Friday 27 December 2013

Người cô đơn đêm Giáng Sinh























Đây là câu chuyện thật của mùa Giáng Sinh năm 2004,
chỉ có tên chàng phi công trẻ đã được thay đổi…

B. Trần::

Cũng như mọi người, hai tuần trước Giáng Sinh tôi cũng bận bù đầu. Làm việc overtime suốt để giải quyết công việc không cho tồn đọng lại ngày hôm sau. Chiều ngày 24/12 tôi về đến nhà khoảng 4 giờ chiều. Nằm dài trên sofa, nhắm mắt một tí… được nửa giờ hay một giờ cũng tạm khỏe để tối nay nhâm nhi suốt sáng cùng các bạn.

Bảy giờ tối chuông điện thoại nhà reo vang. Thằng con út tôi vội vàng trả lời, tôi nghe tiếng trả lời xầm xì, xong nó chuyển điện thoại qua tôi.
- Ai vậy con? Úc hay Việt?
Tôi tò mò hỏi trước khi tiếp điện thoại.
Thằng con tôi ngần ngừ trả lời:
- Nửa Úc nửa Việt…
Tôi vừa cầm ống nghe trả lời: Hello… Đầu giây bên kia lên tiếng trước:
- Chào anh, em là Đan, Đan… không quân Mỹ…
Giọng chàng trai trẻ làm tôi chực nhớ ngay anh chàng lần trước tôi đã “gặp”. Thật sự thì tôi đã gặp; không phải gặp trên mạng, không phải gặp ngoài phố, không phải gặp trong dịp tiệc tùng cưới hỏi nào đó, mà thuần túy gặp trên điện thoại.

Lonely this Christmas
(Hình www.4sharedmp3skull.com)
Lần trước Đan, chàng trung úy phi công trẻ, vì công tác, bay từ Okinawa sang Úc Châu phải đáp lại phi trường quân sự gần nhà tôi ở. Chàng phải ở lại phi trường nầy hai ngày một đêm. Không thân nhân không bạn bè nơi xứ lạ, chàng chỉ lục lạo trong niên giám điện thoại tìm các tên mang họ Việt Nam. Tìm nhưng không cần tới gặp. Tìm chỉ để điện thoại, tâm sự, tán gẫu, giải sầu… Đan nói tiếng Việt cũng khá rành nhưng thỉnh thoảng phải chen vào tiếng Anh. Càng nói nhiều chúng tôi cảm thấy thân thiết hơn và Đan cho tôi biết cuộc đời riêng tư của chàng nhiều hơn…

“…Sáu giờ sáng ngày 30/4/75 anh Hai lái xe về nhà tìm ba má. Ba má không ở nhà, anh Hai em liền bốc em thảy lên xe jeep chạy thẳng vô phi trường. Lúc đó em khoảng 8 tuổi,em nào biết đi đâu. Lần đầu tiên đi máy bay em vui mừng vô cùng. Cảm giác lâng lâng bay bổng. Đoàn trực thăng bay hướng về miền Tây. Phi cơ chưa đáp xuống phi trường Cần Thơ đã nghe tin Tổng Thống ra lệnh đầu hàng. 

Lần đầu tiên trong đời Đan chứng kiến anh Hai khóc và các bạn anh cùng khóc và chửi thề ỏm tỏi trong phi cơ. Anh Hai và các bạn anh quyết định tức thì, đổi hướng bay ra Đệ thất hạm đội ngoài biển Đông.

Ba tháng sau, Đan và người anh đặt chân đến Mỹ như một người tỵ nạn. Vì miếng cơm manh áo anh của Đan phải di chuyển chỗ ở luôn. Anh Hai phải đi từ tiểu bang nầy sang tiểu bang khác. Đan được một gia đình người Mỹ nhận nuôi. Xong trung học Đan lại thích theo nghề bay bổng như người anh khi xưa. Đan vào quân đội, thi đậu vào ngành không quân.
Mùa Giáng Sinh năm 2004, tôi còn nhớ như in đêm 24/12, Đan lại điện thoại cho tôi để tâm sự. 

Sau vài phút chuyện vãn, Đan than thở, em buồn không biết đi đâu, không ai nói chuyện, tôi hỏi:
- Bây giờ em đang ở đâu? Nếu em đang ở phi trường Williamtown tôi sẽ đến chở em về nhà và cùng uống bia vui chơi đón Giáng Sinh cùng với gia đình tôi. Từ nhà tôi tới đó, lái xe chỉ mười phút thôi…

Ngập ngừng giây lát tôi nhận được câu trả lời từ Đan:
-Không được anh à, em đang bị kỷ luật, em không được ra khỏi đây. Em chỉ được quyền xử dụng điện thoại liên lạc với người thân bên ngoài… Em đi ra ngoài là gặp “big big trouble….” đó anh, anh có rảnh cứ ngồi nói chuyện với em cho đỡ buồn…

Tôi xúc động quá, chợt nhớ những lần trước, bốn tuần trước khi Đan điện thoại tôi, chàng ta cũng từ chối khi tôi đề nghị tới đón chàng ra ngoài vui chơi cuối tuần. Lần ấy Đan không cho tôi biết chàng ta đang bị phạt hay không.

Phi trường Williamtown nằm ở phía bắc thành phố Newcastle. Ngày xưa là phi trường quân sự, bây giờ được phát triển lớn ra, phía bên trái làm phi trường dân sự, bên phải được phát triển lớn ra thành một căn cứ rất tân tiến cho các phản lực cơ FA18. Cổng trước vào phi trường quân sự có đội quân cảnh kiểm soát rất nghiêm ngặt. Đan đâu dễ gì trốn ra ngoài đi chơi được.

Lần nầy nói chuyện hơi thân thiết, tôi hỏi tiếp:
- Em làm gì mà bị phạt vậy?
- Thì uống rượu, đánh lộn, đời lính mà anh. Buồn chán chỉ có rượu giải sầu thôi. Bây giờ tụi nó liệt em vào A A rồi (Alcohol Addict).
- Đang công tác mà uống rượu được sao?
- Được chứ anh, đang bay mà vẫn uống rượu được nữa đó!
- Em nói thiệt hay nói giỡn? Đang bay uống rượu có còn tỉnh táo để điều khiển máy bay không?

- Em nói thiệt đó, lúc mới ra trường em lái trực thăng. Vì “ba gai” quá tụi nó không để em lái nữa, chuyển qua công tác với máy bay vận tải loại lớn C130. Qua công tác bên nầy gặp nhóm bợm còn uống dữ nữa. Anh biết, loại vận tải cơ C130, bay đường xa: Mỹ qua Okinawa bên Nhật, qua đảo Guam, qua Úc… Mỗi lần bay, nhóm phi công có 5 người trên máy bay. Thằng nhóm trưởng là đại úy, nó cũng uống mà uống rất ít vì nó chịu trách nhiệm toàn bộ. Khi máy bay cất cánh xong, lên đúng độ cao, đúng hướng là thằng phi công trưởng “set up” auto pilot. Để máy bay tự động bay, chỉ lâu lâu quay lại phòng lái kiểm soát chút ít. Bốn năm thằng ngồi xuống đánh bài và uống whisky. Một hai tiếng trước khi đáp xuống là thằng đại úy tịch thu hết rượu khóa lại…

- Khi tới nơi có bị phát hiện uống rượu không?
- Lúc có lúc không anh ạ, lần nầy em bị phạt đến ba tháng lận, công tác bay đi đâu thì đi, khi đến nơi không được ra khỏi cửa căn cứ không quân. Em bị phạt hoài không thể thăng cấp được. Anh biết? Em mang cấp bậc trung úy nầy bảy năm rồi, không nhúc nhích, không lên lon nổi… Anh biết không? Quân cảnh Mỹ ở Hawai, quân cảnh ở Guam, quân cảnh ở Okinawa đều biết mặt tụi em vì uống rượu vô rồi quậy. Hễ lần nào ba thằng em vô club uống rượu là có chuyện và quân cảnh chở về.

- Rồi tối nay mấy thằng kia đâu rồi? Nó cũng bị phạt giống như em hả?
- Thằng đại úy và thằng kia bắt taxi đi ra phố chơi rồi. Còn em và hai thằng bạn bị “cầm chân” ở lại trong căn cứ nầy. Xài điện thoại gọi trong nội địa tự do. Hai thằng kia cũng chưa có vợ con, tụi nó xài cell phone gọi về ba má, thân nhân tụi nó.
- Em có gọi về Mỹ không?

Giọng Đan trầm xuống nghẹn ngào:
- Em không biết em còn có ai, mấy năm trước em gặp người quen bên Mỹ cho em biết anh Hai em đã ly dị, ảnh ghiền casino và bây giờ là sống homeless, hiện tại không biết nơi nao mà liên lạc. Mẹ nuôi người Mỹ đang sống nơi viện dưỡng lão đã không còn trí nhớ nữa rồi.
- Vậy có điện về Việt Nam để chúc mừng ba má bên bển không?
- Không anh à, ba em đã mất trong trại cải tạo! Mẹ em quá buồn khổ cũng mất hai năm sau đó.

Ngưng nói độ vài phút xong tôi nghe giọng nói hơi nghèn nghẹn nơi mũi chắc em đang khóc.
-Chào anh nhe, em điện lại anh ngày mai nhe…
Nghe đến đây tôi hơi hối hận vì đã hỏi em nhiều về gia đình em… đã gợi lại những vết thương đang mưng mủ nơi em... Gác điện thoại xong, tôi ngồi thẫn thờ…

Mọi người đều cần có một tổ ấm, mà em không còn một tổ ấm nào. Em trở thành người tứ cố vô thân từ năm tám tuổi. Lớn lên cũng có bạn, bạn nơi làm việc, bạn nhậu không phải là tổ ấm. Không thể thay thế cho tổ ấm gia đình. Có lẽ đó là lý do sâu xa đẩy em vào con đường nghiện rượu…

Mùa Giáng Sinh người Tây phương cũng thường dùng chữ “Season’s Greetings”, tự nó nói lên một ý nghĩa rất hay. Mùa để các người thân yêu trở về gặp gỡ nhau, để tình yêu thương được hâm nóng được nẩy nở hơn…Người bạn trẻ, người mà tôi chưa bao giờ gặp mặt, đang chơi vơi giữa dòng đời, đang thật sự cô đơn không biết khi nào bạn mới có cơ hội có một tổ ấm để đến, để được yêu thương.

Kể từ sau Giáng Sinh 2004, em đã không điện thoại lại tôi lần nào nữa. Hy vọng em đã có và sẽ có những Season’s Greetings đẹp đẽ.
Ben Trần

Giáng Sinh 2013

Lang thang trên mạng:






Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.

1 comment :

  1. Thu Cúc (Sydney)27 December 2013 at 22:38

    Bài hay và thật cảm động anh Ben. Tôi cũng hy vọng người bạn trẻ nầy sẽ có những Season's Greetings đẹp đẽ trong tương lai...

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.