổi lại thành niểm vui,vui vì cuộc chiến đã chấm dứt,vui vì con cháu chúng ta không cần phải hy sinh tuổi trẻ nữa,vui vì người việt mình chẳng còn cầm súng bắn giết nhau ,máu không còn đổ, cho dù máu của bên nào thì cũng có nỗi đau anh ạ, nỗi lo âu bây giờ chính là nỗi lo mất nước về tay bọn Tàu Cộng, mong rằng một ngày nào đó, những người trẻ sau này sẽ đứng lên giúp quê hương mẹ VN tươi sáng và tốt đẹp hơn,hãy ấp ủ hoài bảo này cho quê hương mình anh Tư Điên ơi!!!!

      Delete
    4. Cám ơn cô Kim có lời an ủi, thôi từ nay Tư tui sẽ không " ngậm một mối căm hờn trong củi sắt " nữa,Tư tui cũng cám ơn những tấm lòng vàng như cô, biết nghĩ suy đau đớn cho quê hương mình.Chuyến rồi Tư tui về thăm mẹ già, thấy buồn cho đất nước, biết chừng nào mới theo kịp nước bạn láng giềng ?nhìn chung chung bề ngoài thì thấy thật hào nhoáng văn minh nhưng thiệt ra chỉ có cái vỏ bọc bên ngoài thôi,cái ruột thì rỗng không hà cô ơi, nước người ta dân cần một chính phủ lo mười, còn nước mình dân cần mười lãnh đạo lo một còn chín phần kia mạnh ai nấy bỏ túi, thiệt là đau lòng hết sức, chuyện dài xã hội chủ nghĩa nói tới chừng nào mới hết đây cô.

      Delete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.