Saturday 5 April 2014

Chuẩn bị anh vào cuộc tử sinh!



đoàn xuân thu::

Năm 1972, tôi vào trường Bộ Binh Thủ Đức! Khóa 4/72 (khăn tím), thuộc trung đội 242. Số 2 đầu là tiểu đoàn 2, nằm gần trại gia binh khu Thiết giáp, Đại úy Trác, tiểu đoàn trưởng. Số 4 kế là đại đội 4, Trung Úy Mẫn làm đại đội trường. Còn 2 chót là trung đội 2 Thiếu úy Bùi Thanh Tân, trung đội trưởng cán bộ.


Huy hiệu trường Bộ Binh Thủ Đức
Có rất nhiều chuyện vui về Thiếu Úy Tân, cán bộ trung đội nầy. Ổng gốc Chà và, Ấn độ, đen thùi lùi, biệt danh là ‘dế than’... Trên nắp túi áo có gắn huy hiệu của Fort Benning với lưỡi gươm, phía trên có dòng chữ Follow Me, tức là đã được huấn luyện ở trường Lục Quân, tiểu bang Georgia bên Mỹ đó nha!

(Hồi mới là tân khóa sinh, ra Vũ đình trường làm vài vòng sân cho giãn gân giãn cốt, còn ‘thơ sinh bạch diện’ thấy ổng, Fort Benning về, sải… như ngựa… mình cũng hơi khớp! Nhưng hết thời tân khóa sinh, gắn alpha, vai u, thịt bắp, chân đã cứng như thép rồi thì cán bộ đua không lại tụi tui đâu!)

Mỗi tối đúng 9 giờ là tùng sự đại đội trưởng khóa sinh, đội nón sắt màu đỏ, thổi tu hít hoét hoét, cho tập họp điểm danh rồi đi ngủ. Mấy đứa ra hàng quân mà còn chộn rộn, um sùm như cái chợ Cầu Muối, nên tui cảnh báo tụi nó rằng:

“Ê! Nói chuyện um sùm coi chừng con dế than nó tới là cha tụi bây cũng thác!”
“Có mặt!”
Úy trời đất ơi! Quay lại, thấy cái mặt đen thui như lọ nồi của ổng, thiếu điều tui chết giấc!


Cán bộ ra lịnh cho nó chạy vòng vòng đại đội vừa chạy vừa la:
“Các bạn ơi!
Tui không bao giờ đái bậy nữa!”
Cứ các bạn ơi hoài…

Vậy là 12 giờ đêm, vác súng có gắn ‘bayonet’(lưỡi lê), dây ba chạc 7 băng đạn đầy đủ chớ hỏng có vụ tháo vụt bớt đạn cho nhẹ đâu nha, vai đeo ba lô lên trình diễn dã chiến cùng với một thằng nữa. Thằng nầy, tối hôm qua, nửa khuya làm biếng, nó ‘tè’ đại ở giao thông hào, đâu biết ông Thiếu úy trực ban đại đội, bị suyễn, tối ngủ không được, nên đi rỏn bắt ngay tại trận! Cán bộ ra lịnh cho nó chạy vòng vòng đại đội vừa chạy vừa la: “Các bạn ơi! Tui không bao giờ đái bậy nữa!” Cứ các bạn ơi hoài…text text text

Cả đại đội 4 tiểu đoàn 2, gần 200 thằng, đang say sưa, chìm trong giấc điệp, bỗng thức dậy, lắng nghe rồi ôm bụng cười “khặc khặc!”

Phạt dã chiến, cán bộ chơi ác: “Cho hai anh 30 mươi giây, cởi cái quần ra còn đôi giày.”
(Trương văn Đa, người Trung, xứ Nẩu quê mình, có biệt danh là ‘người lùn gây máu lửa’ vì nó hơi thiếu thước tấc một chút, cỡ thước tư là nhiều. Diễn hành là nó luôn luôn đi chót. Ra bãi tập như bài trung đội tấn công chẳng hạn, huấn luyện viên cắt ngang, thằng nào đứng chót làm Việt Cộng. Nên lùn lại lời. Nằm phè, ở trần dưới bụi cây, hút thuốc vặt, hay ăn sinh tố bọc trên đồi… chờ trung đội tấn công lên! Chạy lúp xúp lên đồi mệt thấy bà tiên tổ! Súng M16 bắn đạn mã tử nổ đì đẹt. Về thông nòng, chùi súng thấy tía luôn! Tui bèn ‘cọp dê’ nó… đứng hơi sụm đầu gối, lùn xuống một chút… để phè! He he!)

Quân trường phát quân phục sao tui mặc vậy nên khi thi hành lịnh phạt là chạy vô ‘chambre’ ngồi trên giường sắt, chỏng cẳng ra… là nó lấy hai tay kéo cái quần ra cái rẹt chưa tới 30 giây! Lại vác súng chạy ra trình diện Thiếu úy. Trên vẫn còn là áo lính mà dưới lại là… cái quần xà lỏn! Thiếu Úy, cán bộ trực ban, thấy mắc cười sao đó nên cho tui đi nghỉ sớm!

Còn cái thằng ‘tè’ bậy ở giao thông hào tối qua, quần áo nó sửa vừa khít nên loay hoay hoài, quần cởi không ra, nên vẫn còn tiếp tục bị phạt, hít đất, nhẩy xổm một, hai hoài! Thấy cũng tội nghiệp cho chiến hữu hơi ‘bị’ xui!

Thằng nầy còn nhiều chuyện vui lắm! Học bài trung đội phòng thủ là phải đào hố cá nhân! Mấy đứa ‘ma le’ chọn hố mấy khóa trước huynh trưởng đã đào, rồi lấp lại, nên cát mềm, mình chỉ xúc lên thôi cho đỡ cực. Đào xong, nằm dưới hố, nó chỏng cẳng quánh một giấc. Tối về, điểm danh đại đội sao thiếu mất một thằng. Cán bộ phải đích thân chạy Honda ra bãi kiếm, lôi chú lên để chở nó về!

Chiều áp lễ Giáng sinh, ngày 24 tháng 12 năm 1972, trường có tổ chức một buổi trình diễn văn nghệ cho các tiểu đoàn SVSQ xem. Thằng bạn cùng trung đội 242, Đặng Hữu Hiếu, giờ ở Sydney, làm trưởng ban văn nghệ! (kiêm quản ca, bắt nhịp mấy bài hành khúc, đường trường xa con chó nó tha con mèo, khi đại đội di chuyển trong khuôn viên nhà trường).

Chị của Hiếu là ca sĩ Đăng Lan, lúc đó cũng đang nổi như cồn trên radio, truyền hình với bài ‘Thương quá Việt Nam của Phạm Thế Mỹ’ Em nghe gì chăng hỡi em!..

Đặng Hữu Hiếu và Chung Văn Quảng được đi phép 48 tiếng, (cái nầy ngon vì quân trường phép tối đa chỉ có 24 tiếng mà thôi) về Sài Gòn chở trống, đàn lên và mời được mấy ca sĩ như: Đăng Lan, Thái Châu, Nguyễn Chánh Tín lên hát giúp vui.

(Ở đây xin mở ngoặc một chút về chuyện đi phép. Số là khi học lý thuyết về địa hình, đại úy huấn luyện viên có ra một câu đố, ai trả lời trúng được thưởng 24 tiếng phép, về thăm ‘me và bố’ hay bồ nếu có. Thằng nào cũng ngớ, vậy mà thằng Lê Trung Tuấn giơ tay lên, trả lời trúng phóc. Lúc trở vô, hỏi: Thấy lúc nghe giảng bài, mầy cứ gục gặc cái đầu mà ngủ gục không hà! Sao biết câu trả lời hay vậy? Nó cười hè hè nói:“Cha đại úy huấn luyện viên đó là chú của tao!”)

Chị Đăng Lan kêu đứa nào đi kiếm bột mì tinh rắc lên sân khấu cho trơn trơn, để một chút khi hát chị đòng đưa qua lại theo điệu nhạc mà không bị vấp. Tui là Tổ trưởng Vui sống của tiểu đoàn, xếp luôn của ban Văn nghệ và ban Báo chí nên đóng vai trò sắp xếp chương trình, ai hát trước, ai hát sau? Hát bài gì cho ban nhạc nó biết mà chuẩn bị rao đờn. Bây giờ gọi là MC đó!

Mở đầu chương trình là lính hát lính nghe. Thằng Chung, gốc Bắc 54, cây nhà lá vườn của đại đội nhưng giọng hát của nó thôi thì lâm li bi đát… lúc thầm thì kể chuyện:

Nàng có ba người anh đi quân đội lâu rồi. Nàng có đôi người em có em chưa biết nói. Tóc nàng hãy còn xanh. Tôi là người chiến binh xa gia đình đi chiến đấu. Tôi yêu nàng như yêu người em gái tôi yêu…
Rồi vui tươi, cửng cửng khi cưới vợ! Cưới vợ mà cưới được người mình yêu là vừa vui mà vừa sướng nữa! Nhạc chuyển qua hành khúc. Quảng, bass; Hiếu, lead guitar, giựt giựt…

Ngày hợp hôn tôi mặc đồ hành quân. Bùn đồng quê bết đôi giầy chiến sĩ. Tôi mới từ xa nơi đơn vị về. Tôi mới từ xa nơi đơn vị về. Nàng cười vui bên anh chồng kỳ khôi. Thời loạn ly có ai cần áo cưới. Cưới vừa xong là tôi đi.
Rồi lại thầm thì tâm sự:

‘Từ chốn xa xôi nhớ về ái ngại. Lấy chồng chiến binh mấy người trở lại. Mà nhỡ khi mình không về. Thì thương người vợ, bé bỏng chiều quê. Nhưng không chết người trai chiến sĩ.Mà chết người gái nhỏ miền xuôi...
Thiệt là trái ngang! Người dễ chết lại không chết mà:

Hỡi ôi! Tôi về không gặp nàng. Má ngồi bên mộ vàng. Chiếc bình hoa ngày cưới. Đã thành chiếc bình hương. Nhớ xưa em hiền hoà. Áo anh em viền tà. Nhớ người yêu mầu tím. Nhớ người yêu mầu sim. Giờ phút lìa đời. Chẳng được nói một lời. Chẳng được ngó mặt người... Rồi mùa thu trên những dòng sông. Những dòng sông làn gió thu sang. Gió rờn rợn trên mộ vàng… À ơi ! Áo anh sứt chỉ đường tà.Vợ anh chết sớm, mẹ già chưa khâu.
Đồi tím hoa sim... Đồi tím hoa sim…trong ‘Áo anh sứt chỉ đường tà!’ Phạm Duy phổ thơ bài ‘Màu tím hoa sim’ của Hữu Loan và câu ca dao, mở đầu chương trình. Thằng Chung hát thì khỏi chê rồi nên khi dứt bài nó giơ tay lên chào kiểu nhà binh! Dẫu gì cũng là sinh viên sĩ quan trường bộ binh Thủ Đức chớ bộ nên chào kiểu gặc gặc đâu có được!

Liên đoàn trưởng sinh viên: Đại tá Lộ Công Danh vỗ tay. Còn khán giả, mấy tiểu đoàn khóa sinh đàn em (lúc đó khóa 4/72 đã là siêu huynh trưởng rồi! Nghĩa là hỏng ngán thằng nào hết! Trừ cán bộ! He he!) hoan hô huýt sáo rầm rĩ. Vui như Tết ‘ta’ tới!

(Bộ Chỉ huy trường lúc bấy giờ: Chỉ huy trưởng mang lon Trung tướng: Phạm Quốc Thuần. Tham mưu trưởng chỉ mang lon Trung tá: Đào Đức Chính. Nhưng Trung tá nầy lại là xếp của Đại tá Lộ Công Danh? Cũng ngộ hé!)

Đến phiên  Nguyễn Chánh Tín! ‘Chú Tín’ mặc đồ vía, mang đôi giày cao cổ, có hai cái bánh xe nho nhỏ, làm đồ trang sức trên gáy đôi giày như cao bồi của Mỹ vậy! Hát bài: ‘Vết thù trên lưng ngựa hoang” của Phạm Duy và Ngọc Chánh thì phải mặc đồ như cỡi ngựa là đúng quá xá rồi!
Tuy sân khấu có bậc tam cấp bằng gỗ để bước lên, cao chưa tới một mét. Đang ngồi hàng ghế đầu, dành cho ca sĩ và quan lớn… nghe giới thiệu tên mình, ‘chú em’ bèn phóng lên một cái rẹt. Xui cái là nền sân khấu có rắc bột mì tinh rồi nên trơn, ‘chú’ té xoạt cẳng, thiếu điều rách cái quần ‘chiến’, nằm một đống! Trong cánh gà tui vội chạy ra đỡ dậy. Coi ‘chú’ có sao không?!

Đám sinh viên sĩ quan ngồi ở dưới cười ồ! Cũng như tui, đám bạn sinh viên sĩ quan nầy sẽ tốt nghiệp, sắp sửa lên đường ra mặt trận thì không ‘mặn mà’ cái đám trốn lính, hoãn dịch vì lý do gia cảnh hay học vấn gì ráo, để bám riết ở cái đất Sài Gòn. Đất nước lâm nguy thất phu hữu trách! Đi lính là đi hết ráo, cầm súng bắn ì đùng, đứa nào như đứa ấy mới thiệt công bình! Tụi mình sắp ra trận, sống chết tới nơi mà ‘y’ chơi: ‘Ngựa hoang nào dẫm nát tơi bời!’ Thì e hỏng có hợp thời… ‘trang’?!

Té đau thì ít nhưng quê hơi ‘bị’ nhiều, ‘chú Tín’ cầm cái micro, rống luôn cho mầy một hơi ba, bốn bản!

Chuyện hồi xưa, 42 năm rồi còn gì! Lúc đó đi lính sao mà vui quá xá!

Sau 75, hết hát mà là bi đát! Tù cải tạo về, tụi tui lại gặp ‘chú Tín’ trên truyền hình với loạt phim tuyên truyền:‘Ván bài lật ngửa!’ Thấy ‘chú’ móc súng ra, bắn bể hai cái bong bóng và nhẩy đầm cùng ‘em’ Thanh Lan. ‘Cha’ nầy hồi xưa trốn lính, làm sao biết cây Colt 45 mặt tròn méo ra sao nên giỏi lắm bắn bể hai cái bong bóng là cùng! Mà ngộ cái là thời nào cũng có ‘chú, thiếm’ nầy ló mặt ra hết trơn vậy ta?

Nhưng thôi! Tui có kể chuyện xưa, khều nhè nhẹ một chút, chớ không nhào vô phe tụi nó ‘quánh hội đồng’ khi nghe tin ‘chú Tín’ mới vừa khánh kiệt! Phải làm cái bang, ông đi qua bà đi lại đâu nhe!

Đời mà! Xưa nó nhờ cái mã đẹp trai của ‘chú’ để tuyên truyền. Giờ ‘chú’ chỉ còn đẹp lão! Xài đâu có vô được chỗ nào. Vắt chanh là phải bỏ vỏ! Chớ hỏng lẽ tụi nó bỏ vô mồm… mà nhai luôn! The lắm!

Rồi ra trường,  mỗi thằng đi mỗi ngã. Vũ Đình Trường! Chí tang bồng hồ thỉ anh quì xuống! Đứng lên! Thành chuẩn uý! Xa Thủ Đức! Anh lên đường ra chiến lũy! Từ biệt em rồi! Anh vẫn nhớ Tuyến B!

(Thảng hoặc có gặp vài thằng bạn cũ chung tiểu đoàn 2. Có đứa được qua cảnh sát, mang lon thiếu úy; vì cảnh sát không có lon chuẩn úy như Thiếu úy Nguyễn văn Khanh, trưởng cuộc xã Bằng Tăng, Ô Môn, Cần Thơ… sau về Giám Sát Viện Vùng 4, nhà ở Cầu Hàn, Tân Thuận. Lên Web tìm thì thấy thằng Đặng văn Đời, thằng Đa, thằng Hồ Tấn Lạc. Lạc ơi! Mầy có nhớ những ngày tao với mầy và thằng Hồ Tuấn Kiệt đi chiến dịch hiệp định Paris ở Tân Phú Trung, Bình Đại, Kiến Hòa năm 73 không? Tối mầy binh sập xám ăn ‘cha’ Chủ tịch hội đồng nhân dân xã luôn cây Colt 45. Sáng ‘chả’ về ăn cắp tiền vợ chung cho mầy để chuộc lại cây súng làm vật hộ thân và đeo lấy le chơi! Giờ biết bạn hiền xưa phiêu bạt tận phương nào?)

Còn trường Bộ Binh Thủ Đức cũ của chúng tôi đã kiên cường chiến đấu cho tới 10 giờ 20 phút ngày định mệnh 30 tháng 4 năm 75, khi Tổng Thống Dương Văn Minh ra lịnh đầu hàng mới đành buông súng. Đại Úy Trác, tiểu đoàn trưởng xưa, nghe lịnh bàn giao… đầu hàng… mà khóc nức nở!

Nhà thơ Thanh Nam từng viết:

“Một năm người có mười hai tháng.
Ta trọn năm dài một tháng tư!”
Tháng 4 lần nữa lại về trên quê người viễn xứ! Đốt lò hương cũ đọc thơ xưa!

Ơi hỡi quê hương bè bạn cũ.
Những ai còn mất giữa sa mù.
Mất nhau từ buổi tàn xuân đó…
39 năm từ buổi tàn xuân đó! Hồi ức nầy để tưởng nhớ những người bạn trường Bộ Binh năm ấy có nhiều đứa đã ngã xuống ở chiến trường. Và cũng để thăm hỏi những anh em mình, đã qua tuổi 60 rồi, mà vẫn còn làm thân lưu lạc!

Nhưng: “Mưa nào mà không tạnh phải không? Hỡi mấy thằng bạn cũ của ta!”

đoàn xuân thu.
(4/72 SQTBTĐ)
melbourne.
Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.




0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.