Tuesday 12 November 2013

Những đặc sản "nông - lâm sản" của người dân Quế Sơn, Quảng Nam




Hà Hoàng Vỉnh Lạc ::

Trước tiên xin mời quý vị cùng tôi về thăm vùng QUẾ SƠN, QUẢNG NAM nơi quê hương nghèo khó của tôi mà người ta thường hay nói" Xứ đồng khô cỏ cháy hoặc xứ chó ăn đá, gà ăn muối ". Xin vui lòng nếm thử bằng sự tưởng tượng của quý vị qua lời diễn giải của tôi. Trước hết tôi xin giới thiệu món "KHOAI LANG" (SWEET POTATO).

Củ khoai lang
(Hình ThamMyHongNgoc.com)
Nói đến khoai lang chắc chắn người dân Việt Nam từ thành phố đến thôn quê là không một ai không biết, kể cả những em bé từ bốn, năm tuổi trở lên.

Theo tôi nghĩ những người ở nơi phồn hoa đô hội hay những người chính gốc từ Quy Nhơn trở vào. thì chỉ biết một cách đơn thuần là khoai lang được nấu chín để ăn cho vui miệng hay thay đổi món ăn vặt hàng ngày thôi. Họ đâu có biết được những công dụng của khoa lang mà người dân ở quê tôi đã chế biến ra được nhiều kiểu món thực dụng và, đã từng giúp đời sống của người dân quê nghèo khổ của tôi qua những cơn đói lòng vì thiếu thốn lúa gạo. Tôi tin chắc rằng bất cứ ai đã từng là dân kỳ cựu sống ở quê tôi, từ hàng địa chủ, phú nông… cho đến hạng tá điền, bần cố nông… thì cũng không thể nào không thưởng thức đến những món do từ khoai chế biến ra.

Khoai lang được trồng bằng dây cắt đoạn, độ hai gang bàn tay, phần nhiều ở quê tôi người dân trồng trên đất thổ hay đất gò, có nhiều nhà trồng khoai lang, khi thu hoạch nếu được mùa cũng ba, bốn tấn. Trước khi đặt dây khoai xuống người ta cày đất, cứ khoảng năm đường cày là một hàng đổ phân bò, trâu hay heo vào chính giữa rồi cắt lá cây bỏ lên trên, xong hai người đứng hai bên lấy cuốc kéo đất lấp lại thành hàng cao. Những người đàn bà thì trồng dây khoai đặt khoảng cách hơn một gang bàn tay, thường thường trồng vào khoảng tháng bảy và tám âm lịch. Có những năm trời hạn hán phải ra sức gánh nước tưới, được một tháng rưỡi dây khoai bén ngọn, thì phải cho bò cày mỗi bên một đường để bón phân thêm vào. Độ hai tháng trở lên ở ngoài Trung lúc đó trời đã vào mùa mưa thì cũng là lúc bắt đầu người dân hưởng thụ trước tiên là ngọn rau lang non. Người ta không những ngắt về ăn mà còn bó lại từng lọn đem xuống chợ bán. Bà con hãy cùng tôi ăn ngọn rau lang non luộc nhé ! Tuyệt vời bà con ơi ! Rau đem về lặt kỹ rửa sạch sẽ, nồi nước bắt lên bếp cho nước vừa sôi lên bỏ ít muối vào để giữ cho rau xanh không bị bầm. Đợi nước thật sôi, bỏ rau vào luộc, dùng đũa trở đều rau, xong đổ ra rổ cho ráo. Không có gì thích thú cho bằng, mùa mưa miền Trung mà ăn cơm nóng với ngọn khoai lang luộc vừa ngọt, vừa giòn chấm mắm nêm, mắm ruốc trộn gừng, ớt cay. Ôi chu choa! hết ý hết ý. Khi dây khoai lang bò xuống hàng thì lại cắt về xắt cho heo ăn và bó lại từng lọn đem xuống chợ để bán lấy tiền mua thứ khác.


Rau lang
(Hình PhotoBucket.com)
Đến tháng giêng, tháng hai âm lịch mùa này dân nông ở quê tôi rất là bận rộn vì trùng với mùa mía đường, ai thu hoạch khoai thì thu hoạch, ai làm mía đường thì mượn hay thuê người làm, tùy mỗi nhà quyết định. Khi thu hoạch khoai người dân cắt trụi dây khoai, hoặc đem về để dành cho bò, trâu ăn, hay phơi khô lá cất lại để dành sau nấu cho heo ăn. Trong lúc thu hoạch, có mấy người đi theo hàng khoai đã được cày, lượm khoai còn sót lại, dồn bỏ vào đôi rổ phân gánh về nhà. Khoai thu hoạch được, sau đó đổ đại ngoài sân hoặc nhà ai rộng thì đổ trong nhà rồi xúm xít nhau lặt dây sạch sẽ và phân loại lớn, nhỏ để riêng ra. Khoai lớn để thời gian ráo mủ thì đem ra giếng rửa sạch đất rồi đem vào để xắt lát trên cái bàn người ta đóng có lưỡi dao và một cán dài đẩy tới đẩy lui, dưới bàn để một cái rổ, khi đã đầy rổ thì đem ra đổ ngoài sân gạch hoặc đem qua núi có những tảng đá bằng phẳng lớn để phơi. 
Loại khoai này thường người ta nói khoai lát ghế (độn) với gạo. Nhưng trong thực tế những người nghèo quê tôi họ trộn gạo với khoai tức là một phần gạo hai ba phần khoai. Khoai lát còn được nấu với đường bỏ thêm đậu phộng, hoặc đậu đen, xanh, đỏ thêm ít quế vào thiệt là“Ngọt ngào tình quê Mẹ"; đi học, đi làm gì ở đâu mà mang theo để ăn thì tiện lợi biết bao. Còn những loại khoai vàng ruột (chứ không phải loại tím) thì nấu chín bằng nồi đồng lớn, hay người ta gò một cái thùng lớn bằng nhôm. Loại khoai này dẻo xắt lát phơi khô để dành đi đâu hay lúc buồn buồn đem ra mà nhai còn bổ ngon hơn nhai kẹo cao su nữa.

Ngoài ra còn loại khoai trung và nhỏ thì bỏ vào nồi nấu. Đến khi khoai chín thì đổ vào cái nong đan bằng tre dùng phơi lúa, khoai, hai bên để hai cái bồ cào bằng tre hay sắt, hai người xạc qua, xạc lại cho đến khi nát nhỏ ra thì lại xúc đổ ra các nong khác phơi cho héo (hơi khô,) thì đem vào bỏ trong cối đá giã gạo, giã nhuyễn rồi xúc ra, cho vào cái rổ sảo cũng bằng tre lấy tay chà qua chà lại cho nó lọt xuống, mới đem đi phơi cho khô. Tùy theo nắng nhiều hay ít, có khi phải hai ba ngày mới khô hẳn. Coi như đã xong xuôi, sau đó gom tất cả đem sàng lại để phân loại: khoai chà lớn và khoai chà bột, rồi đem đổ riêng trong ghè hoặc trong lu theo từng loại. Ở quê tôi thời đó người ta nấu đường tán đổ trong cái chén hay chôn trong khoai chà lâu ngày khoai chà ngọt, mà đường rút mật, bán được giá lắm.

Khoai lớn được ăn rất giản tiện, bất cứ lúc nào cảm thấy đói bụng thì làm liền, tùy mức đói nhiều hay ít… có người ăn một tô, có người ăn một chén, dở ghè ra xúc một tô khoai chà lớn, cho nước lạnh vừa ngập nước chừng 4 phút khoai nở ra thì chắt nước cho ráo, xong ăn. Muốn ăn với dưa gan muối trộn với ớt, tỏi, nước mắm ngon. Nghệ thuật hơn thì rang đậu phộng giã dập cho nhuyễn xong trộn vào... ngon khỏi nói nữa.

Khoai bột nhỏ ngoài cách ăn giống như khoai chà lớn, thì nó còn một cách khác là trộn với đường nấu tới độ dẻo, trộn thêm gừng hay quế vào, xong cho vào cái hộc giống như hộc làm bánh nổ vậy, đóng cho chặt rồi đem ra phơi vài ba nắng cho cứng lại, đem vào bỏ trong ghè đi đâu cũng mang theo vừa ăn ngon vừa tiện lợi cho kinh tế nữa.

Quế Sơn, Quảng Nam quê hương tôi, xứ đồng khô cỏ cháy, chỉ có khoai lang quê mùa xấu xí vậy mà dân làng chúng tôi đã chế biến ra biết bao nhiêu cách để vừa ăn, vừa dự trữ, vừa chăn nuôi,... Và đã giúp cho những người dân nghèo khổ của quê tôi thoát khỏi tai ương hạn hán với bao năm tháng thiếu gạo, thiếu cơm. Hôm nay có được cuộc sống đủ đầy như thế này, ngồi viết chuyện làng quê tôi, lòng không thể bùi ngùi xót thương những ai còn ở lại.

Hà Hoàng Vỉnh Lạc
Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.



0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.