Wednesday 11 June 2014

Bình Minh từ Thiên An Môn?




Tay không chận xe tăng
(Hình Telegraph.co.uk)


đoàn xuân thu. Melbourne::


Quảng trường Thiên An Môn, được xây vào năm 1417, rất rộng lớn tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Chiều dài từ bắc xuống nam 880 mét và chiều ngang từ đông sang tây 500 mét. Do đó, diện tích của quảng trường là 440.000 mét vuông. Giữa quảng trường có bia Kỷ niệm Anh hùng Nhân dân và Lăng Mao Trạch Đông.

Dọc theo lề phía Đông và phía Tây quảng trường có cây, nhưng trong quảng trường thì trống rỗng, được chiếu sáng bởi những cây cột đèn lớn, với máy thu hình an ninh dầy đặc theo dõi. Công an mặc sắc phục và công an chìm tuần tra suốt ngày đêm.

Quảng trường Thiên An Môn là nơi xảy ra nhiều sự kiện chính trị như là việc Mao Trạch Đông thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày 1 tháng 10 năm 1949 và các buổi mít tinh trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa.

Về phía nhân dân thì quảng trường Thiên An Môn cũng là nơi xảy ra nhiều phong trào phản đối, trong đó có Phong trào Ngũ Tứ (1919) đòi khoa học và dân chủ. Các cuộc biểu tình năm 1976, sau cái chết của Chu Ân Lai

Cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989 làm quảng trường nầy nổi tiếng toàn thế giới!

N
guyên Hồ Diệu Bang, cựu Tổng Bí Thơ đảng Cộng Sản Trung Quốc, (người có đầu óc nghiêng về cởi mở, cải cách chánh trị, nên bị thanh trừng) qua đời vào ngày 15 tháng 4 năm 1989, thọ 73 tuổi. Một ngày sau đó, hàng ngàn sinh viên tụ tập ở quảng trường Thiên An Môn làm lễ tưởng niệm Hồ Diệu Bang. Một tuần lễ sau, thêm hàng ngàn người nữa tiến vào chiếm đóng quảng trường. Ngày 13 tháng 5 năm 1989, sinh viên biểu tình và tuyệt thực đòi hỏi cải cách dân chủ.

Cuộc viếng thăm của Tổng Thống Liên Xô Mikhail Gorbachev và phu nhân Raisa vào ngày 16 tháng 5 năm 1989 trùng hợp với cuộc biểu tình tuyệt thực đang diễn ra tại quảng trường Thiên An Môn của sinh viên buộc Đặng Tiểu Bình phải dời cuộc tiếp đón chính thức từ quảng trường Thiên An Môn ra phi trường và tại Đại Sảnh Đường Nhân Dân. Việc nầy làm các nhà lãnh đạo Trung Quốc bị mất mặt với Liên Xô!

Ngày 18 tháng 5 năm 1989, Gorbachev thăm Trung Quốc được 3 ngày, chứng kiến cuộc biểu tình trên đường phố mỗi ngày. Cao trào lên tới cả triệu người diễu qua đường phố Bắc Kinh. Rồi công nhân Trung Quốc tuần hành bằng xe gắn máy để ủng hộ sinh viên đang tuyệt thực.

Biểu tình của sinh viên khởi xướng, dần lan ra các tầng lớp khác như công nhân và giáo viên, và sang các thành phố khác: Thượng Hải, Trùng Khánh, sau đó là Hong Kong, Đài Loan và cộng đồng người Hoa ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Ngày 19 tháng 5 năm 1989, ngày thứ 6 của cuộc tuyệt thực, Tổng Bí Thơ đảng Cộng Sản Trung Quốc Triệu Tử Dương đến quảng trường Thiên An Môn xin lỗi sinh viên vì đã đến quá trễ, khóc, yêu cầu sinh viên giải tán!

Ngày 20 tháng 5 năm 1989, Thủ Tướng Lý Bằng ra thiết quân luật một phần của thủ đô Bắc Kinh, nhưng giáo sư các trường đại học ở Bắc Kinh bất chấp thiết quân luật, đến gia nhập ủng hộ đòi hỏi của sinh viên.

Ngày 30 tháng 5, các sinh viên trường Mỹ thuật tạc tượng Nữ thần Tự do hoàn thành trong 4 ngày, đưa tượng ra trưng bày gần đài tưởng niệm Nhân dân anh hùng trong quảng trường Thiên An Môn.

Ngày 2 tháng 6, hàng trăm ngàn người tụ tập quanh tượng Nữ thần Tự do.

Đêm 3, rạng sáng ngày 4 tháng 6, lính võ trang và chiến xa tràn tới, nổ súng bừa bãi vào đám đông; bắt đầu cuộc đàn áp đẫm máu nhứt kể từ ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa năm 1949.

Khi xe tăng tiến vào quảng trường, phóng viên nhiếp ảnh Jeff Widener (đến Bắc Kinh nhằm đưa tin về cuộc viếng thăm Trung Quốc của Gorbachev), đã chụp được một bức ảnh tên ‘tank man’ (một thanh niên trước xe tăng)

Jeff Widerner thuật lại: “Tôi nằm trên một ban công khách sạn hướng máy ảnh vào một đoàn xe tăng, và người thanh niên đó bước ra, tay cầm một túi xách đi chợ. Tôi thầm nghĩ anh ấy sẽ làm hỏng bố cục bức ảnh của mình. Ai dè anh bước ra can đảm ngăn đoàn xe tăng lại!”

Bức ảnh nầy đã đoạt giải thưởng quốc tế tại Pháp, Ý và vào chung kết giải Pulitzer của Hoa Kỳ.

Một phóng viên khác cho biết: “Lúc 2 giờ 30 sáng ngày mồng 4 tháng 6 năm 1989, từ ban công một khách sạn ở thủ đô Trung Quốc, tôi nhìn xuống đại lộ Tràng An dẫn vào quảng trường Thiên An Môn cách đó vài trăm mét. Đạn réo trên đầu. Tiếng súng vang động xé màn đêm Bắc Kinh ẩm ướt. Nhiều người trúng đạn. Người chết và người bị thương mình đầy máu, chất đầy trên những xe lôi đạp chở vào bịnh viện. Tôi thấy những xe tăng của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đang di chuyển vào quảng trường rộng lớn nầy; rồi quay quanh chân dung Mao Trạch Đông.

Số người bị giết chưa hề được chánh thức công bố; tuy nhiên những nhóm tranh đấu cho nhân quyền nói có đến hàng ngàn người đã chết trong cuộc đàn áp nầy.

Nhiều tuần lễ sau ngày 4 tháng 6 năm 1989, nhiều nhà tranh đấu trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào cuộc biểu tình đòi dân chủ lần lượt bị bắt giữ.

Hai mươi lăm năm sau biến cố Thiên An Môn đó, Hương Cảng là vùng đất duy nhất, thuộc Trung Quốc, được cho phép tổ chức lễ tưởng niệm cuộc đàn áp đẫm máu nầy.

Một bản sao tượng Nữ thần Tự do được trưng bày trong viện bảo tàng mang tên 4 tháng 6 vào ngày 24 tháng 4 năm 2014. Hàng ngàn người đến thắp nến cầu nguyên tại công viên Victoria kỷ niệm hàng năm.

Việc đàn áp dã man của quân đội nhân dân Trung Quốc đưa đến nhiều hệ lụy lâu dài không những cho sự phát triển của Trung Hoa mà còn ảnh hưởng đến sự liên hệ của nó với toàn thế giới.

Lần đầu tiên cuộc nổi dậy của quần chúng chống lại một nhà nước độc tài toàn trị được các giới truyền thông truyền đi trực tiếp ra toàn thế giới xác lập thời đại thông tin bùng nổ. Tin tức sống động, cập nhựt liên tục truyền đi suốt 24 giờ về cuộc khủng hoảng nầy.

Pho tượng mô phỏng Nữ thần Tự do và bức ảnh người thanh niên vô danh đứng chặn trước một dãy 4 chiếc xe tăng T-59 trở thành biểu tượng đòi dân chủ và cuộc tranh đấu chống bất công!

Tại Hoa kỳ, sự kiện Thiên An Môn khiến người ta xem xét lại quan hệ báo chí với ý kiến của quần chúng, ảnh hưởng vô cùng lớn với những người soạn thảo kế hoạch đối ngoại, lột trần cái liên hệ có vẻ ‘lãng mạng’ giữa Mỹ Trung khởi sự từ chuyến công du Trung Quốc của Richard Nixon vào năm 1972.

Tại Trung Quốc, cuộc khủng hoảng nầy đã khiến Đặng Tiểu Bình phải loại bỏ những nhân vật lãnh đạo có xu hướng cởi mở, bày tỏ lòng thông cảm với sinh viên biểu tình để thay thế bằng những tay già nua, thủ cựu hơn trong Đảng, nhằm tránh sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng Sản. Vẫn thắt chặt chính trị… nhưng vẫn phải tiếp tục nới lỏng thêm về kinh tế?!

Hai mươi lăm năm trôi qua, năm nào cũng vậy, nhà nước Trung Quốc cấm tuyệt việc tưởng niệm sự kiện 4 tháng 6, họ muốn dân chúng hãy quên đi, lo kiếm tiền và đừng dại dột thách thức sự lãnh đạo độc tôn của Đảng Cộng Sản Trung Quốc!

Dù vậy Đảng vẫn phập phồng lo sợ. Sợ như mùa xuân Á Rập. Sợ Cách mạng màu xảy ra ở Liên Bang Xô Viết. Sợ những căng thẳng với Tây Tạng và Tân Cương sẽ tạo thêm bất ổn nên Đảng Cộng Sản Trung Quốc phát động những đàn áp khắc nghiệt như bỏ tù nhà tranh đấu, đoạt Nobel Hòa Bình, Lưu Hiểu Ba và ra sức đối phó với hàng ngàn cuộc biểu tình lớn nhỏ của dân chúng xẩy ra liên tục ở các địa phương.

Tới giờ phút nầy Đảng Cộng Sản Trung Quốc có vẻ vẫn còn kiểm soát được tình thế. Tuy nhiên khi nền tăng trưởng kinh tế bị chậm lại, căng thẳng về xã hội sẽ tăng lên. Mạng thông tin toàn cầu cùng các phương tiện thông tin tối tân khác đã giúp dân cất lên được tiếng nói phản kháng của mình, bày tỏ bất mãn về chánh trị chắc chắn sẽ đẩy Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào những thử thách nghiêm trọng mới.

Đòi hỏi của sinh viên quảng trường Thiên An Môn cách đây đã một phần tư thế kỷ nhưng vẫn còn mang tính thời sự: Cải cách về kinh tế chưa đủ; phải có cải cách về chính trị!

Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 3/6 trả lời phỏng vấn của Reuters, nói rằng "chính phủ đã lựa chọn con đường vì lợi ích của người dân" khi được hỏi về sự kiện Thiên An Môn.

Nói như vậy mà nói được. Giết dân một các tàn bạo như vậy mà dám mở miệng ra nói vì lợi ích của người dân?!

Điều lý thú là trong khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc đàn anh đang cố gắng che dấu và tăng cường guồng máy an ninh sẵn sàng đàn áp nếu có biến loạn nào xảy ra nhân 25 năm nhìn lại Thiên An Môn; thì đàn em đảng Cộng Sản Việt Nam lại bật đèn xanh cho báo chí quốc doanh dịch bài của CNN và các cơ quan truyền thông quốc tế khác về cuộc đàn áp đẫm máu nầy?!

Mấy năm trước nín khe, im ru bà rù chắc có lẽ hai đảng còn cơm lành canh ngọt? Em ủng hộ anh!

Năm nay báo chí quốc doanh chơi luôn, cho đăng những ý kiến của độc giả như là:
“Dùng xe tăng để cán qua những con người bằng da bằng thịt tay không có vũ khí, dùng súng tiểu liên xả thẳng vào những sinh viên trí thức thì quả là cực kỳ vô nhân tính hiếm có trên thế giới. Tôi cũng tự hỏi với những sinh viên biểu tình dù có muốn giải tán họ cũng có rất nhiều cách nào vòi rồng nào lựu đạn cay thì họ lại chọn cách tàn ác nhất để thảm sát? Có lẽ họ muốn làm ý chí con người phải khiếp sợ chăng? Hành động của họ đâm thẳng tàu chiến vào tàu của ngư dân hiền lành cố ý giết người về bản chất chẳng khác gì sự kiện cách đây 25 năm, một thể chế mà sẵn sàng giết không thương tiếc ngay dân mình không ghê tay thì chuyện tàn ác nào ngoài biển đối với ngư dân ta mà chúng sẽ từ?”
Rõ ràng đang có một sự vỡ mộng về tình đồng chí 16 chữ vàng và 4 tốt của đảng Cộng Sản Trung Quốc trao cho.

Rồi có ông còn đòi lật tía con nó xuống để tìm sự thực về sự kiện Thiên An Môn!

“Thiên An Môn sẽ là trang sử mà Trung Quốc sẽ phải chôn giấu mãi cho đến ngày người dân lật Thiên An Môn lên để soi rọi sự thật còn bị chôn vùi dưới đó!”

Người viết không dám lạc quan ‘sảng’ nhưng cuối đám mù mây đã có vài tia bình minh le lói rồi đó bà con ơi!

đoàn xuân thu.
melbourne.
Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.




0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.