Monday 24 March 2014

Tháng Ba đường về tử lộ



Tháng Ba sắp hết... và tháng Tư đang lù lù đến.
Tháng này và tháng sau, người Việt mình ngậm ngùi nhớ lại chuyện xảy ra trên quê hương chúng ta vào năm 1975.
Năm ngoái, blog Việt Luận sưu tập chuyện xảy ra trong hai tháng Ba và tháng Tư năm 1975. Năm nay, để nhớ lại chuyện năm xưa, blog Việt Luận xin được sưu tập chuyện thương tâm, thống khổ và đứt ruột của người mình cách đây 29 39 năm. (0)
Og3t và blog Việt Luận đã gởi thơ xin nhà thơ Bắc Phong – lo thư viện Sáng Tạo (SangTao.org) và tác giả Đỗ Xuân Tê tại t.vấn & bạn hữu (t-van.net) được đăng lại bài thật hay, thật thống khổ sau đây và được cả hai đại huynh rộng lượng gật đầu.
Xin chép lại meo og3t cám ơn hai đại huynh:
Og3t miệt dưới xin cám ơn hai đại huynh.
Đại huynh Bắc Phong vì...
túa ra từ bụng trống đồng
trăm con chim lạc chim hồng vút bay (1)
... mà nhọc công chuyển thơ giúp og3t quê mùa này.
Đại huynh Đỗ Xuân Tê không ngại "chữ nghĩa làng văn" (1) miệt dưới thô thiển mà gá bồ chữ nghĩa cho kẻ hèn này.
Xin cám ơn nhiều nhiều lắm.
Og3t
(0) Cám ơn anh Ben Trần.
(1) Thơ Bắc Phong
(2) Tên loạt bài của Đỗ Xuân Tê

Đỗ Xuân Tê::
Di tản
(hình đăng tại t-van.net)

Tháng Ba lại về tôi bỗng nhớ Bài thơ tháng Ba của trung úy Nguyễn Văn Kỳ Sơn (bút hiệu thylanthảo), một sĩ quan CTCT đóng tại thượng nguồn sông Đăkpla, Kontum. Anh là nhân chứng cuối cùng và là người lính đồng hành với cái gọi là ‘Tây nguyên tháo chạy’, khởi đi từ lúc bỏ ngỏ Kontum, dồn về Pleiku rồi theo đoàn người vừa lính vừa dân (dân ít lính nhiều) dồn cục trên một con đường độc đạo để tìm về sinh lộ. Lòng dạ của họ ra sao, hãy nghe tâm tình của những người lính trẻ,

Lệnh bỏ quân đoàn thật nhẫn tâm
Quân dân ứa lệ máu tuôn dầm
Cùng nhau nương bước tìm sinh lộ
Đường trơn đẫm máu hướng về Nam…
Sinh lộ được các nhà quân sự Vùng 2 trong cơn hoảng loạn dựa theo bản đồ đã chọn đã chọn tỉnh lộ 7 băng qua rừng già nối liền Pleiku với đất Tuy Hòa vốn là anh em với đường 9 nam Lào từng bị lãng quên trong thời chiến bỗng trở thành tử lộ và là mồ chôn của bao oan hồn sau ngày 13 tháng 3. Cứ như nhà thơ ghi lại,

Tháng Ba…Dân lính thây như rạ
Con lộ 7B oán thấu trời
mười đi, hai tới, ba èo uột
Vua nỡ bỏ quân…khóc hay cười!!
Vua nỡ bỏ quân, khóc hay cười? Chuyện khóc hay cười khởi đi từ một cú điện thoại của ‘Vua’ tức Tư lệnh tối cao Nguyễn Văn Thiệu từ Nha Trang gọi cho Thiếu tuớng Phạm Văn Phú, tư lệnh quân đoàn 2 trước đó ít ngày. Sau khi mất Ban mê thuột, đã có lời đồn thổi người ta sẽ bỏ Pleiku-Kontum như một phương án ‘di tản chiến thuật’, cho nên khi đã quyết định TT Thiệu cùng đại tướng Cao Văn Viên và bộ tham mưu cấp cao ra Nha Trang xem xét tình hình và ra lệnh trực tiếp. Có điều lạ là không có tướng Phú tham gia, dù là địa bàn bỏ ngỏ sẽ là vùng đất của ông. Chuyện này để các nhà viết sử tìm hiểu.

Thiếu tướng Phạm Văn Phú (1929-1075)
(Hình đăng tại SangTao.org)
Theo một nhân chứng gần gũi với Bộ tư lệnh quân đoàn thì có nhân vật lúc đó đang ở văn phòng Tướng Phú khi ông này nhận điện thoại, sau này tiết lộ với đàn em thân cận khi qua Mỹ mà chẳng cần úp mở là vị tướng tư lệnh sư đoàn 6 không quân (bản doanh đóng tại Pleiku).

Ông cho biết là không hiểu qua đường dây Tông Tông nói gì, nhưng về phần tướng Phú thì chỉ thấy, “dạ, dạ, dạ…” tuyệt nhiên không có ý kiến hoặc ngôn từ hồi đáp. Cuộc điện đàm ngắn gọn, ngay sau đó bằng một động thái không được bình tĩnh ông cho họp các tư lệnh và chỉ huy cốt cán thông báo lệnh của Tổng thống là ‘di tản ngay và bỏ ngỏ vùng 2’.
Cũng cần nói tướng Phú vốn có tiền sử là một người trung thực, ít nói, từng chiến đấu trong một đơn vị Dù của Pháp, tuyệt đối trung thành theo lệnh thượng cấp, nhưng cá nhân thì không sợ chết và chẳng bao giờ biết chữ đầu hàng. Cũng từ đàn em của ông, cũng là người bạn của tôi đã kể một giai thoại khi ông mới về nhậm chức Tư lệnh vùng 2, như thấy trọng trách mình quá nặng, ông đã thân tình cởi mở với thuộc cấp, đa phần là sĩ quan trẻ (cấp tá) trong bộ tham mưu của ông, ‘anh ít được học hành nhiều/các em được đào tạo cao hơn anh/cố giúp anh hoàn thành nhiệm vụ tổng thống giao cho anh’. Nghe xong tôi ngưỡng mộ ông từ ngày ấy và thầm nghĩ ông được cất nhắc và tiến nhanh trong binh nghiệp chính vì các tố chất này.

Cho nên những người hiểu ông cũng chẳng cần thắc mắc tại sao chỉ có những tiếng ‘dạ’ ngắn gọn mà lẽ ra là tư lệnh ông hiểu phải có thời gian chuẩn bị, không thể một sớm một chiều đưa cả một đại đơn vị cả chục ngàn quân chưa kể dân tình nhớ Tết Mậu Thân cũng sẽ ăn theo trong cuộc di tản. Chính vì sự chấp hành một chiều theo lối quân giai đã đưa ông vào những sai lầm chiến thuật khi vội vàng chọn con lộ 7 để rút quân.

Văn Tiến Dũng cũng ngỡ ngàng vì không ngờ tướng Phú rút nhanh và càng khó hiểu sao người đối địch lại chọn con số 7 vùng tử địa chưa được khai thông thay vì con số 9, quốc lộ huyết mạch nối liền cao nguyên với biển? Có giả thuyết đi qua đường 9, sẽ là đi vào cửa tử vì lực lượng của Cộng sản đang đón ta ở đây, nên giải pháp băng rừng tạo yếu tố bất ngờ vẫn là phương án ít đổ máu.

Chuyện không bàn ở đây, chỉ biết kết quả bi thảm do bế tắc về tiếp vận, xăng nhớt, nước uống, đường xấu, cầu gẫy, xe cơ giới, vận tải ách tắc, cũng lại bất ngờ là quân cộng sản pháo kích như mưa, quân dân tản lạc mạnh ai nấy chạy, cho nên ai có xe Honda và đủ nuớc thì lại an toàn đến được đất hồi sinh. Chuyện kể có một anh lính BĐQ ỷ mình có thể tìm được nguồn nước trên đường đi đã bán bi-đông nước để lấy một cây vàng cho một thương gia khi ông này năn nỉ. Anh đã chết khát trước khi đoàn người về được Tuy hòa.
Nay thì mọi sự đã thuộc về lịch sử, nhưng nỗi ray rứt của người sĩ quan trẻ vẫn còn vẳng vọng đâu đây,

Ngày 13 tháng 3 ta không quên
Máu xương của lính biết ai đền
Hoang mồ rải rác trên cùng khắp
Tử sĩ hồn oan không tuổi tên…
(*) Cũng cần nói thêm, Tướng Phạm Văn Phú đã ở lại Sài-gòn. Sáng 30-4 trước giờ Dương Văn Minh đầu hàng, ông đã tự vẫn bằng thuốc độc (theo gương cụ Phan Thanh Giản khi mất thành)

Đỗ Xuân Tê

Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.



1 comment :

  1. Og3t ơi trong phần giới thiệu bài nầy, ông dã ghi nhầm...." cách đây 29 năm" . Đúng ra là 39 năm ?

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.